Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/4: Hiệu ứng “hòn tuyết lăn”

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/4: Hiệu ứng “hòn tuyết lăn”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cú trượt dài của chứng khoán tuần trước đã khiến phiên giao dịch đầu tiên của tuần này, ngày hôm nay (18/4), hứng chịu hiệu ứng “hòn tuyết lăn” khi đà bán tháo cổ phiếu đã tăng mạnh.

Nếu như trong tuần trước, thị trường đâu đó còn có những hy vọng từ các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật với VN-Index, và đặc biệt là dấu hiệu tiết cung khi lực bán ra không mạnh. Những tưởng với dấu hiệu đó, thị trường sẽ bật tăng mạnh trở lại khi lực cầu xuất hiện, như đã từng xảy ra nhiều lần trong suốt gần 1 năm vừa qua.

Nhưng không, hiệu ứng “hòn tuyết lăn” đã xuất hiện, lực bán đã đột ngột tăng với “tin đồn” về việc một số công ty chứng khoán đang “call margin” mạnh khiến hơn 100 mã nằm sàn trên cả 3 thị trường thì VN-Index cũng tất yếu rộng thêm đà giảm điểm phiên hôm nay.

Với xấp xỉ 100 điểm mất đi cho VN-Index chỉ sau 7 phiên, thị trường đang khá giống giai đoạn tháng 11/2021 và tháng 1/2022. Nhưng có những điểm khác, giai đoạn trước, cũng có những đợt bán tháo nhưng thường tập trung ở một vài nhóm ngành, còn đợt giảm lần này diễn ra trên diện rộng khi liên tiếp các phiên chứng kiến khoảng 300 mã đỏ lửa riêng trên HOSE. Phiên hôm nay chứng kiến nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán có thời điểm cũng bị ép bán giá sàn dù giá cổ phiếu nhóm này đã về mức thấp nhất trong 1 năm vừa qua.

Đa số nhà đầu tư đang thua lỗ nếu tính giá trị đầu tư từ đầu năm tới nay, câu hỏi ở đây là đà thua lỗ có thể mở rộng hơn không?

Về tổng thể thị trường, phiên hôm nay khi VN-Index mất đi hơn 30 điểm về ngưỡng hỗ trợ mạnh ở khu vực 1.425 điểm đã có lực cầu bắt đáy khá tốt, ngưỡng hỗ trợ này mạnh bởi hội tụ đỉnh thị trường tháng 6/2021, đáy chỉ số tháng 11/2021 và tháng 1/2022, đặc biệt là đường trung bình giá 200 ngày (MA200). Các chỉ tiêu kỹ thuật khác như RSI đã đi về vùng quá bán sâu, chỉ số đã vượt khỏi dải Bollinger Band,… xác nhận rằng khả năng giảm mạnh hơn nữa của thị trường sẽ bớt đi trong 1-2 phiên tới, thậm chí có nhịp hồi kỹ thuật sớm.

Nhưng đó chỉ là phân tích kỹ thuật, còn trong điều kiện tâm lý nhà đầu tư đang khá tiêu cực, lực bán ở nhiều mã rất mạnh thể hiện dấu hiệu “ép margin” thì chắc chắn rằng nhiều mã có đòn bẩy cao còn rơi tiếp, một số mã tăng nhanh trong thời gian qua sẽ chịu ảnh hưởng lây chẳng hạn như nhóm thủy sản phiên hôm nay đà tăng đã chậm lại.

Về cơ bản, thị trường giảm về ngưỡng khá hấp dẫn khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn về giá đáy 1 năm thậm chí thấp hơn, trong khi đó kinh tế tiếp tục khởi sắc tạo cơ hội cải thiện thành tích kinh doanh năm 2022 sẽ giúp lực mua sớm xuất hiện ở nhóm cổ phiếu này, từ đó giúp thị trường sớm phục hồi.

Nhìn tổng thể 6 tháng vừa qua, thị trường cơ bản đi ngang trong khoảng 100 điểm từ 1.420-1.520 điểm với VN-Index. Đợt giảm nhanh và mạnh này, như đề cập trên, là không phải đặc biệt. Nhà đầu tư ngắn hạn có thể đang rất lo lắng, nhưng với các nhà đầu tư trung dài hạn thì những phiên như hôm nay là cơ hội tích lũy cổ phiếu rất tốt.

Chốt phiên, sàn HOSE có 109 mã tăng (7 mã trần) và 373 mã giảm (87 mã sàn), VN-Index giảm 25,96 điểm (-1,78%), xuống 1.432,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 827,69 triệu đơn vị, giá trị hơn 26.048,5 tỷ đồng, tăng 25,5% về khối lượng và 20,27% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 15/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37 triệu đơn vị, giá trị 1.309,5 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip về vùng giá thấp nhất trong ngày khi để mất 25 điểm với việc ghi nhận 19 mã giảm, gần gấp 3 lần số mã tăng (9 mã).

Trong đó, cổ phiếu PNJ vẫn đi ngược xu hướng chung của thị trường và nới rộng đà tăng. Kết phiên, PNJ tăng 5,5% lên mức 123.500 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động, đạt 2,47 triệu đơn vị. Tiếp theo là GVR tăng 2,2% lên 36.800 đồng/Cp, còn lại các mã tăng chỉ trong biên độ hẹp.

Trái lại, cổ phiếu lớn chứng khoán – SSI dù thoát được sắc xanh mắt mèo nhưng vẫn là mã giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi để mất 6,3% và kết phiên đứng tại mức giá 37.500 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh đạt 16,5 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã bluechip khác giảm sâu và kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày như CTG giảm 5,8%, VPB giảm 3,7%, STB giảm 3,7%, HPG giảm 3,5%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đua nhau giảm sâu với sắc xanh mắt mèo lan rộng. Trong đó, HQC vẫn đứng tại mức giá sàn 6.380 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua VPB khi khớp hơn 28,32 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị. các mã HNG, HAG, ITA, BCG, POW, LCG cũng giảm mạnh với thanh khoản đều đạt hơn 10 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu bất động sản la liệt nằm sàn, như DPG, FCN, HBC, HHV, KHG, LCG, ROS, TIP, VPH, BCG, DRH, FLC… Ở top trên, cặp VHM và VIC cùng giảm hơn 1%, NVL giảm 2,26%...

Bên cạnh đó, ở nhóm chứng khoán, sắc xanh mắt mèo cũng lan rộng. Ngoài APG và ORS nằm sàn từ phiên sáng, trong phiên chiều có thêm sự góp mặt của hàng loạt mã như AGR, BSI, CTS, FTS, TVB, VCI, VIX, bên cạnh đó, SSI và HCM cũng giảm hơn 6%...

Nhóm ngân hàng đồng loạt nới rộng đà giảm như VCB và BID cùng giảm hơn 3%, VPB, EIB, OCB đều giảm hơn 4%..., CTG giảm sâu nhất trong ngành khi để mất tới 5,81%. Trong đó, VPB là mã có giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt xấp xỉ 28,76 triệu đơn vị; các mã MBB, STB, TCB khớp trên dưới 15 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép cũng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường, trong đó HPG giảm 3,5% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 42.650 đồng/Cp và khớp 23,19 triệu đơn vị, còn HSG giảm 6,2% và kết phiên cũng đứng tại đáy trong ngày 31.100 đồng/CP với khối lượng khớp 7,56 triệu đơn vị.

Dù có chút hạ nhiệt nhưng một số nhóm vẫn đi ngược xu hướng chung và là điểm sáng của thị trường. Điển hình là nhóm cổ phiếu thủy sản, với ANV, AAM, ACL cùng kết phiên trong trạng thái dư mua trần, hay CMX tăng 6,5%, IDI tăng 6%...

Hay ở nhóm công nghệ, cặp ELC và DGW đã kết phiên tại mức giá trần khi cùng tăng 6,9% với thanh khoản sôi động, lần lượt đạt 3,93 triệu đơn vị và 2,23 triệu đơn vị, ICT tăng 2,1%...

Trên sàn HNX, sắc đỏ cũng bao trùm thị trường với số mã giảm sàn tăng mạnh khiến HNX-Index tiếp tục chìm sâu.

Chốt phiên, sàn HNX có tới 206 mã giảm (47 mã sàn), gấp hơn 6 lần số mã tăng là 33 mã (2 mã trần), HNX-Index giảm 13,27 điểm (-3,18%), xuống 403,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97,82 triệu đơn vị, giá trị 2.426 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,66 triệu đơn vị, giá trị 8,43 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là TNG, DDG và VCS với mức tăng nhẹ trên dưới 1%. Trong khi đó, có tới 23 mã mất điểm với hơn 1/2 số mã giảm hơn 5%, đáng kể là HUT và TVC giảm sàn, SHS giảm 9,4%, NRC giảm 9,3%, VMC giảm 8,1%, DTD giảm 7,7%...

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trên sàn HNX cũng đua nhau giảm mạnh với hàng loạt mã như KLF, HUT, TVC, BII, ART, IDJ, APS, DL1, LIG, BCC, PVL, KVC, SRA đều nằm sàn với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX đều có diễn biến tiêu cực. Bên cạnh ART, APS, VIG, HBS giảm sàn, nhiều mã giảm sâu khác như SHS giảm 9,4% xuống sát mức giá sàn 22.100 đồng/CP, MBS giảm 7,3% xuống 31.800 đồng/CP, BVS giảm 6,8%, PSI giảm 5,6%...

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà giảm sâu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,15 điểm (-1,91%) xuống 110,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 60,64 triệu đơn vị, giá trị 1.256,83 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,59 triệu đơn vị, giá trị 44,75 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, ở nhóm ngân hàng, ABB giảm 5,4%, BVB giảm 5,9%, VAB giảm 5,9%, NAB giảm 5,2%...; ở nhóm chứng khoán có SBS giảm 7,6%, TCI giảm 11,2%, AAS giảm 4,3%...

Cũng như nhiều mã vừa và nhỏ trên thị trường, VHG kết phiên hôm nay nằm sàn khi giảm 15% xuống mức 6.800 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 7,71 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là BSR khớp 5,39 triệu đơn vị và kết phiên giảm 2,3% xuống 25.300 đồng/CP, C4G giảm 10,1% xuống 21.400 đồng/CP và khớp 4,54 triệu đơn vị, VGT giảm 0,8% xuống 25.500 đồng/CP và khớp 4,23 triệu đơn vị và DDV giảm 14,8% xuống mức giá sàn 24.100 đồng/CP và khớp hơn 4,15 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2204 giảm 19,5 điểm (-1,3%), xuống 1.473,1 điểm, khớp lệnh đạt hơn 192.630 đơn vị, khối lượng mở gần 39.560 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, với CHPG2114 phiên này giao dịch sôi động nhất với hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 33,3% xuống 20 đồng/CQ. Tiếp theo là CVHM2111 khớp hơn 1,41 triệu đơn vị, kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 40 đồng/CQ.

Tin bài liên quan