Tình trạng xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế

Tình trạng xuất khẩu giảm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế

Hạ lãi suất mới giải quyết một phần nỗi lo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu tín dụng của từng doanh nghiệp là khác nhau nên việc hạ lãi suất sẽ có những tác động khác nhau và mới chỉ giải quyết được một phần khúc mắc của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về quyết định hạ lãi suất lần thứ 3 của Ngân hàng Nhà nước ngày 23/5/2023 tác động như thế nào tới doanh nghiệp, giám đốc một công ty nhập khẩu ô tô cho biết: “Mỗi tháng, Công ty nhập hàng trăm xe ô tô nên thường xuyên có dư nợ vay 300 - 400 tỷ đồng tại ngân hàng. Do vậy, lãi suất giảm sẽ tác động tích cực tới Công ty”.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Tịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Việt Âu nói: “Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp cần lãi suất hạ, nhưng đối với doanh nghiệp sản xuất thì chỉ lãi suất hạ thôi là chưa đủ. Những doanh nghiệp có khoản vay cũ thì có nhu cầu hạ lãi suất, còn doanh nghiệp sản xuất có doanh thu giảm 60 - 70% thì vay mới để làm gì? Không có đơn hàng thì sản xuất gì?”.

Giám đốc một công ty trung chuyển hàng hoá, chủ yếu vận chuyển các mặt hàng tiêu dùng từ trung tâm công nghiệp TP.HCM đi các tỉnh phía Nam cho hay: “Trước đây, một ngày chạy khoảng 10 xe hàng, nhưng bây giờ chỉ có một xe. Nhu cầu vận chuyển giảm 80 - 90% nên hồi trước có khoảng 30 xe tải hoạt động nhưng nay chỉ còn 3 xe hoạt động. Lãi suất hạ không tác động trực tiếp đến doanh nghiệp của tôi, nhưng mong là sẽ có tác động gián tiếp để phục hồi kinh tế”.

Về vấn đề này, ông Phan Thanh Tịnh chia sẻ, Thủy sản Việt Âu từng xuất 2 - 3 chuyến hàng, khoảng 20 - 30 chục tấn một ngày, nhưng thời gian qua chỉ còn một chuyến, hiếm khi có 2 chuyến. Riêng tháng 4/2023, cả tháng mới có 3 - 4 chuyến hàng. Sức mua của thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc giảm nhiều nhất, từ 50 - 70% so với cùng kỳ.

“Nếu nói rằng, những nỗi lo hiện nay của doanh nghiệp hoàn toàn do lãi suất cao là không đúng. Nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm, hay nói cách khác, nhu cầu của nền kinh tế giảm, tức một phần lý do ở trong nước. Ngoài ra, kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu, tình trạng xuất khẩu giảm sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, ông Phan Thanh Tịnh nói.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 29,05 tỷ USD, giảm 5,9%; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2023 ước đạt 26,81 tỷ USD, giảm 18,4%; lũy kế 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ.

Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á, HSBC nhận định, với ngành sản xuất có bản chất thiên về nhập khẩu, sự suy yếu lớn trong nhập khẩu của Việt Nam cũng là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi chậm chạp của xuất khẩu trong tương lai. Xét cho cùng, sự suy yếu trên diện rộng của xuất khẩu tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng của Việt Nam.

Thực tế, không có ngành hàng nào trong số các ngành hàng chính như điện tử, máy móc, dệt may, da giày, đồ nội thất gỗ cho thấy dấu hiệu phục hồi đáng kể. Đơn hàng sụt giảm mạnh ở cả các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và EU.

“Với thị phần lớn lên tới 30%, Việt Nam chắc chắn dễ bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế chậm lại ở Mỹ”, bà Yun Liu nhấn mạnh.

“Người tiêu dùng cuối cùng không tiêu thụ hàng hoá thì doanh nghiệp sản xuất chỉ có cách là ngồi chơi”, ông Phan Thanh Tịnh nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2023, có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng 4, nhưng tăng 8,1% so với cùng kỳ; có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 19,2% so với tháng 4, nhưng tăng 12,7% so với cùng kỳ; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 19% so với tháng 4 và giảm 8,7% so với cùng kỳ.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3%; có 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; có 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Theo đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp, tăng 22,6% so với cùng kỳ; bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Quan trọng là kích cầu tiêu dùng

Nhà nước cần có giải pháp mạnh để kích cầu tiêu dùng trong nước và không phụ thuộc vào xuất khẩu.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến giữa tháng 5/2023, dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là gần 12,3 triệu tỷ đồng, tăng 2,72% so với cuối tháng 12/2022 và tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú, việc điều hành tín dụng đặt ra cho ngành ngân hàng nhiều thách thức khi phải đáp ứng vốn cho sản xuất - kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phải đảm bảo an toàn hoạt động cho hệ thống các tổ chức tín dụng trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động.

“Điều này dẫn đến không có khả năng trả nợ đúng hạn và có nguy cơ cao chuyển thành nợ xấu, dẫn tới khó có thể tiếp tục tiếp cận vốn vay ngân hàng để duy trì và khôi phục sản xuất - kinh doanh”, ông Đào Minh Tú nói.

Trong diễn biến có liên quan, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ: “Điều đáng chú ý trong quá trình làm việc với khách hàng cho thấy, việc giảm chi phí từ hạ lãi suất sẽ không thấy được ngay lập tức, mà có tác động trong dài hạn, điều quan trọng là khả năng tiếp cận vốn. Thậm chí, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tiếp cận vốn, quy trình cho vay nhanh gọn, thủ tục không quá rườm rà, đáp ứng được nhu cầu kịp thời được xem là quan trọng nhất. Quan trọng là kích cầu tiêu dùng”.

Đồng quan điểm, ông Phan Thanh Tịnh cho rằng, Nhà nước cần có giải pháp mạnh để kích cầu tiêu dùng trong nước và không phụ thuộc vào xuất khẩu.

Một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, đầu tư công sẽ là động lực chính để phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 - 2024. Dự kiến, một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân trong năm 2023. Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và địa phương để giải ngân từ tháng 1/2023. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công là rất quan trọng.

“Cùng với việc tiếp tục thực hiện chương trình phục hồi kinh tế được thông qua từ tháng 1/2022, khoản chi tiêu này được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng số nhân đáng kể, tác động đa chiều, tạo động lực mạnh mẽ cho cả nền kinh tế”, vị chuyên gia của ADB gợi ý.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị: “Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp Quốc hội ngày 1/6/2023: “Về tiếp cận tín dụng, cần phải được mổ xẻ, phân tích nguyên nhân mới có giải pháp đúng. Về cơ chế, chính sách cho vay giữ nguyên, không có gì thay đổi. Năm 2022, tăng trưởng tín dụng 14,16%, 5 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng khoảng 3%, nhưng không thể nói là do chính sách vì chính sách cho vay không có gì thay đổi. Về phía các tổ chức tín dụng thì dư địa tín dụng thoải mái, thanh khoản hệ thống được Ngân hàng Nhà nước duy trì dư thừa. Không có lý do gì để tổ chức tín dụng huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay”.

Tin bài liên quan