Giao dịch chứng khoán sáng 8/12: Điểm nhấn cổ phiếu thép và than

Giao dịch chứng khoán sáng 8/12: Điểm nhấn cổ phiếu thép và than

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi thị trường chung giao dịch lình xình với nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán diễn biến phân hóa, thì các cổ phiếu thép lại "nổi dậy" trở thành tâm điểm đáng chú ý.

Thị trường vẫn chưa xác định rõ xu hướng khi trạng thái tăng giảm của chỉ số chung liên tục biến đổi qua các phiên giao dịch. Trong phiên giao dịch hôm qua ngày 7/12, VN-Index đã nhanh chóng trở lại trạng thái rung lắc và điều chỉnh nhẹ sau màn hồi phục tích cực hơn 10 điểm, xác lập lại vùng giá 1.120 điểm ở phiên trước đó, mặc dù thị trường nhận được sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng.

Điểm tích cực chính thành lực cung được hấp thụ mạnh đã giúp thanh khoản thị trường tăng vọt, xác lập mức cao nhất trong gần 4 tháng qua với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,33 tỷ cổ phiếu chỉ tính riêng sàn HOSE.

Thị trường vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn tích lũy ngắn hạn và dòng tiền có thể sẽ còn phân hóa, tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Tuy nhiên, với diễn biến VN-Index xuất hiện mô hình nến hanging man thì xác suất tăng điểm trong phiên cuối tuần có phần nhỉnh hơn.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 8/12, dòng tiền tham gia có phần kém sôi động hơn trong phiên sáng qua, nhưng VN-Index vẫn duy trì xu hướng tăng nhẹ.

Chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh mức tham chiếu và sau hơn 90 phút mở cửa chỉ tăng hơn 3 điểm với thanh khoản chưa tới 5.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thị trường chung lình xình, các nhóm cổ phiếu lớn như ngân hàng và chứng khoán giao dịch phân hóa, thì nhóm cổ phiếu thép lại trở thành tâm điểm đáng chú ý.

Cặp đôi HPG và HSG đều đang tăng trên dưới 2% với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đặc biệt là HPG đạt hơn 30 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, NKG tăng tốt hơn với biên độ khoảng 3% và thanh khoản cũng thuộc top 10 dẫn đầu, đạt khoảng 6 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, ở top sau của nhóm thép, cổ phiếu POM sớm kéo trần thành công và hiện đang có khối lượng khớp lệnh khá sôi động với gần 3,5 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần gần 2,4 triệu đơn vị. Còn TLH và SMC đang tăng trên dưới 4%...

Giao dịch giằng co của bên mua và bên bán khiến chỉ số chung khó tiến xa, đồng thời thanh khoản giảm mạnh sau phiên sôi động hôm qua.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 256 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index tăng 2,98 điểm (+0,27%) lên 1.124,47 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 334,33 triệu đơn vị, giá trị 6.909 tỷ đồng, giảm 60% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,62 triệu đơn vị, giá trị 429,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cùng xu hướng tăng nhẹ chưa tới 4 điểm khi có 15 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu bán lẻ MWG tăng tốt nhất đạt 3,7%, chốt phiên sáng đứng tại mức giá 42.350 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động với hơn 9,41 triệu đơn vị khớp lệnh; tuy nhiên cổ phiếu ngân hàng BID là động lực chính khi đóng góp 1,09 điểm cho chỉ số chung, chốt phiên mã này tăng 2,1% lên mức 41.450 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã khác trong rổ này tăng khá tốt như POW tăng 2,2%, MSN tăng 2%, VRE tăng 1,8%, HPG tăng 1,3%.

Trái lại, ở nhóm cổ phiếu giảm có biên độ khá hẹp chỉ trên dưới 0,5%, trong đó mã JVC giảm mạnh nhất là 0,9%.

Xét về nhóm ngành, với sự đóng góp của mã lớn MWG, nhóm cổ phiếu bán lẻ là nhóm tăng tốt nhất thị trường. Tuy nhiên, điểm sáng vẫn là nhóm cổ phiếu thép, với HPG hạ độ cao khi chỉ còn tăng 1,3% nhưng thanh khoản vẫn vượt trội với 34,5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tương tự, HSG chỉ còn tăng nhẹ 0,7% và NKG tăng 2,6%, thanh khoản đều thuộc top 10 mã sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt 9,13 triệu đơn vị và 7,19 triệu đơn vị. Các mã khác như TLH tăng 4,1%, VGS tăng 2,6%, TVN tăng 4,8%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lấy lại đà tăng nhẹ nhờ sự dẫn dắt của cổ phiếu BID. Ngoài ra, một số mã bank cũng đã chốt phiên trong sắc xanh như LPB tăng 2,19%, MSN, SHB, EIB, OCB, VIB tăng trên dưới 0,5%.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán điều chỉnh nhẹ, với VIX đảo chiều giảm 0,3% và thanh khoản sụt giảm đáng kể khi tiếp tục là mã sôi động nhất ngành nhưng chỉ đạt xấp xỉ 7 triệu đơn vị. Tiếp theo là VND đứng giá tham chiếu và khớp hơn 6,5 triệu đơn vị, SSI giảm 0,2% và khớp chưa tới 5 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã vừa và nhỏ có phần tích cực hơn, trong đó điểm sáng HQC chốt phiên tăng 3,4% với khối lượng khớp lệnh chỉ thua HPG, đạt 10,42 triệu đơn vị; TCH tăng 2,8% và khớp 8,31 triệu đơn vị, NVL tăng 1,1%...

Trên sàn HNX, giao dịch phân hóa khiến thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc.

Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,06%) lên 231,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,65 triệu đơn vị, giá trị 567,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,07 triệu đơn vị, giá trị 23,98 tỷ đồng.

Tâm điểm đáng chú ý là TIG khi cổ phiếu này nhanh chóng kéo trần thành công với giao dịch bùng nổ. Chốt phiên, TIG đứng vững tại mức giá trần 12.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới hơn 6 triệu đơn vị, gấp hơn 2 lần so với mức thanh khoản của cả phiên tính trung bình 10 phiên giao dịch gần đây. Ngoài ra, TIG dư mua trần gần 0,7 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu thép và than đã có phiên giao dịch ấn tượng. Bên cạnh VGS tăng 2,6%, các cổ phiếu than có NBC tăng 4,3%, TVD tăng 4,5%, TC6 tăng kịch trần, TDN tăng 5,2%, THT tăng 3,1%...

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng kém tích cực như SHS rung lắc và chốt phiên đứng giá tham chiếu với khối lượng khớp lệnh đạt 5,33 triệu đơn vị, MBS giảm nhẹ 0,9%, PSI giảm 1,1%, BVS, VIG cùng đứng giá tham chiếu.

Trên UPCoM, thị trường có chút rung lắc nhưng đã may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,11%) lên 85,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,5 triệu đơn vị, giá trị 415,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,08 triệu đơn vị, giá trị 120,38 tỷ đồng, trong đó riêng CQN thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị đạt 103,2 tỷ đồng.

“Tân binh” BCR đã làm nóng thị trường với giao dịch sôi động nhất, đạt hơn 3 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 12,5% lên mức 13.500 đồng/CP.

Trong khi đó, BSR rung lắc và giảm nhẹ 0,5% xuống 18.900 đồng/CP với thanh khoản giảm mạnh, chỉ đạt gần 1,5 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan