VASEP đã thực hiện khá tốt nghĩa vụ đại diện cho các DN ngành thuỷ sản.

VASEP đã thực hiện khá tốt nghĩa vụ đại diện cho các DN ngành thuỷ sản.

Hô hào thôi... chưa đủ

(ĐTCK) Khó có thể kể hết thách thức đối với DN xuất khẩu khi kinh tế thế giới suy giảm, song khủng hoảng cũng là cơ hội để mỗi ngành tự nhìn lại điểm yếu của mình và tìm ra những phân khúc thị trường mới để tồn tại và phát triển. Cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN là câu chuyện không mới nhưng cũng chẳng kém phần thời sự trong những cuộc bàn thảo gần đây.

Ông Phí Ngọc Trịnh, Giám đốc điều hành CTCP May Hồ Gươm cho rằng, dệt may do đặc thù sử dụng nhiều máy móc thiết bị nên Nhà nước cần có chính sách ổn định về giá, về thời gian cung cấp điện. Trong gần 1 năm qua, tình trạng cắt điện  không báo trước đã ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động của nhiều DN, nhiều đơn hàng vẫn phải chuyển bằng đường không với chi phí rất cao vì không kịp tiến độ. Hay như vấn đề cơ sở hạ tầng cảng biển, bến bãi. Hồi giữa năm trước, nhiều lô hàng về cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng, thủ tục hải quan đã xong xuôi, nhưng không thể lấy hàng về được vì một lý do đơn giản là cảng chỉ có một chiếc cẩu container nên không thể làm việc kịp, có nhiều lô hàng phải nằm lại cảng hơn nửa tháng.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (cũ) nhận xét, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước đối với ngành thuỷ sản khá cồng kềnh. Cụ thể, chuỗi sản xuất thủy sản chịu sự quản lý kiểm tra giám sát của ít nhất 5 cục: Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Cục Thú y, Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và nghề muối, Cục Nuôi trồng thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Ở các tỉnh có nghề cá lớn cũng tổ chức các chi cục tương tự theo ngành dọc, gây nhiều phiền toái cho DN và các hộ sản xuất.

Ngoài ra, còn có sự chồng chéo, lẫn lộn chức năng quản lý giữa cấp ban hành chính sách, kiểm tra thực hiện và cấp thừa hành, thực thi pháp lý. Có nhiều phần việc mà Nhà nước không thể thực hiện trong cơ chế thị trường/hoặc chưa tìm được cơ chế thích hợp để giao cho xã hội (thông tin, thống kê, kiểm nghiệm, kiểm soát thực hiện tiêu chuẩn, chứng nhận phù hợp, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại)… Nhiều DN/hộ sản xuất lại có xu hướng coi những việc thuộc trách nhiệm của mình là việc của Nhà nước (thực hiện các quy định tiêu chuẩn cam kết chung, đòi Nhà nước kiểm soát giá…).  Các tổ chức cộng đồng có thể thực hiện rất nhiều việc vượt quá khả năng của từng DN/hộ sản xuất (thống kê, thông tin xây dựng thương hiệu chung phối hợp và kiểm tra thực hiện tiêu chuẩn quy tắc…), nhưng không đủ nguồn lực và chưa có các quy định phù hợp.

Nhìn nhận về vai trò của công tác thu thập, phân tích và phổ biến thông tin, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay, sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đã có vị thế cao trên thị trường quốc tế, điều quan trọng hiện nay là phải hiểu thị trường, phải nắm được diễn biến của thị trường để biết được cung - cầu của thế giới, từ đó đưa ra các dự báo, khuyến cáo người dân, DN, đồng thời qua đó có chính sách, giải pháp thị trường phù hợp. Vì vậy, việc ra đời một trung tâm thông tin cấp quốc gia chuyên sâu cho mỗi ngành hàng là cần thiết.

Một nội dung quan trọng theo các chuyên gia là cần đề cao vai trò của hiệp hội ngành hàng. Bà Minh cho hay, mặc dù việc ra đời Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa cộng đồng DN, nhưng còn rất xa mới có được mối quan hệ hợp tác thật sự. Tình trạng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh, phá giá lẫn nhau, giành khách của nhau…, tạo nên nhiều bất trắc, rủi ro cho DN.

Tham khảo kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, bà Minh cho rằng, cần thiết quy định bắt buộc DN phải gia nhập một tổ chức cộng đồng khi tham gia kinh doanh ngành hàng liên quan. Đây chính là yêu cầu khách quan của sản xuất hàng hóa nếu muốn giảm bớt sự chi phối không mong muốn của "bàn tay vô hình". Ngoài ra, đặc điểm về sự lệ thuộc lẫn nhau cùng với quy mô lớn hiện nay của sức sản xuất hàng hóa cũng đặt ra yêu cầu này. Đồng thời, những quy định kiểu này không trái với thông lệ quốc tế.

Trên thực tế, các thị trường thế giới hiện đều khống chế về thị phần cho mỗi quốc gia xuất khẩu. Khi đó, hiệp hội là cơ quan trung gian đại diện rất quan trọng trong vấn đề lợi ích của ngành hàng, khi vấp phải các rào cản thương mại như chống trợ cấp, chống bán phá giá… Vai trò của hiệp hội đặc biệt quan trọng, vì Nhà nước không thể đứng ra khởi kiện hay kháng kiện các vụ kiện phá giá. Ngoài vai trò tính toán, cân đối thị trường, hiệp hội cũng có trách nhiệm điều tiết ngành hàng, giúp các DN đối phó với các vụ kiện, thậm chí khởi kiện các DN nước ngoài khi cần thiết.