Hà Nội được tăng phí không khống chế trần?

Chính sách đặc thù về phí sẽ góp phần điều tiết lưu lượng người, phương tiện giao thông, mật độ sinh sống tại Hà Nội, qua đó giảm ùn tắc giao thông.
Hà Nội được tăng phí không khống chế trần?

Không quy định trần tăng thu

Tại phiên họp 45B, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội, trong đó có phân cấp mạnh mẽ về phí và lệ phí. Một trong những cơ chế rất đáng chú ý là thí điểm cho phép Hà Nội ban hành bổ sung một số loại phí ngoài danh mục phí, lệ phí hiện hành và tăng mức phí trong danh mục phí, lệ phí (mức tăng không quá 1,5 lần).

Đa số ý kiến tại Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị, không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND Thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, không nên quy định mức trần, tương tự TP.HCM đã thực hiện.

Lấy ví dụ việc TP.HCM sau khi được Quốc hội quyết cơ chế đặc thù, đã điều chỉnh gấp 6  lần mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô (từ 5.000 đồng/xe/lượt lên bình quân 30.000 đồng/xe/giờ), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định mức trần sẽ "trói" tay Hà Nội.

Cũng đồng ý không khống chế trần, song Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, có thể tăng mạnh phí của dịch vụ xa xỉ liên quan đến người có thu nhập cao như phí mua xe ô tô, đỗ xe ô tô, còn phí liên quan đến số đông thì không nên tăng, thậm chí có thể giảm.

Tăng phí, tác động tích cực thế nào?

Đánh giá tác động của cơ chế đặc thù về phí cho Hà Nội, Bộ Tài chính cho rằng, về kinh tế, chính sách này sẽ góp phần tạo nguồn lực cho Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn thông qua việc tăng nguồn thu ngân sách và nguồn thu này sẽ để lại cho ngân sách thành phố.

Về xã hội, chính sách này sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông (dự kiến tăng các loại phí sẽ góp phần điều tiết lưu lượng người, phương tiện giao thông, mật độ sinh sống trên Thành phố, đặc biệt là các vùng nội đô, qua đó giảm ùn tắc giao thông); tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công cộng nói chung.

Nhiều cơ quan có trụ sở mới vẫn cố giữ trụ sở cũ

Một trong những cơ chế đặc thù Chính phủ đề xuất là ngân sách TP. Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất.

Đồng ý cơ chế này, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nhiều cơ quan đề nghị được xây trụ sở mới, sau đó bán trụ sở cũ hoặc giao trụ sở cũ cho Nhà nước. "Nhưng tôi thú thật với các đại biểu ngồi đây, không ai giao trụ sở cũ cả. Nói là cho tôi xây trụ sở mới rồi tôi trả trụ sở cũ để Nhà nước bán, nhưng xây xong rồi vẫn không trả, nhiều lắm", Chủ tịch Quốc hội nhận định.    

Đồng thời, chính sách mới góp phần bảo đảm cho người dân trong các vấn đề liên quan đến sức khỏe (các loại phí liên quan đến đảm bảo tiêu chuẩn phát thải khí CO, rác thải, nước thải…). Mặt khác, tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, nghiên cứu mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh để giảm thiểu chi phí.

Tác động tiêu cực được Bộ Tài chính nhìn nhận là đối với Nhà nước, có thể làm phát sinh khối lượng công việc cho hệ thống cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước (là các cơ quan trung ương), nhưng tác động không đáng kể, đặc biệt là các hệ thống này đang đẩy mạnh tin học hóa, hiện đại hóa. Đối với người dân và doanh nghiệp, sẽ phải nộp thêm một số khoản phí, lệ phí mới và tăng mức phí phải đóng.

Hà Nội đang tụt hậu lớn

Cũng tại báo cáo đánh giá tác động chính sách đặc thù cho Hà Nội, Bộ Tài chính khẳng định, Hà Nội đang có sự tụt hậu lớn về chất lượng cuộc sống so với thủ đô và các thành phố lớn trong khu vực.

Hiện quỹ đất dành cho giao thông của Hà Nội quá thấp, tỷ lệ đất giao thông/đất đô thị chỉ đạt 8,65%, trong khi quy hoạch phải đạt 20-26% với đô thị trung tâm, 18-23% với đô thị vệ tinh, 16-20% với các thị trấn. Tỷ lệ đất dành cho đỗ xe, bến bãi quá thấp, khoảng 0,72%, trong khi yêu cầu đặt ra là từ 3-5%. Hiện nay, diện tích dành cho giao thông tĩnh của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có.

Trong khi đó, tốc độ tăng các phương tiện giao thông đường bộ của Hà Nội quá nhanh, khoảng 10,2%/năm với ô tô, khoảng 6,7%/năm với xe máy. Nhưng tỷ lệ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông đô thị/diện tích đất xây dựng mới đạt 0,25-0,3%/năm. Ước tính, thiệt hại về ùn tắc giao thông hàng năm khoảng 1,2 tỷ USD, bằng 3,2% GRDP của Thành phố.

Tin bài liên quan