Giao dịch chứng khoán sáng 16/6: Thiếu động lực vượt đỉnh, thị trường đảo chiều

Giao dịch chứng khoán sáng 16/6: Thiếu động lực vượt đỉnh, thị trường đảo chiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hai lần thử thách vùng đỉnh cũ bất thành, thị trường đảo chiều giảm mạnh về thử thách vùng hỗ trợ 1.350 - 1.355 điểm.

Sau phiên chinh phục đỉnh cũ 1.374,05 điểm bất thành hôm qua (15/6), VN-Index một lần nữa thử thách ngưỡng kháng cự ngắn hạn này đầu phiên sáng nay (16/6), nhưng tiếp tục thất bại và bị đẩy mạnh, lao thẳng xuống vùng 1.350 - 1.355 điểm.

Diễn biến này phần nào được dự báo từ trước, thị trường đang thiếu nhóm dẫn dắt và sức cầu là chưa đủ để vượt được đỉnh và trở lại xu hướng tăng điểm. Với những diễn biến như phiên sáng nay, và nếu không có sự cải thiển điểm số chung trong phiên chiều thì một kịch bán không mong muốn có thể xảy ra đó là là mẫu hình 2 đỉnh sẽ hình thành. Khi đó, đà giảm thị trường phải diễn ra để cổ phiếu xuống vùng giá hấp dẫn hơn, không loại trừ sẽ có những phiên rũ bỏ.

Trong phiên sáng nay, một điểm đáng chú ý là hiện tượng nghẽn, lỗi bảng điện tử đã tiếp diễn sau ít phiên hoạt động suôn sẻ. Đơn cử, có thời điểm FLC khớp giá tham chiếu và sắc đỏ, nhưng cả dư bán và dư mua đều ở mức giá cao hơn tham chiếu. Thanh khoản thị trường cũng nhảy ngắt quãng, khoảng 3 - 4 phút nhảy số một lần, càng về cuối, hiện tượng nghẽn càng nặng hơn, lúc từ 9h45 phải tới hơn 10 phút mới nhảy số, rồi qua 10h là tới 15 phút thanh khoản mới nhảy vọt.

Lực bán rũ bỏ sau đó đẩy VN-Index giảm sâu hơn xuyên qua vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.360 - 1.365 điểm xuống thử thách vùng 1.350 - 1.355 điểm. Tuy nhiên, đây đang là vùng hỗ trợ ngắn hạn mạnh, nên khi VN-Index về sát mốc 1.350 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh đã kéo chỉ số hồi phục trở lại. Giao dịch của sàn HOSE cũng có vẻ mượt hơn.

Tuy nhiên, lực cung vẫn tỏ ra khá mạnh, sắc đỏ vẫn chiếm thế áp đảo, trong đó có nhiều mã bluechip, nên VN-Index khi về đến ngưỡng 1.360 điểm thì bị đẩy lùi trở lại, đóng cửa giảm gần 10 điểm.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 9,96 điểm (-0,73%), xuống 1.357,4 điểm với 140 mã tăng trong khi 235 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 484,8 triệu đơn vị, giá trị 15.163,8 tỷ đồng, tăng 11% về khối lượng và nhỉnh hơn về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15 triệu đơn vị, giá trị 562,2 tỷ đồng.

Về các nhóm cổ phiếu, thông tin Bộ Công thương áp thuế chống phá giá với đường nhập khẩu từ Thái Lan giúp nhóm cổ phiếu mía đường khởi sắc trong phiên sáng nay.

Theo thông báo mới nhất từ Bộ Công thương, ngày 15/6, bộ này đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ Thái Lan ở mức 47,64%. Quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp này có thời hạn 5 năm và có thể được rà soát theo đúng quy định pháp luật.

Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá với đường có xuất xứ từ Thái Lan đã mở ra một triển vọng tươi sáng cho bức tranh ngành mía đường năm 2021.

Ngay sau thông tin này, nhóm cổ phiếu mía đường niêm yết trên thị trường chứng khoán đã lập tức khởi sắc. Trên sàn HOSE, cổ phiếu SBT tăng 3,7% lên 21.250 đồng, thanh khoản 3,9 triệu đơn vị. Thậm chí, LSS tăng vọt lên mức giá trần 11.100 đồng, khớp gần 1,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn, sắc đỏ chiếm ưu thế, chỉ có số ít tăng như VCB, GAS, VPB, GVR, FPT, PLX, còn lại đều giảm. Trong đó, GAS, PLX, tăng trên 2%, GVR tiếp tục tăng gần 2%, hướng tới phiên tăng thứ 4 liên tiếp, trong đó có phiên tăng trần hôm qua sau thông tin chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn. VPB sau phiên giảm mạnh hôm qua đã hồi nhẹ trở lại sáng nay, khớp 16,9 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau HPG và STB với hơn 19 triệu đơn vị.

Trong các mã giảm giá, giảm mạnh nhất là SSI giảm hơn 4% xuống 49.850 đồng, thanh khoản hơn 16 triệu đơn vị.

Các mã giảm hơn 2% có HPG, CTG, TCB, STB, TPB, EIB, HSG, PDR, còn SSB, REE, VHM, giảm gần 2%. Các mã ngân hàng khác cũng đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm hơn 1%.

Trong khi nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép đồng loạt chìm trong sắc đỏ, thì ngoài nhóm mía đường, nhóm dầu khí cũng tăng mạnh hôm nay nhờ giá dầu tăng. Trong đó, ngoài GAS, PLX, còn có PVD cũng tăng mạnh 3,3% lên 23.200 đồng, khớp gần 11 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu vừa vả nhỏ, sắc xanh vẫn xuất hiện tại FLC, ITA, ROS, DLG, FIT, TTF, LCG…, thậm chí VOS và TSC còn đóng cửa với sắc tím.

Trên sàn HNX, sau khi mở cửa với sắc xanh, lực bán gia tăng theo sàn HOSE đã khiến HNX-Index đảo chiều đi xuống, dù nỗ lực trở lại trên tham chiếu, nhưng chỉ số chính của sàn này không giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 1,01 điểm (-0,32%), xuống 317,28 điểm với 61 mã tăng trong khi có tới 121 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 114 triệu đơn vị, giá trị 2.878 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,7 triệu đơn vị, giá trị 145,6 tỷ đồng.

Cũng như trên HOSE, nhóm mía đường và dầu khí trên sàn HNX cũng giao dịch tích cực sáng nay. Trong đó, nhóm mía đường, cổ phiếu KTS có lúc lên mức giá giá trần 15.500 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 15.000 đồng, tăng 6,4%, nhưng thanh khoản chỉ ở mức khiêm tốn. Dù không tăng trần, nhưng SLS cũng tăng mạnh 6,5% lên 135.000 đồng, nhưng thanh khoản chỉ ở mức khiêm tốn gần 50.000 đơn vị.

Trong nhóm dầu khí, PVS tăng 4,9% lên 30.100 đồng, khớp 15,7 triệu đơn vị. PVC tăng 2,5% lên 12.300 đồng, khớp gần 1,3 triệu đơn vị. PVB tăng 1,9% lên 16.500 đồng, thanh khoản khiêm tốn.

Ngoài ra, sàn này còn nhận được sự hỗ trợ của SHB dù chỉ tăng nhẹ 0,4% lên 28.100 đồng, khớp 22,2 triệu đơn vị, cao nhất sàn.

Trên UPCoM, diễn biến giống sàn HNX, nhưng UPCoM-Index may mắn có được sắc xanh nhạt khi chốt phiên.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,07%), lên 88,94 điểm với 125 mã tăng và 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 68,7 triệu đơn vị, giá trị 1.479 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,4 triệu đơn vị, giá trị 345,7 tỷ đồng.

Cũng giống các đồng nghiệp trên 2 sàn niêm yết, mã dầu khí BSR trên UPCoM tăng 5,4% lên 21.400 đồng, khớp 23,7 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại trên thị trường này. OIL cũng tăng 1,4% lên 14.600 đồng, khớp hơn 2,3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau BSR. Hai mã dòng P khác là PEQ và POS có mức tăng trên 2%.

Trong khi đó, dù doanh thu chính đến từ mảng sữa đầu nành là chính, nhưng với báo cáo tài chính quý I/2021 cho thấy, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh mảng đường lại tăng, thông tin về việc Bộ Công thương áp thuế chống phá giá với đường nhập khẩu Thái Lan cũng giúp cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi (UPCoM) cũng tăng mạnh 7,4% lên 42.200 đồng, thanh khoản gần 1,3 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan