Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2026 - 2030

0:00 / 0:00
0:00
Thông qua các chính sách tài chính ưu đãi mới, Hà Nội tiếp tục thể hiện cam kết đồng hành với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo.

Tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi và mức chi đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030.

Theo nội dung Nghị quyết, các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung vào ba nhóm nội dung chính: nâng cao chất lượng đội ngũ tư vấn viên, tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp, và hỗ trợ hình thành, vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đối tượng áp dụng bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại Hà Nội trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, công nghiệp chủ lực; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như các tư vấn viên, tổ chức và cơ quan liên quan.

Điểm nổi bật của Nghị quyết là chính sách hỗ trợ 100% chi phí hợp đồng tư vấn chuyên sâu, với mức tối đa 300 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Đây là mức hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay của Hà Nội đối với hoạt động tư vấn doanh nghiệp, phản ánh cam kết thực chất trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới mô hình sản xuất, chuẩn hóa quản trị, xây dựng chiến lược phát triển và khai thác thị trường mới.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cam kết chi trả 100% chi phí đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tư vấn viên doanh nghiệp nhỏ và vừa, tối đa 20 triệu đồng/người/năm. Việc đầu tư vào năng lực tư vấn được xem là mắt xích quan trọng để lan tỏa hiệu quả hỗ trợ, bởi đội ngũ này đóng vai trò người trung gian kỹ thuật, chuyển tải tri thức chuyên môn đến từng doanh nghiệp.

Với nhóm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Hà Nội sẽ hỗ trợ 50% chi phí thuê trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật, vườn ươm, không gian làm việc chung và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, mức tối đa là 50 triệu đồng/doanh nghiệp/năm. Ngoài ra, chính quyền Thành phố còn hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng thuê mặt bằng tại các địa điểm nói trên, không quá 10 triệu đồng/tháng/doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tiếp cận hỗ trợ 70% chi phí tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu ngắn hạn ở nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển sản phẩm sáng tạo… Mức hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng/học viên/năm, áp dụng trong thời gian không quá 3 năm kể từ ngày được phê duyệt hỗ trợ.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2026 đến hết ngày 31/12/2030. Trong thời gian này, UBND TP Hà Nội được giao trách nhiệm ban hành quy định chi tiết điều kiện thụ hưởng, quy trình và phương thức hỗ trợ, đảm bảo đúng người, đúng chính sách, đồng thời tránh lãng phí nguồn lực. Thành phố cũng yêu cầu công khai, minh bạch toàn bộ quá trình tiếp nhận, xét duyệt, giám sát và đánh giá hiệu quả của từng chương trình hỗ trợ.

Lãnh đạo các ban chuyên môn của HĐND Thành phố nhận định đây là cách tiếp cận chiến lược để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thích nghi với yêu cầu phát triển mới: chuyển đổi số toàn diện, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng kết nối thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có gần 340.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97,2%, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất phụ trợ, công nghệ thông tin và dịch vụ sáng tạo. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, mặt bằng, tư vấn phát triển và ứng dụng công nghệ.

Trong khi đó, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Hà Nội đang phát triển nhanh chóng, với sự xuất hiện của hàng trăm không gian làm việc chung, cơ sở ươm tạo, quỹ đầu tư mạo hiểm và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Việc Thành phố ban hành chính sách hỗ trợ rõ ràng, dài hạn cho nhóm doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ tăng cường niềm tin, giảm rủi ro ban đầu và thúc đẩy hình thành các start-up có tiềm năng lớn hơn, đặc biệt trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ tài chính, thiết kế sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao…

Yêu cầu đặt ra trong quá trình triển khai Nghị quyết là sự liên kết chặt chẽ giữa chính sách hỗ trợ với nhu cầu thực tế của thị trường, tránh tình trạng hỗ trợ theo phong trào hoặc không đúng trọng tâm. Theo đó, ngoài hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, Hà Nội cần tiếp tục thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức tư vấn, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức tín dụng và các nền tảng chuyển đổi số.

Cùng với đó, cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả hỗ trợ cũng cần được xây dựng bài bản, minh bạch, có tính phản hồi nhanh để đảm bảo chất lượng thực thi chính sách. Các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề cũng cần đóng vai trò chủ động trong việc đề xuất, phản biện và đồng hành cùng chính quyền địa phương trong suốt quá trình thực hiện.

Tin bài liên quan