Giao dịch chứng khoán sáng 1/6: Nghỉ ngơi chờ sóng mới

Giao dịch chứng khoán sáng 1/6: Nghỉ ngơi chờ sóng mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhịp hồi mạnh từ đáy ở vùng 1.160 điểm lên vùng 1.290 điểm, thị trường bắt đầu tạm nghỉ để tích lũy trước khi bước vào nhịp tăng mới.

Sau khi test lại vùng đỉnh cũ 1.530 điểm bất thành đầu tháng 4, thị trường đã chứng khiến chuỗi lao dốc với nhiều phiên bị báo tháo ồ ạt do ảnh hưởng của những thông tin tiêu cực liên quan đến khởi tố lãnh đạo các doanh nghiệp, siết thị trường trái phiếu, cũng như ảnh hưởng thông tin tiêu cực từ bên ngoài.

Nhịp lao dốc này khiến VN-Index mất hơn 370 điểm, xuyên thủng nhiều ngưỡng hỗ trợ, về vùng 1.200 điểm, có lúc nhúng xuống vùng 1.160 điểm trong phiên 17/5 trước khi bật lại một cách ngoạn mục ngay trong phiên này. Sau phiên ngoạn mục này, xu hướng giảm của thị trường đã chấm dứt và xác lập xu hướng phục hồi.

Đà phục hồi từ giữa tháng 5 giúp VN-Index lấy lại được hơn 130 điểm, tiến lên vùng 1.290 điểm, nhưng thanh khoản ở mức thấp. Sau chuỗi hồi phục ấn tượng này, thị trường có dấu hiệu tạm nghỉ ngơi khi đi ngang tích lũy trong 2 phiên gần nhất. Ngưỡng 1.300 điểm đang trở thành ngưỡng cản tâm lý mạnh với đà hồi phục này của thị trường khi VN-Index nhiều lần thử thách bất thành trong 2 phiên gần đây.

Bước vào phiên sáng nay, xu hướng tích lũy đi ngang vẫn tiếp diễn khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng, khiến VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản vẫn ở mức thấp. Dường như những nhà đầu tư chốt lời sau nhịp hồi vừa qua chưa vội tích lũy ngay hàng mới, mà chỉ mua thăm dò ở các nhịp điều chỉnh.

Trên thị trường, nhóm dầu khí và phân bón trong những phiên gần đây gây ấn tượng mạnh khi có nhịp hồi mạnh hơn nhiều so với VN-Index và các nhóm còn lại với mức tăng của nhóm dầu khí, phân bón so với đáy từ 20-30%, thậm chí PVD hồi hơn 38%. Đà hồi phục mạnh của nhóm này nhờ đà tăng của giá dầu thế giới. Tuy nhiên, trong phiên sáng nay, nhiều mã đã bị chốt lời nên đà tăng hãm lại, GAS chỉ còn tăng 2,3% so với mức kịch trần hôm qua, PVD thậm chí đã đảo chiều giảm nhẹ; nhóm phân bón DPM đứng tham chiếu, DCM cũng chỉ còn tăng khiêm tốn.

Trong khi đó, thị trường lại ghi nhận trở lại của nhóm ngân hàng, nhưng mức tăng khiêm tốn, nên chưa tạo sức bật để VN-Index chinh phục được ngưỡng cản 1.300 điểm.

Trong phiên sáng nay, VN-Index một lần nữa cũng thử test lại ngưỡng cản này, nhưng thêm một lần thất bại, sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu, nhưng vẫn đóng cửa gần như không thay đổi với sắc màu đỏ nhạt.

Việc VN-Index đóng cửa gần như không thay đổi dù số mã giảm gấp 3 lần số mã tăng là nhờ sự hỗ trợ đắc lực của GAS và VCB, trong khi các mã còn lại giảm với mức giảm không đáng kể.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,46 điểm (-0,04%), xuống 1.292,22 điểm với 109 mã tăng (5 mã trần), trong khi có tới 330 mã giảm (3 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 308,4 triệu đơn vị, giá trị 8.804,8 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên sáng qua.

Từ mức tăng hơn 2% nửa đầu phiên, GAS đã nới đà đi lên, đóng cửa tăng 4,1% lên 122.500 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị, đóng góp 2,3 điểm cho VN-Index. VCB dù tăng nhẹ 1,4% lên 80.000 đồng, nhưng cũng là mức tăng cao nhất trong nhóm ngân hàng và đóng góp 1,3 điểm cho VN-Index. Trong khi đó, nhiều mã khác trong nhóm ngân hàng hạ nhiệt về tham chiếu hoặc đóng cửa giảm nhẹ. Ngoài VCB, nhóm ngân hàng chỉ còn 3 tăng là OCB, SHB và ACB, nhưng mức tăng cũng rất khiêm tốn.

Trong nhóm POW cũng có mức tăng tốt 2,6% lên 13.900 đồng, thanh khoản 13 triệu đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản sau HPG. Trong khi đó, HPG lại giảm 2% về 34.000 đồng, thanh khoản 14,5 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, NKG mới là mã giảm mạnh nhất nhóm thép khi mất hơn 4% về 28.750 đồng, khớp hơn 7,1 triệu đơn vị. HSG cũng giảm 1,8% xuống 22.400 đồng, khớp gần 5,9 triệu đơn vị.

Nhóm công ty chứng khoán cũng toàn sắc đỏ, trong đó SSI giảm 2,2%, xuống 29.000 đồng, VCI giảm 1,8% xuống 38.300 đồng, VND giảm 1,6% xuống 24.850 đồng.

Các mã trong nhóm thị trường như HQC, GEX, DIG, HAG, ASM, TTF, DLG, HNG, ITA, LDG… cũng đều đồng loạt chìm trong sắc đỏ, với mức giảm đa số trên dưới 3%.

Trên HNX, chỉ số chính của sàn này chủ yếu dao động dưới tham chiếu, chỉ chớm xanh trong thời gian ngắn đầu phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,55 điểm (-0,81%), xuống 313,21 điểm với 49 mã tăng, trong khi có tới 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 39,8 triệu đơn vị, giá trị 992 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 47 tỷ đồng.

Các mã bluechip và đáng chú ý trên sàn này đều giảm giá như PVS giảm 1% xuống 30.400 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị; CEO giảm 3,2% xuống 42.800 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị; HUT giảm 2,6% xuống 30.200 đồng, khớp 1,6 triệu đơn vị; SHS giảm 1,1% xuống 18.000 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị; IDC giảm 0,7% xuống 54.000 đồng, khớp 1,35 triệu đơn vị…

UPCoM cũng có diễn biến giống HNX khi chỉ chớm xanh trong thời gian ngắn nửa đầu phiên, sau đó giảm và nới rộng dần theo thời gian, trước khi đóng cửa thoát được mức thấp nhất phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,81 điểm (-0,84%), xuống 94,64 điểm với 92 mã tăng và 141 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 24,6 triệu đơn vị, giá trị 497 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,9 triệu đơn vị, giá trị 27,4 tỷ đồng.

Trong khi nhiều cổ phiếu dầu khí đảo chiều, thì BSR giống GAS, vẫn duy trì đà tăng 2,3% lên 26.800 đồng, khớp 8,29 triệu đơn vị, cao nhất trên UPCoM. Trong khi 2 mã còn lại có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là C4G và VHG lại đóng cửa giảm 2% xuống 14.700 đồng, khớp 1,73 triệu đơn vị và giảm 5,4% xuống 5.300 đồng, khớp 1,25 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan