VNA là DN tiên phong áp dụng HĐĐT ở Việt Nam.

VNA là DN tiên phong áp dụng HĐĐT ở Việt Nam.

Hóa đơn điện tử sắp được gỡ khó

Đến nay, có khoảng 10 - 12% DN sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), tuy nhiên, xét trên tổng doanh số HĐĐT lại chiếm tới 75 - 80%.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) là một trong những DN tiên phong sử dụng HĐĐT, thông qua bán vé điện tử (thí điểm triển khai từ 2005, và chính thức áp dụng từ 2008). Nhờ vé điện tử, VNA đã tiết giảm được chi phí in ấn, nhân công... Chi phí quản lý trung bình giảm từ 1 USD/vé xuống chỉ còn 0,08 USD.

Không chỉ VNA, hiện nay hầu hết các DN lớn tại các lĩnh vực tài chính, viễn thông, điện lực... kể cả các công ty nước ngoài như Samsung, các siêu thị Metro, Big C đều đã bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng HĐĐT cho khách hàng.

Tại Việt Nam , theo ước tính của Bộ Tài chính, chi phí cho 1 HĐĐT chỉ bằng 10% so với hóa đơn giấy. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết cái lợi của HĐĐT thì khỏi phải bàn. DN thì tiết giảm được chi phí, chủ động in ấn hóa đơn, nâng cao hiệu quả kinh doanh; cơ quan thuế quản lý tốt hơn, tránh thất thu, gian lận thuế.

Cũng theo ông Tuấn, trong tổng số 507.000 DN trên cả nước, tính đến nay có khoảng 10% - 12% DN sử dụng HĐĐT, tuy nhiên xét trên tổng doanh số HĐĐT lại chiếm tới 75% - 80%. “Điều này chứng tỏ, HĐĐT thực sự đã phổ cập ở hầu hết các DN lớn, nhưng các DN nhỏ chưa mặn mà”, ông nói.

Muốn áp dụng HĐĐT, DN phải đáp ứng được điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, có phần mềm quản lý, máy tính kết nối internet... trong khi đại bộ phận các DN tại Việt Nam là vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nên không phải DN nào cũng đáp ứng được. Nhưng nguyên nhân chính, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế là nhiều DN ngại áp dụng HĐĐT vì sợ làm như vậy khó khăn trong việc lách, gian lận thuế, bởi dùng hóa đơn giấy sẽ dễ dàng thực hiện các gian lận khấu trừ - hoàn thuế VAT, lập hóa đơn khống, ghi sai lệch giữa các liên...

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, hiện có hai vướng mắc liên quan đến bộ, ngành khác mà Bộ Tài chính đang cố gắng thuyết phục để sửa đổi. Thứ nhất, tại một số ngành, lĩnh vực với đặc thù hàng hóa vận chuyển trên đường, theo quy định của liên bộ Công an - Tài chính - Công thương cần có hóa đơn, DN bán cho nhau mà không có hóa đơn vận chuyển là vi phạm pháp luật.

Vì vậy, việc DN sử dụng HĐĐT, sau đó xuất in ra khi đi đường, gây tốn kém thêm. Theo tính toán, quy định này làm giảm mất 15% giá trị của HĐĐT. Thứ hai, hiện nay đã có cơ sở lưu trữ điện tử, không cần thiết phải yêu cầu DN in ra giấy để lưu trữ trong 10 năm, vì như vậy sẽ gây tốn kém DN, làm giảm 10% giá trị của HĐĐT.

Một con số thống kê cho thấy, HĐĐT kể từ khi được áp dụng ở châu Âu, từ 2002 - 2007, các nước khu vực này đã tiết kiệm được 238 tỉ euro nhờ giảm 70% chi phí trung bình cho 1 hóa đơn giấy sang HĐĐT (xấp xỉ 1,3 euro xuống khoảng 0,3 euro).