Giao dịch chứng khoán chiều 12/3: Thị trường phân hóa, cổ phiếu nhỏ vào sóng

Giao dịch chứng khoán chiều 12/3: Thị trường phân hóa, cổ phiếu nhỏ vào sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi diễn biến thị trường phân hóa khiến VN-Index khó tìm lại sắc xanh, thì nhiều cổ phiếu nhỏ đang bước vào đợt sóng mới.

Nỗi ám ảnh với những phiên lao dốc mạnh khi thị trường tiệm cận vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm lại ùa về khiến giới đầu tư càng thận trọng hơn, tận dụng những nhịp hồi để chốt lời. Điều này càng làm cho VN-Index “mắc kẹt” hơn khi tiến sát ngưỡng kháng cự này.

Bên cạnh đó, diễn biến thị trường trong gần 1 tháng sau Tết Nguyên đán liên tục gặp sự cố nghẽn lệnh. Dường như thị trường chỉ giao dịch phiên sáng rồi cầm chừng đi ngang trong phiên chiều, càng khiến cho giới đầu tư bức xúc rồi chuyển sang trạng thái chán nản và dòng tiền dần chuyển hướng sang sàn HNX, UPCoM.

Phiên giao dịch chiều 12/3 cũng không có gì đặc biệt. Sau chưa đầy 30 phút giao dịch đi ngang trên mốc tham chiếu nhờ sự hỗ trợ của bluechip, chỉ số VN-Index đã đảo chiều về dưới mức 1.180 điểm.

Tại đây, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, “đến hẹn lại lên” nghẽn lệnh lại xẩy ra sau 13h30 khiến giao dịch diễn ra khá nhỏ giọt và chỉ số VN-Index cũng không còn động lực để bật lên mốc tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HOSE có 182 mã tăng và 280 mã giảm, VN-Index giảm 0,17 điểm (-0,1%), xuống 1.181,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 624,7 triệu đơn vị, giá trị 14.582,17 tỷ đồng, đạt xấp xỉ về khối lượng và giảm 3,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 29 triệu đơn vị, giá trị 1.368,56 tỷ đồng.

Sắc đỏ trong nhóm Vn30 cũng chiếm ưu thế khi có 16 mã giảm và chỉ 7 mã tăng. Trong đó, các mã BID, HDB, HPG, PDR, VRE chỉ nhích nhẹ, VPB tăng hơn 1% và SBT tăng tốt nhất với biên độ 4,8% lên 23.800 đồng/CP.

Trái lại, các mã lớn như VCB, VHM, VNM, TCB, CTG điều chỉnh nhẹ trên dưới 0,5%; KDH và SSI cùng giảm hơn 1,3%, đáng kể là GAS giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 với mức giảm 1,7% xuống mức 91.100 đồng/CP.

Trong khi nhóm bluechip giao dịch phân hóa và có phần thiếu tích cực thì nhóm cổ phiếu nhỏ lại nổi bật nhờ dòng tiền chảy mạnh. Điển hình HQC vẫn giữ vững mức giá trần 3.080 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường, đạt 27,74 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là FLC khớp 22,28 triệu đơn vị. Không chỉ thanh sôi động, giá cổ phiếu FLC cũng duy trì đà tăng mạnh với biên độ tăng 4,2% lên 6.900 đồng/CP.

Bên cạnh việc công bố lợi nhuận sau thuế năm 2020 tăng mạnh gần 70% so với ước tính trước đó, kể từ ngày 11/3, cổ phiếu FLC cũng ra khỏi danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, là những tác nhân giúp FLC có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp.

Ngoài ra còn phải kể đến một số mã nhỏ khác như ROS tăng 3,7% lên 3.630 đồng/CP và khớp 18,19 triệu đơn vị, ITA tăng 3,3% lên 6.920 đồng/CP và khớp gần 16 triệu đơn vị, DLG tăng 3,8% lên 1.900 đồng/CP và khớp hơn 12 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, bên cạnh gánh nặng từ nhóm cổ phiếu HNX30, cổ phiếu mới BAB bất ngờ “xuống dốc” đã khiến HNX-Index đột ngột hạ độ cao nhưng vẫn may mắn giữ được sắc xanh. HNX "hưởng lợi" nhờ sự nghẽn lệnh trên HOSE, giá trị giao dịch liên tục trên ngưỡng nghìn tỷ đồng/phiên kéo nhiều mã tăng điểm tốt hơn nhóm cùng ngành niêm yết trên HOSE.

Đóng cửa, sàn HNX có 103 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index tăng 0,39 điểm (+0,14%), lên 273,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 140,79 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.275 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,76 triệu đơn vị, giá trị hơn 67 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, cổ phiếu BAB không còn giữ sắc tím, thậm chí có thời điểm chuyển đỏ. Kết phiên BAB chỉ tăng 0,3% lên mức 33.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất kể từ ngày niêm yết trên HNX, đạt 34.300 đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm HXN30 cũng yếu thế khi chỉ có 4 mã tăng gồm CAP, SHB, SLS, VMC, còn lại hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu. Đáng kể các mã lớn như VCS, NVB, SHS, NTP, BVS có mức giảm hơn 1%.

Cổ phiếu SHB tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc thứ 3 liên tiếp. Kết phiên, SHB tăng 2,3% lên mức 17.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn dẫn đầu thị trường, đạt 49,12 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, giao dịch biến động giằng co nhẹ trong phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,01%), xuống 80,33 điểm với 201 mã tăng và 121 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 80,91 triệu đơn vị, giá trị 932,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 93,16 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR vẫn là mã giao dịch vượt trội trên UPCoM, đạt 10,64 triệu đơn vị nhưng kết phiên giữ giá tham chiếu 16.500 đồng/CP.

Trong khi đó, những cổ phiếu nhỏ như HVG, LMH kết phiên đứng tại mức giá trần và có khối lượng khớp lệnh vài triệu đơn vị, hay các mã DCS, DIC, ATA cũng khoe sắc tím và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và 1 hợp đồng tăng điểm khi đóng cửa. Trong đó, VN30F2103 đáo hạn gần nhất giảm 0,1% xuống 1.190 điểm, khớp lệnh gần 118.930 đơn vị, khối lượng mở gần 30.750 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo, trong đó CSTB2103 giảm 17,8% xuống 2.400 đồng/CQ và khớp lệnh lớn nhất, đạt 2,64 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là CVHM2104 giảm 11,7% xuống 2.030 đồng/CQ và khớp 1,46 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan