Dự án khách sạn quốc tế Đồ Sơn của Tập đoàn Nam Cường vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Ảnh: Thu Lê

Dự án khách sạn quốc tế Đồ Sơn của Tập đoàn Nam Cường vẫn chưa hoàn thiện để đưa vào sử dụng. Ảnh: Thu Lê

Hải Phòng: Nhiều dự án nghỉ dưỡng đình trệ

(ĐTCK) Hải Phòng có tài nguyên du lịch biển rất đa dạng như Đồ Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vỹ…, nhưng các khách sạn 4 - 5 sao lại tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm Thành phố. Các dự án lớn về khu du lịch, nghỉ dưỡng ven biển hoặc trên đảo thì đang triển khai rất chậm.

Khách sạn 3 - 5 sao chủ yếu ở trung tâm

Theo thống kê của Savills, Hải Phòng hiện đang có 14 khách sạn 3 - 5 sao, cung cấp khoảng 1.400 phòng. Công suất phòng trung bình tăng 5% theo năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Văn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng, sự tăng trưởng này không phải là do ngành du lịch Hải Phòng có sự phát triển mạnh, mà là do sự tăng trưởng của kinh tế nói chung và sự phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng, thúc đẩy dòng khách du lịch theo dạng công tác.

Một yếu tố dễ nhận thấy chứng minh cho luận điểm trên là đa phần các khách sạn 3 - 5 sao đang hiện hữu tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm Thành phố, chứ không phải khu du lịch. Cụ thể, các khách sạn Vinpearl Imperia Hải Phòng của Tập đoàn Vingroup, Mercure Hai Phong Hotel của Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng đang được khai thác, hay đang hoàn thiện để đưa vào hoạt động trong năm 2020 như Khách sạn Hilton của Tập đoàn BRG, Khách sạn Pullman Hải Phòng của Công ty TNHH Nhật Hạ đều tập trung trong trung tâm Thành phố.

Tập đoàn FLC cũng đang nghiên cứu thực hiện xây dựng 2 tòa tháp khách sạn, văn phòng (cao 70 - 72 tầng) tại số 4 phố Trần Phú và Cung văn hóa thanh niên Hải Phòng, vẫn là ở khu vực trung tâm. Với những dự án mới này, trong khu vực trung tâm sẽ có thêm nguồn cung hơn 1.000 phòng khách sạn cao cấp.

Hải Phòng: Nhiều dự án nghỉ dưỡng đình trệ ảnh 1

Dự án BRG Coastal City tại Đồ Sơn. Ảnh: Thu Lê

Theo lý giải của đại diện Công ty cổ phần Sơn Hải Phòng, dòng khách chính của Khách sạn Mercure Hai Phong Hotel là khách công vụ ngắn ngày và khách lưu trú dài ngày theo dạng thuê căn hộ - dạng khách này là những chuyên gia, nhà quản lý đi theo các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, dòng khách này đang được phân chia với phân khúc căn hộ dịch vụ. Theo tổng hợp của Savills, thị trường Hải Phòng đang có 16 dự án căn hộ dịch vụ.

Thiếu dự án bất động sản du lịch đẳng cấp

Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, đến năm 2025 phải xây dựng khu du lịch Cát Bà, quận Đồ Sơn cùng với Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trở thành trung tâm du lịch quốc tế.

Để hoàn thành mục tiêu này, Hải Phòng đã xác định cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch nghỉ dưỡng, giải trí đẳng cấp quốc tế hiện đang có. Tuy nhiên, đến hiện tại, so với cam kết ban đầu thì các dự án này đều có tiến độ đang rất chậm.

Một trong những nguyên nhân được lãnh đạo TP. Hải Phòng chỉ ra, là do chủ đầu tư thiếu vốn, hoặc gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

Chẳng hạn, dự án Khu du lịch - nghỉ dưỡng Hòn Dấu của Tập đoàn Him Lam được khởi công vào tháng 5/2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2021 với tổng giá trị đầu tư lên tới gần 5.000 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng ở khu 3 - Vụng Xéc và Hòn Dấu, quận Đồ Sơn.

Khu vực Vụng Xéc được quy hoạch với chức năng chính là khu đô thị nghỉ dưỡng, bao gồm các khu biệt thự 3 tầng, khu căn hộ, khách sạn 7 tầng, khu bãi xe lớn, khu thương mại dịch vụ. Ngoài ra, còn có các khu công cộng, kỹ thuật như trạm y tế, khu kỹ thuật.

Còn Khu vực đảo Hòn Dấu được phát triển thành khu bảo tồn thiên nhiên với chức năng vui chơi giải trí ngoài trời, công viên nước, khu căn hộ - khách sạn và một khách sạn nghỉ dưỡng 12 tầng.

Hai khu vực này sẽ được kết nối bằng tuyến cáp treo vượt biển. Tuy nhiên, đến nay, dự án này mới đang ở giai đoạn đổ đất lấn biển.

Hải Phòng: Nhiều dự án nghỉ dưỡng đình trệ ảnh 2

Còn dự án Khách sạn 5 sao Quốc tế Đồ Sơn tại khu I bãi biển Đồ Sơn của Tập đoàn Nam Cường đã xong phần thô từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa tiến hành khâu hoàn thiện để đi vào hoạt động.

Hay như dự án Khu phức hợp dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Đồ Sơn có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng của Tập đoàn FLC hiện vẫn còn đang trên… giấy.

Vì vậy, trung tâm du lịch biển Đồ Sơn của Hải Phòng đến nay vẫn chưa có khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao nào.

Trong khi đó, quần đảo Cát Bà, được ví là đảo ngọc chỉ vừa mới được đánh thức bởi một số dự án lớn đang trong giai đoạn triển khai, chưa có dự án nào đi vào hoạt động. Trong đó, nổi bật là dự án xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, vui chơi giải trí Cát Bà của Tập đoàn Sun Group. Dự án có tổng giá trị đầu tư 6.000 tỷ đồng, gồm 40 hạng mục như cáp treo vượt biển từ Cát Hải sang Cát Bà, tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - chăm sóc sức khỏe, sân golf Cát Bà 18 lỗ… Hiện nay, 2 cột trụ cáp treo đang được thi công khẩn trương và dự kiến hạng mục cáp treo sẽ được khánh thành vào dịp lễ 30/4 - 1/5/2020. Còn các hạng mục khác thì vẫn chưa có quỹ đất sạch để triển khai.

Còn dự án Cát Bà Amatina có tổng mức đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex - Vinaconex ITC dự kiến đưa vào sử dụng năm 2015, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở khâu đầu tư hạ tầng.

Duy chỉ có dự án Flamingo Cát Bà của Tập đoàn Flamingo tại Bãi tắm Cát Cò 1, 2 là đang được triển khai thuận lợi.

“Sức hấp dẫn của dự án bất động sản nghỉ dưỡng này cũng đã được khẳng định khi mỗi đợt mở bán đều được tiêu thụ tốt vì có vị trí đẹp, chính sách về giá cũng như cam kết về lợi nhuận tốt”, ông Nguyễn Quang Văn, đại diện của một trong những đại lý phân phối cấp 1 của dự án cho hay.

Chính sự thiếu vắng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng đã dẫn đến sự thiếu vắng về lượng khách đến với các khu du lịch biển nổi tiếng của Hải Phòng là Đồ Sơn, Cát Bà. Theo thống kê của địa phương, năm 2019, lượng khách đến với Đồ Sơn là 2,6 triệu lượt, còn đến Cát Bà thì nhỉnh hơn chút, đạt 2,8 triệu lượt.

“Dòng khách chỉ tập trung về mùa Hè với nhu cầu thực là đến chỉ để thay đổi không khí và thưởng thức ẩm thực vùng biển, thời gian lưu trú rất ngắn vì thiếu dịch vụ, tiện ích. Các nhà đầu tư vốn mỏng chỉ tập trung vào khâu lưu trú, mà thiếu các tiện ích dịch vụ đi kèm, nên rất khó tạo được sức hút. Còn đầu tư đồng bộ thì đòi hỏi vốn lớn và thời gian thu hồi vốn sẽ chậm”, đại diện một nhà đầu tư mới, đang chuẩn bị triển khai dự án bất động sản du lịch tại Đồ Sơn nhận định.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan