Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội phát biểu khai mạc hội thảo

Hoàn thiện pháp lý để định hướng và dẫn dắt công nghệ blockchain phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý để chuẩn hóa giải pháp và nhân rộng blockchain trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề khác nhau là cách để khuyến khích công nghệ mới này và các doanh nghiệp đang ứng dụng nó phát triển.

Tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển công nghệ chuỗi khối blockchain và khuyến nghị cho Việt Nam” diễn ra vào sáng 5/8, ông Michael R. DiGregorio, Trưởng Đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam đã đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông nên cho phép các doanh nghiệp được thực hiện thí điểm trong những lĩnh vực chưa được luật pháp quy định rõ ràng, chẳng hạn như blockchain.

Hiện Quỹ Châu Á phối hợp với app jupviec.vn để thí điểm việc sử dụng nền tảng blockchain. Sau khi nền tảng blockchain được tích hợp thành công vào jupviec.vn, hệ thống sẽ kết nối khoảng 2.000 lao động giúp việc gia đình với các khách hàng tiềm năng thông qua cổng website và ứng dụng di động.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động khi tìm việc, tăng khả năng thương lượng về mức lương và các lợi ích khác liên quan đến hồ sơ làm việc và chứng chỉ chuyên môn của họ. Khách hàng qua đó cũng nắm được các thông tin cá nhân, kinh nghiệm và kết quả làm việc, chứng chỉ đào tạo của người lao động.

“Điều đáng chú ý là tính pháp lý của công nghệ này chưa được đảm bảo nên các công ty tham gia vào dự án sẽ rất rủi ro”, ông Michael nói.

Đây cũng là nỗi băn khoăn của rất nhiều đại diện doanh nghiệp và các chuyên gia tại hội thảo, bởi việc ứng dụng công nghệ blockchain hiện giờ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực tài chính như trước đây, mà còn phổ biến rộng rãi sang nhiều lĩnh vực khác như game, hợp đồng điện tử, quản lý logistics và cả truy xuất nguồn gốc nông sản và thậm chí là ứng dụng trong Chính phủ số.

Tại Việt Nam, công nghệ blockchain đang len lỏi vào hoạt động của các doanh nghiệp hàng đầu, như hệ thống quản lý thư tín dụng của các ngân hàng MB Bank, Vietcombank, VP Bank. Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) còn ứng dụng blockchain và hợp đồng thông minh vào phát hành trái phiếu, quản lý giao dịch và quyền sở hữu trái phiếu doanh nghiệp cho khách hàng tại Việt Nam.

Thậm chí, công nghệ blockchain ứng dụng trong ngành game còn mang tới những dấu ấn mạnh mẽ hơn khi đưa Việt Nam vào top 10 thị trường game blockchain sôi động nhất với nhiều dự án khởi nghiệp ấn tượng, trong đó có dự án Axie Infinity đã trở thành kỳ lân mới với giá trị vốn hóa lên tới hàng tỷ USD.

Có thể khẳng định rằng, nền tảng blockchain đã mang tới cho các doanh nghiệp Việt Nam những cơ hội phát triển chưa từng có và được thử sức ở sân chơi lớn toàn cầu, nhưng cũng là một cuộc chơi có phần liều lĩnh và mạo hiểm khi chính những doanh nghiệp tham gia lại chưa được bảo vệ bởi các chính sách pháp luật về blockchain vẫn chưa được hoàn thiện.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam.

Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận xét: “Nhiều bạn trẻ Việt Nam đã tạo ra các sản phẩm gamefi, metavert tạo tiếng vang rất lớn đối với cộng đồng quốc tế. Rất tiếc môi trường pháp lý tại Việt Nam chưa đủ để thực sự hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động này phát triển, nên các doanh nghiệp trong lĩnh vực game blockchain vẫn chủ yếu khởi nghiệp tại nước ngoài”.

Do đó, lần đầu tiên một hội thảo được tổ chức với sự tham gia của cả cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cả những người yêu công nghệ, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ được kì vọng sẽ mang đến những thay đổi theo hướng tích cực hơn.

“Những buổi hội thảo này sẽ là nền tảng thúc đẩy để Việt Nam sớm ban hành những chính sách thúc đẩy nền kinh tế số”, ông Trung nói.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra tiềm năng của công nghệ blockchain và ứng dụng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực tiền điện tử mà còn nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, y tế, vận tải. Nhiều quốc gia còn tìm cách tiếp cận nó với tư duy cởi mở hơn, thậm chí còn có quy định một phần trong luật.

Năm 2016, Nhật Bản đã tiến tới sửa đổi Luật dịch vụ thanh toán và Luật phòng chống chuyển tiền từ nguồn thu phạm pháp, qua đó đưa tài sản mã hóa đặt dưới sự quản lý của quy định pháp luật. Năm 2019, Nhật Bản một lần nữa lại tiến hành sửa đổi các luật liên quan.

Thụy Sĩ cũng coi công nghệ blockchain rất quan trọng trong quản lý các tài sản số. Các chính sách của quốc gia này đưa ra trên quan điểm trung lập về công nghệ, quyền quyết định sẽ không thuộc về Chính phủ mà doanh nghiệp và nước dân sẽ tự quyết định.

Tại Mỹ, một số chính quyền trung ương và địa phương ứng dụng blockchain trong cung cấp các dịch vụ công. Mỹ cũng thể hiện sự thận trọng khi đưa ra chính sách quản lý tài sản kỹ thuật số, nhưng vẫn ủng hộ mạnh mẽ và tham gia nhiệt tình vào sáng kiến tiền số của nhóm G7.

“Sân chơi lớn này rất cần có sự định hướng và dẫn dắt kịp thời”, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khẳng định về sự cần thiết phải có những định hướng rõ ràng hơn về pháp lý để Việt Nam không bị chậm nhịp so với sự phát triển công nghệ của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia Phạm Quốc Hoàn, trên thế giới có 8 quốc gia có lộ trình và chiến lược phát triển blockchain.

“Ấn Độ đưa ra chiến lược tích hợp công nghệ hiện đại với blockchain. Liên minh châu Âu cũng đưa blockchain vào ưu tiên để xây dựng pháp luật và hạ tầng. Việt Nam đã xây dựng được cộng đồng blockchain với những cá nhân xuất sắc, nhưng điều này chưa đủ, nhà nước cần có lộ trình để các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội”, ông Hoàn xác nhận.

Chiều cùng ngày, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cũng ký kết hợp tác cùng AlphaBook chính thức cho ra mắt "Tủ sách Blockchain", với mong muốn đưa kiến thức, thông tin về blockchain đến gần hơn với công chúng.

Tin bài liên quan