IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu

(ĐTCK-online) Từ 15h đến 17h thứ Hai, ngày 15/12/2008, các khách mời của Đầu tư chứng khoán điện tử, bao gồm: Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank; TS. Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế; GSTS. Cao Cự Bội – Chuyên gia kinh tế; Bà Lê Lệ Hằng – Giám đốc tư vấn đầu tư – CTCK SSI đã có mặt và sẵn sàng giao lưu với độc giả trong chương trình Bàn tròn trực tuyến: “IPO Vietinbank: Khẳng định sức mạnh thương hiệu”.
 
     
NỘI DUNG TRỰC TUYẾN

IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 1

Hà Đình Sơn - Hồng Bàng, Hải Phòng - (Email: dinhson_2893@yahoo.com.vn)

Xin hỏi các vị một câu, mong nhận được câu trả lời cởi mở và chân tình.

Vì sao Viettinbank lại IPO vào thời điểm này khi thị trường có dấu hiệu không thuận lợi? Liệu đợt IPO có thành công?

 Ông Phạm Huy Hùng: Việc IPO vào lúc này là kết quả của sự chuẩn bị gần 4 năm liền cũng như hệ quả tất yếu của quá trình tái cơ cấu hoạt động của Vietinbank.

Mục đích cổ phần hoá là để tăng cường năng lực hoạt động, nâng cao chất lượng quản trị, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập. Hiện tại, các điều kiện để IPO đã đầy đủ, trong khi cổ phần hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với tất cả doanh nghiệp nhà nước chứ không phải đối với riêng bất cứ doanh nghiệp nào.

Chưa kể, đối chiếu với những cam kết trong tiến trình hội nhập, trong đó, ngành ngân hàng là đến đầu tháng giêng năm 2011, Việt Nam phải xóa bỏ mọi rào cản, đối xử quốc gia đầy đủ đối với mọi định chế tài chính.
Chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của đợt IPO này!

 

Phùng Thị Phượng - Hà Đông, Hà Nội - (Email: phuong_miss08@yahoo.com)

Cám ơn ĐTCK đã tổ chức buổi giao lưu này để nhà đầu tư chúng tôi có thêm kênh thông tin tìm hiểu về Vietinbank. Tôi xin hỏi lãnh đạo Vietinbank 2 câu hỏi nhỏ, mong nhận được câu trả lời thật tình.

1. Chiến lược của Viettinbank sau CPH là gì? Có sự thay đổi lớn nào trong quản trị của Viettinbank?

2. Hiện Vietinbank đang thực hiện cho vay các dự án lớn: điện, cơ sở hạ tầng. Sau CPH ngân hàng có chuyển hướng kinh doanh hay không?

Xin cám ơn và chúc sức khỏe các vị!

 Ông Phạm Huy Hùng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 2
Ông Nguyễn Anh Tuấn (phải), Tổng Biên tập Báo Đầu tư tặng hoa ông  Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT VietinBank
1. Mục tiêu của VietinBank sau khi cổ phần hóa là sẽ trở thành tập đoàn tài chính hàng đầu tại Việt Nam, ngang tầm với khu vực và vươn xa tầm hoạt động ra thế giới. Quý vị có thể tham khảo mô hình hoạt động của Tập đoàn Tài chính ngân hàng CTVN trong bản công bố thông tin, các mảng hạt động chính của tập đoàn sẽ bao gồm: Hoạt động ngân hàng thương mại, hoạt dộng ngân hàng đầu tư, các dịch vụ tài chính ngân hàng khác. Ngoài hoạt động ngân hàng chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong đó xác định rõ các lĩnh vực chính để đầu tư, xây dựng danh mục đầu tư hợp lý, an toàn và hiệu quả.

Sau khi chuyển sang mô hình cổ phần, NHCT Việt Nam sẽ quản trị theo mô hình doanh nghiệp cổ phần theo quy định của pháp luật, có kế thừa các thông lệ quản trị ngân hàng tiên tiến trên thế giới. Các đặc tính ưu việt của mô hình quản trị doanh nghiệp cổ phần cùng với sự thay đổi về chất hoạt động quản lý điều hành, chúng tôi chắc chắn rằng hoạt động của NHTMCPCT Việt Nam sẽ năng động hơn và được quản trị tốt hơn, hoạt động có hiệu quả hơn.

2. Với vai trò là một ngân hàng thương mại nhà nước lớn, trong hoạt động cho vay nền kinh tế, NHCTVN đã và đang thực hiện cho vay các dự án lớn về cơ sở hạ tầng như Điện, viễn thông, công nghiệp xây dựng, dầu khí…Đây là các dự án quan trọng của quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên bên cạnh đó NHCTVN cũng đẩy mạnh cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài trợ xuât khẩu…Sau cổ phần hóa bên cạnh các hoạt động cho vay đối với các khách hàng lớn chúng tôi sẽ đa dạng hóa các đối tượng khách hàng trong đó chú trọng vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng cá nhân.
 

Trung Đức - Kiên Giang - (Email: ngtrungduc_kg@yahoo.com.vn)

Ông Phạm Huy Hùng mới đấy đã khẳng định, đấu giá Vietinbank không ế. Cơ sở nào để ông khẳng định như vậy khi mà thị trường chứng khoán hiện nay đang suy giảm nghiêm trọng.

 Ông Phạm Huy Hùng

Đợt IPO này của Vietinbank diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang suy giảm, tuy nhiên tôi vẫn tin rằng cổ phiếu của Vietinbank không ế bởi vì chúng tôi tin vào chất lượng và sự hấp dẫn của cổ phiếu NHCTVN, cổ phiếu của một ngân hàng hàng đầu, hoạt động chuyên nghiệp với tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ hiện đại, nhân sự có trình độ cao, mạng lưới rộng khắp. Mặt khác khối lượng bán đợt này với trên 53 triệu cổ phiếu không phải là lớn, giá khởi điểm được đưa ra rất hấp dẫn.

Trong khi TTCK suy giảm chúng tôi tin tưởng Vietinbank sẽ đấu giá thành công, đạt kết quả rất tốt. Vì sau 21 năm xây dựng và phát triển của hệ thống Ngân hàng Công thương, đến nay chúng tôi có thể khẳng định là một NH uy tín có vị trí hàng đầu tại Việt Nam. Với những nỗ lực và cố gắng đầu tư hơn 20 năm vừa qua, đến nay Vietinbank có một tổng tài sản lớn, quy mô mạng lưới rộng khắp. Ngoài Hội sở chính còn có 3 Sở giao dịch, 140 chi nhánh, 700 phòng giao dịch và điểm giao dịch đóng trên 60 tỉnh, thành phố trên cả nước và có quan hệ với hơn 700 ngân hàng lớn trên thế giới.
Ngoài ra có các công ty thành viên như: CTCK, công ty bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính; công ty quản lý, khai thác tài sản, mua bán nợ, có ngân hàng liên doanh Indovina với ngân hàng Cathay (Đài Loan. Với tổng tài sản hàng năm tăng trên 20%, chất lượng nghiệp vụ sản phẩm dịch vụ ngân hàng tốt, kết quả kinh doanh năm sau cao hơn năm trước, đầu tư công nghệ hiện đại hóa ngân hàng và chất lượng nguồn nhân lực tốt, cũng như mục tiêu định hướng chiến lược phát triển trong tương lai của Vietinbank. Đặc biệt với mức giá khởi điểm của CP là 20.000đ/CP, chúng tôi có thể khẳng định CP đấu giá của Viettinbank lần này là loại CP có chất lượng tốt nhất trong tất cả các CP đang giao dịch trên TTCK Việt Nam. Giá đó phản ánh hết sức thực chất không có phần trăm ảo nào trong đó, là cơ hội hiếm có cho các NĐT nắm giữ CP Viettinbank. Nắm giữ CP Viettinbank chính là nắm giữ vàng ròng, đầu tư thực sự cho cả ngắn hạn và trung,dài hạn. Sau khi CPH. Vietinbank sẽ hướng tới thành lập tập đoàn tài chính ngân hàng Công thương Việt Nam, phát triển mạnh mẽ, tích cực hội nhập quốc tế. Đợt IPO lần này có 4% vốn điều lệ tương ứng 53 triệu CP, tháng 4 năm 2009 sẽ niêm yết trên sàn tạo tính thanh khoản cao trên TTCK, hệ số sinh lời sẽ rất cao. Tôi cho rằng NĐT sẽ có sự lựa chọn sáng suốt vì lợi ích của mình.

 

Đậu Minh Dân - Quảng Ninh - (Email: minhdan_dauhut@gmail.com)

Xin chào bác Doanh, cháu xin hỏi bác một câu, mong nhận được câu trả lời thật tình của bác.
Bác có chơi chứng khoán không? Nếu có, bác thích mua cổ phiếu trên sàn hay qua IPO. Năm qua bác có lỗ không?
Xin cám ơn và chúc sức khỏe bác!

 TS. Lê Đăng Doanh
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 3
TS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế
Xin trả lời câu hỏi của bạn. Tôi không chơi chứng khoán vì không có thời gian. Hiện nay, thời gian của tôi tập trung vào nghiên cứu.
 

Hải - Hà Nội - (Email: hắisgt@yahô.com)

Xin hỏi bà Lê Lệ Hằng: Bà cho biết cách thức định giá khởi điểm của Vietinbank. Liệu mức giá 20.000 đồng có phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp. Theo các phương pháp định giá khác nhau, mức giá thấp nhất của Vietinbank là bao nhiêu.

 Bà Lê Lệ Hằng: Chúng tôi đã làm việc với tổ giúp việc cổ phần hóa Vietinbank và cùng thống nhất trình lên Ban chỉ đạo cổ phần hóa và Chính phủ, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước về mức giá khởi điểm này. Mức giá 20.000 đồng/cp không quá xa so với giá trị nội tại của Vietinbank được JPMorgan đánh giá và phản ánh tiềm năng phát triển của Vietinbank.

 

Lâm Hoàng Long - Cầu Giấy - Hà Nội - (Email: hoanglong_lam0@yahoo.com)

Xin chào các vị, cho tôi hỏi đại diện Vietinbank 2 câu hỏi.
1. Xin cho biết việc định giá của Viettinbank trước khi CPH do đơn vị nào thực hiện. Việc đưa ra mức giá khởi điểm 20.000đ/CP dựa trên những căn cứ tính toán nào?
2. Việc Vietcombank sau khi CPH đã nhiều lần khất hứa niêm yết. Viettinbank có lâm vào tình trạng này?
Xin cám ơn!

 Ông Phạm Huy Hùng: 1. Vietinbank chuẩn bị gần 4 năm liền cho sự kiện IPO vào 25/12/2008. Chúng tôi đã mời các tổ chức tư vấn nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia vào quá trình này như: tư vấn tài chính, cổ phần hóa và xác định giá trị doanh nghiệp là Công ty TNHH J.P.Morgan Securities, tư vấn kiểm toán là Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, tư vấn pháp lý là Công ty Luật hợp danh YKVN và Công ty luật Duan Morris (Mỹ), tư vấn bán đấu giá trong nước là Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Mức giá khởi điểm là 20.000 đồng/cổ phần. Mức giá này được xác định dựa trên cơ sở kết quả xác định giá trị doanh nghiệp (giá trị nội tại), và giá cả cổ phiếu giao dịch thực tế trên thị trường của một số NHTM, TCTD có tính chất gần tương tự như NHCT Việt Nam. Giá khởi điểm đã được Chính phủ phê duyệt. Đây chỉ là giá khởi điểm, giá đấu giá thực tế sẽ do thị trường quyết định.

2. Chúng tôi hiểu mong muốn của nhà đầu tư. Về phía Vietinbank chúng tôi có thể cam kết thực hiện đúng với lộ trình chuyển đổi đã đề ra. Khó có thể so sánh IPO của Vietcombank với Vietinbank do thời điểm khác nhau và mức giá khởi điểm cũng khác nhau. Các yếu tố thị trường đã được tính toán khi đề ra mức giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phần nhằm đảm bảo đợt IPO thành công. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện các cam kết đối với các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu của Vietinbank. Chúng tôi có kế hoạch niêm yết cố phiếu sau khi chuyển đổi thành NHTM cổ phần, trên cơ sở nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 4
 

Bùi Tuấn Anh - Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc - (Email: buianh_23588@yahoo.com)

Xin cho biết tổng tài sản hiện nay của Vietinbank, vốn điều lệ, tổng dư nợ, dư nợ cho vay bất động sản và đầu tư tài chính của ngân hàng?

 Ông Phạm Huy Hùng: Tại thời điểm 30/9/2008 tổng tài sản của Vietinbank là 187.534 tỷ đồng, vốn điều lệ là 7.626 tỷ đồng, tổng dư nợ là 120 ngàn tỷ. Đầu tư vào chứng khoán là 26.815 tỷ đồng, trong đó trên 98% là đầu tư vào trái phiếu chính phủ, các giấy tờ có giá có lợi suất hấp dẫn và an toàn cao. Đặc biệt tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank 1,02% đây là con số rất ấn tượng khi so sánh tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trong thời điểm hiện nay nó chứng minh khả năng về quản trị rui ro của Vietinbank đang được thực hiện tốt.

 

Tăng Hải Nam - Vũng Tàu - (Email: hainam35@yahoo.com)

Kế hoạch lên sàn niêm yết của Vietinbank như thế nào? Ông có cam kết chắc chắn thực hiện kế hoạch này hay không? Tôi là cổ đông của Vietcombank và đã rất thất vọng khi chỉ được nghe hứa hão về việc niêm yết.

 Ông Phạm Huy Hùng: Ngay sau khi chính thức hoàn tất các thủ tục chuyển thành Ngân hàng cổ phần, Vietinbank sẽ tiến hành các thủ tục cần thiết để niêm yết cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán tập trung.

 

Ngô Minh Đức - Long Xuyên - (Email: ngominhduc@yahoo.com)

Nếu sau đấu giá, cổ phiếu của Vietinbank sụt giảm 30-50%, liệu ông có biện pháp gì nhằm hỗ trợ cổ đông? Vietinbank có mua lại cổ phiếu quỹ hay không?

 Ông Phạm Huy Hùng: Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức trong việc phát triển ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam nhằm tối đa hoá lợi ích cho cổ đông (trong đó có cổ đông Nhà nước), cho ngân hàng và cho người lao động. Việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ được Vietinbank thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với chiến lược phát triển của ngân hàng.

 

Trịnh Hoài Thu Minh - TP. HCM - (Email: thuminh89@yahoo.com)

Hỏi lãnh đạo Vietinbank

1. Thế mạnh của Vietinbank nổi trội so với các NH trong nước hiện nay là gì? Vietinbank có khả năng cạnh tranh với các NH 100% vốn nước ngoài đang được cấp phép ở VN không?

2. Vietinbank có dự định vươn tầm ảnh hưởng ra thị trường quốc tế không?

 Ông Phạm Huy Hùng: Trả lời:
Quý vị có thể tìm hiểu các thông tin về Vietinbank trên công bố thông tin, tuy nhiên nói một cách ngắn gọn thì lợi thế vượt trội của Vietinbank là tiềm lực tài chính mạnh với tổng tài sản trên 187 ngàn tỷ đồng, mạng lưới rộng khắp với trên 140 chi nhánh trong cả nước, cơ sở khách hàng đa dạng và vững mạnh, công nghệ hiện đại, nhân sự tinh nhuệ và nhiều kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng. Quản trị tốt đặc biệt là quản trị rủi ro. Nắm giữ cổ phiếu của Vietinbank đồng nghĩa với việc quý vị đang là cổ đông của một ngân hàng mạnh, có nhiều lợi thế với giá bán cổ phiếu đang rất cạnh tranh nếu tính trên giá khởi điểm.

2.Vietinbank có dự định vươn tầm ảnh hưởng ra thị trường quốc tế không?
Như định hướng chiến lược đã được vạch ra, Ngân hàng Công thương Việt Nam phấn đấu trở thành một tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam, ngang tầm khu vực và vươn xa tầm hoạt động ra thế giới, với bước đi thích hợp, bảo đảm phát triển an toàn, hiệu quả, bền vững..
Chúng tôi có kế hoạch IPO quốc tế và niêm yết cổ phiếu NHCT Việt Nam trên thị trường chứng khoán quốc tế vào thời điểm thích hợp.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 5
 

Nguyễn Thị Nga - Hà Nội - (Email: tieumaudon@yahoo.com)

Chào ông Doanh,
Ông có nói, cuộc khủng hoảng kinh tế lần này sẽ để lại hậu quả lâu dài mà không dễ gì giải quyết trong ngày một ngày hai bởi vì nguyên nhân của nó xuất phát từ tài chính - chứng khoán. Xin ông phân tích cụ thể hơn.

 TS. Lê Đăng Doanh: Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản (tín dụng dưới chuẩn ở Mỹ) và lan ra toàn bộ hệ thống tài chính tiền tệ trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng đến nền 'kinh tế thực' tức là sản xuất lưu thông đã làm suy giảm sức mua và đặc biệt là làm suy giảm niềm tin vì vậy việc khôi phục nền kinh tế thế giới không chỉ phụ thuộc vào khối lượng tiền được bơm vào hệ thống tài chính tiền tệ, mà đi kèm phải có một loạt các cuộc cải cách, như là hệ thống giám sát các ngân hàng, các tiêu chuẩn về công khai minh bạch, các chuẩn mực về sự liêm chính (integrity), hệ thống giám sát trên toàn cầu (như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, Ngân hàng thế giới WB). Vì vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ còn tiếp diễn sau khi Tổng thống Obama lên nắm quyền và phải có thời gian để cải cách cấu trúc lại các thể chế tài chính tiền tệ. Và niềm tin cũng phải có thời gian và căn cứ để hồi phục.

 

Lê Hoàng Lan - Sơn Trà, Đà Nẵng - (Email: hoanglan12_08@yahoo.com)

Xin chào ông Doanh,
Với tư cách là một chuyên gia kinh tế, ông có tham vấn gì với Bộ tài chính trong việc nhận biết thách thức và ngăn ngừa khủng hoảng này không?

 TS. Lê Đăng Doanh: Tôi là một chuyên gia kinh tế độc lập, tôi tham gia các cuộc hội thảo của Bộ Tài chính cũng như của các Bộ ngành khác khi được mời để đóng góp ý kiến. Ý kiến đó được tiếp nhận và vận dụng như thế nào thì còn phụ thuộc vào các cơ quan đó.

 

Đặng Nhất Nam - Thủ Dầu Một, Bình Dương - (Email: onenam_1986@yahoo.com)

Xin hỏi lãnh đạo Vietinbank 2 câu.

1. Thặng dư vốn sau IPO của Vietinbank được xử lý ra sao? Đây sẽ là nguồn rất lớn, liệu có chuyển hết về nhà nước mà không được để lại cho Viettinbank?
2. Sau IPO, Vietinbank có chọn được đối tác chiến lược ngay? Tiêu chí để chọn đối tác chiến lược của Viettinbank là gì?

 Ông Phạm Huy Hùng: 1. Việc xử lý thặng dư vốn, về nguyên tắc, thực hiện theo quy định của Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ. Ngân hàng Công thương Việt Nam đang đề nghị Chính phủ được giữ lại phần thặng dư vốn từ đợt bán cổ phần lần đầu dưới hình thức uỷ thác để đầu tư vào các công trình trọng điểm của Chính phủ. Kết quả cuối cùng do Chính phủ quyết định.

2. Trong quá trình xây dựng kế hoạch IPO, có rất nhiều đối tác nước ngoài ngỏ lời muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vietinbank, đến nay chúng tôi lựa chọn được danh sách 7 nhà đầu tư là các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu. Đồng thời với tổ chức đấu giá ra công chúng (4% vốn điều lệ), chúng tôi đang xúc tiến lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài và sẽ được quyết định vào thời điểm thích hợp..
Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là đối tượng mua cổ phần của NHTMCPCT phải đáp ứng các tiêu chí sau: là tổ chức tài chính có quy mô lớn, có năng lực tài chính mạnh, chất lượng hoạt động và quản trị ngân hàng tốt, có kinh nghiệm đầu tư thành công tại khu vực, có chiến lược kinh doanh phù hợp, có chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao trong cùng lĩnh vực hoạt động và đảm bảo không có xung đột về lợi ích với chiến lược phát triển của NHTMCPCTVN.
NHTMCPCT sẽ không có quá 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tổng số cổ phần chào bán lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 134.000.000 cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ của NHTMCPCT.

 

nguyenthu - Tỉnh ĐỒng Nai - (Email: Thudongnaittp@gmail.com)

Xin Bà Lê Lệ Hằng cho biết, trong năm 2009, nhận định là các ngân hàng hoạt động khó khăn hơn năm 2008 hay không? So với các ngân hàng khác, lợi thế của Vietinbank là gì theo đánh giá của SSI. Và trong tương lai thì có thể kỳ vọng ở mảng hoạt động kinh doanh chính nào của ngân hàng này?

 Bà Lê Lệ Hằng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 6

Bà Lê Lệ Hằng (trái), Giám đốc tư vấn đầu tư - CTCK SSI

Năm 2009 sẽ là một năm khó khăn hơn so với năm 2008 với hệ thống ngân hàng trong nước cũng như trên thế giới.
Theo đánh giá của SSI, Vietinbank là một trong 4 NHTM quốc doanh lớn nhất tại Việt Nam có tổng tài sản chiếm hơn 10% trong toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam. Lợi thế của Vietinbank là mạng lưới rộng khắp là cơ sở cho việc phát triển mảng ngân hàng bán lẻ và đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với từng phân đoạn khách hàng sau cổ phần hóa. Ngoài ra Vietinbank cũng sở hữu một hệ thống thông tin ngân hàng hiện đại đã được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc phát triển các dịch vụ mới trong tương lai theo mô hình ngân hàng hiện đại.
 

Trần Trọng Hòa - Biên Hòa, Đồng Nai - (Email: hoaminhai@yahoo.com)

Xin các vị so sánh Vietinbank với các cổ phiếu ngành Ngân hàng khác hiện nay. Giá khởi điểm 20.000 đồng liệu có quá cao, khi mà cổ phiếu MB hiện chỉ 16.000-17.000 đồng, các ngân hàng khác thậm chí dưới mệnh giá.

 Ông Phạm Huy Hùng: Bạn có thể so sánh với cổ phiếu của 2 cổ phiếu đang niêm yết trên sàn là ACB và STB để có thể thấy được đắt hay rẻ. Ngoài ra, tôi cũng lưu ý bạn là giá hiện nay của các cổ phiếu niêm yết trên sàn đã được thực hiện quyền mua cổ phiếu thưởng theo mệnh giá, chia cổ phiếu thưởng nhiều lần, do vây nếu tính giá thực thì đã cao hơn nhiều so với giá đang giao dịch trên sàn hiện nay của các cổ phiếu đó. Đồng thời khi định giá giá trị phần vốn thực tế của nhà nước tại ngân hàng Công thương Việt Nam là trên 16 ngàn tỷ đồng nhưng chính phủ đã cho phép không điều chỉnh sổ sách theo giá trị này mà vẫn giữ nguyên giá trị sổ sách như khi chưa đánh giá lại là trên 10 ngàn tỷ đồng, do vậy giá khởi điểm 20.000 đồng/ cổ phần thực chất chỉ cao hơn 1,25 lần giá trị thực của một cổ phần (20.000/16.000). Như vậy bạn sẽ thấy mức giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phần là rất hấp dẫn.

 GSTS. Cao Cự Bội
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 7

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn tặng hoa GS. TS Cao Cự Bội 

Theo tôi, mức giá này là rẻ, thậm chí là rất rẻ. Bởi vì, giá trị nội tại của ngân hàng này được xác định là gấp 1,6 lần so với giá trị sổ sách. Ngoài ra, giá khởi điểm là 20.000 đồng/CP chỉ bằng 1,25 lần so với giá trị nội tại của ngân hàng này và cũng chỉ bằng 2 lần so với giá trị sổ sách. Nếu muốn biết chi tiết hơn, bạn có thể tham khảo giá hiện tại của cổ phiếu ACB, STB.. trên thị trường, chứ không nên kết luận một cách chủ quan như thế. Cảm ơn bạn
 

Đinh Toàn Thắng - Q.1, TP. HCM - (Email: victoria_0101@yahoo.com)

Tôi cũng thường tham gia đầu tư trên OTC nhất là các cổ phiếu ngân hàng. IPO Vietinbank lần này cũng khá hấp dẫn tôi. Tuy nhiên tôi có một số thắc mắc xin các vị giải đáp.

1. Kết quả kinh doanh năm 2008 của Vietinbank ước tính như thế nào? Liệu Vietinbank có hoàn thành được kế hoạch đặt ra khi mà nhiều NH khác đều phải điều chỉnh giảm kế hoạch.

2. Tỷ lệ nợ xấu của các NH hiện nay đang được cho rằng đáng báo động. Vietinbank hiện nay đang áp dụng phân loại nợ theo điều 6 QĐ 493, nếu áp dụng theo điều 7 QĐ 493 thì tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên bao nhiêu?

Xin cám ơn!

 Ông Phạm Huy Hùng: 1. Trong năm 2008 mặc dù thị trường có nhiều biến động bất lợi nhưng hoạt động kinh doanh của NHCT Việt nam vẫn đạt kết quả tốt. Tổng tài sản tăng -trường 20-22%, tổng dư nợ cho vay tăng 17-18%, nguồn vốn huy động tăng 20-22%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng vốn chủ sở hữu trên 12%, tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,2% tổng dư nợ cho vay.
2. Quản trị rủi ro của NHCT Việt Nam đang được thực hiện tốt, theo đúng quy định của NHNN và áp dụng theo thông lệ quốc tế. Tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,2% tổng dư nợ cho vay.

 

Lê Minh Đăng - Tây Hồ, Hà Nội - (Email: minhdangle_1974@yahoo.com)

Sau khi cổ phần hóa, Vietinbank sẽ bán cổ phần cho cổ đông chiến lược như thế nào? Liệu có rơi vào vòng luẩn quẩn của Vietcombank?

 Ông Phạm Huy Hùng: Trong quá trình xây dựng kế hoạch IPO, có rất nhiều đối tác nước ngoài ngỏ lời muốn trở thành cổ đông chiến lược của Vietinbank, đến nay chúng tôi lựa chọn được danh sách 7 nhà đầu tư là các ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu. Đồng thời với tổ chức đấu giá ra công chúng (4% vốn điều lệ), chúng tôi đang xúc tiến lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài và sẽ được quyết định vào thời điểm thích hợp.
Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là đối tượng mua cổ phần của NHTMCPCT phải đáp ứng các tiêu chí sau: là tổ chức tài chính có quy mô lớn, có năng lực tài chính mạnh, chất lượng hoạt động và quản trị ngân hàng tốt, có kinh nghiệm đầu tư thành công tại khu vực, có chiến lược kinh doanh phù hợp, có chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao trong cùng lĩnh vực hoạt động và đảm bảo không có xung đột về lợi ích với chiến lược phát triển của NHTMCPCTVN.
NHTMCPCT sẽ không có quá 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tổng số cổ phần chào bán lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 134.000.000 cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ của NHTMCPCT.

 

Đậu Thanh Bình - Australia - (Email: thanhbinh_Queenland@yahoo.com)

Vẫn biết kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng từ tình hình thế giới, song có ý kiến cho rằng để cải thiện TTCK, nhất là tại thời điểm này không phải là không có biện pháp. Nếu ông là Bộ trưởng Bộ tài chính thì ông sẽ làm gì để TTCK “phất lên”?

 TS. Lê Đăng Doanh: Theo thông lệ quốc tế thì TTCK được quản lý bởi một cơ quan độc lập. Gần đây, các yêu cầu về công khai minh bạch phải báo cáo kịp thời về tình hình kinh doanh tài chính của các công ty niêm yết, việc ngăn chặn và trừng phạt các hành động kinh doanh nội gian (tức lợi dụng vị thế biết trước thông tin để lũng đoạn thị trường) đều bị trừng phạt nghiêm ngặt. Tôi nghĩ TTCK Việt Nam còn non trẻ và sẽ tiếp tục phát triển nếu có những cải cách thích hợp.

 

Hoàng Mai Lượng - Thanh Xuân, Hà Nội - (Email: luonghm@gmail.com)

Xin ông Hùng cho biết thực chất giá 20.000 đồng/cổ phần so với giá trị thực của phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi đánh giá lại đã tăng lên bao nhiêu phần trăm?

 Ông Phạm Huy Hùng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 8

Ông Phạm Huy Hùng

Căn cứ theo quyết định số 2604/QĐ- NHNN về công bố giá trị doanh nghiệp NHCTVN của NHNN ngày 04 tháng 11 năm 2008, giá trị sổ sách của vốn chủ sở hữu tại NHCTVN là 10.040,855 tỷ đồng, giá trị đánh giá lại là 16.085,610 tỷ đồng. Như vậy, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tăng 6.044,755 tỷ đồng, Quyết định trên cũng nêu rõ không điều chỉnh lại giá trị sổ sách kế toán theo giá trị được đánh giá lại tương đương khoảng 1,6 lần giá trị ghi trên sổ sách.
 

Lê Thị Liên - Tây Hồ, Hà Nội - (Email: hoanglien@yahoo.com)

Ông đánh giá thế nào về đội ngũ nhân sự của VietinBank hiện nay?

 Ông Phạm Huy Hùng: Đội ngũ nhân sự của VietinBank hiện nay là 14.334 người, trong đó 9.685 có trình độ đại học và trên đại học, tương đương với 67,75%. Có thể nói, đội ngũ nhân sự của Vietinbank là những người có trình độ chuyên môn cao, năng động, chăm chỉ, trung thực và luôn tự hào với thương hiệu của VietinBank.
Vấn đề cạnh tranh về nhân sự trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang rất gay gắt. Để giữ được nguồn nhân lực, NHCT Việt Nam không chỉ quan tâm đến cải thiện tiền lương mà còn có các yếu tố khác như văn hoá doanh nghiệp, môi trường làm việc và các chính sách khác đối với người lao động. Khi trở thành ngân hàng cổ phần, mỗi một người lao động là một cổ đông của Ngân hàng, do đó mối quan hệ về lợi ích của người lao động và của Vietinbank trở chặt chẽ hơn, thúc đẩy tính tích cực chủ động của đội ngũ nhân sự.
Ngày 30/9/2008 vừa qua Vietinbank đã có quyết định thành lập trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đây là mô hình trường đào tạo thuộc NHTM đầu tiên ở Việt nam. Trường có chức năng đào tạo cơ bản, đào tạo chuyên sâu, kỹ năng thực hành, tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ, sản phẩm dịch vụ và được phép liên kết với các trường đại học quốc tế đào tạo kiến thức tài chính ngân hàng trình độ đại học và trên đại học.
Tôi có thể khẳng định rằng đội ngũ nhân sự của VietinBank có chuyên môn nghiệp vụ cao và được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc.

 

Lê Hải Hà - Q. Thủ Đức, Tp. HCM - (Email: mrking007@yahoo.com)

Xin ông Hùng cho biết, lợi thế của Vietinbank so với các ngân hàng khác? Nắm giữ CP Viettinbank có ưu điểm gì?

 Ông Phạm Huy Hùng: Quý vị có thể tìm hiểu các thông tin về Vietinbank trên công bố thông tin, tuy nhiên nói một cách ngắn gọn thì lợi thế vượt trội của Vietinbank là tiềm lực tài chính mạnh với tổng tài sản trên 187 ngàn tỷ đồng, mạng lưới rộng khắp với trên 140 chi nhánh trong cả nước, cơ sở khách hàng đa dạng và vững mạnh, công nghệ hiện đại, nhân sự tinh nhuệ và nhiều kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng. Quản trị tốt đặc biệt là quản trị rủi ro. Nắm giữ cổ phiếu của Vietinbank đồng nghĩa với việc quý vị đang là cổ đông của một ngân hàng mạnh, có nhiều lợi thế với giá bán cổ phiếu đang rất cạnh tranh nếu tính trên giá khởi điểm.

 

Nguyễn Hải Lê Anh - Minh Khai, Q. 1, TP. HCM - (Email: lehaianh@gmail.com)

Xin lãnh đạo Vietinbank cho biết, nguồn vốn thu được sau khi CPH VIetinbank sẽ sử dụng như thế nào?

 Ông Phạm Huy Hùng: Đối với phần thặng dư từ đấu giá cổ phần thì Ngân hàng Công thương Việt Nam đang đề nghị Chính phủ được giữ lại phần Thặng dư vốn từ đợt bán cổ phần để dưới hình thức uỷ thác đầu tư để đầu tư vào các công trình trọng điểm, kết quả cuối cùng tùy thuộc vào quyết định của Chính phủ. Còn đối với nguồn vốn chủ sở hữu thực tế của ngân hàng sau khi cổ phần hóa thì như quý vị biết vốn nhà nước hiện tại của nhà nước tại NHCTVN vẫn giữ nguyên và đang được sử dụng cho mục đích kinh doanh, phần vốn phát hành thêm và phần thặng dư từ việc bán cổ phần được chia theo tỷ lệ giữa phần phát hành thêm và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi trừ đi chi phí cổ phần hóa sẽ được ngân hàng cổ phần bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh.

 

Nguyễn Thắng - Hoàng Quốc Việt, Hà Nội - (Email: vietthangvdt@gmail.com)

Chào bà Hằng, tôi có một thắc mắc nhỏ mong bà giải đáp.
Trong báo cáo của VOF có đưa CP ngân hàng vào danh mục đầu tư với nhận định đây là ngành có khả năng hồi phục nhanh sau suy thoái, bà nhìn nhận cơ hội với CP ngân hàng thế nào?

 Bà Lê Lệ Hằng: Về lâu dài, cổ phiếu ngành ngân hàng là cổ phiếu có tiềm năng. Tuy nhiên trong ngắn hạn, ngành này sẽ có khả năng bị ảnh hưởng nhiều từ suy thoái kinh tế toàn cầu.

 

Khổng Minh Hoàng - TP. HCM - (Email: khongminhhoang@yahoo.com)

Xin chào bà Hằng,
Tôi hiện đang nắm giữ CP của 2 ngân hàng chưa niêm yết là VPBank, VIBBank và CP của STB, danh mục CP ngân hàng như vậy theo bà có nên thay đổi tập trung cho ngành khác, đỡ chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế?

 Bà Lê Lệ Hằng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 9
 
Nhìn chung, các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm tới. Tuy nhiên không phải chỉ có ngành ngân hàng sẽ gặp khó khăn mà các ngành kinh tế khác cũng chịu ảnh hưởng chung do suy thoái kinh tế toàn cầu.
 

Việt Khoa - Hà Nội - (Email: vietkhoa2007@yahoo.com)

Tôi có 2 thắc mắc nhỏ, mong được giải đáp

1. Xin ông cho biết thương hiệu của Vietinbank được đánh giá như thế nào trong quá trình định giá tài sản để cổ phần hóa?

2. Thương hiệu ICB từ lâu đã rất quen thuộc với người dân Việt Nam, khi ICB đổi tên thành Vietinbank, liệu thị phần của Vietinbank có bị giảm sút?

 Ông Phạm Huy Hùng: 1. Xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa thực hiện theo quy định của Nghị định 109/2007/NĐ-CP của Chính phủ và thông tư 146/2007/TT-BTC cuả Bộ tài chính. Việc xác định giá trị NHCT Việt Nam được thưực hiện bởi tổ chức tư vấn cổ phần hoá JPMorgan, phù hợp với quy định của pháp luật, cùng như thông lệ quốc tế. Xác định giá trị doanh nghiệp của NHCT Việt Nam được thực hiện theo phương pháp chiết khấu dòng tiền (DCF), toàn bộ giá trị của NHCT Việt Nam (cả hữu hình và vô hình) đã được thể hiện trong kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.
2. Thực hiện chiến lược xây dựng, định vị và phát triển thương hiệu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngày 15/4/2008, Ngân hàng Công thương Việt Nam chính thức giới thiệu hệ thống nhận diện thương hiệu mới “Vietinbank” thay thế cho thương hiệu cũ “Incombank”.
Thương hiệu mới thể hiện bản sắc và tinh thần riêng của các dịch vụ và sản phẩm mà chúng tôi cung cấp, góp phần định vị VietinBank khác biệt với các Ngân hàng khác trên thì trường. VietinBank đã định hướng chiến lược phát triển thương hiệu mới là xây dựng Ngân hàng thành một tập đoàn tài chính đa sở hữu, kinh doanh đa lĩnh vực, trở thành một Ngân hàng lớn tại khu vực châu Á. Phương châm hoạt động: “Tin cậy, Hiệu quả, Hiện đại” khẳng định ba nét tính cách thương hiệu của Vietinbank, hàm ý chỉ sự nhất quán và vũng vàng về tài chính và độ tin cậy cao, đồng thời bao hàm hiệu quả trong hoạt động ngân hàng nhằm cung cấp những tiện ích tối ưu cho khách hàng của mình.

 

Hoàng Thiên Hùng - TP. HCM - (Email: hoangthienhung@yahoo.com)

Xin chào ông Hùng, xin ông giải đáp giúp câu hỏi sau.
Phát hành trong giai đoạn thị trường chứng khoán đi xuống như hiện nay, là người đứng đầu VietinBank ông có lo ngại gì không về khả năng thành công của đợt phát hành?

 Ông Phạm Huy Hùng: Với những lợi thế hiện hữu và chất lượng hoạt dộng hiện nay của NHCT Việt Nam, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào thành công của dợt IPO lần này.

 

Tô Thành Chung - Ngọc Hà, Hà Nội - (Email: tothanhchung@yahoo.com)

Nợ xấu đang là vấn đề nóng bỏng của hệ thống ngân hàng, xin ông cho biết vấn đề này ở VietinBank như thế nào?

 Ông Phạm Huy Hùng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 10
 
Ngân hàng Công thương (NHCT) đã xây dựng chiến lược cho vay từ năm 2005, trong đó nêu rõ đối tượng khách hàng mục tiêu, vị trí và lĩnh vực cần hướng tới. Khách hàng mục tiêu là các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn có tình hình tài chính lành mạnh và năng lực cao, còn khách hàng tiềm năng là các DNVVN (SMEs) và cá nhân. Thị trường mục tiêu là các thành phố lớn, các khu vực kinh tế có tiềm năng, các khu vực đô thị và khu công nghiệp đang phát triển. Đồng thời, việc phân loại các khoản nợ ở NHCT tuân theo quy định của NHNN. Hàng ngày, hệ thống kiểm soát tín dụng sẽ nhắc nhở các cán bộ tín dụng về các khoản nợ đến hạn, các khoản nợ sắp đến hạn và các khoản nợ quá hạn. Đối với các khỏan nợ xấu, Phòng Quản lý nợ có vấn đề quản lý, thường xuyên theo dõi, đề xuất trình Ban lãnh đạo các biện pháp xử lý thu hồi nợ.
Theo Đề án tái cơ cấu của NHCT (NHCT bắt đầu tái cơ cấu về tài chính vào 31/12/2000) tổng nợ tồn đọng cần xử lý là 9.485 tỷ đồng, chiếm 27% giá trị các khoản vay. Số nợ tồn đọng phát sinh sau đó là 529 tỷ đồng. Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, NHCT đã xử lý được 9.762 tỷ đồng nợ tồn đọng, đạt 102,9% kế hoạch của Đề án xử lý nợ tồn đọng. NHCT đã hoàn thành đề án xử lý nợ tồn đọng được Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu của NHCT tại 31/12/2006 là 1,41% đã giảm xuống 1,02% vào thời điểm 31/12/2007 cho thấy tình hình quản lý nợ xấu của NHCT đã được cải thiện đáng kể.
 

Nguyễn Hoàng Anh - Hà Nội - (Email: hoanganh@yahoo.com)

Dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay của VietinBank sẽ đạt bao nhiêu phần trăm, so sánh với mức tăng trưởng chung của các ngân hàng thương mại Nhà nước khác?

 Ông Phạm Huy Hùng: Tính đến hết tháng 10/2008, tăng trưởng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng ước là 19,6% so với cuối năm 2007. Dự kiến đến hết năm 2008, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các TCTD ở Việt nam khoảng 25-30% so với năm 2007. Đối với NHCT Việt Nam, chúng tôi dự kiến năm 2008 tăng trưởng tín dụng khoảng 18%, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng tín dụng.

 

Trần Minh Khánh - Hoàng Mai, Hà Nội - (Email: minhkhanh_1982@yahoo.com)

Xin hỏi TS. Lê Đăng Doanh và các vị chuyên gia kinh tế, hiện có nhiều dự báo khác nhau về thời điểm phục hồi kinh tế. Theo các vị thì kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại được tốc độ tăng trưởng cao vào thời gian nào? Căn cứ nào cho các cơ sở đó?

 TS. Lê Đăng Doanh: Hiện nay tình hình khủng hoảng kinh tế trên thế giới đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Những dự báo lạc quan nhất cũng chỉ dự kiến có thể có sự hồi phục nhất định vào Quý 3 năm 2009, những dự báo khác đều nói đến thời gian hồi phục là 24-36 tháng.
Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những khó khăn trong nước và những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động tới. Thời gian hồi phục và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào hiệu quả của các cuộc cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Việt Nam, phù hợp với mức độ khôi phục của nền kinh tế thế giới. Kinh tế Việt Nam rất khó có thể tăng trưởng cao trong khi kinh tế thế giới đang suy thoái và cũng không thể tiếp tục tăng trưởng cao nếu không có những cải cách có hiệu lực về cấu trúc kinh tế, giảm bớt chi phi về thời gian và tiền bạc cho các doanh nghiệp. Hiện nay rất khó có thể dự báo một thời gian bằng năm tháng cụ thể cho sự hồi phục này.

 

Hoàng Việt - Định Công, Hà Nội - (Email: mtvhoang@gmail.com)

1. Tác động của đợt IPO đối với thị trường được đánh giá ra sao?
2. SSI có tham gia đợt IPO này không, được biết với VCB SSI từng đấu giá và trúng 1 triệu CP?

 Bà Lê Lệ Hằng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 11
 
Khó có thể nói được tác động của đợt IPO này tới thị trường ra sao. Tuy nhiên là 1 trong 4 ngân hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam, Vietinbak vẫn là một thương hiệu lớn được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
SSI không được phép tham gia đợt IPO này do SSI là đơn vị tư vấn đấu giá trong nước của Vietinbank
 

Lê Hoài Nam - Minh Khai, Hà Nội - (Email: hoainam_anh@yahoo.com)

Chào ông Hùng, xin ông cho biết các thông tin sau.

1. Thông tin chủ yếu của VietinBank hiện nay?
2. Một số thông tin về đợt IPO này của VietinBank?

 Ông Phạm Huy Hùng
1. Ngân hàng Công thương Việt Nam là một trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam. Có vai trò chủ lực trong hệ thống tài chính Việt Nam. Vietinbank có mức vốn điều lệ là 7.626.000 triệu đồng, Vốn chủ sở hữu trên số sách là 10.040 tỷ đồng , tổng tài sản là 187.534.335 triệu đồng, chiếm hơn 10% trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Vietinbank cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam và quốc tế. Mạng lưới chi nhánh của Vietinbank có 3 Sở giao dịch, 3 công ty trực thuộc, 3 đơn vị sự nghiệp, 02 văn phòng đại diện 138 chi nhánh và hơn 188 phòng giao dịch trên khắp cả nước, 258 điểm giao dịch và 191 quỹ tiết kiệm trên khắp cả nước. VietinBank hiện tại có quan hệ đại lý với trên 800 ngân hàng, định chế tài chính tại trên 90 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

2. Trong đợt IPO này, chúng tôi phát hành thêm 20% ra bên ngoài trong đó đấu giá công khai 53.600.000 cổ phần tương đương 4% với giá khởi điểm là 20.000 đồng/cổ phần, bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước 44.220.000 cổ phần phần tương đương với 3,3%, bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài 134.000.000 cổ phần tương đương 10%, bán ưu đãi cho cán bộ nhân viên 22.780.000 cổ phần tương đương 1,7% và phát hành cho tổ chức công đoàn là 13.400.000 cổ phần tương đương 1%.

 

Hà Minh Tuân - Cầu Giấy - Hà Nội - (Email: minhtuan_ha@yahoo.com)

Chào ông Hùng, là người đứng đầu một trong những ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất, ông đánh giá thế nào về VietinBank so với các ngân hàng thương mại nhà nước khác?

 Ông Phạm Huy Hùng: Ngân hàng Công thương Việt Nam là một trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam với tổng tài sản là 187.535.335 triệu đồng chiếm hơn 10% trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, chất lượng tài sản tốt. Vietinbank có những lợi thế như có mạng lưới chi nhánh rộng khắp đất nước, có lợi thế về địa bàn kinh doanh, cơ sở khách hàng đa dạng và có chất lượng tốt, công nghệ thông tin được đầu tư hiện đại, nguồn nhân lực có chất lượng cao. Tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank đã giảm xuống chỉ còn 1,02% tính đến 31/12/2007 và duy trì 1% tính đến 6/2008.
Ngoài ra, Vietinbank còn nhận được rất nhiều giảie thưởng do thị trường bình chọn, chẳng hạn như giải thưởng “Ngân hàng có dịch vụ bán lẻ được hài lòng nhất” đã cho thấy vị thế của Vietinbank trên thị trường, “Giải thưởng chất lượng quốc tế” - International Star Award (ISAQ) tại Thụy Sỹ, trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam được nhận vinh dự này,...

 

Hoàng Nguyễn - Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội - (Email: nguyenhoangha08@yahoo.com)

Chào bà Lệ Hằng,
Với tư cách là đơn vị tư vấn cho Vietinbank, SSI nghĩ sao về sự khác biệt trong phương thức IPO VietinBank với IPO Vietcombank?

 Bà Lê Lệ Hằng: Mục tiêu cổ phần hóa của hai ngân hàng có sự khác biệt: đối với Vietinbank, cổ phần hóa nhằm mục tiêu minh bạch hóa hoạt động của ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động, và đa dạng hóa chủ sở hữu chứ không nhằm mục tiêu tối đa hóa thặng dư từ đợt phát hành.
Khó có thể so sánh phương thức IPO của Vietinbank và Vietcombank do thời điểm IPO khác nhau, tình hình thị trường cũng có nhiều biến động. Nếu tại thời điểm IPO của Vietcombank, thị trường dao động quanh mức 1.000 điểm thì nay thị trường chỉ dao động quanh mức 300 điểm.

 

Nguyễn Hữu Hiếu - Dĩ An, Bình Dương - (Email: nguyenhuuhieu@yahoo.com)

Xin chào TS. Lê Đăng Doanh, được biết là ông có tham gia ý kiến vào rất nhiều văn bản chính sách. Xin hỏi TS Doanh, Nghị định 109 có chặt quá không với các doanh nghiệp cổ phần hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn? Quá trình chuẩn bị cổ phần hóa Vietcombank, Mobifone, Vietinbank đã cho thấy rất nhiều vướng mắc nảy sinh do vướng quy định pháp luật trong quá trình cổ phần, nhiều vấn đề phải xin Thủ tướng quyết định. Theo ông giải pháp lâu dài cho vấn đề này thế nào?

 TS. Lê Đăng Doanh
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 12

TS. Lê Đăng Doanh

Công cuộc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã trải qua một thời gian dài và đạt được những kết quả khiêm tốn. Quy mô các doanh nghiệp được CPH chỉ đạt khoảng 14% tổng số tài sản của các DNNN. Các DNNN lớn, các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước đều chưa được CPH. Các chính sách CPH đã được thay đổi liên tục trong thời gian qua, song kết quả CPH cho thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Thí dụ như vấn đề về giá trị đất, tỷ lệ CP dành cho các cán bộ công nhân viên... đang tiếp tục được tranh cãi. Sự giám sát của Quốc hội với quá trình CPH cũng đã phát hiện không ít những vấn đề cần phải giải quyết tiếp: sự công khai minh bạch còn hạn chế, hai phương pháp tính giá trị đất đã bộc lộ những sơ hở, hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH chưa có thay đổi như mong muốn và không tuân thủ đầy đủ Luật Doanh nghiệp...
Tôi không được tham gia vào Dự thảo Nghị định 109. Tôi nghĩ đã đến lúc Quốc hội cần phải ban hành một Luật về CPH để giải quyết một cách đồng bộ và thoả đáng các vấn đề nảy sinh trong quá trình CPH mà vừa qua đã được phát hiện.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 13 

Đỗ Thị Nụ - Hai Bà Trưng, Hà Nội - (Email: hot_12687@yahoo.com)

Xin hỏi ông Hùng,
So với VCB, Vietinbank không thua kém quá nhiều về quy mô, tài sản, mạng lưới đội ngũ nhân sự nhưng giá khởi điểm chỉ bằng 1/5 giá VCB. Mới 12 tháng trôi qua, theo ông điều gì tạo nên sự khác biệt này?

 Ông Phạm Huy Hùng: Do thời điểm thực hiện IPO khác nhau và tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và thế giới có những thay đổi nên các tổ chức tư vấn CPH và các Bộ, ban ngành và cơ quan chức năng phê duyệt mức giá khởi điểm IPO là giá trị thực của Vietinbank.
Cám ơn bạn đã có câu hỏi tham gia.

 

Hoàng Minh Quân - Kim Giang, Hà Nội - (Email: minhquan@gmail.com)

1. Theo các ông, mức giá khởi điểm IPO hợp lý có ý nghĩa như thế nào tới sự thành công của đợt IPO đó?

2. Xin hỏi ông Hùng, có ý kiến cho rằng, việc đưa ra mức giá IPO thấp như vậy chỉ là hình thức đưa đẩy để TTCK biết đến Vietinbank nhiều hơn, song đây có thể là tiền lệ xấu về ấn định mức giá khởi điểm cho khối ngân hàng trong các đợt IPO sau đó. Ông nghĩ sao?

 GSTS. Cao Cự Bội
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 14

GS.TS Cao Cự Bội
Chuyên gia kinh tế

Một mức giá khởi điểm hợp lý sẽ góp phần tiếp thêm sinh khí cho TTCK Việt Nam trong bối cảnh ảm đạm như hiện nay.
Riêng đối với VietinBank thì càng cho giá trị thương hiệu của nó trong quá trình cổ phần hoá. Điều đó cũng có nghĩa là các chỉ số tài chính của ngân hàng này sẽ có tiềm năng phát triển trong tương lai và có cơ hội thu hút nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
 

Minh Quân - Lĩnh Nam, Hà Nội - (Email: minhquan_ngd@yahoo.com)

Có ý kiến cho rằng, đối với IPO lớn như VietinBank hay Vietcombank thì lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài là phù hợp hơn cả. SSI nghĩ sao về quan điểm này?

 Bà Lê Lệ Hằng: JP Morgan là nhà tư vấn chính cho toàn bộ quá trình cổ phần hóa của Vietinbank, tuy nhiên việc hợp tác với một đơn vị tư vấn trong nước có uy tín là rất quan trọng, do với kinh nghiệm lâu năm trên thị trường Việt Nam và hiểu biết sâu sắc về nhu cầu của khách hàng cộng với mạng lưới khách hàng rộng lớn, đơn vị tư vấn trong nước như SSI có thể mang lại nhiều giá trị gia tăng cho quá trình tư vấn cổ phần hóa của Vietinbank.

 

Xuân Khu - ĐỐng Đa, Hà Nội - (Email: khuttx@yahoo.com.vn)

Nhiều chuyên gia nhận định, cổ phiếu ngân hàng còn rất nhiều rủi ro, Theo SSI, đây có phải là thời điểm đầu tư cổ phiếu ngân hàng? Nhất là ngân hàng chưa niêm yết trên sàn? Và nếu đầu tư dài hàn thì thời gian là, bao nhiêu một hay hai năm thì có thể hiện thực hóa lợi nhuận?

 Bà Lê Lệ Hằng: Năm 2009 sẽ là một năm khó khăn với các ngân hàng, tuy nhiên, về dài hạn, ngành ngân hàng vẫn là ngành đáng được quan tâm.

 

Nguyền Hoàng Anh - Đặng Văn Ngữ, Hà Nội - (Email: hoanganh@gmail.com)

Chào ông Hùng, cám ơn ông và Vietinbank đã tham gia buổi giao lưu này để giải đáp những thắc mắc của nhà đầu tư.
Xin ông cho biết một số thông tin về việc lựa chọn cổ đông chiến lược của VietinBank?

 Ông Phạm Huy Hùng: Theo Quyết định số 1354/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cổ phần hóa NHCT VN:
Nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là đối tượng mua cổ phần của NHTMCPCT phải đáp ứng các tiêu chí sau: là tổ chức tài chính có quy mô lớn, có năng lực tài chính mạnh, chất lượng hoạt động và quản trị ngân hàng tốt, có kinh nghiệm đầu tư thành công tại khu vực, có chiến lược kinh doanh phù hợp, có chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao trong cùng lĩnh vực hoạt động và đảm bảo không có xung đột về lợi ích với chiến lược phát triển của NHTMCPCT.
NHTMCPCT sẽ không có quá 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Tổng số cổ phần chào bán lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 134.000.000 cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ của NHTMCPCT. Tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài qua các giai đoạn không quá 20% vốn điều lệ của NHTMCPCT.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 15
 

Lương Thùy Nhi - Bà Rịa Vũng Tàu - (Email: lamtamnhu02@yahoo.com)

Sức cầu của thị trường không lớn, IPO trong thời điểm không mấy thuận lợi khi lập phương án, các nhà lập kế hoạch đã có các phương án dự phòng khi IPO “ế”?

 Ông Phạm Huy Hùng: Tôi nghĩ không có chuyện ế mà chỉ lo các NĐT không mua được CP của Vietinbank phát hành lần này. Chúng tôi khẳng định đợt IPO sẽ rất thành công nên không cần thiết phải đưa phương án dự phòng. Xin cám ơn!

 

Hà Đức Minh - Thanh Xuân, Hà Nội - (Email: haducminh_hm@yahoo.com)

Xin được hỏi các vị chuyên gia, theo các vị thì kinh tế Việt Nam đã rơi vào giảm phát hay chưa? Dựa trên đặc điểm nào để có thể khẳng định một nền kinh tế đã rơi vào giảm phát?

 TS. Lê Đăng Doanh: Chỉ số giá CPI ở Việt Nam đã giảm liên tục trong hai tháng 10 và 11. Hiện nay các chuyên gia kinh tế đang sử dụng hai khái niệm là giảm phát hay thiểu phát. Nếu coi việc giá cả đã giảm trong hai tháng là một căn cứ thì tôi thấy cần phải xem xét đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, của xuất khẩu, của đầu tư và tạo ra công ăn việc làm. Hiện nay chính phủ coi việc ngăn chặn suy giảm kinh tế là nhiệm vụ hàng đầu và tôi đồng ý với sự đánh giá là kinh tế Việt Nam đang giảm sút tốc độ tăng trưởng. Cần có những biện pháp kích cầu đi kèm theo cải cách kinh tế có hiệu quả để ngăn chặn đà suy giảm này, giúp đỡ người nghèo và những người bị mất việc làm để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Việc tăng trưởng cao như trước đây (8-9%) còn phụ thuộc vào sự hồi phục của kinh tế thế giới.

 GSTS. Cao Cự Bội: Theo tôi, VN thực sự chưa rơi vào giảm phát vì hiện tại VN đang có chỉ số lạm phát khoảng 23-24% so với năm ngoái. Nền kinh tế rơi vào giảm phát cũng đồng nghĩa với khởi đầu thời kỳ suy thoái. Như vậy, quá trình này theo kinh nghiệm thế giới thì phải có 1 chu kỳ 2 quý (6 tháng), tốc độ tăng trưởng đi xuống liên tục, sau đó bắt đầu khủng hoảng và tốc độ tăng trưởng âm. Nếu như với những tiêu chí như vậy thì tại thời điểm này thì VN chưa phải hoàn toàn giảm phát

 

Huỳnh Minh Tấn - Q. Tân Bình, TP. HCM - (Email: minhtanhp@fpt.vn)

Xin hỏi bà Hằng,
Nếu là NĐT cá nhân tham gia IPO VietinBank, bà sẽ bỏ mức giá bao nhiêu? Nếu trúng, bà có mua không?

 Bà Lê Lệ Hằng: Với cương vị là nhà tư vấn, sẽ rất nhạy cảm nếu tôi trả lời câu hỏi của bạn.

 

Nguyễn Quốc Trường - Kim Mã Thượng, Hà Nội - (Email: quoctruong_ng83@yahoo.com)

Xin hỏi các chuyên gia kinh tế, lãi suất ngân hàng cứ liên tục hạ thế này theo chủ trương kích cầu? Hạ như thế này thì các ngân hàng rất khó khăn, kế hoạch nguồn vốn đổi liên tục. Không hiểu các vị tư vấn với Chính phủ như thế nào mà lãi suất hạ sốc quá? Tôi cho rằng ngân hàng lớn như Vietinbank cũng khó khăn vì tình hình lãi suất hiện nay, xin hỏi thêm ông Hùng có bình luận gì về vấn đề này?

 TS. Lê Đăng Doanh
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 16
Lãi suất ngân hàng là giá của tiền vốn vay được từ các ngân hàng thương mại. Lãi suất cao làm cho các doanh nghiệp rất khó vay vốn vì họ không đạt được tỷ suất lợi nhuận cần thiết để trả lãi. Trong hai tháng qua, chỉ số giá CPI của Việt Nam đã tăng trưởng âm. Giá các nguyên vật liệu trên thị trường thế giới (dầu thô, sắt thép, lương thực) đều đã giảm và đang ở mức thấp. Lãi suất ngân hàng các nước trên thế giới đều đã giảm nhiều. Vì vậy, để nới lỏng chính sách tiền tệ, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, có căn cứ để dự đoán rằng chỉ số lạm phát năm 2009 sẽ không cao như năm 2008. Vì vậy, việc giảm lãi suất ngân hàng là phù hợp với mức lạm phát thấp hơn và phù hợp với chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt hơn. Doanh nghiệp sẽ có thể vay tín dụng với lãi suất thấp hơn và sản xuất kinh doanh có cơ sở để hồi phục.
Các ngân hàng thương mại sẽ phải thích nghi với tình hình lãi suất thấp, hợp lý hoá và giảm chi phí kinh doanh để hoạt động có hiệu quả trong tình hình mới.
 

Nguyễn đức Hải - 282D lạch tray - Hải Phòng - (Email: lienhe@atc.edu.vn)

Xin cho hỏi IPO Vietinbank giá khởi điểm là 20.000/cp, vậy theo các chuyên gia cổ phiếu sau này sẽ là bao nhiêu?

 Bà Lê Lệ Hằng: Giá cổ phiếu không chỉ phản ánh giá trị nội tại của doanh nghiệp mà còn phù thuộc vào biến động của thị trường cũng như kỳ vọng của các nhà đầu tư.

 Ông Phạm Huy Hùng: Giá sau này bao nhiêu, chúng tôi đề nghị bạn hãy đăng ký ngay mua cổ phiếu của VietinBank phát hành đợt này. Chúng tôi tin rằng bạn sẽ không thất vọng về giá trị của cổ phiếu mà bạn nắm giữ sẽ sinh lời cao.

 

Trần Việt Nga - Hà Đông, Hà Nội - (Email: hdvn1516@gmail.com)

Xin chào các vị diễn giả, chúng tôi là doanh nghiệp xuất khẩu chuyên về các mặt hàng nguyên liệu như đá, gỗ…, khó khăn lắm rồi. Vừa rồi công ty xác định chiến lược chuyển mở rộng thị trường nội địa thay thế một phần thị trường xuất khẩu. Nhưng nghiên cứu thị trường nội địa tôi thấy cũng không dễ, nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Không biết chính sách kích cầu có hướng tới mảng xây dựng hay không, các ngân hàng có xem xét cho giãn nợ đầu tư từ trước hay không?

 TS. Lê Đăng Doanh: Khó khăn của bạn cũng là khó khăn chung của các doanh nghiệp trong nước và ở nước ngoài. Giá nguyên vật liệu đã giảm và ở mức rất thấp, sức mua trên thị trường thế giới giảm sút, thị hiếu người tiêu dùng cũng thay đổi. Chắc doanh nghiệp của bạn phải thích nghi với tình hình này (cơ cấu lại doanh nghiệp, thay đổi mặt hàng, thay đổi thị trường..)
Việc giãn nợ, giảm thuế đang được chính phủ xem xét, bạn có thể tham khảo các thông tin mới nhất để đề nghị sự trợ giúp cần thiết của các cơ quan nhà nước có liên quan.

 

Phạm Hà Giang - Thái Bình - (Email: phamhagiang_99@yahoo.com)

Xin chào ông Hùng, ông có thể nói gọn 1 câu, về sự phát triển cho Vietinbank 10 năm sau?
Xin cám ơn và chúc sức khỏe ông!

 Ông Phạm Huy Hùng: Sau CPH Vietinbank sẽ tiếp tục các mục tiêu định hướng chiến lược phát triển của mình, tiếp tục tăng trưởng quy mô tổng tài sản, nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, giữ và tăng trưởng thị phần, xây dựng mạng lưới hướng đến thành lập tập đoàn tài chính Ngân hàng Công thương Vịêt Nam với hai trụ cột là ngân hàng thương mại và họat động đầu tư dịch vụ tài chính.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn chú trọng đầu tư công nghệ hiện đại hóa ngân hàng, phát triển các sản phẩm dịch vụ với chất lượng cao tạo sự khác biệt vượt trội với các ngân hàng khác. Trong đó sẽ đẩy mạnh các hoạt động của ngân hàng bán lẻ. Chuẩn hóa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các nghiệp vụ và quản trị ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh việc đảm bảo phát triển bền vững, cố gắng chi trả mức cổ tức tăng theo hàng năm.
Thực hiện công khai, minh bạch hóa họat động,phấn đấu đến giai đoạn 2015 - 2020 đạt trên 2 tỷ USD vốn điều lệ.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 17
 

Nguyễn Thu Phương - 506B, Licogi 13, Khuất Duy Tiến, HN - (Email: nthuphuongktqd@yahoo.com)

7. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2007 cao đột biến so với tốc độ tăng trưởng tài sản có phải là một rủi ro đối với Vietinbank không thưa ông Phạm Huy Hùng?
8. Là một chuyên gia về đầu tư của SSI, theo bà, các cá nhân nhỏ lẻ có nên tham gia đấu giá những Tổng công ty lớn không?

 Bà Lê Lệ Hằng: Nhà đầu tư cá nhân cũng như nhà đầu tư tổ chức nên xác định rõ chiến lược đầu tư của mình (ngắn hạn hay dài hạn, chấp nhận rủi ro cao hay thấp...) từ đó cân đối dòng tiền và xác định danh mục đầu tư của mình.
Đối với những Tổng công ty lớn, do có thương hiệu lâu năm, có uy tín, có nền tảng tài chính vững mạnh hơn, mạng lưới khách hàng rộng lớn hơn các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên có nhiều khả năng vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

Hoàng Minh Sáng - Vinh, Nghệ An - (Email: hoangminhsang@vnn.com.vn)

Xin chào các chuyên gia, cám ơn các vị đã tham gia buổi giao lưu này với nhà đầu tư. Sau đây tôi xin hỏi các vị và đặc biệt là lãnh đạo Vietinbank một câu.

Giữa sự lựa chọn mua cổ phiếu niêm yết trên Hastc và HOSE và đấu giá Vietinbank, lý do nào tôi nên chon Vietinbank?
Xin cám ơn!

 Ông Phạm Huy Hùng: Vì CP Vietinbank là CP có khả năng sinh lời cao, có chất lượng tốt nhất trên thị trường chứng khoán hiện nay.

 

Minh Tùng - Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội - (Email: minhtung68@yahoo.com)

TTCK đang găp nhiều khó khăn, các ông có nghĩ là VietinBank đấu giá vào thời điểm này là bất lợi?

 GSTS. Cao Cự Bội
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 18
 
Tôi tin rằng mặc dù TTCK đang gặp khó khăn những IPO lần này của VietinBank không phải là bất lợi vì:
Một là, giá khởi điểm rẻ.
Thứ 2, mặc dù chịu ảnh hưởng của khùng hoảng kinh tế thế giới cũng như lạm phát đang tồn tại ở Việt Nam, nhưng để đối phó với những khó khăn này thì nhà nước cũng đã có biện pháp cắt giảm lãi suất, tiền gửi ngân hàng sẽ không có lời bằng chuyển sang đầu tư chứng khoán vào những công ty có giá trị thương hiệu lớn như VietinBank.
Thứ 3, theo dự báo của tổ chức tài chính quốc tế mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng nhưng Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng (dự đoán của các tổ chức: IMF: 5%, WB: 6.5%...).
Khủng hoảng cũng phải có ngày chấm dứt và sẽ được phục hồi trong thời gian ngắn. Thêm vào đó, các nước trên thế giới đều có đồng loạt biện pháp cả gói hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, với những lợi thế của Vietinbank, kể cả việc IPO với khối lượng không lớn, chỉ với 4% vốn điều lệ thì sẽ không tạo ra một nguồn cung quá lớn cho thị trường trong khi hàng hoá này theo tôi lại có chất lượng cao.
Nếu là nhà đầu tư khôn ngoan thì chắc bạn sẽ nhận ra cái gì là lợi và cái gì là bất lợi.
 

Hoàng Vân Anh - Nam Đồng, Hà Nội - (Email: vananh_flower@yahoo.com)

Theo các ông, sự kiện VietinBank IPO sẽ tác động gì đến thị trường chứng khoán, nhất là thị trường niêm yết?

 GSTS. Cao Cự Bội: Tôi hi vọng IPO VietinBank sẽ góp phần tích cực đến TTCK.

 

Mai Phương - TP.HCM - (Email: phuonghoang07@yahoo.com.vn)

Thưa TS Lê Đăng Doanh, nếu tư vấn cho ngân hàng Vietinbank về năng cao năng lực cạnh tranh, ông sẽ tư vấn điều gì và cảnh báo lãnh đạo ngân hàng này những nguy cơ gì vào lúc này?

 TS. Lê Đăng Doanh: Vietinbank là một ngân hàng lớn và đã liên tục có bước phát triển về doanh số, mạng lưới, công nghệ. Để tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, Vietinbank cần tiếp tục đa dạng hoá các dịch vụ kinh doanh của mình, nâng cao các chuẩn mực quản lý, giám sát để bảo đảm hoạt động kinh doanh lành mạnh, có hiệu quả. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới chắc chắn sẽ giúp cho lãnh đạo Vietinbank những bài học bổ ích để hoạch định những biện pháp cần thiết để cạnh tranh trong tương lai.

 

Nguyễn Văn Đức - Bắc Ninh - (Email: bizman07@yahoo.com)

Chào ông Hùng, ông có nói “Không có chuyện IPO Vietinbank bị ế”. Nếu “ế”, các ông sẽ nghĩ gì?

 Ông Phạm Huy Hùng: Tôi xin khẳng định lại là không có chuyện ế, chỉ e NĐT chậm chân sẽ không mua được CPH Vietinbank phát hành lần này.

 

Đỗ Chí Hiếu - Vũng Tàu - (Email: hieudc66@yahoo.com)

Xin hỏi các vị chuyên gia, luồng tiền ngoại đang rút ra khỏi thị trường chứng khoán, tôi có đọc thấy một trong số các lý do về tình trạng này là giá cổ phiếu tại Việt Nam dù giảm nhưng vẫn đắt hơn so với thế giới, ngay cả Vietinbank IPO lần này với giá khởi điểm P/E còn cao hơn trung bình cả thị trường. Vậy xin hỏi liệu giá cổ phiếu còn có thể xuống nữa hay không, bao giờ thì luồng tiền ngoại quay trở lại Việt Nam?

 Bà Lê Lệ Hằng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 19
Không thể nói trước được giá cổ phiếu của Vietinbank sau IPO sẽ biến động ra sao vì còn phụ thuộc vào biến động thị trường.
Thực ra luồng tiền ngoại rút khỏi thị trường Việt Nam chưa nhiều. Đối với những nhà đầu tư dài hạn, đây là cơ hội tốt để họ tái cơ cấu danh mục đầu tư.
 

Nguyễn Mạnh Hồng - Cần Thơ - (Email: manhhongmr@yahoo.com)

Liệu IPO Vietinbank có góp phần “định giá” lại cổ phiếu ngân hàng trên thị trường hay không?

 Ông Phạm Huy Hùng: Giá CP là do thị trường quyết định. IPO Vietinbank góp phần đa dạng hóa và cung cấp hàng chất lượng tốt để NĐT lựa chọn.

 

Nguyễn Thùy Linh - 6 Lê Thánh Tông, Hà Nội - (Email: nthuylinh@gmail.com)

Xin hỏi bác Lê Đăng Doanh: Bác nhận định như thế nào về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trong năm 2009 và các năm sau đó?

Xin cảm ơn bác và chúc bác dồi dào sức khoẻ.

 TS. Lê Đăng Doanh: Triển vọng kinh tế năm 2009 của Việt Nam là một năm khó khăn, một năm khó khăn nhất từ khi bắt đầu đổi mới cho đến nay. Chính phủ dự kiến tốc độ tăng trưởng là đạt 6,5%, Ngân hàng Thế giới cũng dự kiến như vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chỉ 5%. Tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Kinh tế Việt Nam cần có những cải cách có hiệu quả, kết hợp với các biện pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế như kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để có thể đạt được tốc độ đã dự kiến.
Ngành ngân hàng vừa qua đã vượt qua được một số khó khăn, song tính công khai minh bạch về thông tin còn rất hạn chế. Trình độ công nghệ, số lượng các loại dịch vụ mà ngân hàng thương mại Việt Nam cung cấp đang rất thấp so với thế giới. Tôi nghĩ hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trước hết phải phát triển an toàn, tránh được những biến động tiêu cực như đã xuất hiện ở một số nước khác.

 

Lê Xuân Hùng - Thái Thịnh, Hà Nội - (Email: hunglx@gmail.com)

1. Nếu đầu tư vào CP ngân hàng thời điểm này, NĐT cần chú ý những vấn đề nào nhất?
2. Tiêu chí để lựa chọn CP ngân hàng tốt trong thời điểm này là gì?

 Bà Lê Lệ Hằng: Nếu đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng thời điểm này, nhà đầu tư cần lưu ý về những rủi ro tiềm năng ngân hàng có thể phải đối mặt trong thời gian tới. Tuy nhiên hệ thống ngân hàng vẫn là xương sống của nền kinh tế, về dài hạn vẫn là ngành có tiềm năng.
Việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: tình hình thị trường, tỷ lệ nợ xấu, sản phẩm dịch vụ, mạng lưới, thương hiệu và đối tác...
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 20
 

Quochuy - Hà Nội - (Email: quochuy@yahoo.com)

Tôi rất hâm mộ Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vì những câu trả lời rất thẳng thắn và trung thực. Xin hỏi Tiến sỹ: quá trình cổ phần các doanh nghiệp Nhà nước là không thể đảo ngược, nhưng do chúng ta còn qui định tỷ lệ nắm giữ phần vốn của nhà nước là rất cao, vì vậy sau cổ phần hình thức quản trị doanh nghiệp vẫn chẳng có gì thay đổi căn bản. Các vị trí chủ yếu của doanh nghiệp vẫn do người Nhà nước nắm giữ, vì vậy tác dụng của cổ phần thật sự là không nhiều, sau này chính sách cổ phần hoá có gì khác không để các doanh nghiệp thực sự là doanh nghiệp cổ phần, không xảy ra tình trạnh bình mới rượu cũ. Xin cảm ơn Tiến sỹ Lê Dăng Doanh

 TS. Lê Đăng Doanh: Quá trình cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1993 cho đến nay đã đạt được một số kết quả khiêm tốn. Sự thay đổi trong quản trị công ty của doanh nghiệp sau cổ phần hóa diễn ra chậm và hạn chế. Phần lớn các vị trí chủ chốt trong doanh nghiệp không thay đổi, vai trò của Ban giám sát rất lu mờ, trong nhiều trường hợp là công cụ của Giám đốc chứ không phải là cơ quan của Đại hội cổ đông. Việc tiếp tục đổi mới đòi hỏi một cơ sở luật pháp hoàn chỉnh hơn. Tôi nghĩ, đã đến lúc Quốc hội nên ban hành một Luật về cổ phần hóa DNNN để giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề tồn tại đã được phát hiện trong thời gian qua.

 

Lê Anh Việt - Trung Yên, Hà Nội - (Email: vietanh_1984@yahoo.com)

Nhiều NĐT cho rằng Nhà nước nên có chính sách rõ ràng về sử dụng thặng dư sau IPO, ý kiến của các vị về vấn đề này?

 GSTS. Cao Cự Bội: Theo tôi biết, VietinBank đã đề nghị Chính phủ giữ lại phần thặng dư vốn từ đợt bán cổ phần để đầu tư vào các công trình trọng điểm, cuối cùng tuỳ thuộc vào quyết định của Chính phủ.
Với tư cách là chuyên gia, tôi nghĩ, đề nghị của Ngân hàng là hợp lý. Bởi vì, về nguyên tắc thì hoàn toàn phù hợp với luật định. Ngoài ra, việc sử dụng thặng dư sau IPO cũng sẽ giúp cho các doanh nghiệp sau cổ phần có cơ hội phát triển bền vững.

 

Quochuy - Hà Nội - (Email: quochuy@yahoo.com)

Xin hỏi tiến sỹ Lê Dăng Doanh và GS Cao Cự Bội, thặng dư vốn khi cổ phần hoá hiện nay được giao cho 1 tổng công ty nắm giữ, số vốn khổng lồ này Chính phủ định làm gì hay lại đầu tư vào hãng hàng không Pacific để rồi lỗ tới 54 triệu USD?

 TS. Lê Đăng Doanh: Trong một công ty cổ phần, theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, Đại hội cổ đông là cơ quan có thẩm quyền để quyết định việc phân phối lợi nhuận. Trong những doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 51% thì mặc nhiên Nhà nước có quyền quyết định sử dụng số vốn thặng dư khi cổ phần hóa. Theo tôi, trong tương lai, tại những DNNN được cổ phần hóa mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần đa số thì Đại hội cổ đông có thể thực hiện quyền quyết định của mình phù hợp với Luật Doanh nghiệp trên cơ sở biểu quyết theo tỷ lệ cổ phần.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 21
 

Nhà đầu tư - TP. HCM - (Email: summer08@yahoo.com)

Về giá khởi điểm Vietinbank, các ông (bà) có nghĩ đây là sự thừa nhận gián tiếp của cấp quản lý về sự sai lầm trong việc xác định giá khởi điểm và tận thu sau IPO của nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa trước đây như Bảo Việt, PVFC, VCB… không? Đã sai thì nên sửa sai đúng không?

 Bà Lê Lệ Hằng: Tôi cho rằng giá cổ phiếu không chỉ phụ thuộc vào giá trị nội tại của doanh nghiệp mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kinh tế và thị trường. Tại thời điểm IPO của các doanh nghiệp lớn trước đây, thị trường đang trên đà đi lên và ở mức cao, nhưng hiện nay, thị trường đã suy giảm một thời gian và chỉ còn dao động ở mức 300 điểm.
Ngoài ra, nhà đầu tư có toàn quyền quyết định sẽ tham gia đấu giá hay không cũng như mức giá đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp trong mọi trường hợp.

 

Nguyễn Thu Phương - 506B, Licogi 13, Khuất Duy Tiến, HN - (Email: nthuphuongktqd@yahoo.com)

Xin hỏi ông Hùng: Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của Vietinbank toàn thua lỗ, có phải công ty này thua lỗ thay Vietinbank không? Có nên tiếp tục duy trì một công ty thua lỗ triền miên như vậy mà không có biện pháp xử lý không? Xin cảm ơn

 Ông Phạm Huy Hùng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 22
 
Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản VietinBank không thực hiện kinh doanh trong thời gian vừa qua. Công ty này được thành lập với mục tiêu tiếp nhận xử lý và khai thác các tài sản tồn đọng của Ngân hàng Công thương từ năm 1997 trở về trước. Đến 2005, toàn bộ số tài sản này đã được xử lý xong. Đến năm 2008, Hội đồng quản trị NHCTVN đã quyết định chuyển đổi mô hình tổ chức cũng như chức năng của Công ty này sang một nhiệm vụ mới. Do vậy từ sau năm 2008 trở đi, hoạt động của công ty này mới mang tính chất kinh doanh thực sự với các chức năng và nhiệm vụ kinh doanh mới.
 

Trần Quốc Hưng - Quảng Ninh - (Email: tranquochung@yahoo.com)

Xin chào các vị diễn giả, tôi là một nhân viên của một ngân hàng quốc doanh, nhưng tôi thấy qua trường hợp của Vietcombank, Vietinbank, mỗi khi cổ phần hóa thì lượng cổ phiếu dành cho các nhân viên rất thấp, đối với Vietcombank thì “ưu đãi” thành “ngược đãi”. Chúng tôi hay đùa với nhau là đang là chủ thật sự thành chủ “giả vờ”, chẳng tạo thêm sự gắn bó gì của mỗi cá nhân với ngân hàng. Theo các vị chuyên gia, điều này phải lý giải thế nào cho hợp lẽ?

 TS. Lê Đăng Doanh: Nghị định 109 đã quy định rất chi tiết số cổ phiếu mà mỗi công nhân viên chức có thể được mua với giá ưu đãi tuỳ theo số thâm niên đã làm việc tại doanh nghiệp, số cổ phiếu bán cho Công đoàn... Với quy định này, số cổ phiếu tối đa có thể mua được sau 30 năm lao động cũng không lớn, số cổ tức được hưởng từ số cổ phiếu sở hữu đó cũng rất thấp. Để nâng cao tác dụng đòn bẩy và gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp cổ phần hóa, tôi đề nghị phải nâng cao tỷ lệ cổ phần ưu đãi dành cho người lao động, tiếp tục nâng cao mức độ công khai, minh bạch đối với tất cả các tổ chức và cá nhân mua cổ phần của doanh nghiệp.
Ngoài ra, vai trò thực tế của Đại hội cổ đông, của Ban giám sát cũng phải được nâng cao để bảo đảm tiếng nói của người lao động trong thực tế.

 IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 23

Hoàng Kim Chung - Q1, Sài Gòn - (Email: hoangkimchung@yahoo.com)

Thưa ông Hùng, như ông nói, vốn chủ sở hữu của Vietinbank trên sổ sách là trên 10.000 tỷ đồng. Theo định giá là trên 16.000 tỷ đồng. Vậy cán bộ và lãnh đạo của Vietinbank đã phải làm việc trong vòng bao nhiêu năm để có được khoản thặng dư 6.000 tỷ này?

 Ông Phạm Huy Hùng: Vốn chủ sở hữu của VietinBank là trên 10.000 tỷ đồng. Giá trị doanh nghiệp theo công bố của Ngân hàng Nhà nước là trên 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên như trong bản Công bố thông tin, NHCT không thực hiện điều chỉnh giá trị sổ sách.

 

Thái Thị Tuyết Minh - Liên Chiểu, Đà Nẵng - (Email: tuyetminh_th@yahoo.com)

Xin hỏi các chuyên gia, với các diễn biến trên TTCK Việt Nam, và thực tế tại TTCK nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan… các ông có nghĩ đến khả năng TTCK Việt Nam mất vài năm để tích lũy hay tệ hơn đóng băng trước khi khởi sắc trở lại? Như vậy, NĐT có thể không có động lực bỏ tiền vào cổ phiếu vì tiền sẽ nằm im, ít sinh lợi.

 Bà Lê Lệ Hằng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 24
 
Trong bất kỳ thời điểm nào, nhà đầu tư luôn cần phải cân nhắc lựa chọn đầu tư vào những doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng. Hiện nay nhiều cổ phiếu đã có mức giá xoay quanh giá trị sổ sách, thậm chí thấp hơn. Đối với những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tỷ lệ trả cổ tức cho cổ đông vẫn ở mức khá cao so với lãi suất ngân hàng - đây có thể là khoản đầu tư lâu dài hợp lý.
 

Nguyễn Thị Minh - Thái Thịnh, Hà Nội - (Email: meo_milk@yahoo.com)

Chào các vị, sáng nay tôi thấy Chính phủ có khẳng định gói hỗ trợ kích thích kinh tế có thể lên tới 6 tỷ USD, xin các vị cho biết tiền sẽ lấy ở đâu ra, cơ chế sử dụng số tiền này sẽ như thế nào, lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào sẽ được hỗ trợ từ gói này?

 TS. Lê Đăng Doanh: Tôi được biết Chính phủ sẽ bố trí gói hỗ trợ kinh tế lên đến 6 tỷ USD từ nhiều nguồn vốn khác nhau, kể cả nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Để đi vào thực hiện, Chính phủ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và báo cáo để Quốc hội chuẩn y.

 

Hiếu Võ - Quận 5, TP. HCM - (Email: votrandinhhieu@gmail.com)

Xin ông Hùng lòng cho biết cụ thể hơn về 2 điểm mà ông đã trả lời phía trên:
1. Lợi thế cạnh tranh của Vietinbank so với các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài? Vietinbank sẽ xây dựng hình ảnh, thế mạnh của mình trong tương lai theo hướng nào?

2. Những điểm yếu hiện nay của mình là gì? Hướng giải quyết?

3. Xin ông cho biết về kế hoạch tăng trưởng tín dụng và tiền gửi cũng như lợi nhuận trong năm 2009 và 2010, khoảng bao nhiêu phần trăm một năm?

Cảm ơn ông!

 Ông Phạm Huy Hùng: Về câu hỏi đầu tiên chúng tôi đã cung cấp thông tin trên các câu hỏi của độc giả trước đây,

Điểm yếu của NHCTVN: chúng tôi đánh giá mặc dù đã đầu tư và nâng cấp cũng như nỗ lực hoàn thiện rất nhiều, nhưng đến nay Ban lãnh đạo NCHTVN nhận thức vẫn còn tiếp tục phải cải tiến công tác quản trị ngân hàng, chất lượng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, nguồn nhân lực, năng lực tài chính...vẫn chưa theo kịp các chuẩn mực quốc tế.

Câu hỏi của độc giả về kế hoạch tăng trưởng tín dụng và tiền gửi, chúng tôi đề nghị quý vị tham khảo trong Bản công bố thông tin được đăng tải trên website của ngân hàng và các nguồn khác.

 

lê Hải Đường - Nguyễn Đăng Ninh, - (Email: haiduong@ymail.com)

Tôi xin hỏi ông Hùng một câu, xin ông cho biết, IPO Vietinbank, ông được mua bao nhiêu cổ phiếu ưu đãi?

 Ông Phạm Huy Hùng: Theo Nghị định 109 của Chính phủ, mỗi năm công tác được mua 100 cổ phiếu bán ưu đãi. Như vậy với 32 năm công tác tôi được quyền đăng ký mua 3.200 cổ phiếu bán ưu đãi.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 25
 

Lê Thị Hồng Anh - Hà Nội - (Email: Lehonganh@yahoo.com.vn)

Các chuyên gia nhìn nhận ra sao về hoạt động của ngành ngân hàng năm 2009?

 GSTS. Cao Cự Bội: Tình hình khủng hoảng tài chính thế giới cũng đã ảnh hưởng đến Việt Nam, từ đó, Việt Nam cũng phải cũng 1 lúc lo 2 nhiệm vụ vừa chống suy thoái, vừa kìm giữ lạm phát. Muốn kìm giữ lạm phát thì phải điều hành tốt chính sách tiền tệ. Về lý thuyết, cũng có lúc phải thắt chặt tiền tệ, song khi chống suy thoái thì phải cắt giảm lãi suất. Ngay 1 sự kiện mâu thuẫn đó thì đã làm đau đầu các nhà lãnh đạo ngân hàng nói riêng và chính phủ nói chung. Nói vậy nhưng không có khó khăn nào là không thể vượt qua trong lịch sử Việt Nam, kể cả các sự kiện liên quan đến tài chính tiền tệ.
Vậy là hi vọng năm 2009, ngành ngân hàng có đủ không ngoan để vượt qua khó khăn và giành thắng lợi

 

Hoàng Xuân Thành - www.nganhângtichinh.com - (Email: nganhangtaichinh@gmail.com)

Có nhiều ý kiến cho rằng thương hiệu của Vietinbank là không thể sánh kịp Vietcombank. Giá OTC của Vietcombank hiện tại là 31.000 đ. Vậy theo các chuyên gia, giá của Vietinbank trong đợt đấu giá lần này là bao nhiêu? Có cao hơn giá của VCB hiện tại được không?

Xin cảm ơn!

 Ông Phạm Huy Hùng
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 26
 
Tôi cho rằng mọi so sánh như vậy đều chưa có cơ sở. Theo tôi, với các kết quả mà VietinBank đạt được trong 20 năm vừa qua cũng như với uy tín, thương hiệu của VietinBank đến ngày hôm nay và với các mục tiêu định hướng chiến lược trong tương lai, tôi có thể khẳng định với bạn là Ngân hàng Công thương Việt Nam là ngân hàng thương mại trong nước tốt nhất trên thị trường hiện nay.
 

Nguyễn Thu Phương - 506B, Licogi 13, Khuất Duy Tiến, HN - (Email: nthuphuongktqd@yahoo.com)

So sánh thì thấy, các mảng dịch vụ của Vietinbank chưa được đa dạng và phong phú như các NHTMCP. Vốn chuyên về tín dụng, là người đi sau liệu ông có cách nào phát triển các sản phẩm cho Vietinbank sau cổ phần hoá không?

 Ông Phạm Huy Hùng: Tôi cho rằng việc so sánh của bạn chưa có cơ sở. Sản phẩm dịch vụ của VietinBank hiện nay vẫn phát triển rất tốt. Trong tương lai, chúng tôi sẽ đưa ra nhiều các sản phẩm dịch vụ có chất lượng cao. Đối với hoạt động tín dụng, chúng tôi vẫn có tăng trưởng tốt trên cơ sở phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả, không chạy theo tín dụng đơn thuần để hứng chịu các rủi ro cao.

 

Nguyễn Việt Hà - KTQD, HN - (Email: ngvietha@svktqd.edu.vn)

Xin hỏi thầy Cao Cự Bội. Thầy có đầu tư chứng khoán không? Nếu theo thầy giá của Vietinbank là hấp dẫn, vậy thầy có đăng ký tham gia đấu giá không?

 GSTS. Cao Cự Bội: Chào bạn. Với tư cách là chuyên gia, tôi chỉ đưa ra những lời khuyên tư vấn, còn việc đầu tư chứng khoán liệu rằng tôi có trúng đấu giá hay không, trong khi bản thân những cán bộ lâu năm trong VietinBank mỗi năm cũng chỉ có khoảng 100 CP thôi. Vả lại, tổng số bán ra của NH này cũng không nhiều (chỉ có 4% vốn điều lệ)

 

Duy Hưng - Sài Gòn - (Email: hungsg@hcm,vnn.vn)

Xin hỏi đại diện SSI. Việc định giá 1 NH rất phức tạp, khó hơn nhiều định giá một doanh nghiệp SXKD đơn thuần. Xin hỏi phía SSI đã có kinh nghiệm trong việc định giá NH nào chưa? SSI có tham khảo mô hình định giá nào không? Liệu việc định giá Vietinbank có giống định giá Vietcombank của Credit Suite hay không?

 Bà Lê Lệ Hằng: Đúng là việc định giá ngân hàng khó hơn nhiều so với việc định giá một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên SSI không phải là đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp của Vietinbank mà là JP Morgan - một tổ chức tư vấn tài chính có uy tín trên thế giới. SSI chỉ tham gia hỗ trợ JP Morgan trong quá trình xác định giá khởi điểm đấu giá của Vietinbank. Việc định giá Vietinbank đã được JP Morgan thực hiện theo 03 phương pháp và được Chính phủ phê duyệt. Nếu bạn muốn có thêm thông tin chi tiết về vấn đề này, SSI sẽ liên hệ với đại diện JP Morgan để giải đáp thắc mắc.
IPO Vietinbank - Khẳng định sức mạnh thương hiệu ảnh 27
 

Hoàng Trang - Hà Nội - (Email: htranghanoi@gmail.com)

Được biết anh Hùng vừa công tác nước ngoài 1 tuần về. Xin cho biết kết quả đàm phán sơ lược về đối tác chiến lược sau chuyến đi này?

 Ông Phạm Huy Hùng: Chuyến công tác của chúng tôi hết sức thành công. Các thông tin cũng như chất lượng, kết quả hoạt động của NHCTVN khi tiếp xúc với các ngân hàng quốc tế lớn ở các quốc gia Đức, Pháp, Mỹ...đều được họ tiếp nhận và đánh giá rất cao. Đến nay, nhiều ngân hàng quốc tế lớn đã bày tỏ nguyện vọng mong muốn trở thành cổ đông chiến lược và cam kết đầu tư dài hạn đối với Ngân hàng Công thương Việt Nam.

 

Quỳnh Anh - TP. Đà Năng - (Email: Anhnguyenquynh@yahoo.com)

XIn hỏi các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và Cao cự Bội, nếu có tiền các ông có đầu tư cổ phiếu vào lúc này không? Nếu chưa mua các ông sẽ mua vào lúc nào và các ông có mua cổ phiếu Vietinbank với giá khởi điểm 20.000 đồng/cổ phiếu hay không và vì sao?

 GSTS. Cao Cự Bội: Nếu có tiền thì tôi sẽ mua ngay. Nhưng chắc gì tôi đã trúng thầu.

 

Nguyễn Thu Phương - 506B, Licogi 13, Khuất Duy Tiến, HN - (Email: nthuphuongktqd@yahoo.com)

Cải tổ bộ máy hoạt động là rất quan trọng trong mỗi doanh nghiệp cổ phần hoá, liệu Vietinbank có làm mạnh tay hay vẫn giữ lại cơ cấu bộ máy lãnh đạo và nhân viên có vẻ hơi cồng kềnh, kém năng suất so với các NHTMCP khác?

 Ông Phạm Huy Hùng: Một trong những mục tiêu của cổ phần hóa NHCTVN chính là tiếp tục thực hiện cải tổ bộ máy tổ chức và hoạt động của NHCTVN. Sau khi cổ phần hóa, NHCTVN sẽ có sự tham gia quản lý và điều hành của các cổ đông khác ngoài đại diện phần vốn Nhà nước, bao gồm cả các cổ đông chiến lược nước ngoài là các ngân hàng thương mại nước ngoài. Theo đó, buộc NHCTVN phải hoạt động theo các chuẩn mực quốc tế, tăng cường tính công khai minh bạch hóa và kinh doanh thực sự đạt năng suất chất lượng hiệu quả cao, phát triển bền vững.

 

Lê Hồng Thập - Việt Trì, Phú Thọ - (Email: hongthap_lee08@yahoo.com)

Xin hỏi các vị chuyên gia, tôi thấy Vietcombank trước khi cổ phần hóa thì thấy nói là sẽ thay đổi mô hình hoạt động, chiến lược phát triển… Nói thì rất nhiều, nhưng sau cổ phần hóa tôi thấy vẫn như vậy, chẳng có gì khác, cổ đông cũng chẳng có vai trò gì. Không hiểu Vietinbank có như vậy không?

 GSTS. Cao Cự Bội: Tôi cho rằng sau khi CPH sẽ có thay đổi về nhiều mặt, trước hết là quản trị ngân hàng theo chuẩn mực của CTCP (Luật định). Tôi tin rằng đó là trường hợp của VietinBank.

 

Lê Văn Vượng - Ninh Bình - (Email: Levanvuong@yahoo.com)

Thưa các vị diễn giả, tôi rất quan tâm tới cổ phiếu của ngành ngân hàng, nhưng tôi thấy cứ mỗi lần nền kinh tế khó khăn thì các ngân hàng đều rất khó khăn. Nếu tôi nhớ không nhầm cách đây 10 năm, thì có khá nhiều ngân hàng cổ phần nhỏ phải đóng cửa. Vậy theo các vị chuyên gia thì lần khủng hoảng này sẽ có khoảng bao nhiêu ngân hàng phá sản?

 GSTS. Cao Cự Bội: Với tư cách là chuyên gia, tôi cho rằng trong mỗi cuộc khủng hoảng, nếu có phá sản của 1 đơn vị nào đó cũng là điều bình thường, không chỉ tại VN mà còn ở trên thế giới.
Lần này tôi cảm nhận rằng trước khi có phá sản thì ít ra phải có tình trạng M&A.

 

Sau hơn 2 giờ đồng hồ tham gia trả lời câu hỏi của độc giả Đầu tư Chứng khoán điện tử gửi về, các khách mời đã rất cố gắng giải đáp và bình luận nhiều vấn đề xoay quanh sự kiện IPO của Vietinbank và những tác động của cuộc IPO này tới TTCK Việt Nam. Dù thời gian có hạn, nhưng Đầu tư Chứng khoán điện tử hy vọng cuộc giao lưu hôm nay có thể đem lại cho quý vị độc giả những thông tin và đánh giá hữu ích. Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị độc giả và chúc quý vị đầu tư thành công!