Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/2: Nhà đầu tư bớt hưng phấn, thị trường điều chỉnh nhẹ

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/2: Nhà đầu tư bớt hưng phấn, thị trường điều chỉnh nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường dù điều chỉnh sau bốn phiên tăng liên tiếp, nhưng điểm tích cực là dòng tiền không có dấu hiệu bỏ cuộc chơi, thanh khoản tiếp tục có sự gia tăng, thể hiện sự tự tin của nhà đầu tư về đợt hồi phục này.

Sự hưng phấn trong phiên sáng được thể hiện ngay từ đầu phiên như một sự nối tiếp đà thăng hoa của thị trường tạo ra ngày hôm qua. Tuy nhiên, sau chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp, những gì sau đó với thị trường là hoạt động chốt lời.

Diễn biến này khiến VN-Index đã quay đầu giảm điểm, số mã tăng trần cũng ít đi so với đầu phiên, tuy nhiên sự sôi động vẫn được duy trì với giá trị khớp lệnh riêng trên sàn HOSE vượt 11.000 tỷ đồng, nhỉnh hơn so với phiên hôm qua.

Diễn biến trong phiên chiều có nét giống phiên sáng khi điểm số được kéo lên, tuy nhiên thành quả đó không được duy trì, VN-Index kết phiên với mức giảm trên 4 điểm. Về mặt kỹ thuật thì phiên hôm nay dù giảm điểm nhưng vẫn được coi là tích cực bởi đây là sự điều chỉnh cần thiết sau chuỗi tăng, ngưỡng hỗ trợ là đường MA20 ở khu vực 1.076 điểm không bị vi phạm, các chỉ báo khác vẫn trong xu hướng tích cực.

Chốt phiên, sàn HOSE có 182 mã tăng và 234 mã giảm, VN-Index giảm 4,46 điểm (-0,41%), xuống 1.082,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 720,3 triệu đơn vị, giá trị 11.858,6 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 5% về khối lượng và hơn 1% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,5 triệu đơn vị, giá trị 1.453,5 tỷ đồng.

Ở nhóm bluechip, bộ ba cổ phiếu ngân hàng CTG, BID, VPB nới đà giảm và gây sức ép chính, dù mức giảm cũng không quá lớn.

Theo đó, VPB -2,7% xuống 17.800 đồng, BID -2% xuống 46.250 đồng, CTG -2% xuống 29.850 đồng.

Các cổ phiếu khác như ACB, STB, SSI, HPG, BVH, POW và MBB giảm từ 1,2% đến 1,6% cũng góp thêm phần khiến thị trường không thể bật lên.

Ở chiều ngược lại, NVL và PLX là những điểm sáng lớn trong phiên sáng, nhưng cũng đã hạ nhiệt về cuối ngày, với NVL từ sắc tím chỉ còn +3,2% lên 12.850 đồng, PLX còn +3% lên 40.600 đồng. Trong đó, NVL phiên này thanh khoản cao nhất thị trường với gần 28 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các cổ phiếu tăng khác còn có VCB, VIC, MWG, HDB, VRE, SAB, nhưng mức tăng khiêm tốn. Trong khi VHM, PDR, FPT về tham chiếu, với PDR có thời điểm đã tăng tới gần 5%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng chỉ còn số ít các cổ phiếu bất động sản, đầu tư công, xây dựng tỏ ra vượt trội, với những cái tên LDG, HQC, IJC, C47, TTA, khi đều tăng trần. Trong đó, LDG khớp hơn 13,2 triệu đơn vị, IDJ khớp hơn 11,3 triệu đơn vị và đáng kể là HQC khi khớp gần 4,9 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 19,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu LCG bị chốt lời khá mạnh và từ giá trần về còn +2,8% lên 12.650 đồng, khớp lệnh đứng thứ ba trên sàn với 21,1 triệu đơn vị.

Những cái tên khác tăng tốt rải rác ở các nhóm vận tải, xăng dầu, thủy sản, phân phối, điện…như PET +3,6% lên 23.250 đồng, ANV +3,9% lên 35.000 đồng, PGV +4% lên 19.300 đồng, OGC +4,8% lên 8.900 đồng, PSH +6,4% lên 7.180 đồng, VSC +6,7% lên 31.850 đồng và cổ phiếu ngân hàng EIB +5,5% lên 20.200 đồng.

Dù vậy, thị trường không quá tiêu cực, do lực cung giá thấp cũng không xuất hiện nhiều, với chỉ một vài cái tên đáng kể như DXS -3,8% xuống 7.100 đồng, NHH -3,6% xuống 14.900 đồng, MIG -3,1% xuống 15.700 đồng, VIP -3,1% xuống 10.900 đồng và nhóm cổ phiếu thép NKG -2,9% xuống 15.300 đồng, HSG -2,5% xuống 15.800 đồng, khớp lệnh HSG chỉ đứng sau NVL trên sàn với 21,77 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, bảng điện tử thêm sắc đỏ cũng đã khiến HNX-Index dần chìm xuống dưới tham chiếu, kết phiên ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 86 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 1,74 điểm (-0,81%), xuống 214,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,2 triệu đơn vị, giá trị 1.255,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị 169,7 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu nhỏ hoạt động tốt với NSH, HHG, FID, VKC và DVM, khi đều đóng cửa ở giá trần, khớp từ 0,25 triệu đến 0,56 triệu đơn vị.

Tăng điểm khác ở các mã thanh khoản cao chỉ còn LIG +4,8% lên 4.400 đồng và nhóm cổ phiếu than với TC6 +6,8% lên 9.400 đồng, NBC +5,2% lên 12.100 đồng, TVD +3,9% lên 15.900 đồng.

Phần còn lại, ngoài TNG, AMV, MBG, PVL MST đứng tham chiếu thì đều giảm.

Trong đó, những cái tên SHS, PVS, CEO, IDC, PVC, MBS, IDJ, TAR, HUT, BCC, NRC đều góp mặt, với mức giảm từ 1% đến hơn 2,5%, với SHS và CEO phiên này thanh khoản cao nhất sàn khi có 10,56 triệu và 10,34 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giao dịch giằng co nhẹ dưới tham chiếu, quanh mức đóng cửa ở cuối phiên sáng cho đến khi đóng cửa.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,65 điểm (-0,82%), xuống 78,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,1 triệu đơn vị, giá trị 531,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,72 triệu đơn vị, giá trị 55,8 tỷ đồng.

Giao dịch không khác nhiều so với phiên sáng, khi phần lớn các mã thanh khoản tốt đều tăng, với BSR vẫn là mã vượt trội khi có gần 11 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 0,6% lên 16.900 đồng.

Ở phía sau là C4G +2,6% lên 12.000 đồng, khớp 7,11 triệu đơn vị, LMH +3,6% lên 5.800 đồng, khớp 2,68 triệu đơn vị, OIL +3,2% lên 9.600 đồng, khớp 2,48 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều mất điểm, trong đó, VN30F2303 đáo hạn gần nhất đã giảm 11,9 điểm, tương đương -1,09% xuống 1.076,1 điểm, khớp lệnh hơn 284.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 51.900 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, ba mã CHPG2221, CTCB2212 và CHPG2223 phiên này khớp lệnh cao nhất với 2,24 triệu, 1,21 triệu và 1,19 triệu đơn vị.

Trong đó, chỉ có CHPG2223 nhích 3,6% lên 290 đồng/cq. Hai mã còn lại chỉ có giá tham chiếu.

Tin bài liên quan