Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/3: Thị trường tăng mạnh trở lại, FLC và ROS vẫn bị bán tháo

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/3: Thị trường tăng mạnh trở lại, FLC và ROS vẫn bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên choáng váng hôm qua, các cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt ở nhóm bất động sản, xây dựng đã có sự trở lại mạnh mẽ, kể cả HAI và AMD cũng nhận lực cầu bắt đáy tốt. Tuy nhiên,  FLC và ROS vẫn bị bán tháo.

Trong phiên hôm qua, tin đồn liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC đã khiến nhóm cổ phiếu FLC bị bán tháo đã gây tâm lý tiêu cực lên cả thị trường, nhất là các mã vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao.

Ngay sau khi tin tức ông Trịnh Văn Quyết bị tạm cấm xuất cảnh 1 tháng được một số báo đăng tải cuối phiên sáng, thị trường càng tiêu cực hơn trong phiên chiều. Lực bán mạnh lan rộng sau giờ nghỉ trưa khiến VN-Index giảm hơn 25 điểm. Nhưng lực cầu mạnh đã giúp thị trường dần thu hẹp biên độ đóng cửa trên 1.480 điểm.

Dù số mã giảm chiếm thế ảp đảo (315 mã giảm so với 142 mã tăng) và VN-Index giảm hơn 25 điểm, nhưng dòng tiền hoạt đông mạnh và số mã giảm sàn chưa tới 20 mã, ít hơn so với số mã tăng trần cho thấy, tâm lý nhà đầu tư đã vững vàng hơn nhiều so với giai đoạn trước.

Hoạt động bán tháo không xảy ra trên diện rộng, thậm chí ngoại trừ nhóm FLC và một số mã bất động sản có tính đầu cơ cao hoặc có các câu chuyện riêng như HQC, HAR, LDG, NBB..., nhiều cổ phiếu khác khi giảm mạnh đều có lực cầu tốt.

Tín hiệu này cho thấy, phiên giảm hôm qua không có tiêu cực và nhiều dự báo thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục trở lại.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 29/3, ngay khi mở cửa, VN-Index đã tạo khoảng Gap gần 10 điểm lên trên 1.490 điểm với sắc xanh chiếm ưu thế, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhất là ở các mã bất động sản, xây dựng vốn chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ nhóm FLC hôm qua.

Trong đó, đáng kể nhất là HQC, khi khớp lệnh vượt trội với 27 triệu đơn vị và từ mức giá sàn đã lên thẳng mức giá trần tại 10.050 đồng.

Các cổ phiếu khác như DXG, LDG, CII, ITA, DLG, SCR, HBC, DIG, BCG, NHA...cũng cho mức tăng mạnh, phần lớn trên 3%. Thậm chí VPH, NVT còn tăng kịch trần.

Nhóm cổ phiếu họ FLC vẫn rất đáng chú ý, trong khi AMD và HAI có không ít lệnh mua giá sàn khối lượng lớn được khớp, thanh khoản chỉ đứng sau HQC trên sàn, với 17 triệu và 12 triệu đơn vị khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch, nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh trên dưới 6%.

Trong khi đó, ROS nhận lực mua bắt đáy lớn, khớp lệnh cũng chỉ đứng ngay sau AMD và HAI với hơn 7 triệu đơn vị, nhưng vẫn nằm sàn tại 8.160 đồng.

Đối với FLC, tình hình được cải thiện đôi chút với hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh và vẫn còn dư bán giá sàn 12.650 đồng với hơn 71 triệu cổ phiếu.

Ở những nơi khác, nhóm cổ phiếu ngành logistics tăng mạnh với VSC, GMD, VNL, VOS, TMS tăng trên dưới 5%.

Nhóm nhà An Phát hút dòng tiền với APH, AAA thuộc top thanh khoản cao nhất sàn, nhích gần 3,5%.

Giằng co nhẹ trên vùng 1.490 điểm khi lực cầu chững lại, nhưng VN-Index đã nhích dần lên vững chắc hơn nhờ sắc xanh phủ rộng hơn trên bảng điện tử cũng như nhóm bluechip khởi sắc hơn, đặc biệt là FPT và BID.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 317 mã tăng và 124 mã giảm, VN-Index tăng 11,35 điểm (+0,77%), lên 1.494,53 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 429,4 triệu đơn vị, giá trị 13.136 tỷ đồng, giảm hơn 8% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,74 triệu đơn vị, giá trị 364,9 tỷ đồng.

Phiên này, có tới 26 mã tăng trong rổ VN30, tác động tích cực cho tâm lý thị trường, trong đó, FPT là cổ phiếu tăng tốt nhất +5% lên 103.000 đồng và cũng là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 1,2 điểm tích cực.

Tương tự số điểm đóng góp như FPT là đà tăng 2% của BID lên 42.450 đồng. Một số bluechip khác có mức tăng khá khác như PNJ +2,2% lên 110.600 đồng, TPB +2% lên 40.250 đồng, VRE +2% lên 32.650 đồng, BVH +1,7%, MWG +1,7%. Các cổ phiếu STB, SSI, VNM, POW nhích hơn 1%.

Ở chiều ngược lại, chỉ còn SAB, NVL, VCB và PDR giảm, nhưng mức giảm chỉ từ 0,3% đến 0,6%.

Giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với tâm điểm là dòng bất động sản, với HQC phiên này trở thành điểm nóng, khi khớp lệnh hơn 30,2 triệu đơn vị, vượt trội phần còn lại trên thị trường, giá cổ phiếu hạ nhiệt đôi chút từ mức giá trần, kết phiên +5,9% lên 9.950 đồng.

Các cổ phiếu khác trong nhóm này như DXG, CII, LDG, DLG, GEX, SCR, BCG, DIG, HBC, NLG, TCH, VCG, HHC, KBC, FCN, KHG, CRE khớp từ 1,1 triệu đến hơn 8,8 triệu đơn vị và đều kết phiên trong sắc xanh, với một số tăng khá mạnh như DIG +6,5% lên 101.100 đồng, CRE +5,7% lên 40.950 đồng, CII +4,9% lên 32.300 đồng, DLG +4,3% lên 8.050 đồng, LDG +4% lên 21.850 đồng, DXG +2,8% lên 47.000 đồng.

Các cổ phiếu khác như QCG, VPH, C47, HUB, CIG còn tăng kịch trần, nhóm TLD, AGG, UDC, VRC, HDC, DRH, NBB, HAR, NHA, LGL, TGG tăng từ hơn 3% đến hơn 5%.

Ở những nơi khác, cặp đôi nhà An Phát đứng vững, với APH +4,4% lên 30.600 đồng, khớp 7 triệu đơn vị, AAA +3,4% lên 19.650 đồng, khớp 6,86 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu logistics tăng tốc như VOS lên giá trần 22.350 đồng, khớp hơn 5,4 triệu đơn vị, TMS +6,7% lên 120.000 đồng, VNL +6% lên 27.300 đồng, GMD +4,6% lên 58.900 đồng, TCO +4,6% lên 20.650 đồng, VSC +3,2% lên 47.050 đồng…

Ở chiều ngược lại, họ cổ phiếu FLC vẫn là những cái tên giảm sân nhất, với AMD và HAI thoát giá sàn, khớp lệnh chỉ đứng sau HQC với 21,3 triệu và 15,3 triệu đơn vị, nhưng vẫn còn giảm mạnh, với AMD -6,8% xuống 6.200 đồng, HAI -6,3% xuống 5.920 đồng.

Còn ROS khớp hơn gần 7,9 triệu đơn vị, giá vẫn ở mức sàn 8.160 đồng và còn dư bán sàn hơn 48 triệu đơn vị, tương tự là FLC, khi khớp 2,59 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 73,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chớm đỏ khi mở cửa và sự tích cực chung đã giúp chỉ số bật lên và tiến đến các mức cao hơn cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 144 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 7,9 điểm (+1,74%), lên 462,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92,9 triệu đơn vị, giá trị 2.352 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 163,4 tỷ đồng.

Sắc đỏ chỉ còn lác đác ở nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất, với cặp đôi liên quan đến FLC là KLF và ART.

Theo đó, KLF -7,8% xuống 5.900 đồng, dù có thời điểm chạm giá sàn, khớp lệnh cao nhất HNX với 21,47 triệu đơn vị. Tương tự là ART, khi từ giá sàn về còn -5,8% xuống 9.700 đồng, khớp 8,57 triệu đơn vị.

Phần còn lại đều kết phiên tăng, trong đó, một số tăng khá mạnh, điển hình như CEO +7,6% lên 71.000 đồng, PVC +7,3% lên 32.300 đồng, BII +4,5% lên 14.000 đồng, L14 +4,3% lên 368.000 đồng, VCS +4% lên 119.600 đồng, NVB +3,8% lên 38.000 đồng, PVS +2,2% lên 36.900 đồng…

Đáng chú ý là cổ phiếu SVN, khi tăng hết biên độ +9,6% lên 9.100 đồng, khớp hơn 590.000 đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng tăng từ sớm và tiếp tục nới rộng đà đi lên cho đến khi kết phiên.

Các cổ phiếu giảm điểm lác đác còn ABB, LMH với biên độ thấp, cùng BVB, TCI, QTP đứng tham chiếu.

Còn lại đều tăng, với BSR phiên này thanh khoản cao nhất với hơn 4,1 triệu đơn vị, nhích 0,7% lên 26.900 đồng.

Các cổ phiếu tăng vượt trội đáng kể có CEN +9,8% lên 20.200 đồng, LTG +7,7% lên 45.900 đồng, MSR +6,8% lên 32.900 đồng, DVN +6,6% lên 25.900 đồng, DVN +5,3%, BOT +5,3% DDV +5,1%, SGP +5,1%, PXL +4,2%, khớp từ 0,6 triệu đến 1,91 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,88 điểm (+0,76%), lên 116,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,9 triệu đơn vị, giá trị 925,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,7 triệu đơn vị, giá trị 58,5 tỷ đồng.

Tin bài liên quan