Hỗ trợ pháp lý, không dễ

Hỗ trợ pháp lý, không dễ

(ĐTCK-online)Không còn tranh luận nhiều về cần hay không một nghị định quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN), song không hẳn quan điểm chủ động hỗ trợ của cơ quan nhà nước đối với DN được đón nhận một cách hoàn toàn. Có ý kiến cho rằng, nếu không có được những nghiên cứu cẩn trọng và thực chất khi xây dựng Dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho DN, thì sự đơn phương trong công tác hỗ trợ pháp lý sẽ tạo thêm nhiều chi phí hơn là lợi ích.

Cũng phải thừa nhận rằng, mục tiêu hỗ trợ pháp lý cho DN xuất phát từ một thực tế rất đáng báo động về tình hình thực thi pháp luật của DN. Có thể vì nhiều lý do (cả chủ quan và khách quan), DN Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa luôn phải đối mặt với những rủi ro pháp lý. Thường thì bất lợi nghiêng nhiều hơn về phía DN khi mà chỉ đến khi xảy ra những rắc rối với pháp luật, nhiều DN mới dành thời gian để tìm hiểu xem mình đúng hay sai, có vi phạm pháp luật hay không.

Song, điều đó không có nghĩa là DN chỉ cần các bộ, UBND cấp tỉnh hỗ trợ một cách chung chung thông qua những chức năng đã được quy định, như cung cấp, cập nhật văn bản quyphạm pháp luật và thông tin về văn bản, phổ biến văn bản mới ban hành, giải đáp thắc mắc về nội dung các quy định pháp luật... Luật gia Vũ Văn Tiền, Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam phân tích, nếu như Dự thảo Nghị định tiếp tục giữ đề xuất là các bộ, UBND cấp tỉnh không có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của DN về các vấn đề cụ thể, thì có nghĩa là phần DN cần hỗ trợ nhất về pháp lý đã bị loại ra. “Thực tiễn cho thấy, mỗi năm, cộng đồng DN gửi tới Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hàng ngàn câu hỏi, nhưng rất ít câu trong số đó đề nghị giải thích nội dung luật, pháp lệnh và nghị định. Phần lớn DN đều có các câu hỏi gắn với một vụ việc cụ thể”, ông Tiền nói.

Hơn thế, một số trách nhiệm hỗ trợ được đề xuất ở đây lại chính là chức năng, nhiệm vụ của các bộ, UBND cấp tỉnh phải thực hiện. Ví dụ, trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật cũng như tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của DN liên quan đến các quy định của pháp luật để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định... Có nghĩa là không có văn bản này, thì các chức năng quản lý nhà nước trên của các bộ, UBND cấp tỉnh vẫn không có gì xáo trộn. Thậm chí, khi các chức năng trên được quy định lại kèm theo những thời hạn 10 ngày hay 20 ngày cho những văn bản trả lời, thì dường như tính hỗ trợ lại trở nên quá xa vời.

LS. Đào Nguyên Khải, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Đào và Đồng nghiệp, bình luận, DN đã hỏi thường là để giải quyết khó khăn khi đang làm ăn, kinh doanh. “Nếu dân cứ chờ, mà quan chẳng vội, thì cũng không giải quyết được việc. Nhất là khi Dự thảo Nghị định lại yêu cầu giải đáp thắc mắc bằng văn bản, thì thời gian gửi đi, gửi về cũng mất cả vài chục ngày”, ông Khải nói và đặt câu hỏi: “Tại sao lại cứ câu nệ vào văn bản và dấu đỏ mà không giải đáp theo các hình thức khác linh hoạt hơn?”. Ông Khải cũng đề xuất việc sử dụng hộp thư điện tử nóng để các cơ quan nhà nước tiếp nhận và giải đáp vướng mắc cho DN. Tính khả thi của mô hình này rất cao khi mà các cổng thông tin DN với mục tiêu cung cấp nguồn văn bản pháp luật phục vụ hoạt động của DN đang được phát triển ở nhiều tỉnh, thành phố. Đối với các địa phương còn khó khăn về công nghệ thông tin, việc mở rộng đối tượng phục vụ của trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước ở các tỉnh cùng với việc thành lập các trung tâm truy xuất dữ liệu miễn phí song hành cùng các chương trình hỗ trợ pháp lý theo đề xuất của DN, cơ hội nhận được hỗ trợ thực tế cho các DN sẽ được trải rộng.

Tưởng như câu hỏi là thừa khi đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của các bộ, cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đương nhiên được giao trọng trách trên. Song, mối quan tâm của các DN, đối tượng sẽ được thừa hưởng các tư vấn hỗ trợ này, lại hướng vào chất lượng cán bộ và cả tính hiệu quả trong phối hợp giữa các cán bộ trong cùng một cơ quan và giữa các cơ quan với nhau về cùng một vấn đề. Ông Phạm Chí Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam than phiền: “Khi gặp vướng mắc về các quy định liên quan đến cam kết quốc tế, tôi hỏi vụ chuyên môn của Bộ Thương mại (trước đây) thì vụ trưởng lại trả lời khác vụ phó. Tôi không tin là ở các địa phương, các cán bộ pháp chế sẽ đủ năng lực để giúp DN trong những trường hợp tương tự. Và nếu như vậy, khi cần chúng tôi sẽ hỏi ai và nếu họ không trả lời thì chúng tôi làm thế nào?”. Cũng có DN thắc mắc, nếu các cơ quan này hướng dẫn sai, không trả lời, thì có cần đặt ra chế tài không... khi mà các hoạt động hỗ trợ này không phải là một loại hình dịch vụ công, không thu phí. Song, trách nhiệm của cán bộ, công chức cũng vì thế mà khó xác định hơn.

Cần phải nói thêm rằng, trong số quan điểm không ủng hộ, ý kiến của Hiệp hội Đầu tư xây dựng năng lượng cho rằng, đã là văn bản pháp luật, thì các điều khoản quy định trong đó bắt buộc phải thi hành, chứ không thể gọi là hỗ trợ. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội nhận xét, nếu gọi là hỗ trợ, thì cơ quan, tổ chức nhà nước có thể làm hoặc không tùy thuộc vào khả năng và điều kiện của họ.