Hungary loại trừ khả năng cấm khí đốt của Nga

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã loại trừ khả năng về triển vọng cấm khí đốt của Nga trong gói trừng phạt tiếp theo của Liên minh châu Âu và nói rằng điều đó là "không thể".
Hungary loại trừ khả năng cấm khí đốt của Nga

Hungary là quốc gia vốn không giáp biển và đang phụ thuộc hoàn toàn vào các dầu và khí đốt của Nga.

EU đã tìm cách áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu thô của Nga. Cuối tháng 5, EU đã đồng ý cấm vận một phần dầu mỏ trong gói trừng phạt thứ sáu bị trì hoãn từ lâu đối với Nga.

Thỏa hiệp sẽ là ​​một lệnh cấm vận đối với dầu của Nga được đưa vào EU bằng đường biển, với sự miễn trừ dành cho hàng nhập khẩu được vận chuyển bằng đường ống sau sự phản đối của Hungary.

Phát biểu bên lề Cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng của OECD ở Paris, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết: “Chúng tôi phải có một lập trường rất rõ ràng về cuộc chiến, chúng tôi lên án Nga về hành động quân sự này. Chúng tôi sát cánh với Ukraine. Nhưng, chúng tôi cũng phải xem xét thực tế”, ông nói thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Hungary cho biết, Nga hiện cung cấp 65% nhu cầu dầu mỏ và 85% nguồn cung cấp khí đốt của nước này.

Ông nói thêm rằng, việc thiếu cơ sở hạ tầng thay thế có nghĩa là nước này không thể nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga.

Ngay sau khi EU đồng ý với gói trừng phạt thứ sáu vào tháng trước, Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas đã kêu gọi EU tiến xa hơn nữa và thảo luận về viễn cảnh cấm vận khí đốt của Nga trong vòng trừng phạt thứ bảy.

Tuy nhiên, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã đột ngột bác bỏ ý kiến ​​này và nói rằng, nó sẽ không phải là một chủ đề để thảo luận.

Khi Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto được hỏi về viễn cảnh EU nhắm mục tiêu xuất khẩu khí đốt của Nga trong vòng trừng phạt tiếp theo, ông trả lời: "Không, điều đó là không thể”.

“Nếu không thể nhập khẩu khí đốt từ Nga, thì đất nước sẽ ngừng hoạt động, nền kinh tế ngừng hoạt động, chúng tôi không thể sưởi ấm những ngôi nhà, chúng tôi không thể điều hành nền kinh tế. Câu hỏi của chúng tôi là ai có thể đưa ra giải pháp?”, ông cho biết.

Tổng thống Putin hôm thứ Năm (9/6) cho biết, Nga sẽ không “đổ bê tông hóa các giếng dầu của họ” vào thời điểm mà phương Tây vẫn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga.

“Khối lượng dầu đang giảm trên thị trường thế giới, giá đang tăng và lợi nhuận của công ty đang tăng lên”, Tổng thống Putin cho biết.

Khoảng 36% lượng dầu nhập khẩu của EU đến từ Nga và nước này cũng đóng vai trò vượt trội trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Ả Rập Xê Út, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới sang các thị trường toàn cầu. Nga cũng là một nhà sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn.

Tin bài liên quan