Ảnh: Shutter

Ảnh: Shutter

Giao dịch chứng khoán sáng 25/11: Tiền rót vào bluechip, VN-Index cán mốc 1.000 điểm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Việc thị trường đứng vững trước đợt rung lắc mạnh hôm qua đã tạo sự tự tin cho nhà đầu tư, qua đó giúp VN-Index chính thức chinh phục mốc kháng cự tâm lý huyền thoại 1.000 điểm trong phiên sáng nay.

Trong phiên giao dịch hôm qua, áp lực chốt lời khiến VN-Index rung lắc mạnh và có lúc giảm hơn gần 10 điểm đầu phiên chiều. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không nghĩ đà tăng của thị trường sẽ chấm dứt, nên mạnh dạn giải ngân, giúp VN-Index bật trở lại, tiếp tục duy trì đà tăng, với thanh khoản bùng nổ.

Phiên đảo chiều ấn tượng chiều qua được kỳ vọng sẽ tạo đà để VN-Index chính thức chinh phục mốc kháng cự tâm lý huyền thoại 1.000 điểm trong phiên hôm nay.

Kỳ vọng này đã thành sự thật khi ngay đầu phiên sáng, VN-Index dù chỉ bước 1 bước nhẹ đã chạm tới mốc điểm huyền thoại này. Tuy nhiên, chỉ số này không thể trụ lại được lâu do áp lực bán vẫn còn lớn.

Độ rộng của thị trường rất cân bằng với số mã tăng và giảm bằng nhau sau hơn 50 phút giao dịch. Thanh khoản thị trường tiếp tục được duy trì ở mức tốt khi dòng tiền không hề ngần ngại, mỗi khi bên bán có ý định chốt lời, bên nắm giữ tiền mặt nhanh chóng mua vào, giúp giao dịch diễn ra sôi động.

Với sự hỗ trợ của dòng tiền lớn chảy vào nhóm cổ phiếu bluechip, chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index đã chính thức chinh phục được mốc kháng cự tâm lý huyền thoại 1.000 điểm, dù số mã giảm đã vượt qua số mã tăng, nhưng các mã tăng chủ yếu là bluechip.

Chốt phiên, VN-Index tăng 5,09 điểm (+0,51%), lên 1.000,85 điểm với 193 mã tăng và 217 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 289,6 triệu đơn vị, giá trị 6.661,4 tỷ đồng, giảm 6,5% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 2% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,3 triệu đơn vị, giá trị 556,3 tỷ đồng.

Phiên sáng nay chứng kiến khối ngoại chốt mạnh HPG khi bán ròng hơn 3 triệu đơn vị, gây áp lực về giá cho mã này. Tuy nhiên, lực cầu nội vẫn rất tốt, giúp giao dịch tại HPG rất sôi động và là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường.

Chốt phiên, HPG khớp hơn 40 triệu đơn vị, nhưng giá lại giảm khá mạnh 4,67% xuống 35.750 đồng.

Ngoại trừ HPG, các mã bluechip khác đều tăng giá, trong đó VPB tăng mạnh nhất với 3,31% lên 26.500 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị; GVR tăng 2,73% lên 18.800 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Các mã lớn có VIC tăng 1,73% lên 105.800 đồng, khớp 0,77 triệu đơn vị; VCB tăng 0,32% lên 92.700 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị; VHM tăng 1,31% lên 84.900 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị; BID tăng 1,11% lên 41.150 đồng, khớp hơn 1,5 triệu đơn vị; CTG tăng 1,53% lên 33.250 đồng, khớp 7,6 triệu đơn vị; SAB tăng 1,64% lên 192.300 đồng; VRE tăng 1,43% lên 28.350 đồng, khớp 5,5 triệu đơn vị.

Trong khi đó, TCB, MBB, STB tăng nhẹ hoặc đứng giá với thanh khoản tốt, từ hơn 4 triệu đơn vị đến hơn 7,5 triệu đơn vị.

Dòng tiền tập trung vào nhóm bluechip khiến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch không sôi động như thường lệ. ITA là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm cũng chỉ đứng ở vị trí thứ 7 trên HOSE với 6,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 5.100 đồng. Đứng từ 11 đến 14 là TCH, FLC, ASM và HSG, trong đó chỉ có ASM có sắc xanh. Mã này thậm chí có lúc lên mức trần 11.950 đồng, trước khi đóng cửa tăng 4,46% lên 11.700 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị.

Sàn HNX cũng có mức tăng khá tốt đầu phiên, nhưng sau đó bị đẩy lùi về sát tham chiếu theo diễn biến giá cổ phiếu ACB.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,09%), xuống 147,46 điểm với 54 mã tăng và 57 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 48 triệu đơn vị, giá trị 646 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,3 triệu đơn vị, giá trị 58 tỷ đồng.

Việc HNX-Index không giữ được sắc xanh do cả ACB và SHB đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá xuống 27.200 đồng và 16.800 đồng, thanh khoản lần lượt đạt 3,9 triệu đơn vị và 5,1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PVS lại tăng 3,36% lên 15.400 đồng, khớp gần 7 triệu đơn vị.

Mã có giao dịch sôi động nhất sáng nay trên HNX bất ngờ lại đến từ 1 cái tên nhỏ là DST với 7,6 triệu cổ phiếu, nhưng đóng cửa ở mức sàn 2.700 đồng và còn dư bán sàn tới hơn 1,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã nhỏ khác như KLF, NSH, AAV… lại đóng cửa ở mức trần, nhưng thanh khoản không lớn, chỉ dưới nửa triệu đơn vị.

Diễn biến trên thị trường UPCoM cũng giống sàn HNX khi tăng điểm đầu phiên sáng, sau đó bị đẩy xuống dưới tham chiếu và đóng cửa với sắc đỏ nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,14%), xuống 66,66 điểm với 82 mã tăng và 70 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18 triệu đơn vị, giá trị 298 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 26,9 tỷ đồng.

Với việc LPB rời đi, BSR liên tục thống lĩnh vị trí thanh khoản nhất thị trường UPCoM. Trong phiên sáng nay, BSR khớp 3,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,63% lên 7.800 đồng. Tiếp đến là BVB khớp hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,1% lên 12.700 đồng.

Trên thị trường phái sinh, chỉ có hợp đồng tương lai chỉ số VN30 có thời hạn đáo hạn xa nhất tăng theo chỉ số VN30, còn lại 2 hợp đồng giảm và hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất (17/12) đứng giá ở mức 964 điểm với 57.112 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.547 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, độ rộng khá cân bằng với 54 mã tăng %và 55 mã giảm với thanh khoản khá tốt, có nhiều mã có thanh khoản trên nửa triệu đơn vị. Trong đó, lớn nhất là CNVL2003 với hơn 1 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,11% xuống 890 đồng/chứng quyền.

Tin bài liên quan