Giới đầu tư săn hàng giá rẻ, chứng khoán bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực mua bắt đáy xuất hiện mạnh sau chuỗi ngày lao dốc và tâm lý giới đầu tư tạm được cởi trói nhờ giá dầu thô hạ nhiệt nhanh đã giúp các thị trường chứng khoán lớn như Mỹ, châu Âu có phiên giao dịch đầy tích cực.
Giới đầu tư săn hàng giá rẻ, chứng khoán bùng nổ

Phố Wall tăng mạnh trong phiên ngày thứ Tư (9/3), khi giới đầu tư săn lùng các món hời sau thời gian khủng hoảng bán tháo gần đây, với cổ phiếu tài chính và công công nghệ hôm nay dẫn đầu đà phục hồi.

Trong các chỉ số chính, S&P 500 ghi nhận phiên tăng tốt nhất kể từ tháng 6/2020, còn Nasdaq xác lập ngày tích cực nhất trong một năm qua.

Nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính là những ngành tăng điểm hàng đầu trong S&P 500, tăng lần lượt 4% và 3,6%. Trong đó, các ông lớn công nghệ có phiên khởi sắc với Netflix tăng 5%, Microsoft tăng 4,6%, Meta Platforms (Facebook) tăng 4,3%, Alphabet (Google) tăng 5%, Apple tăng 3,5%.

Cổ phiếu du lịch và giải trí, vốn bị ảnh hưởng nặng nề gần đây cũng tăng vọt, với cổ phiếu Carnival Corp tăng 8,8% và United Airlines Holdings tăng 8,3%.

Năng lượng, vốn là ngành có hoạt động nổi bật trong năm nay đã giảm 3,2%, khi giá dầu thô hạ nhiệt nhanh, với dầu Brent giảm xuống khoảng 111 USD/thùng từ hơn 130 USD/thùng hồi đầu tuần. Còn Dầu WTI của Mỹ mất 15 USD, tương đương hơn 12% xuống 108,7 USD/thùng.

Giá dầu toàn cầu đã giảm mạnh sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một thành viên của OPEC lên tiếng ủng hộ việc tăng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung đang bị gián đoạn bởi các lệnh trừng phạt đối với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo về giá tiêu dùng của Mỹ, một công bố dữ liệu quan trọng trước cuộc họp ngày 15-16 tháng 3 của Fed.

Kết thúc phiên 9/3, chỉ số Dow Jones tăng 653,61 điểm (+2,00%), lên 33.286,25 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 107,18 điểm (+2,57%), lên 4.277,88 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 459,99 điểm (+3,59%), lên 13.255,55 điểm.

Chứng khoán châu Âu bật tăng mạnh, khi các nhà đầu tư mua bắt đáy các cổ phiếu đã bị bán tháo gần đây trên thị trường, do lo ngại về việc áp đặt các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 4,18% lên 432,37 điểm. Trong đó, cổ phiếu các ngành ngân hàng, du lịch & giải trí và các nhà sản xuất ô tô đều tăng hơn 4%.

Các nhà cung cấp cho Apple như ASML, AMS và Infineon đã tăng từ 3,5% đến 5% sau khi Apple bổ sung kết nối 5G cho iPhone SE và iPad Air giá rẻ của mình và giới thiệu chip nhanh hơn cho máy tính để bàn mới.

Cổ phiếu Adidas đã tăng 7,6% sau khi công ty đồ thể thao của Đức cho biết họ mong đợi sự phục hồi doanh số trong hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, nhưng đã cảnh báo về khoản thiệt hại lên tới 250 triệu euro (273,10 triệu USD) do ngừng kinh doanh tại Nga.

Các ngân hàng khu vực đồng Euro tăng gần 10%, nhưng vẫn giảm 13% trong năm do sự không chắc chắn về kế hoạch thắt chặt chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng như ảnh hưởng kinh tế từ cuộc khủng hoảng Ukraine.

ECB dự kiến ​​sẽ có cuộc họp vào thứ Năm, và Giám đốc Christine Lagarde có khả năng chứng minh rằng có thể kiểm soát được lạm phát khu vực đồng euro, vốn đã nhảy lên mức 5,8%, con số cao nhất trong hai thập kỷ của khối.

Kết thúc phiên 9/3: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 226,61 điểm (+3,25%), lên 7.190,72 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 1.016,42 điểm điểm (+7,92%), lên 13.847,93 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 424,87 điểm (+7,13%), lên 6.387,83 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều giảm theo chân các thị trường khác trong khu vực, khi giới đầu tư thận trọng trước tác động của cuộc xung đột ngày càng tồi tệ ở Đông Âu và lệnh cấm mới của Mỹ đối với dầu của Nga.

Chứng khoán Trung Quốc giảm, do các nhà đầu tư vẫn lo ngại đà tăng của giá hàng hóa sẽ có tác động rộng hơn đến nền kinh tế.

Chứng khoán Hồng Kông tiếp tục giảm, do sức ép của nhóm cổ phiếu năng lượng, tài chính và bất động sản.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch ngày bầu cử Tổng thống.

Kết thúc phiên 9/3: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 73,42 điểm (-0,30%), xuống 24.717,53 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 37,14 điểm (-1,13%), xuống 3.256,39 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 138,16 điểm (-0,67%), xuống 20.627,71 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Tư bị bán tháo ồ ạt, sau khi giá hàng hóa trên thị trường thế giới hạ nhiệt, đặc biệt là dầu thô. Cùng với đó, áp lực chốt lời khi vàng vượt lên trên 2.000 USD/ounce trong phiên trước đó cũng góp thêm phần tạo áp lực lớn.

Kết thúc phiên 9/3, giá vàng giao ngay giảm 61 USD xuống 1.991,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 5 giảm gần 11 USD xuống 1.979,9 USD/ounce.

Giá dầu thô giảm mạnh sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cho biết, họ ủng hộ việc tăng sản lượng để bù đắp cho sự gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga.

Kết thúc phiên 9/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 15 USD (-13,8%), xuống 108,7 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 16,84 USD (-15,15%), xuống 111,14 USD/thùng.

Tin bài liên quan