Giao dịch chứng khoán chiều 4/6: Không cho hủy lệnh, thị trường tiếp tục bay cao

Giao dịch chứng khoán chiều 4/6: Không cho hủy lệnh, thị trường tiếp tục bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền chảy mạnh khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều khởi sắc và tiếp tục phá đỉnh mới. Tâm điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu dầu khí khi đồng loạt bật tăng mạnh và đua trần.

Quyết định không cho hủy lệnh của nhiều công ty chứng khoán đồng loạt áp dụng phiên hôm nay mang lại hiệu quả rất rõ cho thị trường. Thanh khoản tiếp tục lập kỷ lục và vì thế chỉ số lại thêm tầm cao mới.

Sau phiên tăng nóng hôm qua, nhiều nhà đầu tư đã lo ngại về một phiên điều chỉnh thậm chí là mạnh ngày hôm nay, nhưng điều đó không diễn ra, nói đúng hơn là chỉ điều chỉnh ngay trong phiên. Sức mua quá mạnh đã kéo nhiều mã từ giảm giá chuyển tăng điểm, thậm chí tăng trần vào cuối phiên.

Điều đáng chú ý, số mã tăng điểm vẫn chiếm ưu thế cho thấy dòng tiền được lan tỏa ra toàn thị trường, và lâu rồi VN30 mới bước vào giai đoạn tăng chậm hơn chỉ số chung VN-Index. Dường như quy luật cổ phiếu trụ dẫn dắt rồi lan tỏa tới cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ, đang một lần nữa diễn ra.

Quay lại với câu chuyện không cho hủy lệnh, mặc dù kết quả ngay lập tức được thể hiện với thanh khoản thị trường tăng vọt, nhưng quyết định này chắc chắn sẽ còn được bàn cãi nhiều.

Đầu tiên là bảng điện tử vẫn hiển thị loạn nhịp khiến có người mua gặp khó khăn trong việc ra quyết định.

Nhưng bảng điện có thể chỉ là việc nhỏ, nhiều nhà đầu tư lướt sóng có thói quen theo dõi bảng điện tử để quan sát sự di chuyển dòng tiền để quyết định đặt lệnh đã bị hớ.

Một nhà đầu tư đang quan tâm tới cổ phiếu HQC cho biết, anh xem đồ thị kỹ thuật để xác định điểm mua và bán nếu giá diễn biến mạnh. Phiên hôm nay, nhà đầu tư này đặt bán giá trần từ trước khi thị trường mở cửa, và khi thấy giá quay đầu giảm điểm về dưới mốc tham chiếu, anh xác định điểm mua ở 3.700 đồng/CP và đặt lệnh mua vào. Nhà đầu tư này cho biết, trước đây anh vẫn trading cổ phiếu ngay trong phiên như vậy, giá cao thì bán danh mục, thấp thì mua thêm. Nhưng với phiên hôm nay, cả lệnh mua và bán đều không thực hiện được, cổ phiếu và tiền đều bị treo theo lệnh (không bị hủy) nên không thực hiện được bất kỳ giao dịch nào khác.

Một nhà đầu tư khác cũng cho biết việc không cho hủy lệnh, mà anh chỉ được biết vào 10h:17 sáng nay bởi tin nhắn của công ty chứng khoán, là cách làm quá bất ngờ, đưa nhà đầu tư vào thế bị động, không đúng tinh thần phục vụ khách hàng.

Nhà đầu tư này đang cầm giữ PVD, theo lời khuyên của môi giới đã đặt lệnh bán sớm ở mức giá 23.000 đồng/CP, vì phiên hôm qua (3/6) giá giảm cuối phiên về dưới đường EMA5, các chỉ báo kỹ thuật phát tín hiệu điều chỉnh sau chuỗi tăng. Trong phiên hôm nay khi thấy dòng tiền đổ vào mạnh dòng P, anh đã không thể thay đổi quyết định và ngậm ngùi "mất hàng". Giá PVD hết phiên ở mức trần 24.250 đồng/CP.

Câu chuyện như vậy từ phiên hôm nay sẽ còn được kể nhiều..!

Quay lại với diễn biến phiên chiều, sau diễn biến chùng lại ở phiên sáng và đột ngột đảo chiều điều chỉnh nhẹ bởi áp lực chốt lời gia tăng, dường như nhà đầu tư tin tưởng thị trường sẽ có phiên giảm điểm sau chuỗi tăng khá nóng vừa qua. Tuy nhiên, dòng tiền mạnh cuồn cuộn chảy khiến thị trường chưa thể có nhịp nghỉ.

Lực cầu gia tăng mạnh đã lan rộng thị trường giúp VN-Index nhanh chóng lấy lại sắc xanh sau hơn 15 phút mở cửa. Đà tăng tiếp tục nới rộng hơn khi các mã lớn bé đua nhau khởi sắc. Bên cạnh nhiều cổ phiếu bật cao sau nhịp điều chỉnh trong phiên sáng, nhiều nhà đầu tư cũng cảm thấy tiếc nuối vì đã chốt lời sớm.

Đáng chú ý là thanh khoản không ngừng tăng và vượt mốc 30.000 tỷ đồng nhưng hệ thống vẫn chạy khá suôn sẻ và không xẩy ra tình trạng nghẽn lệnh. Thị trường tiếp tục xác lập những đỉnh lịch sử mới cả về thanh khoản cả chỉ số chung.

Chốt phiên, sàn HOSE có 224 mã tăng và 193 mã giảm, VN-Index tăng 9,77 điểm (+0,72%), lên 1.374,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 940,3 triệu đơn vị, giá trị 31.141,97 tỷ đồng, tăng 4,6% về khối lượng và 6,25% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 52,58 triệu đơn vị, giá trị 1.962,9 tỷ đồng.

Trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm của dòng tiền nhưng đã có sự phân hóa, thì thị trường lại đón điểm nóng khác ở nhóm cổ phiếu dầu khí. Sau những phiên nhúc nhắc tăng trước đó, đến phiên hôm nay, đồng loạt các cổ phiếu dầu khí đều đua nhau tăng mạnh và khoe sắc tím.

Cụ thể, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã tăng khá nóng như ACB, LPB, VCB đã phiên điều chỉnh với mức giảm đều hơn 1%, trong khi đó VPB tiếp tục có cú hồi trong phiên chiều và kết phiên tăng 1,6% lên mức 71.700 đồng/CP, MSB có phiên tăng mạnh với biên độ tăng 5,2% lên đỉnh mới 30.400 đồng/CP, TPB tăng 2% lên 39.000 đồng/CP…

Cổ phiếu VPB trở lại vị trí dẫn đầu về thanh khoản với khối lượng khớp lệnh khá khủng, đạt 76,58 triệu đơn vị. Các mã ngân hàng khác có thanh khoản cao như STB khớp gần 37,5 triệu đơn vị, MBB khớp 32,9 triệu đơn vị, MSB, LPB, TCB, CTG đều khớp trên 10 triệu đơn vị.

Như đã nói ở trên, tâm điểm đáng chú ý trong phiên chiều chính là nhóm cổ phiếu dầu khí. Bên cạnh cặp đôi lớn GAS và PLX cùng tăng hơn 3%, các mã khác trong ngành như PVD, PVT, PXS đồng loạt khoe sắc tím, đã “giải cơn khát” của nhà đầu tư nắm giữ dòng cổ phiếu này. Trong đó, PVD đã khớp tới hơn 24,26 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ khá tích cực đến từ một số mã lớn khác như BVH tăng 4% lên 57.100 đồng/CP, VIC tăng 2,1% lên 121.000 đồng/CP, VRE tăng 5,6% lên 32.200 đồng/CP, MSN tăng 2,2% lên 107.300 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu đáng chú ý là FLC đã đảo chiều thành công khi kết phiên tăng 2,5% lên mức 14.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 37,7 triệu đơn vị, đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của cổ phiếu này. Ngoài ra, các mã như SCR, DLG, JVC, FTM, OGC vẫn trong trạng thái dư mua trần khá lớn.

Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng mạnh cũng giúp thị trường bứt mạnh đi lên và HNX-Index trở về sát mốc tham chiếu trước dự phân hóa mạnh của thị trường.

Đóng cửa, sàn HNX có 89 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,18 điểm (-0,06%) xuống 329,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 203 triệu đơn vị, giá trị 4.644,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,97 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng.

Trong khi cặp đôi BAB và NVB vẫn giảm khá mạnh với biên độ giảm trên dưới 3%, thì cổ phiếu SHB đã nỗ lực và có được phiên khởi sắc thứ 6 liên tiếp khi kết phiên tăng nhẹ 0,3% lên 32.500 đồng/CP. Đồng thời, SHB tiếp tục dẫn đầu về thanh khoản trên HNX với gần 36,47 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch phân hóa với VND, VIG, ART, BSI, BVS, MBS đều đảo chiều giảm, trong khi APS, EVS giữ đà tăng nhẹ, PSI tiếp tục có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng là điểm sáng trên HNX với PVS, PVC, đều tăng kịch trần, PVB, PVG tăng sát trần. Trong đó, PVS tăng 10% lên mức giá 29.700 đồng/CP với thanh khoản chỉ đứng sau SHB khi khớp 24,57 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng bật ngược đi lên nhưng chưa đủ lực để giúp UPCoM-Index khởi sắc trở lại.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,08%) xuống 90,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 166,85 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.297 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,63 triệu đơn vị, giá trị 152,86 tỷ đồng.

Các cổ phiếu họ dầu khí trên UPCoM cũng đã có phiên giao dịch bùng nổ. Trong đó, BSR tăng 9,7% lên mức 20.400 đồng/CP và tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với 41,88 triệu đơn vị được giao dịch thành công; OIL tăng 8,4% lên 15.500 đồng/CP và khớp 9,24 triệu đơn vị, PVX tăng 11,1% lên mức giá trần 2.000 đồng/CP và khớp 6,92 triệu đơn vị.

Trái lại, dòng bank đồng loạt bị chốt lời khi ABB giảm 0,4% xuống 24.700 đồng/CP, BVB giảm 2,4% xuống 24.200 đồng/CP, NAB giảm 2,4% xuống 24.400 đồng/CP, PGB giảm 4,1% xuống 27.900 đồng/CP, SGB giảm 1,4% xuống 21.900 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai kết phiên tăng điểm và 1 hợp đồng tương lai giảm, trong đó, VN30F2106 tăng 1,9 điểm (+0,1%), lên 1.505,9 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt gần 185.840 đơn vị, khối lượng mở gần 30.160 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng khá phân hóa, trong đó và CNVL2003 và CVRE2011 dẫn đầu thanh khoản. Cụ thể, CNVL2003 kết phiên giảm 1,9% xuống 7.750 đồng/CQ và khớp 84.530 đơn vị, còn CVRE2011 tăng 73,7% lên 330 đồng/CQ với khối lượng khớp lệnh đạt 81.110 đơn vị

Tin bài liên quan