Hàn Quốc tiếp tục dừng tăng lãi suất trước dấu hiệu suy thoái kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản lần thứ hai liên tiếp.
Hàn Quốc tiếp tục dừng tăng lãi suất trước dấu hiệu suy thoái kinh tế

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tiếp tục giảm, các dấu hiệu suy thoái kinh tế đang gia tăng và sự bất ổn tài chính từ vụ số ngân hàng của Mỹ phá sản có thể lan rộng sang hệ thống tài chính Hàn Quốc và gây nguy cơ sụt giảm tăng trưởng kinh tế.

Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc trong năm nay có thể sẽ thấp hơn một chút so với dự báo hồi tháng 2, ở quanh mức 1,6%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hàn Quốc trong tháng 3 chỉ tăng 4,2%, mức thấp nhất trong vòng một năm qua. BoK cũng dự báo kể từ sau quý II, mức tăng của CPI dự kiến sẽ chậm lại và giảm xuống quanh ngưỡng 3%. Theo dự báo của BoK được đưa ra trong tháng Hai, chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong cả năm 2023 sẽ ở ngưỡng 3,5%.

BoK đã tổ chức cuộc họp thiết lập lãi suất vào ngày 11/4 sau khi tạm dừng chiến dịch thắt chặt tiền tệ kéo dài hơn một năm và giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 3,5% được ấn định trong cuộc họp cuối cùng diễn ra vào cuối tháng Hai vừa qua.

Các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc cho biết, việc lạm phát hạ nhiệt có thể mang lại niềm tin cho BoK trong việc chấm dứt chính sách tập trung kìm hãm lạm phát và chuyển sang tập trung vào việc kiềm chế suy thoái kinh tế.

Chỉ số giá tiêu dùng đã duy trì ở mức 4% trong tháng thứ hai liên tiếp kể từ tháng 2/2023 sau khi đạt đỉnh 6,3% vào giữa năm 2022. Các nhà kinh tế Hàn Quốc cũng viện dẫn sự sụt giảm mạnh hơn trong xuất khẩu, động lực chính của tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc, đã khiến cán cân thương mại của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á giảm 13 tháng liên tiếp tính đến tháng 3/2023.

Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại như Hàn Quốc cũng ghi nhận bị thâm hụt tài khoản vãng lai trong tháng 3 và cũng là tháng thứ hai liên tiếp xảy ra tình trạng này. Chuyên gia kinh tế Cho Young-moo của Viện nghiên cứu kinh tế LG (Hàn Quốc) cho biết: “Áp lực tăng của chỉ số giá tiêu dùng là lý do quan trọng nhất khiến BoK tăng lãi suất. Tuy nhiên, áp lực hiện nay đã giảm bớt và lạm phát của Hàn Quốc trong tháng 3/2023 ở mức thấp nhất trong một năm qua".

Trong khi đó, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai, Joo Won cho rằng, BoK có thể “không cần tính đến yếu tố lạm phát trong việc quyết định chính sách lãi suất của mình nữa” và lập luận rằng lạm phát của Hàn Quốc sẽ tiếp tục giảm xuống mức 3% trong quý II/2023. Ông Joo Won lưu ý rằng, vào lúc này mục tiêu chống suy thoái kinh tế đã quan trọng hơn lạm phát và theo đó BoK sẽ dừng việc tăng lãi suất”.

Các nhà phân tích Hàn Quốc dự đoán lãi suất cơ bản của nước này sẽ đạt đỉnh ở mức hiện tại và BoK thậm chí có thể còn tính đến việc cắt giảm lãi suất trong những tháng tới.

Ông Joo Won nhấn mạnh: “Thị trường tài chính sẽ vô cùng bối rối nếu BoK hành động tạm dừng hoặc tăng lãi suất một cách không nhất quán. Nói cách khác, việc tăng lãi suất có thể nói là đã kết thúc”.

Nhà phân tích Kim Myung-sil của Công ty Hi Investment & Securities nói rằng: “Ngân hàng trung ương Hàn Quốc còn có thể bắt đầu thực hiện cắt giảm lãi suất nếu các chỉ số về xuất khẩu tiếp tục trì trệ trong nửa cuối năm nay”.

Ahn Ye-ha, một nhà phân tích tại Công ty Kiwoom Securities suy đoán, BoK có thể nhanh chóng giảm lãi suất điều hành nếu lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt. Bởi điều này cũng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải xem xét lại chính sách thắt chặt tiền tệ của mình.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của Mỹ trong tháng 3 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 5% so với một năm trước, tiếp tục xu hướng hạ nhiệt dần sau khi đạt đỉnh hơn 9% vào năm 2022.

Trong 12 tháng qua, Fed đã tăng lãi suất cơ bản từ mức gần bằng 0 lên khoảng 4,75% đến 5%. Tuy nhiên, Fed gần đây đã tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn khi chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% so với mức tăng 0,5% và 0,75% như năm 2022.

Trong khi đó, một số nhà quan sát thị trường cho rằng không nên loại trừ khả năng BoK vẫn sẽ tăng lãi suất. Bởi hiện chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Hàn Quốc lên tới 1,5% và là mức chênh lớn nhất trong hơn 12 năm qua. Seoul vẫn còn lo ngại việc khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đang tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn hơn trong bối cảnh nền kinh tế nhiều bất ổn như hiện nay.

Khoảng cách lãi suất sẽ được nới rộng hơn nữa nếu BoK tiếp tục giữ nguyên lãi suất hiện tại và Fed đưa ra một đợt tăng lãi suất khác trong cuộc họp chính sách vào tháng 5 tới. Từ tháng 4/2022 đến tháng 1/2023, BoK đã nâng lãi suất cơ bản tổng cộng 7 lần sau đó dừng việc lãi suất vào tháng 2.

Khi chênh lệch lãi suất với Mỹ ngày càng lớn, mối lo ngại về dòng vốn nước ngoài có thể rút ra khỏi thị trường và sự mất giá của đồng won dự kiến sẽ tăng lên. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc được cho là sẽ giảm cùng với việc giá cả tăng chậm lại, nhưng vẫn sẽ vượt mục tiêu đề ra của BoK trong thời gian tới.

Tin bài liên quan