Giao dịch chứng khoán chiều 24/2: Lợi dụng sự hoảng loạn, dòng tiền đổ vào bắt đáy

Giao dịch chứng khoán chiều 24/2: Lợi dụng sự hoảng loạn, dòng tiền đổ vào bắt đáy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý hoảng loạn do ảnh hưởng từ thông tin chiến sự Nga - Ukraine khiến VN-Index lao dốc ngay khi bước vào phiên chiều, nhưng dòng tiền chỉ chờ có thể để nhập cuộc.

Sau khi hạn chế được đà giảm trong phiên sáng nhờ nhóm dầu khí và một số mã lớn, VN-Index đã lao dốc mạnh ngay khi bước vào phiên chiều khi có lúc giảm 37 điểm xuống vùng 1.475 điểm khi thông tin chiến sự tại Ukraine căng hơn là cuộc điều binh của Nga vào vùng Donbass ở phía Đông Ukraine.

Phía Ukraine cho biết, Thủ đô Kiev và một số thành phố đã bị tấn công bằng tên lửa. Ngoài ra, không chỉ khu Donbass có 2 vùng ly khai vừa được Nga công nhận, quân Nga cũng được cho là đổ bộ vào một số địa điểm khác của Ukraine.

Những thông tin chiến tranh Nga - Ukraine trong giờ nghỉ trưa khiến nhiều nhà đầu tư trong nước lo lắng và ra quyết định thoát hàng càng sớm càng tốt. Để thoát hàng, mức giá bán đã được đẩy xuống thấp, khiến VN-Index lao dốc ngay khi bước chân vào phiên chiều, có lúc mất 37 điểm, xuống vùng 1.475 điểm. Tuy nhiên, những nhà đầu tư cầm tiền và có “cái đầu lạnh” chỉ đợi có thế. Khi giá bán được hạ xuống thấp, dòng tiền bắt đáy đã ồ ạt được tung vào hấp thụ lượng lớn lượng cung giá thấp, giúp thanh khoản khu vực 1.475 - 1.485 tăng vọt. Lực cầu bắt đáy không chỉ giúp thanh khoản tăng mạnh, lần đầu sau 1 tháng rưỡi vượt ngưỡng 35.000 tỷ đồng, mà còn giúp VN-Index hãm đà rơi, trở lại vùng 1.495 điểm.

Theo thống kê, tác động của chiến tranh tới thị trường chứng khoán là có, nhưng chỉ mang tính ngắn hạn và thị trường thường lấy lại đà tăng trong thời gian ngắn sau đó. Nhiều nhà đầu tư không giữ được bình tĩnh đã mất hàng trong giai đoạn đầu khi cuộc chiến bắt đầu nổ ra, trong khi nhiều nhà đầu tư tận dụng để bắt đáy và kiếm lợi nhuận tốt.

Yếu tố mà các nhà phân tích cho rằng tác động nhiều hơn và dài hạn tới thị trường chứng khoán chính là chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương lớn. Theo dự báo, Fed có thể sẽ có 7 lần tăng lãi suất trong năm nay, trong đó cuộc họp vào tháng 3 tới có thể quyết định tăng 0,5% để chống lại lạm phát đang gia tăng. Tuy nhiên, cuộc chiến Nga - Ukraine, theo giới phân tích, có thể sẽ khiến Fed định hình lại chính sách của mình và điều này đôi khi lại có lợi cho thị trường chứng khoán.

Với thị trường Việt Nam, cuộc chiến Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng tới giá dầu, vàng, USD và một số hàng hóa, qua đó có thể ảnh hưởng ít nhiều tới lạm phát, nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp, nhưng mức ảnh hưởng không rõ ràng và quá lớn. Do đó, không có lý do để hoảng loạn bán tháo. Thực tế, trong khi một bộ phận nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra, thì ngay lập tức dòng tiền bắt đáy đã nhập cuộc và hấp thụ hết lượng cung giá thấp.

Một lần nữa vùng hỗ trợ đường MA20 và MA50 (1.487 - 1.491) tiếp tục đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh cho thị trường. VN-Index dù có phiên giảm khá mạnh hơn 17 điểm, nhưng vẫn đóng cửa trên 2 đường trung bình này.

Trong các nhóm cổ phiếu, dầu khí dĩ nhiên vẫn là nhóm hưởng lợi khi giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng lên mức cao nhất 8 năm. Trong nhóm này, sắc tím tiếp tục được duy trì ở một số mã, tuy nhiên mã đầu ngành GAS một lần nữa bị đẩy lại khi vượt qua dải trên bollinger bands, nên chưa thể trở lại vùng đỉnh cũ 125.000 - 128.000 đồng.

Tương tự, PLX cũng đang gặp khó ở vùng đỉnh 3 năm rưỡi ở mức quanh vùng 65.000 đồng và cũng nhiều lần bị đẩy lại vào trong bolliger bands.

Nhóm ngân hàng tỏ ra yếu thế hơn khi chỉ có 2 sắc xanh ở VPB và EIB hồi lại sau phiên giảm sâu chiều qua, trong khi còn lại đều chìm trong sắc đỏ. Nhóm chứng khoán sắc đỏ cũng đang chiếm ưu thế.

Nhóm bất động sản vốn giao dịch tích cực trong thời gian gần đây cũng đang có cái cớ chiến tranh để nhà đầu tư chốt lời, khiến đồng loạt quay đầu điều chỉnh. Các mã giảm mạnh trên dưới 6% có HQC, DIG, HAR, BCE; trên dưới 5% có ROS, ITA, TDH, VPH, NHA, NBB, HBC, FLC…

Trong khi đó, nhóm phân bón lại tiếp tục khởi sắc, thậm chí còn tốt hơn phiên hôm qua với sắc tím gần như bao trùm cả nhóm, chỉ còn BFC tăng 5,4%.

Đóng cửa, sàn HOSE có 75 mã tăng và 396 mã giảm, VN-Index giảm 17,45 điểm (-1,15%), xuống 1.494,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.159,9 triệu cổ phiếu, giá trị 35.020,4 tỷ đồng, tăng 67% về khối lượng và 56% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,8 triệu đơn vị, giá trị 955,6 tỷ đồng.

Lực cản mạnh khiến các bluechip chỉ còn lại vỏn vẹn 5 mã tăng giá là VPB +2,8% lên 36.900 đồng, với khối lượng giao dịch cao nhất trong rổ VN30 với 35,7 triệu đơn vị, khớp lệnh và đứng thứ hai toàn thị trường.

Trong khi đó, BVH +2,4% lên 59.000 đồng, MSN +1,5% lên 159.000 đồng. Đáng kể là cặp đôi ngành dầu khí GAS và PLX chịu tác động từ lực bán chốt lời và hạ thấp độ cao đáng kể so với cuối phiên sáng. Theo đó, GAS chỉ còn +1,7% lên 119.000 đồng và PLX +1,4% lên 63.400 đồng.

Nhóm cổ phiếu giảm điểm với ba mã ngân hàng TPB -3,2% xuống 41.250 đòng, HDB -2,9% xuống 28.800 đồng, và CTG -2,9% xuống 33.850 đồng.

Trong khi đó, VIC cũng để mất 2,9% xuống 80.100 đồng và là cổ phiếu gây tác động mạnh nhất với VN-Index với 2,3 điểm tiêu cực.

Nới đà giảm so với cuối phiên sáng còn có VCB, VNM, STB, BID, POW, TCB, KDH, VRE, khi mất từ 1,8% đến 2,6%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ấn tượng nhất là cặp đôi phân bón DCM và DPM, khi cùng dắt tay nhau leo lên giá trần tại 34.450 đồng và 54.200 đồng, khớp trên dưới 15 triệu đơn vị mỗi mã.

Tương tự là DXG và TTF, khi chỉ tăng không đáng kể cuối phiên sáng đã tăng vọt lên mức giá trần, trong đó, DXG khớp hơn 24 triệu đơn vị, TTF khớp 19,6 triệu đơn vị.

Điểm tích cực khác vẫn ở nhóm dầu khí, với PGC và ASP tăng hết biên độ lên 26.200 đồng và 15.750 đồng, PVD +6,3% lên 35.600 đồng, PSH +5,8% lên 28.350 đồng, dù PET, CNG, PDG hạ nhiệt khi chỉ nhích nhẹ và PXS đứng tham chiếu.

Cùng một vài cổ phiếu đơn lẻ khác như FRT, BMC, AGM khi cũng đã tìm được mức giá trần khi đóng cửa.

Một vài cổ phiếu công ty chứng khoán nổi lên với VIX +6,3% lên 22.850 đồng, VDS +4,6% lên 41.800 đồng, TVB +2,4% lên 23.400 đồng, VND +2,2% lên 76.000 đồng.

Còn lại đa số mất điểm, với HAG phiên này giảm sàn -6,7% xuống 10.500 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với 37,1 triệu đơn vị khớp lệnh. Cổ phiếu liên quan là HNG cũng giảm mạnh -4,4% xuống 9.070 đồng, khớp 15,7 triệu đơn vị.

Tương tự là DLG, TTB, C47 khi cũng giảm sàn, trong đó, DLG khớp hơn 11 triệu đơn vi, TTB khớp 1,92 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác cũng còn khá nhiều như SHI, JVC, HBC, NT2, QBS, ITA, VPH, DAH, QCG, DIG, NBB, HQC, HAR và nhóm FLC, ROS, HAI với mức giảm từ 5% đến 6,4%, và không ít trong số này cũng đã có thời điểm giảm sàn.

Trong đó, ROS khớp lệnh hơn 35,3 triệu đơn vị, đứng thứ ba toàn sàn, FLC ở ngay sau với 34,87 triệu đơn vị, ITA khớp 22,69 triệu đơn vị, HQC khớp 16,6 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, lực bán cũng gia tăng mạnh ngay đầu phiên chiều và nỗ lực bật lên sau đó giúp chỉ số hãm bớt đà giảm khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 64 mã tăng và 185 mã giảm, HNX-Index giảm 7,66 điểm (-1,73%), xuống 434,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 158,8 triệu đơn vị, giá trị 4.741,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,55 triệu đơn vị, giá trị 179,3 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, lác đác sắc xanh tại nhóm dầu khí PVS +4,8% lên 34.800 đồng, PGS +3% lên 27.800 đồng và các mã PSE, PCG, PSW, PVB, PVC có hiệu suất tốt hơn, khi đều tăng kịch trần.

Cổ phiếu đáng chú ý khác là LAS, khi cũng đã vọt lên sắc tím +9,9% lên 21.000 đồng.

Hai cổ phiếu xanh khác trong số các mã có thanh khoản cao là HUT +6,2% lên 29.300 đồng, TNG +2,4% lên 34.000 đồng.

Còn lại chìm trong sắc đỏ, với những mã đáng chú ý như CEO -7% xuống 64.800 đồng, IDJ -7,8% xuống 31.700 đồng, IDC -3,4% xuống 70.300 đồng, NDN -3,7% xuống 18.200 đồng, APS -5,2% xuống 33.000 đồng…

Thanh khoản phiên này PVS cao nhất sàn với 23,6 triệu đơn vị khớp lệnh, CEO khớp 13,4 triệu đơn vị, KLF khớp 11,4 triệu đơn vị, SHS khớp 9,4 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, diễn biến tương tự hai chỉ số chính, khi UpCoM-Index lùi sâu ngay khi bước vào phiên chiều và nhích dần lên sau đó, thu hẹp đà giảm khi đóng cửa.

Hai cổ phiếu dầu khí BSR và OIL được chú ý nhất, khi +2,5% lên 28.500 đồng và +4,6% lên 20.500 đồng, trong đó, BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM với 24,6 triệu đơn vị, OIL khớp 8,66 triệu đơn vị.

Các sắc xanh khác còn tại PAS +3,5%, DDV +6,7%, AAS +0,3%, PXT +8,2%, CEN +4%, còn lại giảm điểm như VHG, SBS, VGT, C4G, ABB, BVB, VAB…

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,19 điểm (-1,05%), xuống 112,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 115,3 triệu đơn vị, giá trị 2.424,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,3 triệu đơn vị, giá trị 206 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều kết phiên trong sắc đỏ, với VN30F2203 đáo hạn gần nhất giảm 14,6 điểm (-0,95%), xuống 1.514,7 điểm, khớp lệnh hơn 204.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 25.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, số mã giảm chiếm thế áp đảo, dù vậy phiên này CFPT2110 lại tìm được về tham chiếu tại 200 đồng/cq, khớp lệnh vượt trội với hơn 6,27 triệu đơn vị.

Tiếp theo là CVPB2108 với 2,07 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng gần 25% lên 760 đồng/cq.

Tin bài liên quan