Hội nhập không thể “bình chân như vại”

Việt Nam đang bước những bước mạnh mẽ trên đường hội nhập quốc tế. Nhưng nếu doanh nghiệp (DN) và người lao động không tìm hiểu luật chơi và sẵn sàng cho cuộc chơi toàn cầu thì những bước hội nhập đầy kỳ vọng ấy mới chỉ dừng lại ở một chữ ký.
Hội nhập quốc tế và khu vực đòi hỏi phải chấp nhận “luật chơi’ và “cách chơi” toàn cầu

Hội nhập quốc tế và khu vực đòi hỏi phải chấp nhận “luật chơi’ và “cách chơi” toàn cầu

Từ chuyện dịch chuyển lao động trong AEC

Theo lộ trình, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ thành lập vào tháng 12/2015. Đây được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á.

AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một thị trường duy nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Trong đó, 8 ngành nghề được di chuyển tự do, gồm: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch.

Báo cáo “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố năm 2014 cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình tăng nhanh nhất, ở mức 28%, tạo thêm nhiều cơ hội cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người.

Công ty tư vấn chiến lược Robeny (Canada) đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát nhu cầu về  8 nghề tự do luân chuyển nói trên. Cuộc khảo sát 1.300 nhân sự cao cấp (trưởng, phó phòng trở lên) ở Việt Nam cho thấy, 41% số người trong đó cho rằng, họ không biết AEC là cái gì, hoặc giống như WTO, họ không nghĩ nó ảnh hưởng đến họ, họ cho đó là chuyện của Chính phủ. Điều này cho thấy, ngay những người được coi là nhân sự chuyên nghiệp cũng đang dửng dưng với những đổi thay cận kề ở ngay tại thị trường Việt Nam.

Ông Robert Trần, Tổng giám đốc Khu vực châu Á - Mỹ (Công ty Robeny) rất “choáng” với kết quả này. Trong khi đó, tại Lào, Campuchia, Brunei, Philippines, nhưng ngay cả các bạn trẻ, sinh viên cũng rất quan tâm tới AEC. Còn Singapore, Malaysia, Indonesia với nền kinh tế phát triển hơn cũng có sự chuẩn bị tốt cho AEC.

“Chúng tôi muốn tuyển nhân sự ngành tiêu dùng làm việc tại Lào, Campuchia, với mức lương khoảng 5.000 USD/tháng, nhưng nhân sự Việt Nam không muốn đi. Họ băn khoăn về tương lai, môi trường cho con cái họ. Tôi thấy họ không có sự chuẩn bị. Ở chiều ngược lại, nhân sự ở những nước khác đang nhắm vào thị trường lao động Việt Nam rất mạnh. Trong đó, có các nhân sự cấp cao của Philippines. Họ sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn và sẵn sàng thay đổi để chiếm lĩnh thị trường lao động khi hình thành AEC”, ông Robert Trần cho biết. 

Đến bước chân nửa vời của doanh nghiệp

Trong khi nhiều nhân sự cấp cao người Việt không muốn rời thị trường trong nước thì các DN Việt cũng chưa hoàn toàn sẵn sàng đi xa.  Khảo sát mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 76% DN nội không biết gì về AEC, 94% DN không hiểu rõ nội dung đàm phán, 63% DN không hiểu về những cơ hội và thách thức khi tham gia AEC...

Kết quả trên khiến câu chuyện về hội nhập của doanh nghiệp, người lao động trong 8 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được nhắc lại với nỗi lo cũ.

8 năm Việt Nam hội nhập WTO, không nhiều tên tuổi biết tận dụng cơ hội tốt từ WTO, điểm đi điểm lại, nổi lên vẫn chỉ là những Vinamilk, Hoàng Anh Gia Lai, Tôn Hoa Sen, một số ngân hàng lớn.

Trước giai đoạn phát triển mới của kinh tế Việt Nam, khi cuối năm 2015, AEC có hiệu lực và quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới diễn ra ngày càng mạnh mẽ, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group luôn đau đáu bài toán tìm nhiều cơ hội hơn, nhưng cũng phải tỉnh táo hơn để thấy được rủi ro tiềm ẩn.

Với cuộc chơi hội nhập ở khu vực và thế giới, ông Vũ không mang tâm trạng lo lắng, mà chủ động hành động để sẵn sàng ứng phó.

Điều ông Vũ chuẩn bị kỹ nhất là nguồn nhân lực giỏi và năng động để thực thi hiệu quả chiến lược của Tập đoàn, cũng như ứng phó nhanh với mọi thách thức và biến động của thị trường.

Ví như, với xu hướng bảo hộ cho nền sản xuất trong nước thông qua các hàng rào thương mại, Hoa Sen Group đã đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; mời chuyên gia tư vấn cao cấp cũng như các luật sư hàng đầu trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để tư vấn; thành lập Tổ chống kiện bán phá giá để sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ đe dọa thị trường xuất khẩu cũng như bảo vệ quyền lợi của mình trong các tranh chấp thương mại quốc tế…

Trong khi đó, Vinamilk đặt mục tiêu đạt doanh số khoảng 3 tỷ USD và đứng vào Top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017. Bước tiến đầu tiên là Vinamilk lọt vào Top 100 công ty giá trị nhất Đông Nam Á (ASEAN 100) năm 2014, do Tạp chí Nikkei Asian Review bình chọn.

Vinamilk đang tập trung đầu tư chiều sâu hơn 1.600 tỷ đồng vào hệ thống các trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp và sử dụng công nghệ cao của Thụy Điển, Mỹ… trong chăn nuôi nhằm nội địa hóa khoảng 40% nguyên liệu đầu vào cho sản xuất năm 2016. Quan trọng hơn, Vinamilk đã mang tinh thần chấp nhận cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn hàng đầu về dinh dưỡng trên thế giới có mặt tại Việt Nam và khu vực AEC.

Trong khi những đại gia có sự chuẩn bị chu đáo cho việc bước chân ra thế giới như vậy, thì với những DN nhỏ và vừa, xem ra mọi chuyện còn rất nửa vời.

Nhiều DN Việt chưa khẳng định được vị thế của mình ở thị trường khu vực cũng như thế giới. Đơn cử, đến nay, các DN FDI vẫn chiếm hơn 2/3 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó chứng tỏ, khối DN trong nước vẫn rất thụ động. Nếu không có sự chuẩn bị tốt cho quá trình mở cửa thị trường và hội nhập sâu rộng sắp tới thì DN trong nước sẽ mất thị trường, lao động mất việc làm.

Có nhiều nguyên nhân khiến DN nhỏ và vừa vẫn “bình chân như vại” dù đang thua cuộc, không vươn xa được bao nhiêu trong hội nhập. Theo ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, đó là tầm nhìn, tiềm lực và văn hóa DN.

Thứ nhất, DN không có chiến lược phát triển ngành hàng trên thị trường trong nước và thế giới.

Thứ hai, DN chưa đủ tiềm lực để mạnh dạn đầu tư công nghệ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, với văn hóa kinh doanh tiểu nông, DN Việt vẫn là những thực thể nhỏ lẻ, mạnh ai nấy đi mà chưa liên kết với nhau. 

“Khối DN có quy mô tương tự ở Hàn Quốc, Nhật Bản luôn hoạt động thành mô hình vệ tinh, liên kết chặt chẽ, hỗ trợ nhau để tạo ưu thế cạnh tranh tốt trên thị trường”, ông Tự cho biết. 

Không ai đứng bên lề  dòng chảy hội nhập

DN Việt phải làm gì để vượt qua thách thức, tận dụng tốt hơn nữa những lợi thế hội nhập mang lại đang được nhắc đến nhiều hơn kèm những lo lắng, khi thời điểm những cam kết cao nhất theo WTO không còn xa (hạn chót đến năm 2017); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp thông qua; Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành cuối năm nay…

Phải nhắc đến điều này là bởi, không gian kinh tế đã ngày càng rộng mở, chắc chắn mỗi người lao động, mỗi DN không thể bình chân, với cảm giác, việc hội nhập chỉ ở đâu đó xa xôi thuộc về “Nhà nước”, chứ không liên quan gì đến “nhân dân”.

Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất đối với Việt Nam là phải nâng cao năng lực và trình độ của lao động, để họ nắm bắt các cơ hội việc làm tốt hơn, đón đầu những làn sóng đầu tư nước ngoài. Đó mới là mấu chốt quan trọng để tận dụng cơ hội, tận hưởng thành quả của hội nhập. Nếu không, việc hội nhập sẽ dừng lại ở những trang giấy, những hiệp định được ký kết mà không chuyển hóa được thành cơ hội phát triển.

Đồng quan điểm, ông Lương Văn Tự khẳng định, hội nhập là sự vận động khách quan mà nền kinh tế và DN không thể đi ngược chiều hay đứng ngoài.

Nhìn từ những quốc gia gặt hái thành công khi bước ra với thế giới, điều quan trọng nhất là cả hệ thống phải quyết tâm thay đổi, có những chính sách và nội lực để thay đổi. Nói cách khác, dòng chảy hội nhập tất yếu lướt qua, nếu chủ động đóng thuyền tốt và vững tay chèo, thuyền sẽ đến đích. Ngược lại sẽ bị cuốn đi, chứ không có người đứng bên lề dòng chảy.

Là người tham gia rất nhiều cuộc đàm phán đa phương, song phương của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thấm thía việc chắt chiu, giữ gìn từng chút quyền lợi, cơ hội, dư địa cho đất nước, cho DN phát triển khi hội nhập. Do đó, nếu DN Việt Nam không tận dụng được thì là sự lãng phí lớn, chưa kể tác dụng ngược.

Ví như tới đây, khi AEC hình thành, thuế lúc đó còn 0-5%, coi như hàng hóa thông nhau. Vậy DN Việt Nam đừng nghĩ chỉ sản xuất cho thị trường Việt Nam, mà phải nghĩ sản xuất hàng hóa cho 600 triệu dân AEC. DN Việt Nam phải đặt mục tiêu mình sẽ chiếm thị phần bao nhiêu trong thị trường rộng lớn đó. Ngược lại, hàng hóa các nước ASEAN sẽ chiếm vị trí của hàng Việt.

“Hội nhập quốc tế và khu vực đòi hỏi phải chấp nhận “luật chơi’ và “cách chơi” toàn cầu. Chúng ta cần chuẩn bị cái “gốc” thật chắc, nền móng thật chắc mới có thể đi xa”, ông Khánh chia sẻ.

Tin bài liên quan