Với chủ trương thoái vốn nhà nước và nới room sẽ mở ra cơ hội thực cho NĐT nước ngoài rót vốn

Với chủ trương thoái vốn nhà nước và nới room sẽ mở ra cơ hội thực cho NĐT nước ngoài rót vốn

IPO doanh nghiệp nhà nước, nguồn hàng hấp dẫn khối ngoại

(ĐTCK) Tại hội thảo “Cơ hội và thách thức khi đầu tư vào TTCK Việt Nam - Góc nhìn nhà đầu tư nước ngoài” do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) phối hợp với Stoxplus tổ chức cuối tuần qua, các diễn giả cho rằng, với nền kinh tế có dân số hơn 90 triệu dân, tốc độ tăng trưởng GDP 7 - 8%, TTCK Việt Nam là điểm hấp dẫn các NĐT nước ngoài. Nhưng quy mô thị trường và chất lượng hàng hoá niêm yết vẫn là yếu tố quan tâm hàng đầu của khối này.

Khẩu vị NĐT nước ngoài

Theo thống kê của Stoxplus, tại thời điểm tháng 7/2015, sở hữu của NĐT nước ngoài tại các công ty niêm yết Việt Nam vào khoảng 17,4%, tương đương 10,7 tỷ USD, quá nhỏ so với tiềm năng của khối này. Trong tháng 5, giá trị giao dịch của NĐT tổ chức nước ngoài chiếm 13% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, NĐT tổ chức trong nước chiếm 13%, còn phần lớn là giao dịch của NĐT cá nhân trong nước, chiếm tới 73%.

Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc CTCP Stoxplus cho biết, NĐT nước ngoài thường thích đầu tư vào những DN có thể kết nối trực tiếp đến 90 triệu dân của Việt Nam, chẳng hạn DN trong ngành hàng tiêu dùng, chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm, viễn thông, thực phẩm…, đặc biệt là những DN có tốc độ tăng trưởng đạt 2 con số, cũng như có quy mô vốn điều lệ trên 50 triệu USD.

Đối với những DNNN sắp cổ phần hóa, khẩu vị của khối ngoại cũng là những nhóm ngành liên quan trực tiếp đến tiêu dùng, đạt mức tăng trưởng 2 con số, doanh thu từ 200 triệu USD trở lên và ít nhất tăng trưởng 20% về chỉ tiêu này.

“NĐT nước ngoài cũng rất quan tâm tới sự ổn định kinh tế vĩ mô, khung pháp lý và tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trong các đợt IPO. Họ muốn nắm cổ phần chi phối tại DN hơn là ở mức tối thiểu”, ông Thuân nói.

Bên cạnh đó, bà Yoko Ogimoto, chuyên gia tư vấn cao cấp Viện Nghiên cứu Nomura cho rằng, đối với các DNNN, các NĐT cũng rất quan tâm tới bộ máy quản trị, ban lãnh đạo, tính minh bạch, công khai thông tin, nhằm tìm kiếm được những công ty tốt như Vinamilk khi lên sàn.

Điểm khác biệt của TTCK Việt Nam chính là IPO không có nghĩa là niêm yết ngay. Do vậy, các NĐT nước ngoài, nhất là NĐT Nhật Bản thường thích các DN niêm yết hơn vì thông tin minh bạch và thanh khoản tốt hơn. 

IPO DNNN, nguồn hàng tốt được mong chờ

TTCK Việt Nam hiện có vốn hóa khoảng hơn 60 tỷ USD, thanh khoản khoảng 100 triệu USD/phiên. Ông Takeuchi Koichi, chuyên gia chiến lược đầu tư của Japan Securities Incorporated (JSI), Nhật Bản nhận định, Việt Nam là thị trường năng động, chỉ số P/E thấp so với các nước trong khu vực, là điểm hấp dẫn với khối ngoại. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa của thị trường khá thấp trong tương quan so sánh với GDP, nên để thu hút dòng vốn ngoại nhiều hơn, cần tăng quy mô vốn hoá thị trường hơn nữa.

Tại hội thảo, các diễn giả đều đánh giá, Nghị định 60/2015/NĐ-CP trong đó có quy định nới room cho NĐT nước ngoài đã mang lại hiệu ứng tích cực cho TTCK. Tuy nhiên, với những quy định ràng buộc về ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên để hoàn thiện sẽ cần nhiều thời gian. Trước mắt, các thương vụ M&A và thỏa thuận riêng lẻ, các quỹ tư nhân có lợi từ nghị định này.

Theo một nhà quản lý quỹ Singapore, hiện khối ngoại đang sở hữu nhiều hơn tại các thị trường khác, thông tin nới room có giúp thị trường Việt Nam thu hút thêm dòng vốn ngoại hay không phụ thuộc vào chất lượng hàng hoá, quy mô thị trường và phương pháp định giá các DN. “Hơn 600 công ty nhưng vốn hoá chỉ gần 60 tỷ USD là quá thấp, khó có thể thu hút NĐT nước ngoài, đây chính là rào cản”, vị này nói.

Đồng tình với ý kiến trên, theo ông Thuân, đa số các NĐT nước ngoài nhận định TTCK Việt Nam là tiềm năng và đánh giá cao chính sách nới room cho khối ngoại vừa được ban hành, nhưng nếu không có hàng hoá tốt thì họ cũng không tham gia được.

“Hiện có nhiều cổ phiếu tốt đã hết room, nhưng có nới room thì chưa chắc NĐT nước ngoài đã đầu tư thêm vì sẽ khiến cổ phiếu đắt hơn. Nhiều cổ phiếu hết room đã có định giá rất cao”, ông Thuận nói và cho rằng, một trong những nguồn hàng chính là cổ phần hóa DNNN, nhưng là bao giờ và lộ trình ra sao?

Ở một khía cạnh khác, bà Yoko cho rằng, Việt Nam có một số quy định khá chặt đối với NĐT nước ngoài, nhất là NĐTchiến lược nếu muốn mua các DNNN sắp cổ phần hóa. Chẳng hạn, NĐT chiến lược cần hỗ trợ rất nhiều cho DN và không được bán cổ phần trong vòng 5 năm. Điều này không nên bắt buộc theo quy định mà nên để các bên tự thoả thuận khi ký kết hợp tác. Hay quy định về mức phí thuê đơn vị tư vấn tài chính cũng nên để các bên tự thống nhất với nhau. 

Hiện thị trường có khoảng 1.300 công ty chưa niêm yết, khối ngoại chỉ nắm giữ khoảng 3% trong số này. Với chủ trương thoái vốn Nhà nước và nới room, NĐT ngoại chờ đợi sẽ mở ra cơ hội thực cho họ rót vốn.        

Tin bài liên quan