Hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp: Cần Thơ “dọn chỗ” cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
TP. Cần Thơ tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, phát triển các khu công nghiệp tập trung theo hướng hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao.
Với những thế mạnh về vị trí địa lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hai Khu công nghiệp Trà Nóc I và Trà Nóc II được lấp đầy lần lượt là 100% và 89%

Với những thế mạnh về vị trí địa lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, hai Khu công nghiệp Trà Nóc I và Trà Nóc II được lấp đầy lần lượt là 100% và 89%

Khơi thông điểm nghẽn

Từ trước đến nay, điểm nghẽn lớn nhất làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung cũng như thu hút đầu tư của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chính là hạ tầng giao thông trong vùng còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, sắp tới đây, điểm nghẽn này sẽ được khơi thông với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng và triển khai thi công. Từ đó, mở ra cơ hội lớn về thu hút đầu tư cho các địa phương trong Vùng ĐBSCL vốn được xem là có nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là TP. Cần Thơ - trung tâm của Vùng.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), trong thời gian tới, Bộ sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực và tập trung phân bổ để đầu tư các công trình quan trọng có tính động lực, lan tỏa kết nối vùng và liên vùng.

Cụ thể, về đường bộ, tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm đang triển khai như Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2… Ưu tiên nguồn lực trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư các tuyến cao tốc trục dọc kết nối ĐBSCL với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ cũng như các tuyến kết nối nội vùng Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng…

Tính đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ có 248 Dự án còn hiệu lực, thuê trên 382 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,759 tỷ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 1,132 tỷ USD chiếm 64,38% tổng vốn đăng ký. Trong đó, có 24 Dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 375,84 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện là 283,30 triệu USD, chiếm 75,38% vốn đăng ký; 1 Dự án ODA đang hoạt động với vốn đầu tư 21,13 triệu USD.

Về hàng hải, triển khai Dự án Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn hoàn chỉnh để đảm bảo cho tàu 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải vào các bến cảng khu vực Cần Thơ (khu bến Cái Cui, Hoàng Diệu); tổ chức khai thác hiệu quả, hình thành các tuyến vận tải container kết nối khu vực ĐBSCL với các cảng biển khu vực Đông Nam bộ (Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải)… Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cảng đầu mối của vùng ĐBSCL (Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), phối hợp với các địa phương kêu gọi đầu tư, sớm xây dựng để có thể xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí trung chuyển.

Về hàng không, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với TP. Cần Thơ làm việc với các hãng hàng không nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách để khuyến khích các hãng hàng không mở thêm đường bay mới kết nối Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ với các thành phố trong nước và quốc tế, phát huy vai trò là thành phố trung tâm của Vùng ĐBSCL, đồng thời giảm tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng.

Về đường sắt, Bộ GTVT đang chỉ đạo lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ và sẽ phối hợp với các địa phương để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm tăng cường kết nối TP.HCM với các tỉnh Vùng ĐBSCL.

Với sự quan tâm đầu tư của Trung ương trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trong Vùng ĐBSCL đã tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, đầu tư của các tỉnh, thành phố trong vùng. Trong thời gian gần đây, Vùng ĐBSCL được các nhà đầu tư quan tâm xúc tiến nhiều dự án lớn trên các lĩnh vực khác nhau.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/4/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 12,25 tỷ USD. Trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Vùng ĐBSCL đạt trên 4,7 tỷ USD, chiếm 38,4% tổng vốn FDI của cả nước. Riêng TP. Cần Thơ đứng thứ 2 cả nước, với tổng vốn đăng ký trên 1,3 tỷ USD.

Cơ hội thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp

Đón đầu cơ hội mang lại từ việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cũng như cơ hội tiếp nhận các làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, TP. Cần Thơ tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tập trung rà soát thực hiện tốt các quy hoạch, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư; lập Quy hoạch phát triển TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thành phố tập trung thu hút đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, từng bước tạo sự liên kết giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Cần Thơ và các địa phương khác từ khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm để hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao.

Đặc biệt, TP. Cần Thơ đang khẩn trương lập quy hoạch điều chỉnh Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ (diện tích 500 ha; tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn) và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (diện tích 900 ha; tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) vừa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp.

Vừa qua, UBND TP. Cần Thơ đã giao Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ làm chủ đầu tư lập quy hoạch điều chỉnh và mời gọi đầu tư đối với Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đang tiến hành các bước thủ tục lập quy hoạch cũng như nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đối với hai khu công nghiệp trên.

Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ có vị trí quy hoạch tại phường Trường Lạc, quận Ô Môn; phía Bắc giáp Rạch Giáo Dẫn, phía Nam giáp Đường tỉnh 922, phía Đông giáp với quận Bình Thủy và phía Tây giáp Rạch KH 8.

Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh; phía Bắc cách tuyến tránh Thốt Nốt khoảng 850 m, phía Nam cách Đường tỉnh 921B khoảng 434 m, phía Tây Bắc giáp đất dân (cách Quốc lộ 80 khoảng 590 m) và phía Tây giáp Rạch KH 8.

Vị trí quy hoạch Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ và Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh có điều kiện thuận lợi về giao thông bộ, có khả năng liên kết với các vùng lân cận của các tỉnh giáp ranh nhằm khai thác hiệu quả lợi thế của khu vực. Cụ thể, Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ có vị trí quy hoạch nằm cạnh tuyến Đường tỉnh 922 mới và dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang. KCN Vĩnh Thạnh có vị trí quy hoạch nằm gần đường dẫn cầu Vàm Cống đi Kiên Giang và TP.HCM và dọc theo vị trí quy hoạch dự án cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang.

Khu vực quy hoạch 2 khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ và Vĩnh Thạnh chủ yếu là đất nông nghiệp và đất trồng cây lâu năm, do vậy, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ có chi phí thấp nên việc triển khai sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Về ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư, đối với Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ, dự kiến đây là khu công nghiệp đa ngành, có khả năng thu hút các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến rau quả đóng hộp; sản xuất linh kiện, lắp ráp sản phẩm điện máy, điện công nghiệp, công nghiệp điện tử, chất bán dẫn, công nghệ tin học, công nghệ kỹ thuật cao.

Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh sẽ quy hoạch để có khả năng thu hút các ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, rau quả đóng hộp, thủy, hải sản; sản xuất máy nông nghiệp phục vụ trong nước và xuất khẩu sang các nước lân cận như Campuchia, Lào...

Về khả năng cung cấp và đáp ứng nhu cầu nhân lực, theo số liệu khảo sát các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Cần Thơ, lao động bình quân trong các khu công nghiệp khoảng 96 lao động/ha đất khu công nghiệp. Trên cơ sở đó, sau khi thành lập khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ và Vĩnh Thạnh, nhu cầu sử dụng lao động của 2 khu này ước tính khoảng 25.000 lao động. TP. Cần Thơ có dân số khoảng 1,3 triệu người, trong đó 996.600 người trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt khoảng 56%.

Cùng với đó, trên địa bàn Thành phố hiện có 7 trường đại học và phân hiệu đại học, 12 trường cao đẳng và hệ thống các trường trung cấp, năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố, hàng năm cung cấp trên 50.000 công nhân có tay nghề, đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực cho 2 khu công nghiệp nói trên và kể cả các khu công nghiệp khác của TP. Cần Thơ.

Tin bài liên quan