Indonesia: Lạm phát lần đầu hạ nhiệt kể từ đầu năm 2022

Indonesia: Lạm phát lần đầu hạ nhiệt kể từ đầu năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Indonesia chỉ tăng 4,63% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là lần hạ nhiệt đầu tiên sau 7 tháng tăng liên tục.

Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) cho biết, tỷ lệ lạm phát ở quốc gia Đông Nam Á này đã hạ nhiệt lần đầu tiên sau 7 tháng tăng liên tục, trong bối cảnh giá cả thực phẩm, dịch vụ giao thông và viễn thông đều đi xuống.

Ông Margo Yuwono, người đứng đầu BPS cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 chỉ tăng 4,63% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 4,94% của tháng 7.

Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát lõi tiếp tục tăng mạnh, lên mức 3,04% từ 2,86% hồi tháng trước. Chỉ số này trong 8 tháng đầu năm nay đạt 3,63%, cao hơn nhiều so với mức chỉ 0,84% vào cùng kỳ năm ngoái.

Việc lạm phát tăng chậm lại có thể khiến Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) cân nhắc khi triệu tập cuộc họp định kỳ vào ngày 22/9 tới để quyết định động thái chính sách tiếp theo.

Hồi tháng trước, BI đã tăng lãi suất điều hành lên 3,75% - lần tăng đầu tiên kể từ tháng 10/2018, trong bối cảnh ngân hàng trung ương này dự báo rằng chính phủ sẽ sớm quyết định tăng giá nhiên liệu được trợ cấp.

Trước đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia, ông Perry Warjiyo dự báo rằng, lạm phát năm nay có thể lên tới 5%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với trần mục tiêu của cơ quan này.

Ngày 3/9, Indonesia đã tăng khoảng 30% giá nhiên liệu được trợ giá trong bối cảnh chính phủ nước này nỗ lực kiềm chế ngân sách dành cho trợ cấp năng lượng gia tăng.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã thông qua gói trợ cấp năng lượng năm 2022 lên tới 502.000 tỷ rupiah (34 tỷ USD), tăng gấp 3 lần so với ngân sách ban đầu, do giá dầu mỏ tăng trên toàn thế giới và đồng rupiah mất giá.

Theo Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati, nếu không tăng giá, ngân sách trợ cấp cho năng lượng sẽ tăng lên tới 698.000 tỷ rupiah. Bà ước tính tổng trợ giá năng lượng trong năm nay sẽ dao động từ 591.000 - 649.000 tỷ rupiah sau khi tăng giá nhiên liệu, với giả thuyết giá dầu thô trung bình nằm trong khoảng từ 85-100 USD/thùng từ nay đến cuối năm.

Tin bài liên quan