Giao dịch chứng khoán sáng 30/3: Mã nóng vẫn đang rất "nóng"

Giao dịch chứng khoán sáng 30/3: Mã nóng vẫn đang rất "nóng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vụ việc liên quan đến nhóm cổ phiếu FLC đã khiến dòng tiền dịch chuyển dần về nhóm cổ phiếu cơ bản.

Câu chuyện bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết đã rõ, và hôm nay thị trường đang phản ứng với các mã tăng nóng... chưa rõ!

Trong một điều kiện thị trường bình thường, những doanh nghiệp có các khoản thu đột biến tạo lợi nhuận đột biến mang lại lợi ích đột biến cho cổ đông vẫn có. Nhưng đột biến đến mức định giá cổ phiếu tăng gấp 2, gấp 3 thì hiếm. Trong một thị trường biến động với thương chiến Mỹ - Trung trước đây, dịch Covid-19, xung đột tại Ukraine hiện nay... thì sự đột biến đó có nhiều hơn do doanh nghiệp hưởng lợi nhờ giá đầu ra tăng, sản lượng đột biến hay các nguyên nhân khác như thu lời từ các khoản đầu tư tài chính do sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Nhiều hơn nhưng không có nghĩa trở thành phổ biến. Thị trường gần đây ghi nhận quá nhiều mã nóng với mức thị giá tăng bằng lần, tập trung ở các mã có khối lượng cổ phiếu lưu hành không quá lớn, bí quyết giống nhau là tạo lực hút dòng tiền vào các mã này bằng nhiều cách khác nhau, từ công bố viễn cảnh đẹp kết hợp với "khuyến nghị" qua room, đến mập mờ về chuyện có tạo lập....

Ngược lại, các mã cơ bản có vốn hóa lớn thì đứng im. Đầu tư vào bluechip, 10 mã được 1 -2 suốt 6 tháng qua vì giá hầu hết đi ngang hoặc giảm.

Không cần kể tên mã, chỉ nhìn biểu hiện tăng giá, nhà đầu tư có thể kể nhanh tới vài chục mã "thánh Gióng" thời gian qua, nhiều danh mục của nhà đầu tư thậm chí toàn những mã loại này. Rủi ro có được cảnh báo không? Có, thậm chí là nhiều, khi các mã này đảo chiều thì hậu quả nhìn rất rõ. Nhà đầu tư nào lỡ mua cổ phiếu FLC ở mức giá 24.000/CP, vừa qua tiếp tục nghe "khuyến nghị" mua trung bình giá ở khoảng 13.000-14.000/CP thì giờ đây chắc hiểu rất rõ tỷ lệ mất mát trong danh mục.

Sau những gì đã xảy ra chiều qua, thì thị trường sáng nay phản ứng được coi là tích cực và đúng dự đoán. Các mã tăng nóng đã nhận áp lực xả rất mạnh, kể cả những mã được coi là cơ bản như dòng đạm, DPM và DCM nhiều thời điểm giá đã về mức sàn. Những cái tên đáng chú ý thời gian qua như SJF, IDI, HQC... cũng chịu lực bán ra rất mạnh.

Chiều ngược lại, các mã lớn với trụ cột là nhóm ngân hàng, vốn đa số đang có mức giá tương đương đáy tháng 7/2021 lại nhận được dòng tiền dịch chuyển từ nhóm mã này và khởi sắc khá tốt. Có lẽ các "nhà tạo lập" cũng đang phải tính lại cách thức đầu tư của mình sau quyết định mạnh tay với hành vi thao túng giá chứng khoán.

Diễn biến chi tiết phiên sáng nay, tâm lý hoảng loạn đã không xảy ra, ngoại trừ các nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu họ FLC.

Các mã trong nhóm này như HAI, AMD, ART hôm qua còn nhận được lực bắt đáy khá tốt thì hôm nay đã chuyển trạng thái bất an. Tất cả các cổ phiếu này đã bị chất đầy lệnh bán ATO với giá sàn ngay khi mở cửa và đồng loạt giao dịch ở mức sàn, trong đó FLC còn dư mua sàn tới hơn 100 triệu đơn vị, còn ROS dư mua sàn 93 triệu đơn vị. Lượng khớp của các mã này chỉ trên dưới 1 triệu đơn vị.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, môi giới chứng khoán và một số nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu này ở một số room, khi biết chắc là việc bán ra không có người mua, thì việc cố đặt lệnh bán ra càng khiến mọi việc tệ hơn.

Theo thông tin từ các công ty chứng khoán, hầu như không cho vay margin lớn đối với nhóm cổ phiếu FLC, ở các “kho” thì có, nhưng sau thông tin “bán chui” cổ phiếu FLC hồi tháng 1 của lãnh đạo doanh nghiệp, nhiều kho cũng thu hẹp room hoặc không cho vay đối với cổ phiếu này.

Do đó, nhiều khả năng lệnh bán ồ ạt nhóm cổ phiếu họ FLC mấy ngày qua, đặc biệt là sáng nay đến từ các “kho” này nhằm mục địch thu về được đồng nào hay đồng đó. Nếu không bán được nhóm này, trong ngắn hạn, không loại trừ tình huống các kho không bán được FLC khi force-sell sẽ bán một phần cổ phiếu khác trong danh mục của khách để thu tiền về.

Trong sáng nay, trong thời gian nửa đầu phiên, “đốm lửa” ở nhóm FLC được khống chế khá tốt, nên không “cháy lan” sang các mã thị trường khác, thậm chí số mã tăng còn chiếm ưu thế so với số mã giảm và VN-Index có lúc đã trở lại mốc 1.500 điểm.

Tuy nhiên, trong những phút cuối phiên, lực bán bắt đầu lây lan ra các mã đầu cơ khác khiến hàng loạt mã giảm, trong đó có thêm nhiều mã giảm sàn như OGC, SJF, DQC, UDC, MCG, nhiều mã may mắn thoát sàn, nhưng giảm sâu như HAR, nhóm Louis, LDG, DLG, HQC, NBB, CII, LGL, SCR, DIG…Thậm chí, IDI sau khi được kéo tăng thẳng đứng từ cuối tháng 2, thiết lập đỉnh lịch sử cũng đã kéo giảm trở lại. Sáng nay dù được được kéo lại vùng đỉnh 28.900 đồng, nhưng lực bán gia tăng khiến IDI quay đầu giảm phiên thứ 2 liên tiếp.

Sau vụ việc này, các nhà tạo lập chắc phải chùn tay, còn nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn khi đua theo các mã có tính đầu cơ.

Thật vậy, diễn biến phiên sáng nay cho thấy, dòng tiền đã bắt đầu dịch chuyển dần về cổ phiếu cơ bản khi nhóm VN30 tăng khá tốt, nhất là nhóm ngân hàng. Đóng cửa, VN30-Index có sắc xanh khá, trong khi VN-Index giảm.

Cụ thể, chốt phiên sáng, VN-Index giảm 2,8 điểm (-0,19%), xuống 1.494,96 điểm với 135 mã tăng (6 mã trần), trong khi có tới 315 mã giảm (11 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 536,3 triệu đơn vị, giá trị 17.078 tỷ đồng, tăng 25% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,8 triệu đơn vị, giá trị 310,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, VN30-Index tăng 6,32 điểm (+0,42%), lên 1.506,89 điểm với 15 mã tăng, 13 mã giảm và 2 mã tham chiếu.

Trong đó, nhóm ngân hàng là nhóm tích cực nhất với BID tăng 3,8% lên 44.000 đồng, khớp 2,47 triệu đơn vị; MBB tăng 3,3% lên 33.050 đồng, khớp 21,25 triệu đơn vị; HDB tăng 2,4% lên 28.200 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị; VPB tăng 2,2% lên 37.200 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị; ACB, CTG, TCB tăng 1,1% với lượng khớp từ hơn 2 triệu đơn vị đến 3,5 triệu đơn vị.

Trong đó, cổ phiếu HDB của HDBank tăng 2,4% với lực mua mạnh từ khối ngoại. Chỉ trong phiên sáng khối này đã mua ròng hơn 1,3 triệu cổ phiếu HDB, nhiều nhất rổ VN30. Đây cũng là phiên thứ 8 liên tiếp khối ngoại "gom" HDB. Tại buổi tiếp xúc nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo nhà băng này cho biết hoạt động những tháng đầu năm rất tích cực với tăng trưởng tín dụng đạt trên 7% nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục thúc đẩy cầu tín dụng của khách hàng tăng cao. Tỷ lệ nợ xấu thấp và lợi nhuận năm 2022 kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng cao lên khoảng 9,8-10 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, VCB tăng 0,9% lên 82.600 đồng, STB tăng 0,6% lên 32.500 đồng, TPB tăng 0,5% lên 40.500 đồng.

Ngoài nhóm ngân hàng, một số mã khác trong VN30 cũng tăng tốt như VNM tăng 1,1%, lên 76.300 đồng; FPT tiếp tục tăng 1% lên 106.000 đồng, VRE tăng 0,6% lên 32.800 đồng, thanh khoản trên dưới 2 triệu đơn vị; SSI tăng 0,6% lên 32.500 đồng, VIC tăng 0,6% lên 81.300 đồng, thanh khoản.

Trong khi đó, GAS và VJC là 2 mã giảm mạnh nhất trên 2% và tác động mạnh nhất tới VN-Index. Ngoài ra, còn có VHM, PDR, NVL, PLX, POW, MSN, MWG…

Trong khi đó, HNX lại có phiên lao mạnh khi ngoài NVB, các mã trong Top đầu về vốn hóa đều giảm, trong đó CEO và HUT giảm hơn 4% và hơn 5%.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 5,23 điểm (-1,13%), xuống 456,01 điểm với 59 mã tăng, trong khi có tới 180 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 78,2 triệu đơn vị, giá trị 2.307,8 tỷ đồng.

Hai mã họ FLC là ART và KFL đều còn dư bán sàn lớn, lần lượt là gần 9 triệu đơn vị và 5,3 triệu đơn vị, nhưng lượng khớp khá hơn các mã trên HOSE với gần 2,9 triệu đơn vị và 1,67 triệu đơn vị.

Trong các mã lớn, NVB tăng 4,1% lên 38.000 đồng, nhưng thanh khoản thấp. Trong khi đó, các mã có tính đầu cơ và được cho là có tạo lập đều giảm mạnh, như CEO giảm 4,3% xuống 67.100 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị; HUT giảm 5,1% xuống 40.700 đồng, khớp 4,22 triệu đơn vị. Ngoài ra, PVS giảm 2,4% xuống 36.300 đồng, VCS giảm 1,7% xuống 118.000 đồng…

UPCoM giằng co quanh tham chiếu, nhưng lao mạnh theo 2 sàn niêm yết cuối phiên, đóng cửa trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,29%), xuống 117,03 điểm với 148 mã tăng (16 mã trần) và 169 mã giảm (5 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,2 triệu đơn vị, giá trị 1.123 tỷ đồng.

VHG khớp lớn nhất 8,49 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,6% xuống 10.200 đồng. SBS tăng 1,4% lên 14.200 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị. BSR giảm 0,4% xuống 26.800 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan