Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/9: Nhà đầu tư ôm tiền đứng nhìn

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/9: Nhà đầu tư ôm tiền đứng nhìn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dường như nhà đầu tư trong nước cũng đang chờ đợi thông tin từ bên kia bờ Đại Tây Dương nên chủ yếu chỉ đừng nhìn trong phiên giao dịch hôm nay, khiến thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, xuống mức thấp nhất gần 2 năm.

Chịu ảnh hưởng từ phiên giảm điểm tối qua trên thị trường Âu, Mỹ, chứng khoán Việt Nam cũng chìm trong sắc đỏ trong phiên sáng nay. Dù có đôi lúc lực cầu bắt đáy thăm dò giúp VN-Index hồi về gần tham chiếu, nhưng khi nhận thấy lực cung vừa gia tăng, bên mua đã rụt tay khiến VN-Index giảm mạnh trở lại.

Bước vào phiên chiều, sự thận trọng tiếp tục được đặt lên hàng đầu khiến giao dịch thị trường diễn ra ảm đạm, giao dịch nhỏ giọt khi bên mua ôm tiền đứng nhìn, còn bên bán cũng không bán giá thấp hơn. Dù vậy, với sự hỗ trợ của VNM, cùng sự trở lại của SAB, BVH, hay một số mã lớn hãm bớt đà giảm giúp VN-Index vẫn giữ được mốc 1.210 điểm.

Chốt phiên, VN-Index giảm 8,38 điểm (-0,69%), xuống 1.210,55 điểm với 138 mã tăng (nhiều hơn so với con số 89 của phiên sáng), trong khi có 305 mã giảm, ít hơn 16 mã so với phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch chỉ 389,4 triệu đơn vị, giá trị 9.678,1 tỷ đồng, giảm 17,8% về khối lượng và 13,3% về giá trị so với phiên hôm qua, cũng là mức thanh khoản thấp nhất trong gần 2 năm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 66,2 triệu đơn vị, giá trị 2.251 tỷ đồng.

Các mã trong VN30, ngoài VNM duy trì sắc xanh, thậm chí nới rộng đà tăng khi đóng cửa ở mức 76.900 đồng, tăng 1,5%, khớp gần 2,5 triệu đơn vị, còn có BVH và SAB đảo chiều thành công với mức tăng 1,3% lên 55.100 đồng và 0,3% lên 188.000 đồng. Trong khi đó, dù không giữ được sắc xanh, nhưng NVL cũng đóng cửa ở tham chiếu 84.600 đồng, khớp 2,33 triệu đơn vị. Trong tuần trước, đây là mã bluechip tăng giá hiếm hoi.

Ở chiều ngược lại, KDH vẫn là mã giảm mạnh nhất khi nới đà giảm thành 5,8% xuống 111.100 đồng, khớp gần 1,7 triệu đơn vị. Tiếp theo là MWG giảm 2,4% xuống 70.000 đồng, mức thấp nhất ngày sau thông tin trên báo chí về nguồn gốc hàng hóa tại chuỗi Bách Hóa Xanh; thanh khoản đạt 3,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VPB là mã có thanh khoản tốt nhất với 12,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,7% xuống 29.500 đồng. Tiếp đến là POW với 12,1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,8% xuống 13.450 đồng.

Không chỉ VPB, nhóm ngân hàng chỉ có MSB may mắn giữ giá tham chiếu, còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là EIB khi mất 2,3% xuống 34.500 đồng. STB giảm 1,8% xuống 21.750 đồng…

Trong khi đó, tâm điểm của dòng tiền phiên sáng là VCG lại không duy trì được phong độ tốt khi bên mua chững lại, khiến VCG hạ nhiệt chỉ còn tăng 2,1% lên 24.850 đồng, trong khi phiên sáng tăng 3,1%; thanh khoản 9,7 triệu đơn vị, đứng thứ 7 trong khi phiên sáng đứng đầu sàn HOSE.

Trong nhóm bất động sản, xây dựng, ITC nhảy vọt lên mức trần 15.650 đồng, FCN nới đà tăng 4,4% lên 16.350 đồng, CII cũng duy trì đà tăng 1,4% lên 21.500 đồng, trong khi DXG đảo chiều giảm nhẹ 0,2%.

Nhóm chứng khoán có 4 sắc xanh, nhóm thép có 3 mã tăng, 3 mã đứng giá, còn lại giảm, nhưng mức giảm không đáng kể. HPG mất mốc 23.000 đồng, dù chỉ giảm nhẹ 0,4% xuống 22.900 đồng, khớp 9,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhóm dầu khí lại hồi phục khá tốt, trong đó PVD tăng 2,8% lên 22.350 đồng, GAS chỉ giảm tối thiểu, PLX cũng chỉ còn sắc xanh nhạt.

HNX cũng hồi dần trong phiên chiều và hãm đà giảm nhờ sự trở lại của nhóm dầu khí.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,82 điểm (-0,68%), xuống 265,09 điểm với 69 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,3 triệu đơn vị, giá trị 1.043,8 tỷ đồng, giảm 20,3% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5 triệu đơn vị, giá trị 254,9 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí đảo chiều tăng giá khi nhận được lực cầu tốt, trong đó PVS tăng 1,5% lên 26.400 đồng, khớp 6,06 triệu đơn vị, cao nhất sàn. PVC tăng 1% lên 20.600 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị.

Ngoài ra, IDC cũng hồi phục với mức tăng tối thiểu 0,2% lên 53.100 đồng, khớp 2,47 triệu đơn vị, cùng với đó là TAR duy trì sắc xanh với mức tăng 2,6% lên 27.400 đồng, khớp 2,29 triệu đơn vị.

Còn lại, SHS, CEO, HUT vẫn giảm, nhưng mức giảm thu hẹp đi nhiều so với phiên sáng. Cặp đôi cổ phiếu họ FLC giảm mạnh với KLF giảm kịch sàn 1.700 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị và còn dư bán sàn, còn ART giảm 3,4% xuống 2.800 đồng, khớp 1,78 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BII vẫn duy trì mức sàn 3.700 đồng với dư bán sàn hàng triệu đơn vị.

Trong khi đó, UPCoM bị đẩy xuống tạo đáy của ngày trong phiên chiều, nhưng sau đó đã hồi trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm dầu khí, đóng cửa bằng mức của phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,32%), xuống 88,23 điểm với 149 mã tăng và 107 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 30,7 triệu đơn vị, giá trị 442,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 40,8 tỷ đồng.

BSR nhận lực cầu tốt nên không chỉ đảo chiều tăng giá, mà còn bứt lên dẫn đầu về thanh khoản. Theo đó, BSR đóng cửa tăng 1,3% lên mức cao nhất ngày 22.700 đồng, khớp 3,54 triệu đơn vị. OIL cũng tăng 2,5% lên 12.100 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.

Ngoài ra, các mã có thanh khoản cao khác hôm nay tất cả đều tăng mạnh, trong đó FTM và CDO vẫn duy trì sắc tím như phiên sáng lên 3.100 đồng và 4.300 đồng, trong khi VHG tăng 6,1% lên 3.500 đồng, C4G tăng 3% lên 13.900 đồng, PFL tăng 12,7% lên 6.200 đồng, DTE tăng 5,5% lên 11.500 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở với mức giảm tương đương. Cụ thể, VN30-Index giảm 12,87 điểm (-1,04%), xuống 1.228,2 điểm với 3 mã tăng và 26 mã giảm, 1 mã đứng giá. Trong khi đó, hợp đồng đáo hạn tháng 10 giảm 13,1 điểm (-1,06%), xuống 1.219,6 điểm với 296.408 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 46.982 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm, chỉ có hơn 1 mã tăng, trong đó mã tăng mạnh nhất là CHPG2211 do MBS phát hành tăng 33,3% lên 40 đồng, thanh khoản chỉ 72.400 đơn vị. Ngược lại, mã giảm mạnh nhất cũng do MBS phát hành là CACB2203 giảm 66,7% xuống 50 đồng, thanh khoản 62.900 đơn vị. Có 5 mã khác giảm trên 50%, trong đó có 4 mã giảm sàn do KIS và VCSC phát hành.

Hôm nay có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CMWG2205 do HSC phát hành, CSTB2211 và CVIC2205 đều do KIS phát hành. Cả 3 mã này đều giảm khi đóng cửa với mức giảm lần lượt là 20,6% xuống 540 đồng, 8,6% xuống 320 đồng và 33,3% xuống 20 đồng.

Tin bài liên quan