Giao dịch chứng khoán sáng 3/11: Cú rũ hàng kinh điển, thị trường lập kỷ lục thanh khoản

Giao dịch chứng khoán sáng 3/11: Cú rũ hàng kinh điển, thị trường lập kỷ lục thanh khoản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi mà nhiều nhà đầu tư vẫn đang gồng lãi hay tìm địa chỉ giải ngân thêm thì phiên sáng nay bất ngờ tạo một cơ hội đảo hàng rất tốt khi thị trường thực hiện một cú "rũ hàng" với nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa.

Sau khi vượt qua được “kẻ ngáng đường” khó chịu 1.400 điểm bằng phiên break ngày 27/10, VN-Index đã băng băng tiến lên và phá vỡ đỉnh lịch sử mới mà gần không gặp một trở ngại nào, có chăng chỉ là một phiên điều chỉnh ngày 1/11.

Bước vào phiên sáng nay, thị trường mở gap tăng ngay đầu phiên, số mã tăng giá áp đảo và dường như không có gì có thể cản bước nhà đầu tư xuống tiền đua mua.

Nhóm bất động sản một số mã đang chịu áp lực chốt lời sau đợt sóng kéo dài với nhiều mã thiết lập đỉnh lịch sử, nhưng đà tăng chung của nhóm này vẫn chưa trật đường ray. Các mã bị chốt lời và đang giảm khá mạnh của nhóm này có thể kể đến HQC, KHG, NVT, ITC… Ngoài ra, cặp đôi VIC và VHM cũng gây áp lực lên thị trường.

Nhưng nhóm bất động sản chỉ là điểm đáng lưu ý nhỏ đầu giờ giao dịch.

Phiên sáng nay ghi nhận sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm luôn giữ trụ thị trường rất tốt càng khiến tâm lý nhà đầu tư an tâm rằng thị trường sẽ có một phiên tăng điểm nối tiếp. Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì chứng khoán mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, đó là sự bất ngờ!

Đúng 10h, thị trường bắt đầu lao dốc với tốc độ tăng dần đều, sau 10h30 thì VN-Index lao thẳng đứng về mức 1.440 điểm, tức là mất đi 23 điểm so với mức cao nhất thiết lập ở khung giờ trước đó. Cú sụt này kích hoạt một loạt lệnh bán ra của nhà đầu tư, đặc biệt ở nhiều mã tăng nóng trước đó đã xuất hiện lệnh mua giá sàn ở bảng điện tử.

Cú bán tháo được ngưng có lẽ chính nhờ nhóm cổ phiếu lớn, trong VN-Index lao dốc với gần 400 mã giảm điểm thì VN30-Index gần như giảm không đáng kể, các mã ngân hàng vẫn trụ vững và làm điểm tựa cho chỉ số không bị rớt sâu thêm nữa.

Khi thị trường phục hồi trở lại thì hành động cover lại cổ phiếu đã bán cũng đồng loạt diễn ra. Tất cả tạo nên cú rũ rất mạnh, nhiều nhà đầu tư đã không giữ nổi thành quả và khi mua trở lại đã phải chấp nhận một mức giá cao hơn chỉ trong vòng hơn 30 phút đồng hồ.

Thanh khoản phiên sáng nay, nhờ đó lập kỷ lục thời đại khi đạt ngưỡng 1 tỷ USD (khoảng trên 23.000 tỷ đồng) trên HOSE cho một phiên sáng, vượt xa kỷ lục trước đó thiết lập vào ngày 1/6 là 21.762 tỷ đồng.

Về tổng thể thị trường thì có thể thấy, thị trường đang có dấu hiệu quá nóng khi điểm số tăng liên tục với khối lượng giao dịch trung bình xấp xỉ 30.000 tỷ đồng mỗi phiên trong khoảng 1 tuần qua. Khi thị trường nóng thì những phiên điều chỉnh, những nhịp điều chỉnh trong phiên là cần thiết giúp xu hướng tăng bền vững hơn.

Điều mà các nhà đầu tư cần quan tâm thời điểm này đó là dòng tiền vẫn còn mạnh thì xu hướng tăng không thay đổi, nhưng cần kiềm chế cảm xúc bởi những cơ hội làm giầu hoặc "ăn bằng lần" trên thị trường trong thời gian ngắn là không nhiều. Quản trị danh mục đầu tư hợp lý, chặn một ngưỡng chốt lời và ngưỡng chốt lỗ vẫn luôn là yêu cầu đặt ra nếu muốn đi xa với thị trường.

Về mặt kỹ thuật, phiên hôm nay VN-Index đã đi tới khu vực nhạy cảm là 1.465 điểm, tương ứng với Fibonacci mở rộng 23,6%, việc rung lắc là điều có thể lý giải, tuy nhiên khu vực điểm số này chưa phải là ngưỡng cản lớn trong các mô hình tăng của chỉ số.

Lực bán ồ ạt tung vào đã lấy đi của VN-Index gần 23 điểm, từ mức cao nhất phiên 1.463,63 điểm xuống thẳng mức thấp nhất phiên 1.440,63 điểm. Cú rũ hàng kinh điển này cũng khiến hàng trăm mã quay đầu giảm, với sắc đỏ gấp hơn 2 lần sắc xanh. Số mã tăng trần từ 16 mã lúc đầu phiên chỉ còn 5 mã khi nghỉ trưa là ACC, SVC, HU3, IDI và KHP.

Tuy nhiên, lực cầu chực chờ mỗi nhịp điều chỉnh vẫn rất mạnh, giúp đà giảm được hãm lại và thị trường thiết lập mức thanh khoản kỷ lục mới trong phiên sáng.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 4,56 điểm (-0,31%), xuống 1.447,9 điểm với 136 mã tăng, trong khi có tới 313 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 861,55 triệu đơn vị, giá trị 24.502,8 tỷ đồng, tăng 48,8% về khối lượng và 52,8% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 22 triệu đơn vị, giá trị 997,5 tỷ đồng.

Trong các nhóm ngành, chỉ còn nhóm ngân hàng giữ được phong độ, dù đà tăng có thu hẹp lại so với đầu phiên, chỉ có điều đáng tiếc là “anh cả” VCB không thể đứng vững khi đóng cửa giảm nhẹ 0,41% xuống 97.500 đồng và cũng là mã giảm duy nhất trong nhóm. Ngoài ra, còn có TPB đứng giá tham chiếu 43.800 đồng, còn lại đều tăng.

Trong đó, EIB là mã tăng mạnh nhất 4,42% lên 26.000 đồng, tiếp đến là OCB cũng tăng 4,27% lên 28.100 đồng, LPB tăng 3,27% lên 22.100 đồng. Trong khi đó, TCB với mức tăng 2,91% lên 53.100 đồng, khớp 25,2 triệu đơn vị là mã có đóng góp lớn nhất cho điểm số của VN-Index sáng nay với 1,35 điểm. Các mã ngân hàng khác có đóng góp lớn cho VN-Index sáng nay là BID, OCB, MBB, EIB, STB. Cùng với đó, sự trở lại của HPG với mức tăng nhẹ 0,54% lên 55.800 đồng (mã tăng duy nhất trong nhóm thép), khớp 17,8 triệu đơn vị và VRE tăng 3,4% lên 31.900 đồng, khớp 10 triệu đóng góp vào điểm số cho VN-Index, giúp chỉ số này không giảm mạnh.

Trong khi đó, nhóm bất động sản sau chuỗi tăng dài vừa qua đã bị chốt lời khá mạnh sáng nay. Nhiều cổ phiếu quay đầu giảm mạnh, trong đó ITC, KHG giảm hơn 5%, nhiều mã giảm hơn 4% như HQC, NBB, PTL, NVT, LGL, CRE; các mã giảm hơn 3% có NTL, HPX, ITA, DXG, TIP; các mã giảm hơn 2% có KDH, DRH, KBC, AGG, DXS, D2D. Các mã lớn như VIC, VHM, NVL, BCM giảm trên dưới 1,5%. Trong đó, VIC giảm 1,57% xuống 94.300 đồng và VHM giảm 1,41% xuống 83.800 đồng, là 2 mã kéo VN-Index nhiều nhất sáng nay. Bên cạnh đó, còn phải kể đến GAS. Ba mã này lấy đi của VN-Index khoảng 4 điểm.

Trong nhóm bất động sản, HQC bị chốt lời mạnh giảm 4,8% xuống 5.520 đồng, thanh khoản 27,9 triệu đơn vị, lớn nhất sàn.

Nhóm chứng khoán sau khi giao dịch tích cực đầu phiên, cũng đã bị chốt lời và đa số quay đầu giảm, chỉ còn 3 sắc xanh tại FTS, BSI và APG.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra trên HNX và UPCoM khi lực bán ồ ạt trên HOSE đã tác động đến tâm lý chung của toàn thị trường. Cả 2 chỉ số chính của HNX và thị trường UPCoM đều có cú lao mạnh trước khi nảy trở lại và đóng cửa với mức giảm nhẹ.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,82 điểm (-0,19%), xuống 423,3 điểm với 81 mã tăng, trong khi có tới 152 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 131 triệu đơn vị, giá trị 3.134,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn.

CEO là mã có thanh khoản nhất HNX với 9,6 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 13.000 đồng. Tiếp đến là SHS và PVS với 6 triệu đơn vị và 5,5 triệu đơn vị, cùng đóng cửa giảm giá.

UPCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,11%), xuống 106,81 điểm với 157 mã tăng và 151 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 98,8 triệu đơn vị, giá trị 1.997,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận cũng đóng góp không đáng kể.

HHV, VGT và BSR vẫn là 3 mã thanh khoản tốt nhất thị trường này với gần 9 triệu đơn vị, 6,74 triệu đơn vị và 6,55 triệu đơn vị, trong đó chỉ có VGT đóng cửa tăng 3,5% lên 26.900 đồng, còn HHV giảm 2,8% xuống 21.200 đồng và BSR giảm 1,6% xuống 24.400 đồng.

Ngoài ra, BVB và SBS cũng là 2 mã có thanh khoản tốt trên 6 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,8% lên 22.000 đồng và 3,5% lên 14.900 đồng.

Tin bài liên quan