Goldman Sachs: Người hùng quản lý rủi ro của phố Wall

Goldman Sachs: Người hùng quản lý rủi ro của phố Wall

(ĐTCK-online) Văn hoá công ty trong quản lý rủi ro là liều thuốc phòng vệ tốt nhất của Goldman Sachs trước “đại dịch” tín dụng thứ cấp. Cũng từ công ty này, một thế hệ chuyên gia tài chính lừng danh đang nắm giữ những vị trí quan trọng tại các tập đoàn tài chính của phố Wall và trên thế giới, trong số đó có John A.Thain, cựu Chủ tịch của Goldman Sachs vừa nhận ghế Tổng giám đốc tại Merrill Lynch; Robert E.Rubin, từng giữ cương vị đứng đầu Goldman Sachs, nay là Chủ tịch mới của Citigroup; Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - Robert B.Zoellick cũng có nhiều năm gắn bó tại đây.

Trong hơn 3 tháng qua, thị trường tín dụng náo loạn khắp phố Wall, hết ngân hàng nọ đến ngân hàng kia suy sụp nặng nề cùng nhiều tỷ USD thâm hụt. Và Goldman Sachs được đánh giá là trường hợp hiếm có, một công ty tài chính đứng ngoài dòng chảy sai lệch và gần như “miễn nhiễm” với cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp đang xảy ra. 

Đã có 3 tổng giám đốc phải từ chức vì đẩy doanh nghiệp của mình rơi vào vũng lầy tín dụng, và những kẻ sống sót được dự đoán là sẽ còn phải trả giá rất nhiều. Thế nhưng, với Tổng giám đốc Lloyd C.Blankfein của Goldman Sachs, năm 2007 lại là một năm rất tốt.

Số phận tốt đẹp của Goldman Sachs không thể lý giải chỉ bằng sự may mắn. Cuối năm ngoái, khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu vướng vào rủi ro thế chấp, David A.Viniar, Giám đốc tài chính của Goldman Sachs đã tổ chức một cuộc họp về “quản lý rủi ro thế chấp”. Vào thời điểm đó, khối lượng tài sản của Goldman Sachs có liên quan đến tín dụng thế chấp cũng không phải là quá nhiều, nhưng ông Viniar nhìn đến một vấn đề lớn hơn. Sau khi cùng các cộng sự xem xét danh mục đầu tư hoàn chỉnh, ông đưa ra một thông điệp rõ ràng, Ngân hàng nên giảm tỷ trọng các khoản cho vay thế chấp và chứng khoán có “họ” với thế chấp, đồng thời mua các loại bảo hiểm đắt đỏ để phòng vệ những khoản lỗ lớn hơn.

Đến tháng 7, khi thị trường bị tắc nghẽn, Goldman Sachs lại khiến cho nhiều người khác phải ganh tị vì đã tống khứ được những sản phẩm độc hại mà các trùm tài chính khác như Merrill Lynch, Citigroup, UBS, Bear Stearns và Morgan Stanley vẫn còn nắm giữ.

Stephen Friedman, một giám đốc bộ phận tại Goldman Sachs cho biết: “Không hề có sự huyền diệu hoặc bí quyết gia truyền nào cả. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, chúng tôi đã rất nỗ lực xây dựng văn hoá quản lý rủi ro trong Công ty”.

Goldman Sachs vắng mặt trong đống đổ nát có tên “thế chấp” và năng lực hoạt động tốt trong những lĩnh vực khác đã giúp Công ty kiếm được 2,85 tỷ USD lợi nhuận trong quý III. Điểm khác biệt rõ ràng nhất giữa Goldman Sachs và các công ty tài chính khác là năng lực quản lý rủi ro, một nghiệp vụ sống còn của bất cứ ngân hàng nào. Tại Goldman Sachs, nhóm chuyên gia chịu trách nhiệm thẩm định dự án có 1.100 người. Ngân hàng cho biết, các giám đốc quản lý rủi ro được trả mức lương tương đương vài triệu USD một năm. Riêng trong quý III, Goldman Sachs đã chi 16,9 tỷ USD cho quỹ lương và phúc lợi.

Charles T.Geisst, nhà sử học về thị trường phố Wall tại Đại học Manhattan , Mỹ bình luận: “Hiện nay, Goldman Sachs có tầm ảnh hưởng lớn như J.P Morgan của giai đoạn 1895 - 1930. Nhưng cũng giống như J.P Morgan, họ có thể là nạn nhân từ chính sự thành công của mình”.