Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/8: Thông tin nới room tín dụng tạo hưng phấn cho thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý nhà đầu tư có phần hưng phấn với thông tin về nới room tín dụng, giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản mạnh, đã nhiều lần thất bại - mốc 1.280 điểm.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/8: Thông tin nới room tín dụng tạo hưng phấn cho thị trường

Trong phiên hôm qua, thị trường nhích lên từ sớm. Tuy nhiên, việc thiếu động lực từ dòng tiền lớn khiến VN-Index đã vài lần thất bại khi lên test lại ngưỡng kháng cự 1.280 điểm và đóng cửa ở ngay dưới ngưỡng cản mạnh này.

VN-Index đã có lần đầu tiên trở lại trên đường SMA 100 ngày kể từ giai đoạn giữa tháng 04/2022 đến nay. Tuy nhiên, đồ thị lại hiển thị cây nến Doji với thanh khoản yếu cho thấy thị trường vẫn còn nhiều lưỡng lự.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/8, có 2 thông tin tác động tới thị trường. Đầu tiên là một số thông tin lan truyền về việc 13 ngân hàng được nới room tín dụng từ 3 - 5%, dù chưa có thông tin chính thức xác nhận. Tiếp đến đó là trong phiên hôm nay, nếu nhà đầu tư khớp lệnh sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày 29/8 (ngày T+2) để có thể thực hiện mua, bán chứng khoán trong phiên giao dịch chiều cùng ngày.

Các thông tin trên, đã tạo hứng khởi cho nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch sáng nay. VN-Index sớm đã tăng khá nhanh và lên trên 1.285 điểm với sắc xanh chiếm đa số trên bảng điện tử. Nhóm ngân hàng đa số giao dịch trong sắc xanh, nhưng mã đầu ngành VCB sau phiên tăng mạnh hôm qua, lại quay đầu điều chỉnh nhẹ sáng nay.

Dù vậy, dòng tiền lớn chưa xuất hiện, khiến VN-Index không thể bứt phá, mà bị đầy lùi trở lại, nhưng điểm tích cực là ngưỡng 1.280 điểm vẫn đang được bảo toàn sau hơn 1 giờ giao dịch.

Giao dịch nhìn chung khá tích cực ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, khi chỉ lác đác một vài sắc đỏ với biên độ giảm thấp, trong khi phần còn lại đều tăng, với một số đáng kể như HSL tăng trần lên 6.790 đồng, các mã ITA, DCM, DPM, TSC, TVB tăng trên dưới 3%.

Trong khi đó, VND đang là cổ phiếu hút dòng tiền nhất với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu HOSE và nhích hơn 2%.

Gần như không có thêm diễn biến nào mới đáng kể trên thị trường, khi VN-Index chỉ đi ngang quanh 1.282 điểm cho đến khi kết phiên khi nhà đầu tư chậm lại đáng kể khiến thanh khoản suy giảm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 235 mã tăng và 171 mã giảm, VN-Index tăng 5,63 điểm (+0,44%), lên 1.282,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 307,2 triệu đơn vị, giá trị 7.958,5 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22 triệu đơn vị, giá trị 777 tỷ đồng.

Các bluechip đóng góp lớn nhất cho chỉ số phiên này có GVR +4,1% lên 25.150 đồng, VPB +2,4% lên 32.150 đồng, VHM +1,5% lên 60.600 đồng. Bộ ba cổ phiếu này đem lại gần 3 điểm tích cực cho VN-Index.

Các mã khác đáng kể chỉ còn VIB +2,2% lên 25.650 đồng, MWG +1,6% lên 67.900 đồng, SSI +1,2% lên 25.550 đồng, còn lại chỉ nhích nhẹ như PLX, MBB, BVH, GAS, VIC, CTG, KDH, HPG, VRE...với mức tăng từ 0,2% đến 0,9%.

Không mã nào giảm quá sâu, mất hơn 1% chỉ có PDR -1,2% xuống 55.700 đồng, còn VCB, MSN, VJC, FPT giảm nhẹ, cùng BID và POW đứng tham chiếu.

Giao dịch sôi động nhất tại VPB với hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh, SSI khớp gần 10 triệu đơn vị, các mã GVR, MWG, MBB, STB, POW, HPG khớp từ 3 triệu đến 6,3 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng chỉ một số ít nổi bật như HSL giữ giá trần +6,9% lên 6.790 đồng, khớp 2,08 triệu đơn vị.

Cặp đôi phân bón DCM và DPM cùng tăng 4,8% lên 34.750 đồng và 50.100 đồng, khớp 5,6 triệu và 4,16 triệu đơn vị. Một cổ phiếu hóa chất khác là BFC +3,9% lên 25.150 đồng.

Hai cổ phiếu được chú ý gần đây là HAX tăng mạnh 5,1% lên 25.800 đồng, khớp 1,13 triệu đơn vị, và KPF +4,3% lên 19.300 đồng, khớp 0,1 triệu đơn vị.

Phần còn lại, với các mã thanh khoản tốt ở nhiều nhóm ngành như VCG, SBT, HBC, DGC, PAN, APG, HDG, TCH, SCR, HCM, GEX, VIX, HSG, NKG, VND đều tăng điểm, nhưng mức tăng cũng chỉ ở mức khiêm tốn, trong đó, VND +1,5% lên 22.950 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 14,92 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, tương tự nhiều phiên gần đây, khi các cổ phiếu giảm phần lớn chỉ mất điểm nhẹ, với LCG, ASM, AGM, BAF, LDG, BCG, HQC, DIG, AAT, CII, DBC, HNG nằm trong số các mã giảm, thanh khoản thuộc top cao nhất sàn, khớp từ 1,2 triệu đến gần 7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nhịp tăng khá tích cực ngay từ sớm, nhưng áp lực bán quay trở lại khiến chỉ số lùi dần và về sát tham chiếu khi kết phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 79 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,14%), lên 301,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,9 triệu đơn vị, giá trị 1.035 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,47 triệu đơn vị, giá trị 6,25 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh, với SHS, KLF, IDC, CEO, MBS, PVC, HDA, S99, ART chìm trong sắc đỏ, dù phần lớn chỉ giảm dưới 1%, trong đó, SHS phiên này thanh khoản cao nhất sàn với 6,82 triệu đơn vị khướp lệnh, giảm 0,7% xuống 14.000 đồng.

Trong khi đó, HUT, TVC, AMV, TNG, APS, TAR, LAS, IPA, HTP tăng điểm, với HTP tăng mạnh 6,8% lên 42.700 đồng, TVC +3,2% lên 9.700 đồng.

Cùng với đó là hai mã TTH và API, khi đều tăng kịch trần lên 4.000 đồng và 54.700 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã tăng từ sớm trước khi lùi và chỉ còn tăng nhẹ khi kết phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,18%), lên 93,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,5 triệu đơn vị, giá trị 402,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,07 triệu đơn vị, giá trị gần 17 tỷ đồng.

Nhóm hơn 20 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất, chỉ còn PXS giảm và SSB, OIL, ABB, FTM, VFS đứng tham chiếu.

Còn lại đều kết phiên tăng, dù đa số chỉ nhích nhẹ, với BSR +0,8% lên 26.100 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 3,86 triệu đơn vị.

Cổ phiếu C4G khớp hơn 3,2 triệu đơn vị và tăng khá +4,5% lên 13.800 đồng, tương tự là LMH +7% lên 13.700 đồng, NED +3,7% lên 8.400 đồng, VGI +3% lên 34.400 đồng.

Tin bài liên quan