Golf: triết lý xanh

Golf: triết lý xanh

(ĐTCK) Triết lý golf vừa tĩnh tại, hướng nội, mà lại rất động, rất biến ảo, khó lường như quỹ đạo của từng đường golf vậy!

Sân golf Kings’Island có nét đẹp sơn thủy hữu tình của vùng núi Tản sông Đà. Sân golf Đồ Sơn lưng tựa núi Rồng, mặt hướng biển. Sân golf Tam Đảo nằm trên vùng núi Tam Đảo tươi đẹp và yên bình. Sân golf Sea Links hướng tầm nhìn ra biển Mũi Né. Sân golf Mongomerie Links gần bãi biển Hà My, uốn lượn theo rặng phi lao và đồi cát, xa xa là núi Ngũ Hành. Sân golf Vinpearl như một thung lũng xanh huyền bí, được điểm tô bởi những hàng cọ dài và đụn cát trắng. Sân golf Ngôi sao Chí Linh nằm trong lòng thung lũng với hồ nước tự nhiên nép mình bên những dải đồi xanh hùng vĩ. Sân golf Long Thành nằm ở vị trí đồi cao, được bao bọc bởi các nhánh sông Đồng Nai…

Vẫn là những mảng xanh ngút mắt, nhưng mỗi sân golf lại mang đến cho người chơi những trải nghiệm, những triết lý sống khác lạ. Bước vào sân golf là ta như bước vào một thế giới khác, trút bỏ mọi căng thẳng đời thường. 

Sự bí hiểm còn ở chỗ golf là môn thể thao dùng sức nhưng lại hướng tâm và đòi hỏi sự tĩnh lặng đến mức gần như cô độc. Có một nhà thơ nổi tiếng từng nói, sự sáng tạo không bao giờ là một sản phẩm tập thể. Nó đòi hỏi sự cô đơn tuyệt đối. Triết lý ấy có vẻ hơi cực đoan nhưng không phải không có lý. Nỗi cô đơn chính là bản chất của người nghệ sĩ, bởi vì bao giờ nghệ thuật cũng đòi hỏi đưa ra một sản phẩm mới, chưa từng xuất hiện, phải là một sản phẩm duy nhất, với mọi người và với cả chính mình. Sân golf thì rõ ràng là muôn hình vạn trạng với địa hình khác nhau, kích thước khác nhau, độ khó với cách bố trí các lỗ golf, fairway, bunker (hố cát), hồ nước… khác nhau. Bộ đồ golf 14 gậy, cũng chẳng gậy nào giống gậy nào…

Cũng như vậy, đằng sau sự lầm lũi đơn độc của golf thủ là cảm giác luôn được đổi mới với golf, sự đổi mới khi họ tự đối diện và chiến thắng chính mình. Vì vậy, xét trên khía cạnh nào đó, người chơi golf cũng chính là những nghệ sĩ.

Nhưng cũng như các nhà văn có những lúc rợn ngợp khi ngồi trước trang giấy trắng, “bút đào huyệt giấy mà chôn mình dần”. Golf tưởng như gần gũi mà lại rất xa vời khi các tay golf một mình đối diện với những khoảng xanh thăm thẳm. Từ những golf thủ cự phách đến những người vài tháng mới đi “cuốc đất” một lần, mỗi hố golf là một thách thức mà chỉ một đường gậy lơ đãng có thể phút chốc làm tan cháy những chắt chiu trước đó. Sự “đỏng đảnh” ấy, lạ thay, lại trở thành một thứ “thuốc phiện” có ma lực quyến rũ các tín đồ golf.

Ông Nguyễn Ngọc Chu, Phó chủ tịch Hiệp hội Golf Việt Nam từng nói thế này: “Golf là một môn chơi bí hiểm. Bí hiểm ở chỗ đằng sau bề ngoài rất tẻ nhạt, nhiều khi có vẻ ‘ngớ ngẩn điên khùng’ lại ngầm chứa một nội dung phong phú, tinh tế đến mê hoặc cuốn hút hồn người. Chính vẻ ngoài tẻ nhạt của golf đã làm nhiều người xa lánh golf, và trò chơi có vẻ ‘ngớ ngẩn điên khùng’ đã tạo nên sự ác cảm đến xua đuổi golf của không ít người. Nhưng chính sự bí hiểm đó là cội nguồn sức sống của golf. Phàm những điều khó gần, khi đã có công phu để sở hữu, thì sự đam mê dần biến thành ‘nghiện’ khó có trở lực nào có thể cản ngăn”.

Golf: triết lý xanh ảnh 4

Triết lý golf vì thế vừa tĩnh tại, hướng nội, mà lại rất động, rất biến ảo, khó lường như quỹ đạo của từng đường golf vậy!