Sản xuất bia tại Công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn – đơn vị sẽ IPO vào cuối năm nay

Sản xuất bia tại Công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn – đơn vị sẽ IPO vào cuối năm nay

IPO các doanh nghiệp nhà nước: Lùi hay tiến?

Để đi đến mốc IPO, mỗi doanh nghiệp đều phải lên kế hoạch hàng năm trời, nhiều doanh nghiệp phải thuê tư vấn nước ngoài thực hiện. Hơn nữa, giá bán cổ phần là một yếu tố nhưng không phải là mục tiêu tối thượng của cổ phần hóa. Nếu vì giá để kéo chậm lại tiến trình cổ phần hóa sẽ có nhiều thiệt hại khác khó có thể đong đếm…

“Lo” thặng dư vốn thấp?

Trên thực tế, cho đến nay hầu hết các “đại gia” nằm trong danh sách IPO năm nay đều chưa nhận được chỉ đạo gì từ Chính phủ về việc lùi thời hạn IPO và cũng chưa có doanh nghiệp nào công bố thay đổi kế hoạch. Theo Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29-12-2006 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2007 sẽ có 20 tổng công ty lớn của nhà nước cổ phần hóa, tiến hành IPO. Sau đó có thêm 6 doanh nghiệp lớn nữa được bổ sung vào danh sách này.

Theo ông Nguyễn Trọng Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ): “Nếu cố làm thì cũng hoàn thành kế hoạch, nhưng ồ ạt quá, IPO liên tục thì cung sẽ lớn hơn cầu, lợi ích của Nhà nước sẽ không được như mong muốn”. Ông Dũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo, giao cho Bộ Tài chính phải “điều hòa” lại lộ trình IPO các doanh nghiệp có quy mô lớn sao cho phù hợp.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đến thời điểm này thị trường chứng khoán đã “bội thực” do cung lớn quá cầu. Theo số liệu tổng hợp, từ đầu năm đến nay có hơn 40 doanh nghiệp nhà nước tổ chức đấu giá gần 460 triệu cổ phiếu. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm còn có các đợt IPO lớn như của Vietcombank, BIDV, Incombank, MHB, MobiFone, Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco)... Với  đà “suy thoái” của thị trường chứng khoán thời gian qua, nếu IPO dồn dập, giá sẽ thấp, thiệt thòi cho Nhà nước.

Thế nhưng, cân nhắc lộ trình IPO như thế nào lại là vấn đề không dễ. Để đi đến mốc IPO, mỗi tổng công ty đều phải lên kế hoạch hàng năm trời, nhiều doanh nghiệp phải thuê tư vấn nước ngoài thực hiện. Hơn nữa, giá bán cổ phần là một yếu tố nhưng không phải là mục tiêu tối thượng của cổ phần hóa. Nếu vì giá để kéo chậm lại tiến trình cổ phần hóa sẽ có nhiều thiệt hại khác khó có thể đong đếm…

Chẳng hạn, như Tổng công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco), nếu hoãn IPO sẽ ảnh hưởng ngay đến dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bia công suất 100 triệu lít/năm tại Vĩnh Phúc. Ông Nguyễn Văn Việt, Tổng Giám đốc Habeco cho biết, hiện Habeco vẫn đang khẩn trương tiến hành làm các thủ tục như định giá tài sản, cụ thể hóa phương án cổ phần hóa... để chuẩn bị cho cho kế hoạch IPO vào quý 3 năm nay. Trao đổi với ĐTTC, lãnh đạo Habeco tỏ ra không mấy lo ngại về khả năng bão hòa của thị trường. “Với thương hiệu và triển vọng của Habeco, nhà đầu tư sẽ biết cách lựa chọn” - một quan chức trong Ban đổi mới doanh nghiệp của Habeco khẳng định.

Không muốn lùi!

Quan điểm này có vẻ phù hợp với Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank), đơn vị đang quyết tâm tiến hành IPO vào tháng 10 tới. Ông Phạm Huy Hùng, Tổng Giám đốc Incombank tin tưởng nói: “Là nhà đầu tư chứng khoán, nếu ai không mua cổ phiếu Incombank thì sẽ thiệt thòi”. Đương nhiên, Incombank có phương án của mình để làm sao việc cổ phần hóa được hiệu quả nhất, đó là bên cạnh phát hành trong nước, ngân hàng này sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu ở nước ngoài. Dù chưa tiết lộ tỷ lệ cổ phần bán ra cho từng đợt, nhưng ông Phạm Huy Hùng tuyên bố lấp lửng: “Hiện nay ai cũng biết nguồn vốn trong nước đã không còn nhiều! Vì thế cần tìm kênh vốn khác dồi dào hơn”.

Trong danh sách các doanh nghiệp lớn được cổ phần hóa trong năm nay, ngành xây dựng có tới 4 “đại gia”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đinh Tiến Dũng cho biết, từ nay đến cuối năm, bộ sẽ hoàn thành việc phê duyệt giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần cho 18 đơn vị trực thuộc; trong đó có 3 tổng công ty lớn là Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA), Tổng Công ty Sông Hồng, Tổng Công ty Xây dựng số 1. Bộ cũng khuyến khích các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điều này cũng có nghĩa, kế hoạch IPO của các “đại gia” này không thay đổi so với kế hoạch. Chỉ riêng Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD), tiến trình cổ phần hóa sẽ chậm lại, bởi Chính phủ vừa có quyết định chuyển đổi HUD thành Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị.

Thời điểm tốt cho IPO?

Như vậy, đa số các tổng công ty trong danh sách 26 doanh nghiệp nhà nước lớn có kế hoạch cổ phần hóa trong năm nay sẽ không lùi IPO. Đương nhiên, như đã phân tích ở trên, với kế hoạch IPO “dồn toa” như vậy, cho dù có theo phương án “mỗi tháng tiến hành IPO một doanh nghiệp lớn” thì  cũng không hy vọng tất cả các cuộc IPO đều thành công, xét về khía cạnh lợi ích của Nhà nước.

Tuy nhiên, nếu xét từ góc độ doanh nghiệp, giá cổ phần qua IPO không cao chưa hẳn đã là điều không hay. “Nếu giá quá cao, người lao động của chúng tôi làm sao mua nổi. Và như vậy, lại dẫn đến tình trạng bán quyền mua; cổ phiếu được gom vào một số tổ chức, cá nhân, đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa” - Tổng giám đốc một doanh nghiệp sắp tiến hành IPO nói. Hơn nữa, nếu giá đấu IPO thấp nhưng sau đó thị giá tăng lên thì chính những người lao động ở doanh nghiệp đó được lợi. Với quan điểm này, các doanh nghiệp chẳng dại gì lùi tiến độ IPO để bị mang tiếng là “cản trở” quá trình cổ phần hóa.

Còn xét ở khía cạnh quản lý, theo một chuyên gia kinh tế thì nếu trì hoãn các cuộc IPO của tổng công ty lớn thì biết hoãn đến bao giờ? Ai có thể dự đoán và chỉ ra thời điểm thích hợp nhất để tiến hành IPO? Và cho dù có làm được điều này, thì tại thời điểm được cho là thích hợp nhất đó, các doanh nghiệp cũng sẽ đua nhau tiến hành IPO để chớp thời cơ thị trường. Và như thế, lại lặp lại tình trạng “bội thực”, “dồn toa” IPO như đang được cảnh báo hiện nay. Như thế, rõ ràng việc lùi IPO các doanh nghiệp lớn sẽ đi vào ngõ cụt. Vấn đề đặt ra hiện nay là cách thức tiến hành IPO thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Và trả lời câu hỏi này cũng đang là một vấn đề hóc búa!?