Ngành hàng không từ đầu năm 2023 đến nay nhộn nhịp các chuyến bay.

Ngành hàng không từ đầu năm 2023 đến nay nhộn nhịp các chuyến bay.

Hàng không giảm áp lực “gồng” lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một loạt hãng hàng không lao đao trong giai đoạn 2020 - 2022 do dịch Covid-19, nhưng áp lực “gồng” lỗ đang giảm khi ngành du lịch dần phục hồi, kéo theo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không gia tăng.

Cả 5 hãng hàng không đều lỗ lớn

Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines. Năm 2022 vừa qua, cả 5 hãng này đều kinh doanh thua lỗ, do ảnh hưởng kéo dài bởi đại dịch Covid-19.

Tính đến 31/12/2022, Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) có lỗ lũy kế 34.200 tỷ đồng (riêng năm 2022 lỗ 10.369 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu âm 10.199 tỷ đồng. Cổ phiếu HVN đối diện với nguy cơ bị hủy niêm yết.

Pacific Airlines, một thành viên của Vietnam Airlines với tỷ lệ sở hữu 68,85%, có kết quả kinh doanh tệ hơn khi tính đến cuối năm 2021 âm vốn chủ sở hữu 4.583 tỷ đồng (năm 2020 và 2021 lỗ lần lượt 2.144 tỷ đồng và 2.308 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 3.522 tỷ đồng).

Với Vietjet Air, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 cho thấy, năm 2022, hãng thua lỗ 2.171,8 tỷ đồng, tương đương 40% vốn điều lệ (5.416,1 tỷ đồng). Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối vẫn còn 9.109,5 tỷ đồng.

Tại Vietravel Airlines, hãng hàng không vừa gia nhập thị trường đã hứng trọn 2 năm dịch Covid-19, hiện vẫn đang “gồng” lỗ.

Triển vọng sáng dần

Hiện tại, các hoạt động kinh tế trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng dần bình thường trở lại, du lịch trong nước và quốc tế phục hồi, ngành hàng không được kỳ vọng sẽ sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, năm 2023, ngành hàng không thế giới dự kiến có lãi trở lại khi lượng khách sử dụng dịch vụ bay tiếp tục tăng sau gần 2 năm thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch Covid-19. Giá nhiên liệu xăng dầu thời gian gần đây đi xuống góp phần làm giảm áp lực chi phí nhiên liệu cho các hãng hàng không (vốn chiếm đến 50% cơ cấu chi phí đầu vào).

Tại Việt Nam, mục tiêu năm 2023 đón 8 triệu lượt khách quốc tế, nhưng trong 2 tháng đầu năm đã đón được 1,8 triệu lượt khách. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, lưu lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không trong 2 tháng đầu năm nay đạt 19,7 triệu khách, tăng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điều hành bay đi/đến trong 2 tháng đầu năm nay đạt 78.800 chuyến, tăng 62,3% so với cùng kỳ.

Đại diện Vietravel Airlines chia sẻ, từ đầu năm 2023 đến nay, hãng thực hiện gần 1.400 chuyến bay, với tỷ lệ lấp đầy trung bình trên 86%. Vietravel Airlines hiện khai thác 6 đường bay nội địa kết nối TP.HCM và Hà Nội với Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn.

Đối với mạng bay quốc tế, hãng đã mở 2 đường bay Hà Nội - Bangkok và TP.HCM - Bangkok. Dự kiến, trong năm 2023, hãng sẽ mở rộng mạng bay tại thị trường trong và ngoài nước, tăng số đường bay thường lệ lên 13 đường bay, chuyên chở hơn 1,3 triệu hành khách.

Tại những thị trường quốc tế trọng điểm, Vietravel Airlines đang trong quá trình làm việc cùng đối tác để thực hiện các chuyến charter, đây cũng là bước chuẩn bị cho việc mở ra các chuyến bay thường lệ trong tương lai.

Cụ thể, hãng đã phối hợp cùng đối tác tại Hàn Quốc để thực hiện chuỗi 11 chuyến charter kết nối Cam Ranh và Daegu từ ngày 28/3/2023; thỏa thuận với một số đối tác tại Trung Quốc để thực hiện các chuyến bay charter giữa Hàng Châu, Thường Châu, Côn Minh với Cam Ranh.

Vietravel Airlines đã lên kế hoạch và lộ trình hạn chế các khoản lỗ bằng cách kết hợp chặt chẽ với các đối tác, đồng thời tận dụng thế mạnh về du lịch của công ty mẹ Vietravel nhằm từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh, dần dần cân bằng giữa doanh thu và chi phí vào năm 2024.

Hãng đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ có lãi, nếu bối cảnh thị trường trong và ngoài nước không có quá nhiều biến động. Trong trường hợp thị trường phục hồi thuận lợi, hãng dự tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 2.200 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế chưa phân phối.

Trong khi đó, Bamboo Airways cho hay, hãng hiện đạt thị phần khoảng 17% ở thị trường nội địa, mục tiêu trong năm nay sẽ tăng thị phần lên 20 - 22%. Mới đây, hãng đã thực hiện kết nối sân bay cuối cùng của Việt Nam là Cà Mau, thông qua đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau.

Bên cạnh đó, Bamboo Airways tiếp tục quá trình đầu tư, mở rộng, kết nối các đường bay quốc tế đến Hà Nội, TP.HCM và khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các điểm đến du lịch tiềm năng ở Việt Nam.

Bamboo Airways đang trong lộ trình chuyển đổi nhà đầu tư

Bamboo Airways từng là dự án tâm huyết của ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, nhưng giai đoạn 2021 - 2022 kinh doanh thua lỗ lớn khiến FLC phải trích lập dự phòng đầu tư năm 2021 là 373 tỷ đồng, năm 2022 là 3.642 tỷ đồng.

Bamboo Airways thành lập năm 2017, với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, do FLC sở hữu 100%. Sau 8 lần tăng, hãng hàng không này hiện có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của FLC là 4.015 tỷ đồng, chiếm 21,7% (Bamboo Airways còn có các cổ đông lớn khác như ông Trịnh Văn Quyết…). Ngày 4/3/2023, Đại hội cổ đông bất thường FLC đã thông qua kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại Bamboo Airways.

Câu chuyện của Bamboo Airways làm dấy lên mối quan tâm về thương quyền đắt giá của ngành hàng không.

Theo Bamboo Airways, sau khi nhà đầu tư lâu năm gặp biến cố cá nhân, doanh nghiệp đứng trước một giai đoạn vô cùng khó khăn. Bamboo Airways đã tìm kiếm giải pháp nhà đầu tư trong và ngoài nước để hỗ trợ về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm tái cơ cấu.

Nhà đầu tư mới của hãng đồng ý kế thừa và chịu trách nhiệm các nghĩa vụ thực hiện thanh toán nợ gốc và lãi đối với các khoản vay trước đây do một số cổ đông cũ dùng cổ phần của Bamboo Airways để cầm cố, thế chấp ngân hàng. Bên cạnh đó, hãng được Công ty cổ phần Him Lam cho vay 8.000 tỷ đồng.

“Được sự đồng ý của Chính phủ và các cơ quan chức năng, quá trình chuyển đổi từ nhà đầu tư cũ sang nhóm các nhà đầu tư mới đã và đang diễn ra. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình chuyển đổi nhà đầu tư, tái cấu trúc nguồn vốn, các khoản công nợ…, qua đó tạo nguồn lực cho Bamboo Airways không những phát triển trong ngắn hạn, mà còn trong kế hoạch dài hạn”, đại diện Bamboo Airways cho biết.

“Chúng tôi đã miệt mài cấu trúc lại để tối ưu về mặt chi phí, đẩy tốc độ ra quyết định nhanh, thông qua đó tìm mọi giải pháp tăng năng suất lao động. Đó là con đường đi của Bamboo Airways trong suốt giai đoạn vừa qua... Doanh nghiệp mà không còn thì không chỉ là 2.700 con người đang làm việc tại đây bị ảnh hưởng, mà 2.700 gia đình bị ảnh hưởng. Do đó, chúng tôi siết chặt đoàn kết để không những giữ được mà còn làm lành mạnh hơn “cơ thể” của Bamboo Airways, tạo ra sức hấp dẫn nhà đầu tư”, đại diện Bamboo Airways chia sẻ.

Kinh doanh hàng không thua lỗ, nhưng thương quyền vẫn đắt giá

TS. Dương Mạnh Cường, Phó chủ tịch Hội Khoa học hàng không Việt Nam cho biết, thương quyền của hãng hàng không luôn đắt giá, vì hãng hàng không đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đây là một sản phẩm cao cấp, tự thân tạo ra giá trị lớn.

Trong các loại hình vận tải, hàng không là sản phẩm cao cấp quan trọng, rất thuận tiện và đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế. Một quốc gia có thể chưa có hãng ô tô quốc gia, nhưng chắc chắn sẽ có hãng hàng không quốc gia và nhiều nước nắm giữ đến 75% cổ phần hãng hàng không này.

Tại Việt Nam, với đặc thù hình thế lãnh thổ kéo dài, việc di chuyển qua các tỉnh, thành phố bằng máy bay sẽ giúp rút ngắn khoảng cách. Hầu hết các địa phương đều muốn mở sân bay để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, kinh tế ngành, kinh tế liên kết.

Bên cạnh các yếu tố kể trên thì việc thành lập một hãng hàng không đòi hỏi đáp ứng nhiều yếu tố, nhiều nguồn lực và không dễ đáp ứng, nên thương quyền của một hãng hàng không đang hoạt động trở nên có giá.

Mặc dù vậy, đặc thù kinh doanh của ngành hàng không là vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, cho thuê chuyến (charter) nên khó có lãi cao.

“Nếu để Bamboo Airways phá sản sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trong đó có cả câu chuyện an sinh xã hội. Nhà đầu tư mới có thể nhìn vào góc độ đó để đầu tư. Còn nhìn vào hiệu quả kinh doanh để đầu tư, tôi nghĩ là không hẳn, bởi hàng không là lĩnh vực kinh doanh khó có thể lãi cao”, ông Cường nói.

Theo phân tích của ông Cường, hãng hàng không chủ yếu có lãi nhờ kinh doanh đa ngành. Chẳng hạn, trong thời kỳ mảng hoạt động cốt lõi gặp khó khăn, Vietnam Airlines vẫn tồn tại nhờ khoản lợi nhuận từ các công ty thành viên trong lĩnh vực nhiên liệu hàng không, suất ăn mặt đất, suất ăn hàng không, kỹ thuật máy bay… Tương tự, Vietjet Air được bù đắp bởi hệ sinh thái các mảng kinh doanh khác như đầu tư tài chính, ngân hàng, bất động sản.

Tin bài liên quan