Gỡ khó cho du lịch cộng đồng tại Quảng Trị

Gỡ khó cho du lịch cộng đồng tại Quảng Trị

0:00 / 0:00
0:00
Miền Tây tỉnh Quảng Trị có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng (homestay), du lịch canh nông (farmstay). Tuy vậy, nhiều vướng mắc về cơ chế quản lý khiến cho loại hình du lịch mới này chưa thể phát triển như kỳ vọng.

Hướng Hóa là huyện vùng cao phía Tây của Quảng Trị, có đường biên giới dài 127 km tiếp giáp với nước bạn Lào. Đây là huyện có nhiều tiềm năng du lịch nhất so với các địa phương khác tại Quảng Trị.

Theo đó, Hướng Hóa mang nét điển hình của khí hậu nhiệt đới gió mùa, lại có đặc trưng riêng của một tiểu vùng giao thoa khí hậu nhiệt đới gió mùa và khí hậu lục địa trên đỉnh Trường Sơn. Do vậy, thời tiết ở đây quanh năm ôn hòa, mát mẻ.

Bên cạnh đó, địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, hoang sơ, kỳ vỹ; văn hóa độc đáo, đa dạng, mang đậm bản sắc của đồng dân tộc Vân Kiều, Pa Kô… Những tài nguyên này giúp Hướng Hóa có nhiều điều kiện để hình thành nên các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch canh nông, vốn đang trở thành xu hướng mới của ngành kinh tế xanh.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp và hộ gia đình tại Hướng Hóa đã bắt đầu phát triển các mô hình homestay, farmstay nhằm khai thác kinh doanh, phục vụ khách du lịch. Nổi bật như các mô hình: Khe Sanh Valley Farm, Miền Viên Thảo (thị trấn Khe Sanh); Năm mùa Bungalows, điểm du lịch sinh thái thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng); Rose farm, Bảo Nguyên Xanh…

Các mô hình này phần lớn được thực hiện dựa vào việc khai thác các giá trị cảnh quan sinh thái, rừng, sông, suối, cũng như dựa trên việc khai thác hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, sản phẩm dịch vụ cung cấp là các chương trình tham quan, lưu trú, cắm trại, thưởng thức ẩm thực, trải nghiệm khám phá đời sống văn hóa của đồng bào địa phương.

Theo phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hướng Hóa, các mô hình này bước đầu đã thu hút khá đông du khách trong và ngoài tỉnh đến với địa phương. Chỉ tính nửa đầu năm 2023, Hướng Hóa đón trên 80.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Mặc dù bước đầu đạt được những kết quả tích cực, song các mô hình du lịch homestay, farmstay tại Hướng Hóa vẫn tồn tại nhiều vấn đề nên chưa thể phát huy hết tiềm năng, lợi thế như kỳ vọng.

Ông Trần Bình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, phần lớn các mô hình là tự phát, chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các hộ dân và các bên tham gia, thiếu chính sách khuyến khích phát triển. Đặc biệt là du lịch farmstay đang phải gánh “hai vai”, vừa hoạt động du lịch, vừa phải tổ chức sản xuất nông nghiệp bài bản. Các mô hình này đều xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa được quy hoạch đất thương mại dịch vụ, chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định pháp luật…

Anh Hồ Hữu Thăng, chủ trang trại Khe Sanh Valley Farm tại khối 1, thị trấn Khe Sanh chia sẻ, mô hình farmstay của anh xuất phát từ hoạt động nuôi trồng trong phạm vi vườn đồi do gia đình quản lý. Qua thời gian, gia đình đã kết hợp cung cấp dịch vụ check-in, tham quan, thưởng thức ẩm thực tại chỗ, bán các sản phẩm nông nghiệp do gia đình tự sản xuất, nuôi trồng cho du khách… Tuy vậy, hiện nay gia đình chưa dám mạnh dạn mở rộng quy mô kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, do phần lớn diện tích đất của trang trại là đất nông nghiệp.

“Giờ muốn mở rộng quy mô kinh doanh phát triển du lịch thì trang trại buộc phải chuyển đổi sang đất thương mại dịch vụ. Nhưng việc chuyển đổi hết sức phức tạp và tốn kém, vướng mắc ở nhiều thủ tục. Trong khi về cơ bản thì trang trại của gia đình hoạt động chính vẫn là sản xuất nông nghiệp”, anh Thăng cho hay.

Cũng theo anh Thăng, không chỉ trang trại gia đình anh gặp vướng mắc này, mà hầu hết các mô hình farmstay tại đây đều gặp vấn đề tương tự.

Theo lãnh đạo huyện Hướng Hóa, để mô hình du lịch homestay, farmstay trên địa bàn phát triển đúng hướng, bền vững, UBND huyện đang lập Đề án thí điểm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch canh nông giai đoạn 2023 - 2025.

Mục tiêu của Đề án nhằm tạo căn cứ pháp lý để từng bước hợp thức hóa các điểm du lịch hiện có, làm tiền đề lập kế hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư du lịch tại địa phương.

Một số giải pháp trong Đề án là: rà soát, đánh giá tất cả các mô hình du lịch hiện có, trước mắt giữ nguyên hiện trạng đầu tư từ trước cho đến thời điểm năm 2023. Trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành các chính sách đặc thù đối với các mô hình đã được triển khai từ năm 2023 trở về trước. Cho triển khai thí điểm mô hình trên đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, dưới tán rừng (rừng phòng hộ, rừng tự nhiên), đất ở, đất chưa sử dụng, tạo điều kiện để người dân vừa sản xuất, vừa làm du lịch, mục đích sử dụng đất không thay đổi...

Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin, trên cơ sở Đề án thí điểm của huyện Hướng Hóa và thực tiễn tại một số địa phương, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, trình HĐND tỉnh một số chính sách của địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý cho phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

Tin bài liên quan