Giao dịch chứng khoán phiên chiều 20/10: VN-Index giảm nhẹ trong phiên đáo hạn phái sinh, thanh khoản tiếp tục ở mức thấp

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 20/10: VN-Index giảm nhẹ trong phiên đáo hạn phái sinh, thanh khoản tiếp tục ở mức thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù giao dịch thưa thớt, nhưng thị trường đã có những đợt trồi sụt, thay đổi trạng thái "xanh-đỏ" rất nhanh trong ngày đáo hạn phái sinh tháng 10.

Sau khi giao dịch khá ảm đạm trong phiên sáng, nhiều nhà đầu tư đã kỳ vọng vào một phiên chiều sôi động hơn, đặc biệt khi phiên hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2210.

Tuy vậy, dòng tiền tham gia thị trường vẫn không có sự cải thiện, mà chỉ chọn lọc, nhất là ở nhóm VN30 và giúp nhiều mã đảo chiều tăng, khiến VN-Index sau khi thêm một lần để mất mốc 1.050 điểm đã hồi phục nhanh. Thậm chí chỉ số này đã trồi lên trên tham chiếu, chạm mốc 1.065 điểm, tương đương tăng hơn 17 điểm từ mức đáy và chỉ hạ nhiệt đôi chút trước khi bước vào phiên ATC.

Trong phiên ATC, lực bán bất ngờ gia tăng ở một số bluechip, dù không mạnh nhưng cũng đủ khiến VN-Index và cả VN30-Index đảo chiều về ngay dưới tham chiếu khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HOSE có 131 mã tăng và 287 mã giảm, VN-Index giảm 1,62 điểm (-0,15%), xuống 1.058,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 398,3 triệu đơn vị, giá trị 8.392,1 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 45,8 triệu đơn vị, giá trị 1.222 tỷ đồng.

Nếu như trong phiên sáng chỉ lác đác một vài bluechip tăng, thì phiên chiều nay đã có không ít đã tăng điểm, với 14 cổ phiếu trong VN30, trong đó, tích cực nhất là FPT khi tăng 3% lên 77.800 đồng và VCB +1,9% lên 69.200 đồng.

Dù vậy, phần còn lại gần như chỉ có mức tăng nhẹ như VIC, CTG, MSN, BID, HDB, PLX nhích từ 0,2% đến 0,8%, ACB +1,2%, VNM +1,2% và GAS +1,6%.

Ở chiều ngược lại, có bốn mã giảm mạnh nhất và gây ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số là TCB -2,4% xuống 24.600 đồng, VIB -2,2% xuống 19.950 đồng, GVR -2,1% xuống 16.200 đồng, MBB -2% xuống 17.150 đồng.

Các cổ phiếu giảm khác là PDR, MWG, SSI, POW, KDH, HPG với mức giảm từ 1% đến 1,6%.

Trong đó, HPG vươn lên dẫn đầu thanh khoản toàn sàn HOSE với hơn 26 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một vài cổ phiếu đơn lẻ có sức bật tốt như SFI +5,8% lên 43.800 đồng, KPF +5,3%, DHG +4,7%, MSH +4%, SRC +3,5%, TIP +3,2%, UDC +3,1% CSV +2,9%...nhưng các mã này đều có thanh khoản không thực sự cao.

Ở chiều ngược lại, AMD về giá sàn -6,6% xuống 1.410 đồng, khớp hơn 2,64 triệu đơn vị.

Giảm mạnh đáng kể khác vẫn không ít thuộc về các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với DXS -6% xuống 10.100 đồng, HAP -5,6% xuống 5.200 đồng, TDG -5,3% xuống 4.450 đồng, HDG -5,2% xuống 33.700 đồng, TGG -4,9% xuống 3.300 đồng, các cổ phiếu HTN, SCR, NT2, DXG, VCG, DPG, VPH, VGC, HDC, DRH, QCG, NTL giảm từ 3,6% đến 4,5%...

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng đều chìm trong sắc đỏ, với BSI là cổ phiếu giảm sâu nhất -4,8% xuống 21.700 đồng, VIX -3,8% xuống 7.780 đồng, CTS -3,3% xuống 13.150 đồng, các cổ phiếu VDS, ORS, AGR, VCI, APG, VND, HCM giảm từ 1,6% đến 2,7%.

Ở những nơi khác, nhóm cổ phiếu nông nghiệp cũng lao đao, với HAG -5,1% xuống 9.050 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau HPG với hơn 15,2 triệu đơn vị, CMX -4,4% xuống 9.700 đồng, BAF -3,9% xuống 26.050 đồng, DBC -3,7% xuống 18.300 đồng…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã tiếp tục đi xuống ngay sau phiên chiều trở lại và cũng đã có nhịp hồi phục đáng kể sau đó, trước khi bị đẩy trở lại về gần mức đáy phiên sáng vào cuối ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 59 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index giảm 2,02 điểm (-0,89%), xuống 225,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,3 triệu đơn vị, giá trị 615,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,2 triệu đơn vị, giá trị 89,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu TC6 vẫn là điểm sáng lớn khi giữ giá trần +9,1% lên 8.400 đồng. Còn tăng khác có TNG +3% lên 17.100 đồng, NBC +7,7% lên 11.200 đồng, TVD +4,8% lên 11.000 đồng, các mã PVS, HTP, BNA, MBG chỉ tăng nhẹ, trong đó, PVS khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 4,35 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu giảm khá nhiều, nhưng phần lớn cũng không giảm quá sâu, trừ BII, IDC, IDJ, APS, TVC, TIG, EVS giảm từ 3% đến 4%.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã dần hồi phục, thậm chí còn kết phiên trong sắc xanh sau khi bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày ngay khi mở cửa phiên chiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,14%), lên 80,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,6 triệu đơn vị, giá trị 250,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị 6,8 tỷ đồng.

Diễn biến không khác nhiều phiên sáng, khi một số cổ phiếu nhỏ hoạt động tốt hơn, với EIN tăng trần +13,2% lên 4.300 đồng, CST +10,3% lên 16.000 đồng, LMH +5,4% lên 7.800 đồng, PAS +4,8% lên 6.500 đồng.

Trong khi đó, BSR -0,5% xuống 20.600 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 3,67 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều tăng, trong đó, VN30F2210 đáo hạn hôm nay tăng 5 điểm, tương đương +0,47% lên 1.058 điểm, khớp lệnh hơn 279.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.830 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chi phối mạnh, nhưng CSTB2218 có khối lượng khớp lệnh cao nhất với 2,22 triệu đơn vị đã tăng khá +5,9% lên 180 đồng/cq.

Tin bài liên quan