HNX nêu tên 54 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 21/2/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố danh sách 54 công ty phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.

Trang danh sách này chú ý có hai công ty liên quan tới ông Đỗ Thành Nhân trước đây là CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, mã AGM) và CTCP VKC Holdings (mã VKC).

Danh sách 54 Công ty phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.
Danh sách 54 Công ty phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/1/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.

VKC Holdings mất khả năng thanh toán và xin hoãn trả lãi lô trái phiếu 200 tỷ đồng

Theo kế hoạch trước đó, ngày 9/9/2022 sẽ là ngày doanh nghiệp này phải thanh toán lãi cho các trái chủ của mình.

VKC Holdings lý giải rằng, sau biến cố của ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings, toàn bộ thành viên HĐQT, Ban kiểm soát và Ban Tổng giám đốc đã từ nhiệm và bầu những lãnh đạo mới vào cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên. Sau khi Ban điều hành mới tiếp quản, qua thời gian rà soát lại tình hình tài chính, phía công ty nhận thấy có nhiều sai phạm nghiêm trọng của HĐQT và Ban Tổng giám đốc nhiệm kỳ cũ trong việc quản lý tài chính và phát hành lô trái phiếu VKCH2123001. Các sai phạm trên của các lãnh đạo cũ đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings khiến doanh nghiệp mất khả năng năng thanh toán đối với các chủ nợ.

Để đảm bảo quyền lợi cho các trái chủ và các cổ đông của VKC Holdings, HĐQT đang làm việc với các bên liên quan có quyền lợi và nghĩa vụ trong lô trái phiếu này để khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, Công ty cũng đã gửi đơn tố giác đến các cơ quan ban ngành có thẩm quyền để xử lý. Doanh nghiệp cũng sẽ có những thông tin sớm nhất cho đến nhà đầu tư sau khi có kết quả đàm phán.

Về lô trái phiếu, doanh nghiệp này đã phát hành 2.000 trái phiếu với giá 100 triệu đồng, huy động tổng cộng 200 tỷ đồng, phát hành ngày 9/12/2021. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, có tài sản đảm bảo là nhà máy đá Bình Thuận và quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thuộc GCN số BR 626016 tọa lạc tại An Giang. Mức lãi suất không được tiết lộ nhưng sẽ cố định trong suốt kỳ hạn.

Angimex chậm thanh toán lãi hai lô trái phiếu

Đối với trái phiếu mã AGMH2223001, sau khi họp với 31 trái chủ đầu năm 2023, đại diện 175.057 trái phiếu, chiếm 83,36% gốc trái phiếu, nội dung họp về việc thông qua gia hạn thời gian thanh toán khoản gốc trái phiếu đến ngày 14/3/2024 với lãi suất 7%/năm.

Kết thúc phiên họp Hội nghị trái chủ đầu năm 2023, các trái chủ chưa có cơ sở để biểu quyết thông qua các vấn đề nêu trên, nên đề nghị Angimex có phương án thanh toán và kế hoạch kinh doanh cụ thể để gửi đến Ban Đại diện Trái phiếu chậm nhất đến ngày 9/2/2023, sau đó Trái chủ sẽ có ý kiến dựa trên văn bản.

Được biết, trái phiếu mã AGMH2223001, mệnh giá 300 tỷ đồng, đã mua lại một phần, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng, kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn ngày 14/9/2023 và lãi suất 7%/năm.

Tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu mã AGMH2223001 bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Thửa đất số 218 tờ bản đồ số 4 tại phường 5, thành phố Tân An, tỉnh Long An thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Louis Holding.

Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với các khu đất tại thửa đất số 26, 39 tờ bản đồ số 79; thửa đất 49, 106, 55, 134, 133 tờ bản đồ số 69; thửa đất số 6, 20 tờ bản đồ số 68, ấp Thanh Niên, Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Louis Holdings.

Chứng khoán bao gồm 2.620.225 cổ phần phổ thông do Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng (Ladopharm, mã LDP – sàn HNX) phát hành thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Louis Holdings và toàn bộ các quyền phát sinh từ các cổ phiếu đó.

Đối với trái phiếu mã AGMH2123001, sau hội nghị trái chủ, các trái chủ đồng ý phát mãi tài sản bảo đảm và Angimex cam kết dùng các tài sản, nguồn thu khác của mình để trả hết nợ gốc cộng lãi trái phiếu (bao gồm lãi 7%/năm cộng phí hỗ trợ 5%/năm) chậm nhất đến ngày 31/3/2023. Sau ngày 31/3/2023, Angimex chưa hoàn thành trả nợ gốc và lãi trái phiếu thì sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Được biết, trái phiếu mã AGMH2123001, mệnh giá 350 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm, kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn ngày 9/11/2023.

Lô trái phiếu mã AGMH2123001 có mệnh giá 350 tỷ đồng và tài sản đảm bảo bao gồm Quyền sử dụng đất số BO 050088, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ thửa đất số 672, tờ bản đồ số 53, đường Phan Văn Hớn, Xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng diện tích 6.422,7 m2 thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Louis Mega Tower và các quyền phát sinh của tài sản này hình thành trong tương lai.

Quyền sử dụng đất số BK 453138, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ thửa đất số 577 tờ bản đồ số 53, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng diện tích 300 m2 thuộc sở hữu của cá nhân và các quyền phát sinh của Tài sản này hình thành trong tương lai.

Quyền sử dụng đất số CN 593539, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ thửa đất số 516, tờ bản đồ số 53, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng diện tích 138 m2 thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Louis Mega Tower và các quyền phát sinh của tài sản này hình thành trong tương lai.

Tổng giá trị tài sản bảo đảm 485,1 tỷ đồng căn cứ theo chứng thư thẩm định giá số 40021/TĐG-CT ngày 10/12/2021 của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO – Chi nhánh miền Nam.

Trái phiếu đáo hạn cao điểm vào quý II và III/2023 với tổng giá trị 182.627 tỷ đồng

Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán VNDirect, đơn vị này cho biết quý I/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn ước tính giảm 40,3% so với quý IV/2022, đạt 30.655 tỷ đồng (tăng 246,7% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ tăng mạnh trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt là 93.139 tỷ đồng (tăng 203,8% so với quý trước và tăng 169% so với cùng kỳ) và 89.488 tỷ đồng (tăng 49,9% so với cùng kỳ), tổng cộng là 182.627 tỷ đồng.

Sau giai đoạn thách thức này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ hạ nhiệt, chỉ còn tăng 33,4% so với quý trước, về còn 59.571 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ).

Trong cả năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp là 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu xét theo nhóm ngành, năm 2023, trái phiếu đáo hạn nhóm bất động sản chiếm 37,6%, nhóm tài chính – ngân hàng chiếm 37% và còn lại 25,5% thuộc về các nhóm khác.

Cụ thể, nhóm bất động sản có tỷ trọng đáo hạn cao nhất, ước tính khoảng 102.570 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ; nhóm tài chính – ngân hàng với giá trị đáo hạn khoảng 100.824 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ; và còn lại các nhóm khác khoảng 69.459 tỷ đồng, tăng 122,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các đơn vị đáo hạn trái phiếu lớn đáng chú ý như CTCP Đầu tư Xây dựng Tường Khải giá trị 2.990 tỷ đồng; CTCP Xây dựng Kiến Hưng Thịnh 3.600 tỷ đồng; CTCP Saigon Glory 7.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang 4.960 tỷ đồng.

"Trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và thắt chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực có tỷ lệ đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực bất động sản", VNDirect cho biết thêm.

Tin bài liên quan