Biến đổi khí hậu khiến phát triển bền vững trở thành mệnh lệnh

Biến đổi khí hậu khiến phát triển bền vững trở thành mệnh lệnh

Hóa giải thách thức, giành ưu thế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiếm khi nào trong lịch sử, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức như ở giai đoạn 3 năm vừa qua. Mỗi thách thức đều phức tạp và đa chiều, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải kiểm soát chúng một cách hiệu quả.

Những xung đột diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch Covid-19, dẫn đến cuộc chạy đua tìm kiếm các nhà cung cấp, địa điểm và nhân tài. Các doanh nghiệp đã và đang tạo ra sự khác biệt để giành chiến thắng, đồng thời sử dụng các công nghệ tiên tiến và tích hợp ESG để tăng lợi thế cạnh tranh.

Nếu các nhà lãnh đạo chỉ tập trung vào khả năng phục hồi và khả năng sinh lời ngắn hạn của doanh nghiệp thì sẽ không còn mang lại hiệu quả. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch chuyển đổi để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Sử dụng các công nghệ thế hệ mới

Ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam

Ông Mai Viết Hùng Trân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam

Những thách thức cho lãnh đạo các doanh nghiệp đang lớn hơn bao giờ hết. Các CEO và đội ngũ lãnh đạo giờ đây nắm vai trò ngoại giao chiến lược để giải quyết các vấn đề địa kinh tế và quản lý khủng hoảng, ổn định tâm lý khách hàng trước sự gián đoạn nguồn cung, truyền bá mục đích hiệu quả để giữ chân nhân tài, thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua các yếu tố ESG, hiểu biết về kỹ thuật số để thúc đẩy chuyển đổi và đồng thời, có khả năng chấp nhận rủi ro khi đổi mới mô hình kinh doanh.

Căng thẳng địa chính trị và thương mại trên khắp thế giới đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu chuỗi cung ứng. Khi ngày càng nhiều doanh nghiệp tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro, cuộc đua tái cân bằng đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn. Các doanh nghiệp không nên quá kỳ vọng vào sự phản hồi tích cực từ các nhà cung cấp tiềm năng như đã nhận được từ các nhà cung cấp hiện tại ở thời điểm nhiều năm trước. Các nhà cung cấp này có thể cũng đã nhận được rất nhiều đề nghị hợp tác đến từ các bên khác. Quyền thương lượng đang chuyển từ doanh nghiệp sang nhà cung cấp, cũng tương tự như đối với người quản lý và nhân sự.

Nói tóm lại, bản chất của mối quan hệ đã thay đổi. Vậy đâu là vị trí thích hợp nhất và làm thế nào để đưa ra quyết định đúng đắn?

Khảo sát rủi ro toàn cầu năm 2023 của PwC cho thấy phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp xem sự gián đoạn chuỗi cung ứng là một rủi ro kinh doanh. Tuy nhiên, sự gián đoạn thường là chất xúc tác cho một số chuyển đổi cần thiết. Chấp nhận sự gián đoạn chuỗi cung ứng là cơ hội để chuyển đổi hoạt động, khám phá các chiến lược mới, phát triển mạnh mẽ hơn, thúc đẩy khả năng thích ứng và tăng trưởng khi đối mặt với sự không chắc chắn.

Làm thế nào để tạo nên sự khác biệt? Các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn để tìm kiếm các khu vực và địa điểm phù hợp, thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như tìm kiếm nhà cung cấp mới. Tuy nhiên, chỉ tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp với danh mục phát triển của công ty là chưa đủ.

Khu vực và địa điểm

Việc mở rộng kinh doanh sang “vùng đất mới” dưới sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đòi hỏi các động thái vượt trội của doanh nghiệp. Ngoài việc di dời một nhà máy, một nhà sản xuất toàn cầu có thể xem xét việc tạo ra một hệ sinh thái để khu vực địa lý đó trở nên phù hợp cho một loại hình công nghiệp cụ thể, điển hình như Penang, Malaysia về ngành thiết bị điện và y tế, hay các tỉnh miền Trung Thái Lan về ngành công nghiệp ô tô.

Việc đưa ra các đề xuất hấp dẫn sẽ giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư, nhà cung cấp, nhân tài mới và sự tham gia của các ngành lân cận - giúp khu vực được phát triển theo nhiều cách. Điều này đặc biệt hấp dẫn đối với các thị trường chưa phát triển, nơi giá trị của việc phát triển không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế, mà còn cho người dân và các cam kết ESG.

Không chỉ tại Việt Nam, Mỹ và châu Âu cũng đang vật lộn để tìm kiếm các “siêu địa điểm” trong kế hoạch dịch chuyển chuỗi cung ứng, tạo ra làn sóng bùng nổ về bất động sản công nghiệp tại nhiều quốc gia. Trong khi đó, mặc dù Malaysia được đánh giá tương đối cao về kỹ năng và cơ sở hạ tầng (đứng thứ hai sau Trung Quốc), lực lượng lao động của nước này lại tương đối khiêm tốn. Khi tìm kiếm khu vực thay thế, các doanh nghiệp sẽ phải đánh đổi giữa lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng và môi trường pháp lý. Ví dụ, việc nhập khẩu linh kiện sẽ thuận tiện hơn do Việt Nam ở gần Trung Quốc. Bên cạnh đó, sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực điện tử và dệt may cũng như mối quan hệ hợp tác gần đây được ký kết với Mỹ (nhằm mở rộng quan hệ thương mại trong ngành hàng không và bán dẫn) sẽ cần phải được cân nhắc trước tình trạng khan hiếm kỹ năng, đặc biệt là ở các kỹ năng kỹ thuật hàng đầu.

Tồn tại và phát triển luôn là cuộc đua đường trường

Tồn tại và phát triển luôn là cuộc đua đường trường

Các CEO cũng cần xem xét (mặc dù không phải lúc nào họ cũng chịu trách nhiệm trực tiếp) về nguồn lao động sẵn có ở những khu vực mà họ đang xác định phạm vi. Điều này đang là một thách thức đáng kể đối với nhiều công ty và nhà cung cấp, đặc biệt ở những địa phương đang thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhờ các ưu đãi hấp dẫn của chính phủ. Những khuyến khích này thường dẫn đến một cuộc cạnh tranh gay gắt để thu hút nhân tài khi các yêu cầu đang ngày càng cao hơn khả năng sẵn có của nguồn nhân lực hiện tại.

Thu hút và giữ chân nhân tài

Không có một mô hình giải pháp chung cho doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Bởi chiến lược này không chỉ đơn thuần về việc chi trả thù lao, mà còn về sự phát triển nghề nghiệp, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sự nhạy cảm về văn hóa và thông điệp thương hiệu. Nhiều người lao động hậu Covid (đặc biệt là những người phải gửi tiền về nhà) đã nhận ra rằng, sức khỏe của họ là ưu tiên quan trọng nhất.

Nơi làm việc, cách làm việc và những lợi ích được cung cấp hiện rất được chú trọng. Tất cả những điều này cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với đề xuất giá trị cho nhân viên và phù hợp với từng khu vực, tình hình nhân khẩu cụ thể.

Xây dựng lực lượng lao động có thể thích ứng với các cách làm việc khác nhau, đặc biệt thông qua công nghệ là rất quan trọng đối với khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng. Cuộc khảo sát năm 2023 của PwC với 19.500 nhân viên các tập đoàn, doanh nghiệp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy câu trả lời cho tình trạng thiếu kỹ năng hiện tại có thể vẫn chưa rõ ràng. Chưa đến một nửa (48%) nhân viên cảm thấy người sử dụng lao động cho họ cơ hội áp dụng các kỹ năng của mình một cách hiệu quả trong 5 năm tới. Điều này có thể chỉ ra rằng, các kỹ năng cá nhân của họ không được hiểu rõ, hoặc không được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Ở Mỹ, tình trạng thiếu hụt kỹ năng công nghệ khiến tốc độ tăng trưởng dự kiến của ngành sản xuất chất bán dẫn gặp rủi ro. Trong khi đó, gần một nửa số giám đốc điều hành tại Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng cường đầu tư vào khu vực ASEAN và không chỉ vào sản xuất (29%), mà còn vào các văn phòng bán/mua hàng (24%) và các trung tâm R&D (9%), cho thấy các kế hoạch đầu tư vào ASEAN đều nhằm mục đích mở rộng và hoạt động lâu dài.

Đầu tư vào chuỗi cung ứng kỹ thuật số sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng doanh thu, cải thiện tính bền vững, tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, quản lý rủi ro tốt hơn và nâng cao tỷ lệ giao hàng đúng hạn và đầy đủ. Các tổ chức có hiệu suất hoạt động cao nhất ở đa dạng các lĩnh vực ngành đều đi đầu trong quản trị rủi ro và tích cực tiến lên phía trước để nắm bắt các cơ hội. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp này có khả năng thu thập và phân tích các dữ liệu về an ninh mạng và công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng và vận hành cũng như các dữ liệu về môi trường và tính bền vững.

Số hóa chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tái định vị sự tăng trưởng cũng như góp phần giảm thiểu chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp.

Biến ESG thành động lực

Trước đây, phát triển bền vững thường ít được chú trọng trong quy trình chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, với kỳ vọng đang ngày càng gia tăng của người tiêu dùng và chính phủ trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp cần tích cực xem xét vấn đề này. Không hành động sẽ đồng nghĩa với việc không có khả năng tồn tại lâu dài.

Mỹ sẽ cấm nhập khẩu hàng hóa nếu nghi ngờ có lao động bất hợp pháp trong quá trình chế tạo, lắp ghép hoặc sản xuất. Các doanh nghiệp đầu tư vào tính bền vững giờ đây nhận thấy rằng, không chỉ duy trì hoạt động kinh doanh mới là điều quan trọng, mà họ còn phải cân nhắc đến khả năng tồn tại lâu dài.

Quyết định chuyển đổi chuỗi cung ứng thường có mục đích là để giảm chi phí. Giờ đây, các doanh nghiệp cần xem xét một phạm vi nguyên nhân lớn hơn với các vấn đề đang ngày càng phức tạp và đa chiều. Khách hàng, nhà đầu tư, đối tác kinh doanh, nhà hoạch định chính sách, cơ quan thuế và nhà hoạt động bền vững đang muốn có thêm thông tin về quá trình sản xuất (từ khâu sản xuất đến khâu vận chuyển tới khách hàng). Việc không có câu trả lời thỏa đáng sẽ không còn được chấp nhận.

Vì vậy, việc thẩm định các địa điểm mới cần phải kỹ lưỡng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, doanh nghiệp cần sớm thảo luận về chiến lược thiết lập quan hệ với người lao động.

Những yêu cầu doanh nghiệp cần tuân thủ sẽ không thay đổi. Đây là những yêu cầu pháp lý mà công ty cần nắm và cân nhắc cho chuỗi cung ứng của mình. Cách đây không lâu, hình phạt chỉ là bị đưa tin trên các trang báo. Bây giờ, đó có thể là sự từ chối tiếp cận thị trường. Các sản phẩm được làm bởi nguồn lao động bất hợp pháp đều bị cấm nhập khẩu vào Mỹ.

Các doanh nghiệp cần đánh giá và quản lý các tác động môi trường đến từ chuỗi cung ứng của mình, bao gồm các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính, tiêu thụ tài nguyên, quản lý chất thải và sử dụng nguồn cung ứng bền vững.

Về trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp cần đảm bảo rằng, các hoạt động lao động có đạo đức, điều kiện làm việc công bằng và tôn trọng nhân quyền được duy trì trong suốt chuỗi cung ứng. Điều này bao gồm giải quyết vấn đề về lao động trẻ em, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử và đảm bảo an toàn tại nơi làm việc.

Quản trị và minh bạch

Doanh nghiệp cần thiết lập cơ cấu quản trị vững chắc và cơ chế báo cáo minh bạch để giám sát, quản lý rủi ro và hiệu suất ESG trong toàn chuỗi cung ứng. Điều này bao gồm việc thẩm định nhà cung cấp, hệ thống truy xuất nguồn gốc và thông tin của các bên liên quan.

Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với môi trường pháp lý ngày càng gắt gao về các vấn đề ESG. Chỉ riêng trong giai đoạn 2022 - 2023, có ít nhất 8 nền kinh tế đã đưa ra luật hoặc sáng kiến xoay quanh vấn đề xã hội, đặc biệt là chế độ nô lệ hiện đại và nhân quyền.

Khối lượng các lô hàng bị Mỹ đình chỉ do cưỡng bức lao động trong năm qua đã lên tới con số trên 4.000. Hiện có 51 lệnh ngăn chặn được áp dụng đối với các công ty ở Malaysia, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico.

Liên minh châu Âu (EU) cũng đã ban hành Chỉ thị Thẩm định và báo cáo về tính bền vững của doanh nghiệp (CSRD). Luật này có hiệu lực từ năm 2024 đến năm 2028. Một số lượng đáng kể các doanh nghiệp châu Âu và ngoài châu Âu sẽ bắt buộc phải cung cấp thông tin chi tiết về hiệu suất ESG của họ. Đây cũng là luật định đầu tiên đưa nền kinh tế tuần hoàn vào danh mục báo cáo. Châu Á - Thái Bình Dương đóng vai trò là nhà cung cấp hàng hóa chính cho châu Âu, vì vậy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở khu vực nên xác định xem họ có bắt buộc phải báo cáo theo CSRD hay không. Nếu có, việc chuẩn bị cần phải bắt đầu ngay bây giờ. Việc lơ là hành động sẽ làm tăng nguy cơ bị trừng phạt tài chính, bị loại khỏi danh mục đầu tư của nhà đầu tư và gây tổn hại đến danh tiếng. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng thương mại với EU.

Từ góc độ luật định, phát triển kinh tế tuần hoàn dường như không thể đảo ngược. Trên toàn thế giới, hơn 50 lộ trình và chiến lược quốc gia đã được đưa ra và hơn 520 chính sách liên quan đến nền kinh tế tuần hoàn về các vấn đề như thuế nhựa, lệnh cấm và các chương trình mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất. Ở cấp quốc gia, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia đều có chính sách/chiến lược kinh tế tuần hoàn quốc gia, trong khi các quốc gia láng giềng trong khu vực có chính sách tuần hoàn hiệu quả tài nguyên theo ngành hoặc sản phẩm cụ thể với các quy định kỹ lưỡng hơn.

Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của EU (CBAM), thuế các-bon đối với các sản phẩm sử dụng nhiều các-bon sẽ làm tăng thêm phí nhập khẩu cho một số doanh nghiệp. Cơ chế này có hiệu lực vào năm 2026, tuy nhiên, các yêu cầu báo cáo sẽ bắt đầu sớm nhất là trong năm nay. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, rất ít nhà xuất khẩu ở châu Á - Thái Bình Dương đã sẵn sàng cho những gì sắp tới. Để tránh tình trạng rối rắm khó tránh khỏi vào cuối năm 2025, bây giờ là thời điểm vàng để hành động.

Hiệu suất ESG đang ngày càng được các bên liên quan (bao gồm khách hàng, nhà đầu tư và nhân viên) quan tâm. Điều này có thể giúp gia tăng sự trung thành với thương hiệu, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và cải thiện tâm lý của nhân viên. Nó có thể giúp doanh nghiệp khai thác các thị trường mới nổi và thu hút những khách hàng ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ có ý thức về môi trường, mở ra các nguồn doanh thu mới và củng cố vị thế thị trường.

Bằng chứng rõ ràng là thị trường vốn cũng tạo ra những tác động ngoại vi tích cực. Châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất về quản lý tài sản liên quan đến ESG, được dự báo sẽ tăng gấp 3 lần (lên đến 3.300 tỷ USD) vào năm 2026. Hơn nữa, hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định rằng, đầu tư vào ESG đã mang lại lợi suất cao hơn so với các hình thức đầu tư khác.

Các nhà đầu tư được khảo sát cũng cho biết, họ sẵn sàng chi tiêu cho hiệu suất ESG, với khoảng 3/4 số doanh nghiệp sẽ trả phí cao hơn cho quỹ ESG.

Các nhà cung cấp Việt Nam có thể hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu sâu và rộng hơn, thông qua tầm nhìn xa hơn và cách tiếp cận mới trong quá trình quản lý với chiến lược cụ thể, bao gồm:

- Thứ nhất, để tận dụng cơ hội của sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam cần nâng cao năng lực chuyên môn của lao động và chất lượng cơ sở hạ tầng, thiết lập các đề xuất giá trị chuyên biệt như chuyên biệt hóa các dòng sản xuất, nâng cao kỹ thuật, tăng cường nghiên cứu, phát triển và đổi mới sản phẩm.

- Thứ hai, chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị bền vững đã trở thành xu hướng quan trọng trên toàn cầu, đặc biệt nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, trong đó doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững thông qua áp dụng các chiến lược quản trị và thay đổi tư duy doanh nghiệp. Điều này bao gồm việc quan tâm và đầu tư vào việc thực hành theo khung Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), đồng thời tăng cường năng lực cho nhà cung cấp và doanh nghiệp vệ tinh. Chuỗi cung ứng bền vững không chỉ cần thiết về mặt chiến lược mà còn có tác động tích cực đến danh tiếng và giá trị thương hiệu, thu hút sự chú ý và niềm tin của người tiêu dùng và củng cố vị thế trên thị trường.

- Thứ ba, thúc đẩy chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu số hóa ngày càng tăng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này góp phần tăng cường khả năng hiển thị, hỗ trợ lập kế hoạch hiệu quả và tăng khả năng truy xuất.

- Thứ tư, củng cố quan hệ đối tác để tăng cường năng lực với các tổ chức địa phương, trung tâm nghiên cứu, cơ quan chính phủ, hoặc đối tác chuỗi cung ứng tại khu vực. Mục tiêu là tận dụng lợi thế ưu đãi từ chính sách, cũng như giảm thiểu các rủi ro về hải quan và thương mại.

- Cuối cùng, lập kế hoạch cho những rủi ro trong khủng hoảng, bao gồm việc thiết lập khung ứng phó rủi ro hiệu quả. Điều này đòi hỏi việc đảm bảo thông tin và quyền riêng tư, cũng như đảm bảo rủi ro an ninh mạng, để đối mặt với các tình huống khẩn cấp một cách linh hoạt và chuẩn bị sẵn sàng.

Tin bài liên quan