Doanh nghiệp đạt chỉ số ESG cao thường nhận được nhiều đơn hàng hơn

Doanh nghiệp đạt chỉ số ESG cao thường nhận được nhiều đơn hàng hơn

ESG yếu tố sống còn của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Doanh nghiệp ngày càng chú trọng, chuẩn hóa các hoạt động phát triển bền vững, trong đó việc áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp tới cộng đồng mang yếu tố quyết định.

Xu hướng chủ đạo trong thập kỷ tới

Tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, sụt giảm tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường khiến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn về tiêu chuẩn ESG. Các quy định về giảm thải các-bon, sản xuất xanh, bảo vệ môi trường và tái chế nguyên liệu thừa… đã trở thành yếu tố để tính điểm ESG trong đơn hàng. Các doanh nghiệp đạt chỉ số ESG cao sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.

Ước tính có khoảng 785.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này đang đứng trước thách thức sống còn là phải chuyển đổi “xanh”, hoặc bị đào thải khỏi thị trường. Yêu cầu phải phát triển bền vững càng trở nên cấp bách hơn sau khi Việt Nam đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ tại Hội nghị COP26 và cam kết đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

ESG đang hiện hữu ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực và mỗi doanh nghiệp sẽ có cách thực hiện khác nhau, nhưng tựu trung lại vẫn phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị. Với sự gia tăng giám sát từ các nhà đầu tư, sự thay đổi trong kỳ vọng của người tiêu dùng và khách hàng, thay đổi về chính sách công… đã khiến các tiêu chuẩn về ESG trở thành tất yếu đối với nhiều doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải cải thiện và hướng tới tuân thủ các vấn đề liên quan tới môi trường, xã hội và quản trị.

Đơn cử, trong lĩnh vực dệt may, để ổn định sản xuất và hướng tới mục tiêu bền vững trong tương lai, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thay đổi, bắt kịp xu hướng thị trường, đầu tư máy móc, công nghệ thân thiện với môi trường để thích ứng với nhu cầu thị trường, hoàn thiện để phát triển. Các doanh nghiệp dệt may đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị và chuỗi cung ứng, bắt kịp xu hướng xanh hóa, phát triển bền vững bằng việc sản xuất sợi mới từ gai và len, đi kèm với đó là các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm tái chế… để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…

Trong khi đó, các ngân hàng đang đóng vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG, tạo ra sự thúc đẩy lớn đối với các doanh nghiệp là khách hàng của ngân hàng trong việc thiết lập những chuẩn mực mới về phát triển bền vững.

Ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, MB đã cam kết thực hiện chiến lược ESG một cách bài bản, theo chuẩn đo lường quốc tế. Tín dụng xanh tại MB được xác định là cho vay các dự án năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp chuyển đổi để tiết kiệm năng lượng hoặc hạn chế xả thải ra môi trường, cho vay các dự án xử lý môi trường…

“Thời gian qua, MB đã tài trợ nhiều dự án tín dụng xanh, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…, hay các dự án chuyển đổi như đầu tư xe điện, chuyển đổi công nghệ..., tổng quy mô đã giải ngân đạt khoảng 50.000 tỷ đồng”, ông Ánh nói và chia sẻ thêm, MB luôn đề cao áp dụng tiêu chí ESG, góp phần thay đổi tích cực đến xã hội và nền kinh tế. Tại MB, từ năm 2021, gần 90% hoạt động nội bộ không sử dụng giấy tờ mà áp dụng số hóa, đến nay gần như được chuyển đổi số hoàn toàn, tức tỷ lệ đạt xấp xỉ 100%.

Cam kết cần đi đôi với thực thi

Trong thực tiễn, vòng đời phát triển của ngành nghề và doanh nghiệp luôn trải qua những giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn lại đặt ra một bối cảnh cạnh tranh mới, đòi hỏi nguồn lực cạnh tranh mới của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp niêm yết cũng ngày càng đánh giá cao tầm quan trọng của yếu tố ESG trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhưng giữa nhận thức và hành động đang còn một khoảng cách khá lớn.

Báo cáo “Các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam - Mức độ cam kết ESG và thực hành báo cáo phát triển bền vững” do PwC mới công bố cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam đang thể hiện mức độ cam kết cao, nhưng dường như tỏ ra thận trọng khi triển khai ESG. Với tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93%, vượt mức trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung là 80%, nhưng chỉ 35% doanh nghiệp đã thiết lập kế hoạch ESG, trong khi có hơn 58% doanh nghiệp đang và sẽ lập kế hoạch trong 2 - 4 năm tới.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Bánh Kẹo Hải Hà (mã HHC) chia sẻ, mặc dù nhìn nhận rõ ràng các yêu cầu về ESG có tác động kinh tế rõ ràng, nhưng quá trình chuyển đổi tại doanh nghiệp đang diễn ra khá chậm do chưa hiểu rõ về các tiêu chuẩn báo cáo và sự phức tạp về quy định.

Ngay cả những doanh nghiệp lớn trong ngành này như Công ty cổ phần Kido (mã KDC) cũng cho biết, để áp dụng yêu cầu về ESG đòi hỏi một quá trình dài hơi, buộc doanh nghiệp phải thay đổi rất nhiều, từ tư duy quản trị đến quá trình sản xuất, chế biến sản phẩm…

Nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất thực phẩm cho hay, doanh nghiệp đã cố gắng thay đổi cách thức vận hành, quản trị hướng tới các tiêu chí chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tái chế sản phẩm đã qua sử dụng như nhựa, thủy tinh, bao bì nhựa, bao bì ni lông…, nhưng vẫn còn nhiều tiêu chí cần phải bổ sung và khắc phục như áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hay tăng cường các thông tin/báo cáo bằng tiếng Anh.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng nên chủ động tích hợp các nguyên tắc ESG vào hoạt động, tận dụng các cấu trúc và nguồn lực có sẵn của tổ chức. Nếu doanh nghiệp xem ESG là cơ hội thúc đẩy kinh doanh, thay vì chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm…, thì cần chủ động thực hiện. Ở đây, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nên xây dựng các chính sách rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi ESG cùng với hướng dẫn chi tiết các phương thức báo cáo phát triển bền vững.

Tin bài liên quan