Giao dịch chứng khoán sáng 13/4: Dòng tiền thận trọng, thị trường tiếp tục lình xình

Giao dịch chứng khoán sáng 13/4: Dòng tiền thận trọng, thị trường tiếp tục lình xình

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 2 phiên tăng ấn tượng với mức tăng hơn 13%, cổ phiếu NVL đã gặp áp lực chốt lời mạnh phiên sáng nay, trong khi bên mua đột ngột chùn tay khiến cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh.

Thông tin tích cực về việc Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu lập tổ công tác để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của Novaland tại Bình Thuận và Đồng Nai giúp cổ phiếu NVL khởi sắc trong 2 phiên vừa qua.

Trong ngày 11/4, ngay khi thông tin trên được đưa ra, cổ phiếu NVL đã vọt tăng trần với lượng khớp lớn nhất hơn 4 tháng. Trong phiên hôm qua (12/4), dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào NVL, giúp mã này có lúc được kéo lên mức trần 15.150 đồng. Tuy lực bán khá lớn khiến NVL không giữ được sắc tím, nhưng cũng có mức tăng mạnh 6%, lên 15.050 đồng. Như vậy, sau 2 phiên tăng mạnh, cổ phiếu NVL có mức tăng hơn 13% so với giá đóng cửa của phiên đầu tuần.

Trong 2 phiên NVL khởi sắc này, VN-Index chỉ lình xình đi ngang trong biên độ hẹp khi không nhận được sự đồng thuận từ nhóm cổ phiếu lớn.

Bước vào phiên sáng này, áp lực chốt lời NVL gia tăng, trong khi bên mua đột ngột chùn tay khiến mã này quay đầu điều chỉnh giảm hơn 2%, thanh khoản cũng không lớn như 2 phiên liền trước.

Không chỉ NVL, mà nhiều mã bất động sản khác cũng quay đầu điều chỉnh như PDR, DHG, HPX, D2D. Trong khi NLG sau sắc tím hôm qua đã trở lại trạng thái lình xình sát tham chiếu. HDC cũng chỉ còn tăng nhẹ sau phiên kịch trần hôm qua.

Trong nhóm này, LDG bất ngờ thay thế NVL trở thành mã có giao dịch sôi động nhất sàn với gần 12 triệu đơn vị, nhưng lại có mức giảm khá lớn tới -6,3% xuống 4.330 đồng, có lúc về mức sàn 4.300 đồng.

Trong khi đó, DIG lại có “sở thích” đi ngược lại với đồng đội khi quay đầu tăng gần 2% và thanh khoản tốt, chỉ đứng sau LDG với 9,2 triệu đơn vị.

Một mã khác khởi sắc hôm qua cũng nhanh chóng quay đầu hôm nay là SHB, nhưng mức giảm nhỏ, chỉ dưới 1%. Không chỉ SHB, sắc đỏ đang chiếm ưu thế trong nhóm ngân hàng, nhưng biến động của cả bên tăng và giảm không lớn.

Tương tự, nhóm chứng khoán và thép, sắc đỏ cũng đang chiếm ưu thế, nhưng biến động về giá cũng không lớn.

Trong khi đó, nhóm dầu khí có vẻ tích cực hơn, khi chỉ có PGS giảm nhẹ, còn lại là tăng hoặc đứng giá tham chiếu.

Thị trường sáng nay diễn ra trầm lắng hơn so với các phiên trước và VN-Index tiếp tục lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa giảm nhẹ, dù trên bảng điện tử, sắc đỏ chiếm thế áp đảo.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,52 điểm (-0,24%), xuống 1.066,93 điểm với 113 mã tăng, trong khi có tới 233 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 300,8 triệu đơn vị, giá trị 4.930,8 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 15,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,5 triệu đơn vị, giá trị 590 tỷ đồng.

LDG vẫn giữ vị trí số 1 về thanh khoản với 14,56 triệu đơn vị, nhưng nới đà giảm khi mất 6,5% xuống 4.320 đồng. NVL cũng nới đà giảm khi mất 3% xuống 14.600 đồng, khớp 10,83 triệu đơn vị. Các mã khác trong nhóm như HQC, PDR, SJS, D2D, SCR, NTL, HPX, KDH, DRH…, cũng đều chìm trong sắc đỏ, thậm chí UDC còn giảm kịch sàn xuống 3.820 đồng.

Trong khi đó, DIG ngược, nhưng đà tăng đã hạn nhiệt so với phiên sáng khi chỉ còn tăng 0,9% lên 17.350 đồng (có lúc lên 17.950 đồng), khớp 10,96 triệu đơn vị, đứng thứ 3 trên sàn về thanh khoản. DXG cũng đảo chiều thành công khi đóng cửa phiên sáng tăng nhẹ 0,4% lên 13.700 đồng, khớp 7,99 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VND là mã chứng khoán có giao dịch sôi động nhất với 12,52 triệu đơn vị, nhưng tiếp tục giảm 1% xuống 15.450 đồng. Trong khi đó, VCI giảm 1,8% xuống 31.950 đồng và SSI giảm 0,7% xuống 21.850 đồng, còn HCM ngược chiều tăng 0,2% lên 25.350 đồng.

Trong nhóm ngân hàng chỉ có 3 sắc xanh nhạt tại BID, STB và ACB, cùng với LPB, TPB, VCB đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm, nhưng giảm không đáng kể. Trong đó, giảm mạnh nhất là HDB cũng chỉ mất 1,3% xuống 19.400 đồng, tiếp đến là VPB giảm 1,2% xuống 20.400 đồng, TCB giảm 1% xuống 30.400 đồng, còn lại đều giảm nhẹ. Trong đó, SHB vẫn giảm 0,8% xuống 12.100 đồng và là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 8,05 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí vẫn là nhóm tích cực nhất với PVD tăng 1,9% lên 21.550 đồng, PLX tăng 0,8% lên 37.300 đồng, GAS cũng có sắc xanh nhạt 0,3% lên 100.100 đồng.

Sàn HNX chỉ mở cửa với sắc xanh nhưng sau đó quay đầu giảm, dù nỗ lực trở lại nhưng không thể.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,46%), xuống 210,96 điểm với 39 mã tăng, trong khi có tới 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 40,8 triệu đơn vị, giá trị 617,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 22,3 tỷ đồng.

SHS vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất sàn với 11,24 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1% xuống 10.400 đồng. Hai mã dầu khí có giao dịch tích cực là PVS tăng 1,9% lên 26.600 đồng, khớp 5,42 triệu đơn vị và PVC tăng 1,8% lên 16.700 đồng, khớp 1,72 triệu đơn vị. Trong khi đó, CEO cũng giống như SHS đóng cửa giảm 0,4% xuống 25.200 đồng, khớp 3,17 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sau khi có giao dịch tích cực hơn 2 sàn niêm yết hôm qua, sáng nay UPCoM lại quay đầu giảm mạnh, đặc biệt là đà lao dốc lúc 9h45.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,88 điểm (-1,12%), xuống 78,26 điểm với 97 mã tăng và 100 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,9 triệu đơn vị, giá trị 422 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đón góp 4,7 triệu đơn vị, giá trị 57,3 tỷ đồng.

Đà lao dốc của UPCoM là do ảnh hưởng từ VNZ khi đại gia này chỉ có 1 lệnh khớp ở mức giá 670.000 đồng, giảm tới 14,9% kéo UPCoM đổ đèo theo và không thể trở lại.

Trong khi đó, các mã đáng chú ý khác trên sàn vẫn giao dịch khá tích cực khi BSR trở lại vị trí số 1 quen thuộc về thanh khoản sau khi nhường lại cho C4G phiên hôm qua. Sáng nay, BSR khớp 11,95 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 17.000 đồng. Một mã dầu khí khác là OIL tăng 3,2% lên 9.600 đồng, khớp 1,54 triệu đơn vị, sau BSR.

Trong khi đó, C4G dù không giữ được sự sôi động về giao dịch và khởi sắc về giá như hôm qua, nhưng vẫn duy trì được đà tăng 0,8% lên 12.600 đồng, khớp 1,08 triệu đơn vị. Mã còn lại có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SBS, nhưng đóng cửa giảm 1,6% xuống 6.000 đồng.

Tin bài liên quan