Giao dịch chứng khoán phiên chiều 6/9: Nhóm FLC bị bán tháo, VN-Index thoát hiểm nhờ dòng bank

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 6/9: Nhóm FLC bị bán tháo, VN-Index thoát hiểm nhờ dòng bank

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh hơn trong phiên chiều khiến VN-Index rung lắc và chỉ nhờ sự gồng gánh của nhóm ngân hàng và một vài mã bluechip, VN-Index mới thoát phiên giảm điểm hôm nay.

Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 6/9, VN-Index sớm bật tăng khi sắc xanh phủ rộng bảng điện tử và hoạt động giao dịch diễn ra khá sôi động, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu điện. Gần cuối phiên sáng, chỉ số sàn HOSE còn được kéo tăng vượt mốc 1.285 điểm, trước khi bị đẩy lùi trở lại trước áp lực chốt lời tại vùng giá cao.

Sau giờ nghỉ trưa, sức ép bán mạnh tiếp tục được duy trì, trong khi tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn sau nhịp bán mạnh cuối phiên sáng, khiến VN-Index hạ thấp độ cao.

Như đã phân tích trước đó, ở thời điểm hiện tại, dòng tiền đang cho thấy sự luân chuyển tích cực giữa các nhóm ngành, mà không trụ lại quá lâu với nhóm cổ phiếu nào.

Trong phiên sáng nay, khi mà nhóm thép, chứng khoán, xăng dầu… đồng loạt thoái lui, thì nhóm cổ phiếu điện giao dịch nổi bật và ở phiên chiều đến lượt nhóm ngân hàng, bất động sản, xây dựng. Đây chính là các nhóm đã gồng gánh, giúp VN-Index không giảm điểm trước áp lực đến từ số đông mã còn lại trên sàn.

Phiên chiều đáng chú ý là lệnh bán tháo ồ ạt diễn ra ở nhóm cổ phiếu họ FLC. Sau khi HOSE có quyết định đưa thêm FLC và HAI vào diện bị đình chỉ giao dịch kể từ 9/9 từ cuối tuần trước (trước đó là ROS và sau đó đã bị hủy niêm yết), nhóm cổ phiếu này bị bán tháo mạnh và giảm sàn từ phiên đầu tuần. Đà bán tháo tiếp tục diễn ra mạnh hôm nay khi nhà đầu tư nào cũng muốn nhanh chân thoát thân, khiến cả nhóm là FLC, AMD, HAI trên HOSE và KLF, ART trên HNX.

Đóng cửa, với 191 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index chỉ nhích tăng 0,05 điểm (+0%) lên 1.277,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 581,45 triệu đơn vị, giá trị gần 14.561 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên 5/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,46 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.443 tỷ đồng.

Trong phiên chiều nay, sàn HOSE không có mã ngân hàng nào giảm điểm. Ngoại trừ STB, SSB, TPB và EIB đứng giá tham chiếu, các mã còn lại đều tăng nhẹ.

VPB giao dịch tích cực nhất nhóm với 11,57 triệu đơn vị khớp lệnh, kết phiên tăng 0,3% lên 31.400 đồng. Tiếp đó là SHB khớp 9,12 triệu đơn vị và tăng 0,3% lên 15.550 đồng, MBB khớp 6,88 triệu đơn vị và tăng 0,2% lên 23.650 đồng.

Các mã LPB, CTG, MSB, HDB, BID tăng hơn 1%, nhưng thanh khoản không cao, từ 1-4,9 triệu đơn vị. STB khớp 6,3 triệu đơn vị.

Với nhóm cổ phiếu xây dựng, sắc xanh cũng mở rộng ở nhiều mã như VCG, LCG, HBC, HHV, FCN, PC1…, trong đó VCG +2,9% lên 23.100 đồng và khớp 6,96 triệu đơn vị, LCG +1,3% lên 11.450 đồng và khớp 5,12 triệu đơn vị, HBC +2,3% lên 19.850 đồng và khớp 4,58 triệu đơn vị, PC1 +3,1% lên 41.350 đồng và khớp 3,66 triệu đơn vị…

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu điện đã suy giảm khá đáng kể trước sức ép lớn dần. POW vẫn là mã giao dịch nổi bật nhất với mức khớp lệnh 30,62 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn HOSE, nhưng chỉ còn tăng 2,1% lên 14.300 đồng. NT2 cũng lùi về tham chiếu, khớp lệnh 2,8 triệu đơn vị.

Ở một số nhóm cổ phiếu khác như bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp…, sắc đỏ chiếm ưu thế với nhiều mã giảm như ITA, KBC, LHC, VIC, NVL, HQC, KDH, HDC, PTL… Các mã FLC, AMD giảm sàn.

ITA khớp 11,49 triệu đơn vị, giảm 4,7% về 6.520 đồng. KBC khớp 6,34 triệu đơn vị, giảm 1,3% về 33.900 đồng. FLC và AMD khớp lần lượt 5 triệu và 3,34 triệu đơn vị, giảm về tương ứng 3.460 đồng và 2.180 đồng. FLC còn dư bán sàn hơn 14 triệu đơn vị.

Ngược lại, các mã DXG, DIG, NVL, PDR… vẫn giữ được sắc xanh, trong đó DXG tăng 2,3% lên 26.500 đồng và khớp 0,65 triệu đơn vị; DIG tăng 2,1% lên 38.500 đồng và khớp 6,32 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu bùng nổ hôm qua là thép cũng hạ nhiệt trong phiên hôm nay khi hầu hết giữ sắc đỏ. Trong đó, HPG -1,5% về 23.550 đồng và khớp 15,33 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE; NKG -0,4% về 22.550 và khớp 14,9 triệu đơn vị; HSG -0,7% về 22.100 đồng và khớp 14,2 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng với HOSE khi cũng có vài thời điểm bật tăng mạnh trong phiên, trước khi chịu nhiều áp lực về cuối phiên mà vẫn giữ được sắc xanh.

Đóng cửa, với 87 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index tăng 0,45 điểm (+0,15%) lên 293,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 70,01 triệu đơn vị, giá trị 1.375,93 tỷ đồng, tăng gần 12% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên 5/9 (1.359,36 tỷ đồng). Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,53 triệu đơn vị, giá trị gần 236 tỷ đồng.

Rổ HNX30 phân hóa khá rõ nét. Các tăng điểm để hỗ trợ chỉ số như SHS, CEO, MBS, HUT, NDN, DDG, PLC… Ngược lại, các mã PVS, PVC, IDC, TNG, LAS, TAR… giảm điểm.

SHS +1,6% lên 13.100 đồng, khớp lệnh 7,26 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX. Đứng thứ 2 là PVS với 7,1 triệu đơn vị, nhưng giảm 1,1% về 28.100 đồng.

Hai cổ phiếu liên quan đến họ FLC là KLF và ART đều giảm sàn về 2.200 đồng và 3.600 đồng, trong đó KLF khớp 5,79 triệu đơn vị, ART khớp hơn 4,82 triệu đơn vị và dư bán sàn từ 1-3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng chịu sức ép chốt lời mạnh trong phiên chiều nên quay đầu giảm về mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, với 146 mã tăng và 134 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,14%) về 91,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,72 triệu đơn vị, giá trị 572,21 tỷ đồng, tăng 9% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 5/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,6 triệu đơn vị, giá trị 8,2 tỷ đồng.

Phiên này, cổ phiếu C4G giao dịch khá ấn tượng khi bật tăng từ sớm, kết phiên đạt 13.900 đồng, tăng 5,3% và khớp lệnh 4,76 triệu đơn vị, gần bằng cổ phiếu dẫn đầu là BSR với 4,87 triệu đơn vị, nhưng kết phiên chỉ đứng giá tham chiếu 25.500 đồng.

Ngoài ra, trong nhóm thanh khoản cao nhất sàn cũng chỉ có VHG và PXL tăng điểm (tăng trên 2,4%) và cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lại đều tăng điểm, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2209 tăng 4 điểm (+0,3%) lên 1.290 điểm với 228.845 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 43.179 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó mã CVJC2202 khớp lệnh mạnh nhất, đạt hơn 1,153 triệu đơn vị, kết phiên đứng giá 20 đồng/CQ. Mã CVRE2211 đứng thứ 2 về thanh khoản khi khớp 1,132 triệu đơn vị, kết phiên tăng 3,2% lên 650 đồng/CQ.

Tin bài liên quan