Hệ thống giao dịch mới FPT đang đúng tiến độ, chiều nay chốt thời điểm cụ thể

Hệ thống giao dịch mới FPT đang đúng tiến độ, chiều nay chốt thời điểm cụ thể

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp” tổ chức sáng nay (24/6).

Cụ thể, ông Trà cho biết, 14h chiều nay (24/6), Ban chỉ đạo đạo xử lý hệ thống giao dịch HOSE sẽ có buổi họp với Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải để công bố thời điểm triển khai hệ thống mới của FPT.

Trước đó, ông Trà cùng FPT nhiều lần chia sẻ trước truyền thông về kế hoạch 100 ngày sẽ hoàn tất “đại phẫu thay tim” HOSE thông qua việc FPT điều chỉnh core đang sử dụng trên hệ thống Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để áp dụng cho của HOSE.

Cũng tại buổi tọa đàm này, ông Trà và ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCK đều khẳng định, mọi thứ đang đi đúng tiến độ và khả năng cao sẽ về đích đúng hạn như dự kiến ban đầu là cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ đi vào vận hành.

Trả lời câu hỏi dưới góc độ là chuyên gia về công nghệ, về góc nhìn nguyên nhân khiến hệ thống quá tải, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty FPT IS cho rằng, hệ thống HOSE dựa trên 2 cơ chế là giới hạn tổng số lệnh trong 1 ngày là 900.000 lệnh và cơ chế phân bổ lệnh cho công ty chứng khoán (có 73 công ty chứng khoán).

Ở cơ chế thứ 2, thực tế cho thấy, số lượng lệnh giao dịch từ các công ty chứng khoán tăng đột biến, chẳng hạn trong Top 20 công ty chứng khoán thì số lượng lệnh tăng 3 lần, các biệt có công ty chứng khoán tăng 13 - 18 lần, hệ quả là khi số lượng lệnh vượt quá mức được phân bổ thì hệ thống ở công ty chứng khoán đó dừng, trong khi các công ty chứng khoán khác vẫn nhận lệnh trơn tru.

Còn về giới hạn tổng lệnh xử lý trong 1 ngày, khi gần mức 90% của con số thiết kế, hệ thống sẽ tự động chậm dần, không còn xử lý mượt mà nhưng lại không dừng hẳn. Đây là 2 lý do chính và ông Triều cho là khách quan về tình huống quá tải của HOSE.

Về cách giải quyết, ông Triều cho rằng, về mặt công nghệ, để giải quyết bài toàn hệ thống có khả năng nghẽn (nếu được can thiệp từ đầu, xây dựng từ đầu), đầu tiên phải dự kiến được số lượng lệnh giao dịch phát sinh, cao điểm bao nhiêu lệnh, từ đó kiểm tra phần mềm đáp ứng được lúc cao điểm và có dôi ra để cho tăng trưởng sau này. Tiếp đến, lên cấu hình phần cứng mới để đáp ứng được, tiếp đến nữa là chuẩn bị các tình huống vận hành để khi tình huống xảy ra thì có thể chủ động xử lý. Cuối cùng, khi hệ thống vận hành, phải giám sát chặt chẽ, khi đến ngưỡng và đặc biệt chỉ số ngưỡng để có hành động phù hợp.

Nhưng thực tiễn, hệ thống HOSE đang sử dụng là hệ thống từ Thái Lan, có quá trình lịch sử, quá trình nhận thức chúng ta chưa kiểm soát được phần mềm đó, nên rất khó khăn.

"Thực tế, chúng ta cũng chỉ bám sát được khi tổng lệnh trên thị trường lên khoảng 90% so với giới hạn 900.000 lệnh, khi đó HOSE sẽ phải có hành động để xử lý sự cố nghẽn lệnh", ông Triều nói.

Cũng theo ông Triều, hệ thống Thái Lan rất cũ, năm 2000 họ vẫn dùng, nhưng sau đã chuyển đổi sang hệ thống mới. Còn hệ thống mà HOSE đang sử dụng, chạy trên hadware cũ, source code không được bàn giao… và việc chỉnh sửa các tham số tổng số lệnh, phân bổ lệnh…, mình không sửa được, nên không thể khắc phục sự cố tắc nghẽn một cách triệt để.

Trả lời về câu hỏi có tình trạng trục lợi khi nghẽn lệnh không, ông Triều cho rằng, các ứng dụng đưa vào vận hành sẽ được kiểm tra kỹ về bảo mật, cả phần cứng, phần mềm và thậm chí xây dựng hệ thống dự phòng, nếu phần cứng này bị hỏng, thì phần cứng khác ngay lập tức chạy thay thế.

“Tôi khẳng định là không có trục lợi", ông Triều khẳng định.

Tin bài liên quan