IMF cảnh báo việc mất kết nối trên thị trường tài chính làm tăng rủi ro điều chỉnh giá tài sản

IMF cảnh báo việc mất kết nối trên thị trường tài chính làm tăng rủi ro điều chỉnh giá tài sản

(ĐTCK) Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, việc tách rời giữa thị trường tài chính và nền kinh tế thực sẽ dẫn đến sự điều chỉnh trong giá tài sản trong thời gian tới.

Trong những tháng gần đây, thị trường chứng khoán đã tăng điểm bất chấp các sự kiện trong thế giới thực như đại dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, hay sự bất ổn xã hội ở nhiều nền kinh tế tiên tiến, đã tác động vào niềm tin của nhà đầu tư.

Dữ liệu của IMF dự báo gần đây cho thấy, GDP toàn cầu sụt giảm mạnh hơn dự kiến nhưng thị trường dường như không có gì ngạc nhiên.

“Sự mất kết nối giữa thị trường và nền kinh tế thực sự làm tăng nguy cơ điều chỉnh giá tài sản gây ra mối đe dọa cho sự phục hồi”, theo báo cáo của IMF hôm thứ Năm (25/6) trong báo cáo ổn định tài chính toàn cầu. (Một sự điều chỉnh được định nghĩa là sự sụt giảm 10% trở lên về giá của một tài sản hoặc chỉ số).

Theo IMF, sự thay đổi trong tâm lý thị trường có thể được kích hoạt bởi các yếu tố như làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2, bất ổn xã hội, thay đổi chính sách tiền tệ và căng thẳng thương mại.

Các công ty tài chính phi ngân hàng như các nhà quản lý tài sản và quản lý quỹ cũng có thể phải đối mặt với những cú sốc khi làn sóng vỡ nợ xuất hiện. IMF cảnh báo rằng, các doanh nghiệp này thậm chí có thể hoạt động như một bộ khuếch đại của sự căng thẳng này.

“Ví dụ, một cú sốc đáng kể đối với giá tài sản có thể dẫn đến dòng tiền rút ra từ đầu tư lớn hơn, từ đó kích hoạt áp lực bán từ các nhà quản lý quỹ và làm gia tăng áp lực lên thị trường”, IMF cho biết.

IMF ước tính đầu tuần này rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ thu hẹp 4,9% trong năm nay, trước khi tăng trưởng 5,4% vào năm 2021. Cả hai ước tính đều bị hạ xuống so với dự báo vào tháng Tư.

“Có một sự không chắc chắn rất lớn”, theo Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF đánh giá.

Bà nói thêm rằng, những hỗ trợ đáng kể cần phải được tiếp tục nhưng mức độ hỗ trợ sẽ phụ thuộc vào cách mà kinh tế phục hồi.

Chính phủ và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã đưa ra các chương trình kích thích lớn trong nỗ lực giữ cho các nền kinh tế hoạt động. Tại châu Âu, ngân hàng trung ương châu Âu đang thực hiện mua trái phiếu chính phủ như là một phần của chương trình khẩn cấp 1,35 nghìn tỷ euro (1,5 tỷ USD) để giữ chi phí vay thấp cho các chính phủ khu vực đồng euro.

IMF cũng cảnh báo rằng, nợ doanh nghiệp đã tăng lên trong nhiều năm và hiện đang ở mức cao trong lịch sử so với GDP. Bên cạnh đó, khoản nợ của các hộ gia đình cũng tăng nhanh trong những năm qua, đây cũng là thành phần dễ chịu tổn thương và có thể ảnh hưởng lớn hơn đến cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra.

“Mức nợ cao có thể trở nên khó kiểm soát đối với một số người vay và những tổn thất do mất khả năng thanh toán sẽ kiểm ra năng lực ứng phó của ngân hàng ở một số quốc gia”, theo IMF.

Tin bài liên quan