Hãng bay vật vã với giá nhiên liệu tăng đột biến

0:00 / 0:00
0:00
Cú sốc tăng giá nhiên liệu bay giáng đòn nặng vào tình hình tài chính vốn đã ọp ẹp của các hãng hàng không Việt Nam và sẽ ảnh hưởng lớn tới đà phục hồi của các doanh nghiệp này.

Đề xuất nới khung giá vận chuyển

“Chúng tôi đã nhận được đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam và đang khẩn trương tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan còn lại trước khi có báo cáo chính thức tới lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT)”, một lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết. Vị này khẳng định, Bộ GTVT chia sẻ với những khó khăn của các hãng hàng không trước tình trạng biến động giá nhiên liệu bay trong những tháng đầu năm 2022.

Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, vào đầu tuần trước, Cục Hàng không Việt Nam đã có Công văn số 1412/CHK-TC gửi Vụ Vận tải (Bộ GTVT) liên quan đến việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.

Đây là lần thứ 2 trong vòng 6 tháng qua, nội dung được đánh giá là có tác động lớn đối với cả hành khách và hãng bay được cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không gửi tới Bộ GTVT.

Trước đó, vào tháng 10/2021, Cục Hàng không Việt Nam từng kiến nghị Bộ GTVT cho phép điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa theo hướng giữ nguyên mức giá tối đa và nâng mức giá tối thiểu từ 0 đồng lên 20% giá tối đa; thời gian áp dụng là 12 tháng.

Đây là phương án mang tính giải quyết tình huống, nhằm hỗ trợ giảm bớt phần nào khó khăn cho các hãng hàng không trong giai đoạn dịch Covid-19 gây tác động tiêu cực khiến sản lượng vận chuyển hàng không và doanh thu sụt giảm mạnh, trong khi chi phí giảm không đáng kể, dẫn đến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền.

Trong khi đề xuất này chưa được Bộ GTVT thông qua, thì phương án điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa mới lại có sự thay đổi lớn.

Tại Công văn số 1412, thay vì nâng mức giá tối thiểu, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa về mức quy định thời điểm năm 2014, tức là tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành.

Cụ thể, chặng đường bay từ 500 - 850 km tăng giá tối đa từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (2,27%); chặng 850 - 1.000 km tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (3,58%); chặng 1.000 - 1.280 km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (6,25%); chặng từ 1.280 km trở lên tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (6,67%). Trần giá vé cho chặng bay ngắn dưới 500 km vẫn giữ nguyên khung giá hiện hành.

Hiện giá cước vận chuyển hành khách hàng không nội địa vẫn do Nhà nước kiểm soát. Nguyên tắc xác định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách được quy định tại Điều 3, Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT ngày 24/7/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không.

Theo đó, khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa có dải giá từ 0 đồng đến mức tối đa của từng nhóm cự ly bay. Các hãng hàng không quyết định dải giá dịch vụ vận chuyển hành khách trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách đảm bảo phù hợp với chi phí sản xuất - kinh doanh thực tế của từng chuyến bay.

Ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nâng mức giá tối đa tại một số chặng bay đường dài nhằm hỗ trợ các hãng hàng không, vốn đã liên tục chịu sức ép chi phí khi biến động giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao, chưa kịp phục hồi sau tác động tiêu cực của Covid-19.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, đầu năm 2020, tác động tiêu cực của Covid -19 làm sụt giảm sản lượng vận chuyển hàng không, giảm nhu cầu tiêu thụ về nhiên liệu Jet A1 trên toàn cầu, khiến giá Jet A1 giảm mạnh. Khi thị trường vận chuyển hàng không bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, từ tháng 5/2020 đến hết năm 2021, giá Jet A1 có xu hướng tăng trở lại, tiệm cận mức giá giai đoạn 2018 - 2019.

Tuy nhiên, đầu năm 2022, do những bất ổn về tình hình chính trị trên thế giới, đặc biệt là xung đột Nga - Ukraine khiến giá Jet A1 tăng cao đột biến. Thậm chí, giai đoạn cuối tháng 3/2022, khi đà tăng giá dầu thô có dấu hiệu chững lại, thì giá Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.

“Với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không biến động, thì chi phí nhiên liệu tại thời điểm tháng 4/2022 của các hãng hàng không tăng 65% so với tháng 12/2014, tăng 84% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 28% so với tháng 12/2014 và tăng 33% so với tháng 9/2015”, ông Hảo cho biết.

Áp lực thua lỗ

Thực tế, những con số thống kê về chi phí phát sinh do giá nhiên liệu bay của Cục Hàng không Việt Nam đề cập ở trên chưa phản ánh đầy đủ khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, giá Jet A1 trung bình tháng 3/2021 ở mức 130 USD/thùng, khiến chi phí nhiên liệu của Tổng công ty tăng mạnh. Nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, thì chi phí của Vietnam Airlines sẽ tăng thêm khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong trường hợp, giá Jet A1 tăng lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí tăng thêm của Hãng sẽ ở mức 9.100 tỷ đồng trong năm 2022.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, với khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa hiện nay, nếu giá dầu Jet A1 vượt mốc 100 USD/thùng, thì không hãng bay nào có lãi từ hoạt động vận chuyển khách, hàng hóa.

Giá nhiên liệu tăng cao cũng đang đặt ra bài toán khó không chỉ đối với riêng Vietnam Airlines, bởi hầu hết các hãng bay đều xây dựng kế hoạch năm 2022 trên nền tảng giá dầu Jet A1 ở mức 83 - 100 USD.

Theo đại diện Bamboo Airways, vào tháng 12/2021, tỷ trọng chi phí nhiên liệu bình quân của Bamboo Airways ở mức 34% tổng chi phí một chuyến bay, nhưng sang tháng 3/2022 đã vọt lên mức 50% (tăng 49% so với cuối năm 2021).

Để bù đắp một phần chi phí nhiên liệu gia tăng, hiện tại, toàn bộ đường bay quốc tế của Bamboo Airways đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Đức, Anh, Singapore, Thái Lan đã được điều chỉnh tăng mức phụ thu nhiên liệu. Đối với nhóm đường bay nội địa, hiện không có cơ chế phụ thu nhiên liệu, nên Bamboo Airways chưa thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways đang triển khai nhiều chương trình bán nhằm tăng lượng khách hàng, củng cố doanh thu, tối ưu doanh thu trên lượng ghế mở bán để đảm bảo chi phí hoạt động cho các chuyến bay của Hãng.

Ông Đào Đức Vũ, Phó tổng giám đốc Vietravel Airlines cũng không khỏi lo lắng, bởi “với tình hình giá vé như hiện nay, thì doanh thu bình quân trên mỗi chuyến bay còn chưa đủ bù đắp chi phí nhiên liệu, chưa nói đến chi phí biến đổi hoặc tổng chi phí”.

Điều đáng nói là, cùng gặp khó khăn giống nhau khi giá nhiên liệu tăng cao, nhưng những đề xuất của các hãng bay lại khác nhau. Trong khi Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vietravel Airlines kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam cho phép tiến hành phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa tương ứng với mức biến động của giá dầu, thì Bamboo Airways chỉ kiến nghị cấp có thẩm quyền miễn thuế VAT, miễn 100% thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay.

Tuy nhiên, các hãng hàng không đều nhất trí quan điểm, các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm để tránh bào mòn nỗ lực phục hồi của các hãng sau hơn 2 năm chao đảo bởi Covid-19.

Cần phải nói thêm rằng, tình hình kinh doanh của phần lớn các hãng hàng không trong quý I/2022 không sáng sủa như kế hoạch đề ra, khi sản lượng vận chuyển hành khách chỉ đạt 6,6 triệu lượt, giảm 11,7% so với cùng kỳ 2021; trong đó khách nội địa đạt 6,5 triệu lượt, giảm 12,5% so với cùng kỳ 2021.

“Giá nhiên liệu bay tăng cao và thị trường phục hồi chậm sẽ khiến phần lớn các hãng bay nội địa sẽ tiếp tục phải ghi nhận các khoản thua lỗ lớn trong quý I/2022, ảnh hưởng lớn tới tình hình tài chính và đà phục hồi của các doanh nghiệp hàng không”, một chuyên gia lo lắng.

Tin bài liên quan