IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Ba (30/1), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên cao hơn với lý do sức mạnh bất ngờ của nền kinh tế Mỹ và các biện pháp hỗ trợ tài chính ở Trung Quốc.
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Cụ thể, IMF dự đoán tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024 sẽ đạt mức 3,1%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10 trước đó, tiếp theo là mức tăng trưởng 3,2% vào năm 2025.

Các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn bao gồm Brazil, Ấn Độ và Nga cũng hoạt động tốt hơn so với dự báo trước đây.

IMF tin rằng khả năng xảy ra suy thoái kinh tế sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh đã giảm đi, bất chấp những rủi ro mới từ giá hàng hóa tăng vọt và các vấn đề về chuỗi cung ứng do biến động địa chính trị ở Trung Đông.

IMF dự báo tăng trưởng trong năm nay là 2,1% ở Mỹ, 0,9% ở cả khu vực đồng euro và Nhật Bản, và 0,6% ở Anh.

“Những gì chúng ta thấy là nền kinh tế toàn cầu rất kiên cường trong nửa cuối năm ngoái và điều đó sẽ tiếp tục kéo dài sang năm 2024”, nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas cho biết.

“Đây là sự kết hợp giữa nhu cầu mạnh mẽ, tiêu dùng tư nhân và chi tiêu chính phủ. Ngoài ra, một điều cũng khá quan trọng trong bối cảnh hiện tại, là một thành phần cung ứng…, đó là thị trường lao động rất mạnh mẽ, những xung đột trong chuỗi cung ứng đang giảm bớt và sự sụt giảm của giá năng lượng và hàng hóa”, ông cho biết thêm.

Các số liệu chính thức mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ đã vượt qua kỳ vọng của các nhà kinh tế trong quý IV/2023, với mức tăng trưởng 3,3%.

Trong khi đó, Trung Quốc đã phải đối mặt với một loạt vấn đề trong năm qua, bao gồm sự phục hồi không đạt kỳ vọng về chi tiêu sau đại dịch, lo ngại về giảm phát và cuộc khủng hoảng lĩnh vực bất động sản đang diễn ra. Chính phủ Trung Quốc đã triển khai một loạt biện pháp kích thích để hỗ trợ đà hồi phục của nền kinh tế, góp phần nâng cao dự báo tăng trưởng của IMF.

IMF hiện dự báo Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,6% trong năm nay, tăng so với mức 4,2% trong dự báo vào tháng 10 nhưng giảm so với mức tăng trưởng 5,2% vào năm 2023. Chi tiêu của chính phủ đã giúp bù đắp thiệt hại từ sự suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc.

Mặt khác, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu của IMF vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu từ năm 2000 đến năm 2019 là 3,8%. IMF cho biết, các vấn đề như lãi suất cao hơn, việc rút lại một số chương trình hỗ trợ tài chính và tăng trưởng năng suất thấp tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.

Nhưng chính sách tiền tệ hạn chế đã khiến lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến ở hầu hết các khu vực. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 5,8% vào năm 2024 và 4,4% vào năm 2025. Ở các nền kinh tế phát triển, lạm phát được dự báo sẽ giảm xuống còn 2,6% trong năm nay và 2% vào năm tới.

“Cuộc chiến kiểm soát lạm phát đang giành thắng lợi và chúng ta có nhiều khả năng hạ cánh nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, điều đó tạo tiền đề cho các ngân hàng trung ương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và các tổ chức khác bắt đầu nới lỏng lãi suất chính sách”, nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas cho biết.

“Dự đoán ngay bây giờ là các ngân hàng trung ương sẽ chờ đợi để có thêm một chút dữ liệu, họ sẽ họp từng cuộc họp, họ phụ thuộc vào dữ liệu, xác nhận rằng chúng ta đang đi trên con đường đó. Đó là cơ sở. Và nếu đúng như vậy thì đến nửa cuối năm nay chúng ta sẽ chứng kiến việc cắt giảm lãi suất”, ông cho biết thêm.

Ngoài ra, mặc dù các ngân hàng trung ương không được nới lỏng quá sớm, nhưng cũng có nguy cơ xảy ra chính sách quá chặt chẽ trong thời gian dài, điều này sẽ làm chậm tăng trưởng và khiến lạm phát ở các nền kinh tế phát triển xuống dưới 2%.

​Mặt khác, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với một số rủi ro. Một là thị trường tài chính đã trở nên quá tự tin rằng Fed sẽ đảo ngược lộ trình và bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay sau cuộc họp vào tháng 3. Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, ông không kỳ vọng việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu cho đến nửa cuối năm 2024. Các nhà đầu tư thất vọng có thể kéo giá cổ phiếu xuống nếu họ không thấy lãi suất thấp hơn ngay như mong đợi.

Một vấn đề khác là căng thẳng địa chính trị, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, có thể làm gián đoạn thương mại thế giới. Một số chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden, bao gồm cả những chính sách mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất chip máy tính và công nghệ xanh của Mỹ, có thể vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tin bài liên quan