Giới đầu tư trở lại trạng thái giao dịch thận trọng

Giới đầu tư trở lại trạng thái giao dịch thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ ít biến động trong phiên thứ Tư (3/4) khi dữ liệu lĩnh vực dịch vụ tăng thấp hơn vẫn chưa đủ mang lại quá nhiều hy vọng cho các nhà đầu tư về việc Fed sẽ nới lỏng tiền tệ.

Một cuộc khảo sát từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho thấy tăng trưởng ngành dịch vụ của Mỹ đã chậm lại hơn nữa trong tháng 3, trong khi chi phí đầu vào mà tại các doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm, điều này báo hiệu tốt cho triển vọng lạm phát.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhắc lại rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thời gian để cân nhắc về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên, dự kiến vào tháng 6, do sức mạnh của nền kinh tế và các chỉ số lạm phát cao gần đây.

"Thị trường đã đi theo kỳ vọng của Fed về ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng nếu đón thêm dữ liệu thị trường lao động mạnh thì điều đó có thể sẽ đến ít hơn", Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird cho biết.

Ủng hộ sự thận trọng đó, chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic vẫn duy trì quan điểm rằng ngân hàng trung ương Mỹ chỉ nên cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay.

Các nhà giao dịch đang dự báo xác xuất 57% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi 0,25%vào tháng 6, theo công cụ FedWatch của CMEGroup, giảm từ mức khoảng 64% một tuần trước.

Trọng tâm hiện tại là báo cáo việc làm của Bộ Lao động vào thứ Sáu, dự kiến sẽ cho thấy bảng lương phi nông nghiệp tăng 200.000 việc làm mới trong tháng Ba, sau khi bổ sung 275.000 việc làm trong tháng Hai.

Kết thúc phiên 3/4: Chỉ số Dow Jones giảm 43,10 điểm (-0,11%), xuống 39.127,14 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,68 điểm (+0,11%), lên 5.211,49 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 37,01 điểm (+0,23%), lên 16.277,46 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng, khi các nhà đầu tư nhận thấy dữ liệu lạm phát khu vực đồng euro suy yếu củng cố cho khả năng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,29% lên 510,02 điểm.

Ngân hàng là ngành dẫn đầu với tăng 1,4% và đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2018, trong khi nhóm các ngân hàng khu vực đồng euro cũng tăng 1,5%.

Một cuộc khảo sát cho khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2024 đã giảm sâu hơn dự báo với mức tăng trong tháng 3 ghi nhận tăng 2,4%, thấp hơn mức tăng 2,6% trong tháng 2.

"Kết quả khảo sát riêng lẻ này chỉ ra rằng quá sớm để kết luận rằng chặng đường cuối cùng của quá trình giảm lạm phát đã được chinh phục thành công. Dù vậy, ‘một cánh én có thể không tạo nên mùa xuân’, nhưng chắc chắn giúp mở ra cánh cửa cắt giảm lãi suất của ECB”, các nhà kinh tế của HSBC viết.

Sau khi dữ liệu trên được công bố, nhà hoạch định chính sách của ECB Pablo Hernandez de Cos phát biểu trong một sự kiện tài chính ở Barcelona rằng việc cắt giảm lãi suất có thể đến vào tháng Sáu.

Trong khi ECB dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới, thị trường nhận thấy 71% cơ hội ECB sẽ có đợt cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng Sáu.

Kết thúc phiên 3/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 2,35 điểm (+0,03%), lên 7.937,44 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 84,59 điểm (+0,46%), lên 18.367,72 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris tăng 23,18 điểm (+0,29%), lên 8.153,23 điểm.

Giá dầu duy trì đà tăng khi các nhà đầu tư lo lắng nguồn cung bị gián đoạn, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị ngày càng tăng, bất chấp lượng tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng thay vì giảm 2,3 triệu thùng như dữ liệu trước đó.

Kết thúc phiên 3/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 0,28 USD/thùng (+0,30%), lên 85,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,43 USD (+0,50%), lên 89,35 USD/thùng.

Tin bài liên quan