Giữ chân nhân sự, đâu chỉ bằng lương cao

Giữ chân nhân sự, đâu chỉ bằng lương cao

(ĐTCK) Biến động nhân sự mạnh là điều thường thấy ở những DN lâm vào khó khăn, thua lỗ. Điều này xuất phát từ nhu cầu lao động của DN giảm đi, phải tinh giản bộ máy để tiết giảm chi phí và từ phía người lao động, họ ra đi tìm cơ hội khác khi lương thưởng sụt giảm. Nhưng vẫn có những DN lâm vào hoàn cảnh này giữ được bộ máy nhân sự ổn định và nhờ sự ổn định đó mà DN vững vàng chèo lái vượt qua sóng gió.

Bài toán giữ chân người lao động tại các DN đang thua lỗ quả thực không đơn giản, nhưng không phải là không làm được. Tại CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vài năm trước, Công ty lâm vào tình trạng mất cân đối dòng tiền trầm trọng do dự trữ lượng lớn gỗ teak lớn để dự trữ nguyên liệu sản xuất.

Đỉnh điểm là TTF đã phải gặp gỡ 13 ngân hàng để thương lượng, nhằm tháo gỡ áp lực của khoản nợ ngắn hạn tới 1.174 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, TTF gần như đã tái cơ cấu thành công khoảng 900 tỷ đồng nợ, hoạt động kinh doanh trở lại quỹ đạo. Năm 2014, hoạt động sản xuất và đơn hàng của Công ty đã tăng trưởng trở lại. Gặp gỡ nhân viên kinh doanh của TTF giai đoạn Công ty khó khăn nhất vẫn cảm nhận thấy tinh thần làm việc nhiệt tình nơi họ.

Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch TTF chia sẻ, dù trong giai đoạn khó khăn nhất về dòng tiền, TTF vẫn luôn ưu tiên việc thanh toán tiền lương cho người lao động. Với đội ngũ hơn 2.200 nhân viên, để gắn kết được với nhau, Công ty đã xây dựng và phát triển một văn hóa DN đặc trưng ngay từ ngày đầu thành lập, đó là văn hoá khuyến khích phản biện, mà ở đó, mỗi cá nhân đều có quyền nêu quan điểm để tập thể cùng tranh luận và giải quyết. TTF cũng rất quan tâm tới nơi ăn chốn ở cho người lao động, Công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng để xây dựng nhà ở cho công nhân tại Bình Dương và Đăk Lăk.

“TTF luôn quan tâm đến người lao động, vì vậy nên khi Công ty gặp khó khăn, họ không ngoảnh mặt với mình”, ông Thành nói.

Câu chuyện cũng tương tự tại CTCP Licogi 16 (LCG). Công ty vừa thoát án huỷ niêm yết khi năm 2014 lãi sau thuế công ty mẹ đạt hơn 27 tỷ đồng, trong khi trước đó thua lỗ liên tiếp trong 2 năm 2012 - 2013, lỗ luỹ kế đến cuối năm 2013 hơn 350 tỷ đồng, chủ yếu do trích lập dự phòng dự án sinh học Ethanol. Trong hai năm này, định hướng của Công ty là không nợ lương cán bộ công nhân viên. Ban lãnh đạo LCG chia sẻ, Công ty luôn động viên và giải đáp kịp thời những vướng mắc trong tư tưởng của mỗi nhân viên, từ đó, có biện pháp để khắc phục và tạo niềm tin cho người lao động ở lại với Công ty.

Có thể nói, lương thưởng là một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút và giữ chân người lao động làm việc tại DN, nhưng chưa phải là tất cả. Điều mà người lao động cần còn là môi trường làm việc phù hợp, được đào tạo, bồi dưỡng, có cơ hội thăng tiến, phát huy những khả năng, sở trường. Nếu DN có chiến lược nhân sự tốt, quan tâm đến người lao động, thì trong những giai đoạn khó khăn tạm thời, dù chế độ lương thưởng có bị cắt giảm, họ vẫn bám trụ và khi có sự đồng lòng trong nội bộ DN, những khó khăn sẽ dần ở lại phía sau.   

Tin bài liên quan