Giao dịch chứng khoán sáng 30/1: Cổ phiếu chứng khoán và thép khởi sắc, VN-Index vẫn mất điểm

Giao dịch chứng khoán sáng 30/1: Cổ phiếu chứng khoán và thép khởi sắc, VN-Index vẫn mất điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 8 phiên tăng liên tiếp, thị trường đã quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên sáng 30/1. Đáng chú ý, trong khi nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép khởi sắc, thì dòng bank lại là nhân tố chính khiến VN-Index mất điểm.

Không nằm ngoài dự báo của giới phân tích và lịch sử thị trường, chứng khoán Việt đã có phiên chào Xuân Quý Mão khởi sắc, giúp VN-Index xác nhận phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp. Chỉ số này đã kết phiên với cây nến dạng Doji ở mức giá đóng cửa thấp nhất trong phiên, nhưng mức tăng điểm vẫn cao hơn so với phiên giao dịch trước đó cùng thanh khoản duy trì mức cao, cho thấy thị trường vẫn trong xu hướng tích cực.

Tuy nhiên, việc RSI đã lên quá cao, gần khu vực 80 cho thấy VN-Index có thể sẽ xuất hiện những phiên điều chỉnh nhẹ trong tuần tới để kiểm tra lại hỗ trợ tại khu vực đỉnh cũ quanh 1.100 điểm. Đồng thời, việc hạ độ cao về cuối phiên là tín hiệu cho thấy những diễn biến giằng co phân hóa như thời gian trước Tết Nguyên đán có thể sớm quay trở lại.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 30/1, thị trường vẫn mở cửa trong sắc xanh nhưng độ rộng khá hẹp khi tâm lý nhà đầu tư càng thận trọng hơn sau chuỗi ngày dài tăng điểm. Điều này khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục.

Sau khoảng 25 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tiếp tục nới rộng biên độ giảm và thủng mốc 1.110 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là ngưỡng hỗ trợ khá tốt cho thị trường – ngay lập tức lực cầu gia tăng đã giúp VN-Index bật ngược đi lên và biến động nhẹ trên vùng giá 1.110 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi ngày dài nâng đỡ thị trường đã trở nên đuối sức và trở thành gánh nặng trong phiên sáng nay khi phần lớn đều chuyển đỏ, ngoại trừ duy nhất HDB tăng gần 1,5%, cùng các mã như BID, VIB nhích nhẹ 0,2%.

Bên cạnh đó, các mã lớn như SAB, VRE, VHM, PLX, VIC cũng ghi nhận mức giảm hơn 1%.

Trái lại, các nhóm cổ phiếu như vật liệu xây dựng, cùng nhóm đầu tư công đang được đánh giá là những ngành sẽ hưởng lợi vẫn là điểm sáng của thị trường. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu than vẫn đồng loạt đua trần như MDC, TDN, THT, HLC, TVD, TC6.

Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là gánh nặng khiến thị trường khó tìm lại sắc xanh, thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực cầu tăng mạnh giúp các mã đua trần.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 229 mã tăng và 175 mã giảm, VN-Index giảm 4,81 điểm (-0,43%) xuống 1.112,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 411,47 triệu đơn vị, giá trị 6.905,22 tỷ đồng, tăng 38% về khối lượng và 28,36% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 27/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 9,67 triệu đơn vị, giá trị 188,18 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chốt phiên sáng nay giảm gần 8 điểm với việc ghi nhận 18 mã giảm, gần gấp đôi số mã tăng điểm.

Trong đó, VHM giảm sâu nhất khi để mất 3%; các mã lớn khác như VRE giảm 2,1%, SAB, VIC, PLX, MSN… giảm hơn 1%. Trái lại, cổ phiếu ngành thép HPG vẫn dẫn đầu với mức tăng 2,8%; tiếp theo là POW tăng 2,5%, SSI tăng 2,1%, còn lại chỉ tăng nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc tím lan tỏa với hàng loạt mã như ITA, OGC, JVC, HQC, QBS, DLG, HID… đua nhau tăng kịch trần.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chủ yếu mất điểm với VCB, CTG, TCB, MBB, STB, TPB, EIB đều giảm hơn 1%, ACB giảm 2,85%... Chỉ còn BID, VIB và HDB tăng nhẹ.

Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phần hóa, trong khi các mã nhỏ khá tích cực với nhiều cổ phiếu tăng trần thành công, thì ở top đầu lại thiếu khả quan với sự cầm đầu là VHM giảm 3%, VIC, VRE, NVL, VCG, KBC… đều chốt phiên mất điểm.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép lại ngược dòng thành công với HPG tăng 2,8% lên mức 22.100 đồng/CP và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 27 triệu đơn vị; HSG tăng 3,3% lên 15.450 đồng/CP và khớp 9,63 triệu đơn vị; NKG tăng 2,2% lên 16.100 đồng/CP…

Nhóm chứng khoán cũng tích cực với sắc xanh chiếm chủ đạo, đáng kể như VND tăng 1,5%, SSI tăng 2,1%, ORS tăng 3%...

Trên sàn HNX, sau nửa đầu phiên rung lắc, thị trường đã đảo chiều hồi phục thành công.

Chốt phiên, sàn HNX có 112 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index tăng 1,29 điểm (+0,58%), lên 222,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,1 triệu đơn vị, giá trị 782,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,77 triệu đơn vị, giá trị 28,45 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu than vẫn giữ đà tăng nóng với hàng loạt mã chốt phiên tăng kịch trần như CLM, MDC, TDN, THT, HLC, TVD, TC6…

Tuy nhiên, cổ phiếu chứng khoán SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên đứng tại mốc tham chiếu 9.700 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý như CEO chốt phiên tăng 5,4% lên 23.300 đồng/CP và khớp lệnh hơn 7,8 triệu đơn vị; HUT tăng 5,6% lên 16.900 đồng/CP và khớp 3,14 triệu đơn vị; cổ phiếu TAR đã có phiên bùng nổ khi đảo chiều hồi phục và tạm dừng phiên sáng tại mức giá trần 13.900 đồng/CP với thanh khoản cải thiện đáng kể, đạt hơn 2,34 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,54%), lên 75,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,84 triệu đơn vị, giá trị 276,91 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với 5,94 triệu đơn vị khớp lệnh và chốt phiên tăng nhẹ 0,6% lên 17.100 đồng/CP.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trên UPCoM cũng tỏa sáng với PXS chốt phiên tăng trần, các mã VHG, G36, PFL, PXL, CEN, CST… đều tăng mạnh.

Cổ phiếu đầu tư công C4G rung lắc sau pha bốc đầu cuối tuần trước khi chịu áp lực bán chốt lời. Chốt phiên, C4G đứng giá tham chiếu 12.500 đồng/CP và khớp 1,94 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan