Được biết, Hilo là đơn vị cung cấp giải pháp về hoá đơn điện tử cho các công ty chứng khoán. Xin ông cho biết quy định này đã được các công ty chứng khoán đón nhận như thế nào?
Nghị định 70/2025/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/3/2025 đã có những tác động lớn đến việc xuất hoá đơn của các công ty chứng khoán. Trong quá trình triển khai cho khách hàng, chúng tôi thấy rằng, đa phần các công ty chứng khoán đã chủ động phối hợp với đơn vị cung cấp giải pháp về hoá đơn điện tử để thực hiện theo đúng quy định.
Tuy nhiên, một số khách hàng cũng cảm thấy áp lực do khối lượng giao dịch lớn, một công ty chứng khoán có thể thực hiện hàng triệu giao dịch mỗi ngày, nên việc phải xuất hóa đơn cho từng lần thu phí (phí môi giới, phí lưu ký, lãi vay margin...) dẫn đến một khối lượng hóa đơn khổng lồ, tạo áp lực cho việc khởi tạo, truyền nhận và lưu trữ.
![]() |
Ông Lê Thành Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ T-Van Hilo |
Cũng theo quy định mới này, việc lập hóa đơn phải đúng thời điểm. Với hệ thống phần mềm quản lý lớn, phức tạp, để trích xuất dữ liệu, đẩy dữ liệu vào hệ thống hoá đơn điện tử là bài toán phức tạp. Ngoài ra, để đáp ứng dữ liệu hoá đơn gửi về cơ quan thuế ngay trong ngày là thách thức không nhỏ đối với một số công ty chứng khoán.
Một số đơn vị cũng băn khoăn khi xử lý sai sót thông tin trên hoá đơn. Với khối lượng giao dịch khổng lồ, việc phát sinh sai sót là không thể tránh khỏi. Việc phải xử lý thủ công hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn hóa đơn sai sót mỗi ngày là một áp lực cực kỳ lớn.
Trước những băn khoăn trên đây, để thực hiện theo đúng quy định, các công ty chứng khoán cần một hệ thống hóa đơn điện tử có khả năng xử lý hiệu năng cao, được tích hợp sâu với các hệ thống nghiệp vụ cốt lõi. Để đáp ứng các yêu cầu này, cần phải tự động hóa toàn bộ quy trình, từ ghi nhận giao dịch, đối soát dữ liệu đến phát hành và gửi hóa đơn.
Hiện nay, đa số các công ty chứng khoán đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nên việc lập, gửi hoá đơn điện tử cho nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch, cũng như dịch vụ chứng khoán chắc không phải là vấn đề lớn?
Việc bắt buộc các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phải xuất hóa đơn điện tử cho mỗi giao dịch là một bước tiến quan trọng, mang lại lợi ích kép về quản lý và bảo vệ nhà đầu tư.
Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã có những tác động lớn đến việc xuất hóa đơn của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, Nghị định đã loại bỏ quy định về việc lập hóa đơn tổng hợp vào cuối ngày, hoặc cuối tháng cho các dịch vụ như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và dịch vụ chuyển tiền qua ví điện tử đối với khách hàng là cá nhân không kinh doanh và không có nhu cầu nhận hóa đơn.
Với quy định mới này, lượng hoá đơn cần xuất của công ty chứng khoán sẽ tăng lên rất nhiều, lên đến vài chục nghìn, thậm chí vài triệu hoá đơn mỗi ngày.
Hệ thống công nghệ thông tin của các công ty chứng khoán rất mạnh, nên việc xuất hoá đơn cho từng giao dịch triển khai thuận lợi.
Để đáp ứng yêu cầu kết nối với cơ quan thuế, Hilo đã có những giải pháp cụ thể nào?
Đầu tiên, trước khi triển khai, để giải quyết các vướng mắc của các công ty chứng khoán, chúng tôi tổ chức các buổi trao đổi, đào tạo, hướng dẫn xử lý nghiệp vụ nhằm đảm bảo việc vận hành được thông luồng, hiệu quả.
Thứ hai, nhờ hiểu được hệ thống phần mềm của công ty chứng khoán rất khó nâng cấp, thay đổi, chúng tôi đã xây dựng nhiều giải pháp kết nối dữ liệu, nhằm đảm bảo đơn vị vẫn xuất hoá đơn đúng luật mà không cần nâng cấp hệ thống.
Thứ ba, về chi phí triển khai, trước đây các đơn vị mua hoá đơn với giá vài trăm đồng cho mỗi tờ hoá đơn, với số lượng lớn, nếu không tối ưu được giá thì chi phí sẽ tăng rất lớn. Do Hilo đã triển khai giải pháp hoá đơn điện tử cho nhiều đơn vị nên đã chuẩn hoá được phần mềm, tối ưu được chi phí.
Thứ tư, về việc vận hành, với số lượng hoá đơn phát sinh rất lớn, nghiệp vụ xử lý hoá đơn phát sinh rất nhiều, do đó, nhằm hỗ trợ các đơn vị, chúng tôi đã cung cấp nhiều công cụ nhằm chuẩn hoá quy trình, tự động hoá. Qua đó, các đơn vị không cần tuyển thêm nhân sự kế toán, vận hành mà vẫn triển khai được hiệu quả.
Việc bắt buộc các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phải xuất hoá đơn điện tử cho nhà đầu tư được cho là sẽ tạo sự minh bạch, công bằng cho thị trường chứng khoán. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này. Việc bắt buộc các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phải xuất hóa đơn điện tử cho mỗi giao dịch là một bước tiến quan trọng, mang lại lợi ích kép về quản lý và bảo vệ nhà đầu tư.
Thứ nhất, quy định này tạo ra sự minh bạch tuyệt đối về dòng tiền và nghĩa vụ thuế. Mọi khoản phí dịch vụ, dù nhỏ nhất, đều được ghi nhận chính thức trên hóa đơn và dữ liệu được chuyển về cơ quan thuế. Điều này giúp cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ doanh thu của các công ty chứng khoán, đảm bảo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Thứ hai, quy định này bảo vệ trực tiếp quyền lợi của nhà đầu tư. Hóa đơn điện tử là một chứng từ hợp pháp, là bằng chứng pháp lý vững chắc để nhà đầu tư đối chiếu và giải quyết các tranh chấp về phí (nếu có). Ở tầm vĩ mô, việc chuẩn hóa này góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, tạo ra một môi trường đầu tư công bằng và đáng tin cậy hơn.
Để đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán cần phải làm gì?
Để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, không chỉ dừng lại ở việc ban hành quy định, mà cần những giải pháp mang tính đồng bộ từ cả cơ quan quản lý tới doanh nghiệp.
Về phía cơ quan quản lý, mặc dù khung pháp lý tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã rất rõ ràng, song khâu giám sát và thực thi cần được đẩy mạnh quyết liệt hơn. Tôi đề xuất, cần có cơ chế phối hợp giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan để phát hiện các đơn vị không tuân thủ. Việc áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm minh, công khai sẽ tạo ra sức răn đe cần thiết.
Về phía các công ty chứng khoán, cần chủ động nâng cao nhận thức cho khách hàng về quyền lợi được nhận hóa đơn điện tử cho mỗi lần giao dịch. Đồng thời, các doanh nghiệp nên xem việc đầu tư vào hệ thống công nghệ để tự động hóa toàn bộ quy trình phát hành hóa đơn là một yêu cầu bắt buộc.
Sự kết hợp giữa một hành lang pháp lý được thực thi nghiêm túc và ý thức tuân thủ chủ động từ doanh nghiệp sẽ tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, an toàn nhất cho nhà đầu tư.