Giao dịch chứng khoán chiều 21/5: HOSE lại nghẽn lệnh, chứng khoán vào con sóng mới

Giao dịch chứng khoán chiều 21/5: HOSE lại nghẽn lệnh, chứng khoán vào con sóng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền trở lại với chứng khoán mạnh mẽ khiến HOSE quay trở lại với tình trạng đơ bảng, nhưng dòng tiền mạnh cũng báo hiệu một con sóng mới bắt đầu.

Trong gần 2 tháng trở lại đây, thị trường chứng khoán đã trở lại những phiên giao dịch khá suôn sẻ khiến nhà đầu tư dường như đã quên đi khái niệm nghẽn lệnh, hiện tượng thường xuyên gặp phải trong hơn 4 tháng kể từ cuối năm 2020.

Thanh khoản vì vậy cũng vượt lên trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng/phiên, so với ngưỡng 14.000 tỷ đồng/phiên so với trước. Tuy nhiên, dường như tình trạng nghẽn lệnh đã tái diễn trong phiên giao dịch ngày 21/5.

Mặc dù phiên sáng nay chưa xác lập mức kỷ lục về thanh khoản, nhưng với dòng tiền giao dịch sôi động, thị trường đã nhanh chóng xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh sau khi mở cửa phiên giao dịch chiều khoảng 1 giờ đồng hồ. Điều này khiến giới đầu tư nhớ lại khoảng thời gian thị trường đã từng có những thời điểm “đứng hình” trước đó và kỳ vọng chu kỳ này sẽ lặp lại.

Thống kê trong khoảng thời gian hơn 4 tháng kể từ cuối năm 2020 đến thời điểm ngày 19/4/2021 - khi hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra, chỉ số chung của thị trường nói chung và chỉ số VN30 nói riêng đã có đợt tăng khá mạnh.

Cụ thể, chỉ số VN-Index đã tăng từ dưới mốc 1.100 điểm lên ngưỡng 1.260 điểm, tức tăng 160 điểm, tương ứng tăng 14,5%; trong khi chỉ số VN30-Index đã tăng khoảng 237 điểm, tương ứng tăng 21,94% từ mức 1.080 điểm lên 1.317 điểm.

Ngay sau khi hệ thống được khơi thông, thanh khoản bật lên trên 20.000 tỷ đồng/phiên, VN-Index và VN30 cũng đã liên tiếp phá mức đỉnh lịch sử. Phiên gần đây nhất chính là phiên đáo hạn phái hôm qua (20/5) khi VN30-Index lên ngưỡng 1.424,92 điểm, còn VN-Index chốt phiên ở mức 1.278,22 điểm.

Quay lại diễn biến thị trường trong phiên chiều nay, việc nghẽn lệnh diễn ra sau khoảng 1 giờ mở cửa phiên chiều khiến giao dịch nhỏ giọt. Trong khi đó, VN-Index sau khi tiến sát ngưỡng 1.290 điểm đầu phiên đã nhanh chóng bị đẩy lại sát tham chiếu, sau đó hồi nhẹ và đi ngang suốt phiên. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có phiên tăng thứ 3 liên tiếp và xác lập mức đóng cửa kỷ lục mới.

Đóng cửa, sàn HOSE có 257 mã tăng và 162 mã giảm, VN-Index tăng 5,71 điểm (+0,45%), lên 1.283,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 699 triệu đơn vị, giá trị 23.667,46 tỷ đồng, giảm 6,2% về khối lượng nhưng tăng 4,13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44,8 triệu đơn vị, giá trị 2.518,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu BID vẫn giữ vững mức giá trần 44.750 đồng/CP với thanh khoản nhích nhẹ so với phiên sáng, đạt gần 11,55 triệu đơn vị khớp lệnh và tiếp tục trong trạng thái trắng bên bán khi dư mua trần gần 1,6 triệu đơn vị.

Trái với diễn biến bùng nổ của BID, cặp đôi cổ phiếu vốn hóa lớn khác là VCB và CTG vẫn đóng vai trò là lực cản thị trường, cụ thể CTG giảm 1,3% xuống 48.250 đồng/CP, còn VCB giảm 2,1% xuống 96.900 đồng/CP.

Nhìn chung, các mã thuộc dòng bank giao dịch khá phân hóa. Đáng chú ý là cặp đôi có sức hút nhất thị trường VPB và STB đã không còn “chung lối”. Trong khi VPB đảo chiều hồi phục khi tăng 1,5% lên mức 67.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 42,8 triệu đơn vị, thì STB vẫn giảm 1,9% xuống mức 28.850 đồng/CP và khớp 45,79 triệu đơn vị.

Bên cạnh BID, một số cổ phiếu lớn tăng tốt cũng đã hỗ trợ tốt giúp thị trường giữ đà tăng điểm như VHM tăng 1,9% lên 103.900 đồng/CP, VNM tăng 1,4% lên 89.200 đồng/CP, PLX tăng 5,5% lên 57.400 đồng/CP, TCB tăng 1,2% lên 50.800 đồng/CP…

Trong khi dòng bank giao dịch phân hóa, cổ phiếu thép vẫn bị bán khá mạnh và nhóm chứng khoán hạ nhiệt, thì nhóm cổ phiếu bất động sản lại gia tăng sức hút.

Điển hình hàng loạt mã trong ngành như KBC, SCR, LDG, ASM, LCG, SZC tăng trần; bên cạnh FLC, HQC, ITA, DXG, PDR, KDH… đều tăng khá mạnh.

Trên sàn HNX, thị trường vẫn duy trì đà tăng tốt trước sự tham gia của dòng tiền mạnh.

Đóng cửa, sàn HNX có 130 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index tăng 2,89 điểm (+0,98%) lên 297,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 133 triệu đơn vị, giá trị 3.119,58 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,4 triệu đơn vị, giá trị 113,15 tỷ đồng.

Các mã lớn giao dịch tích cực như VCS tăng 5,6% lên 94.800 đồng/CP, THD tăng gần 1% lên 195.300 đồng/CP, PVS tăng 1,4% lên 21.100 đồng/CP, IDC tăng 4,7% lên 35.900 đồng/CP…

Bên cạnh đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng là SHB, NVB và BAB đều giữ được sắc xanh, đáng kể có BAB tăng 2,8% lên mức 25.500 đồng/CP, cũng góp phần tiếp sức cho đà tăng của thị trường.

Mặt khác, không chỉ nhóm cổ phiếu chứng khoán trên HOSE giảm nhiệt, nhiều mã trong ngành trên HNX cũng đã chịu áp lực bán ra và quay đầu điều chỉnh sau phiên bùng nổ hôm qua như SHS, BVS…, đáng kể MBS giảm 2,9% xuống mức 23.800 đồng/CP.

Về thanh khoản, 2 mã SHB và SHS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 27,6 triệu đơn vị và 12,43 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sự hỗ trợ tích cực của các cổ phiếu lớn đã giúp thị trường tăng khá ổn định.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,87 điểm (+2,35%) lên 81,63 điểm với 228 mã tăng và 147 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 115,86 triệu đơn vị, giá trị 1.232,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,64 triệu đơn vị, giá trị 66,22 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn duy trì sắc xanh khi kết phiên tăng 2% lên mức 15.000 đồng/CP và vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản, đạt 18,82 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng BVB đứng vững ở mức giá trần khi dư mua trần gần 155.000 đơn vị với thanh khoản tăng vọt, chỉ thua BSR với hơn 12,44 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Một số mã lớn khác tăng tốt như VGT tăng 7,5% lên 17.200 đồng/CP, VGI tăng 5,7% lên 31.300 đồng/CP, ACV tăng 1% lên 69.900 đồng/CP, VEA tăng 4,9% lên 42.600 đồng/CP, QNS tăng 3,1% lên 39.400 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, có 3 mã tăng và 1 mã giảm, trong đó hợp đồng tương lai đáo hạn gần nhất VN30F2106 đáo hạn ngày 17/6/2021 đã tăng 5,6 điểm, tương ứng tăng 0,4% lên mức 1.414 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, hai mã có thanh khoản cao nhất là CVNM2015 và CPDR2102. Trong khi đó, CVNM2015 khớp 267.620 đơn vị và kết phiên tăng 16,1% lên mức giá trần 2.160 đồng/CQ; còn CPDR2102 khớp 187.400 đơn vị và kết phiên tăng 23,6% lên mức 4.920 đồng/CQ.

Tin bài liên quan